Tư liệu quốc tế
Nước Nga: Cuộc hành trình từ Yeltsin đến Putin và cuộc cọ xát Nga - Mỹ
Mạng tình báo toàn cầu STRATFOR (Mỹ) gần đây đã giới thiệu một loạt bài điểm xuyến về nước Nga mà STRATFOR đã đăng tải vào các thời điểm nổ ra các sự kiện chủ chốt trong những năm hậu Chiến tranh lạnh bắt đầu từ cuộc chiến ở Kosovo năm 1998. Qua đó, có thể thấy cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay là một phần trong nỗ lực của nước Nga khôi phục lại phạm vi ảnh hưởng của nước Nga trong cuộc cọ xát không ngừng nghỉ trước các nỗ lực kiềm chế của Mỹ và NATO.

PHẦN I
10/1998: Kosovo - thảm bại của Yeltsin
Mỹ và NATO đe dọa sử dụng vũ lực để ép Tổng thống Nam Tư (cũ) Slobodan Milosevic phải nhượng bộ bằng một thỏa thuận ngoại giao. Tuy nhiên, kết quả của cuộc khủng hoảng này không quan trọng bằng các ảnh hưởng của nó tới Moscow.
Mặc dù vẫn phải chịu đựng các hậu quả của nền kinh tế sụp đổ và rối loạn chính trị, nước Nga đang thống nhất tư tưởng về vấn đề khủng hoảng Kosovo. Mọi chính trị gia Nga đều đồng ý phải ngăn chặn sự can thiệp của NATO vào Nam Tư. Ông Leonid Ivashov - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Quốc phòng Nga - trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình công của Nga vào ngày 13/10 (1998) rằng chiến dịch chống lại Nam Tư là một khiêu khích đối với nước Nga; việc này sẽ tạo ra một tiền lệ để sau này các nước châu Âu khác, các nước trong khối SNG hoặc thậm chí là Nga cũng có thể là mục tiêu tiếp theo. Nga cho biết nếu NATO tấn công Nam Tư, họ sẽ hủy bỏ mọi thỏa thuận hợp tác với NATO và nối lại viện trợ quân sự cho Nam Tư (các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại…), bất chấp lệnh cấm vận quân sự được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, vào ngày 7/10 tờ Thời báo London cho rằng Nga đã cung cấp cho quân đội Nam Tư nhiều đầu đạn, kíp nổ và cảm biến cho hệ thống tên lửa đất đối không SA-6. Ngoài ra, dựa theo những báo cáo chưa được xác minh, Nam Tư đang sở hữu 50 hệ thống phòng không “Tunguska” - một trong những hệ thống vũ khí mới nhất của Nga, mới chỉ được bán cho các nước SNG và Ấn Độ. Các đảng phái trong Duma quốc gia Nga cũng có chung quan điểm cần phải lên án NATO trong sự kiện này. Ngoại trưởng Nga Igor Ivanov cho rằng sự kiện Kosovo đã cho thấy các yếu tố đem lại sự đoàn kết cho nước Nga, hướng tới sự trở lại của một cường quốc: chủ nghĩa dân tộc Slav, chính sách đối ngoại cương quyết và sự đối đầu với NATO …
Cuộc khủng hoảng ở Nam Tư đã cho thấy đường lối phát triển chính sách đối ngoại của Nga trong tương lai gần: Nga quyết tâm kiểm soát lại vùng ảnh hưởng truyền thống của mình. Thông qua việc phản đối NATO cũng như xích lại gần các nước SNG, nước Nga đang trên con đường trở lại với vị thế to lớn trong quá khứ. Trong sự kiện này, Tổng thống Yeltsin tỏ ra khá kín tiếng. Nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc ở Nga đã lên tiếng chỉ trích sự yếu kém trong lãnh đạo của Tổng thống, tạo ra cơ hội để phương Tây lợi dụng. Đây có thể là một trong những lí do dẫn tới sự thay đổi về cấu trúc lãnh đạo thượng tầng ở Nga trong tương lai.
12/2001: Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga
Sau khi Boris Yeltsin từ chức vào tháng 12/1999, Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga. Sau 2 năm cầm quyền, Tổng thống Putin đã hoàn thành việc kiểm soát hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của nước Nga. Với việc các nhà tài phiệt kinh tế (oligarch) đồng ý nhượng bộ, Putin đã có thể bắt tay vào công cuộc cải cách và phát triển, từ đó xây dựng cơ sở cho các chiến lược đối ngoại sau này.
Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh hiện đại hóa quân đội Nga làm nền tảng khôi phục tư thế cường quốc
của nước Nga hậu chiến tranh lạnh
7/2005: FSU - từ rút lui chiến lược sang phản kích chiến lược
Vùng phía Bắc lục địa Âu-Á hay Liên Xô cũ (FSU) đã và đang là một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới trong hơn 1000 năm qua, nhờ vào vị trí chiến lược và nguồn tài nguyên quý giá. Khư vực này đang tiến vào một giai đoạn lịch sử mới khi các thế lực bên ngoài (chủ yếu là Mỹ) đang nắm quyền chủ động và Nga đang chìm trong khủng hoảng. Vùng phía Bắc lục địa Âu-Á chiếm hơn 1/6 diện tích đất liền trên Trái đất; nó được coi như trung tâm của lục địa Âu-Á, đem lại những cơ hội cũng như nguy cơ cho các thế lực khác xuyên suốt lịch sử từ thời cổ đại đến nay.
Giai đoạn lịch sử đầu tiên kết thúc vào khoảng thế kỉ IX. Trong giai đoạn này, các bộ tộc du mục với lực lượng kị binh hùng mạnh đã xâm chiếm lãnh thổ từ châu Âu đến Trung Hoa. Người Hy Lạp, La Mã, Ba Tư, Macedonia đã chinh phục các vùng rìa của FSU. Giai đoạn thứ hai kéo dài từ thế kỉ IX đến năm 1480. Công quốc Rus’ ra đời vào năm 882 với kinh đô nằm ở Kiev, bao gồm người Slav và tất cả các bộ tộc khác ở Đông Âu. Vào năm 988, người Rus’ công nhận Chính thống giáo (Orthodox Christianity) là quốc giáo, từ chối đề nghị quy thuận của Giáo hoàng Công giáo ở Rome – một cơ sở cho sự khác biệt giữa Nga và phần còn lại của châu Âu sau này. Công quốc Rus’ đã ngăn chặn được sự xâm chiếm của các bộ lạc du mục, tham gia vào nền chính trị châu Âu thông qua các cuộc hôn nhân hoàng gia, các hoạt động thương mại và ngoại giao… Nước Nga bắt đầu giàu lên nhờ việc kiểm soát các tuyến đường thương mại quan trọng từ biển Baltic đến biển Đen, liên kết Tây và Bắc Âu với đế chế Byzantine và vùng Trung Đông. Sau đó, đế chế Mông Cổ đã chinh phục hầu hết lãnh thổ Nga vào thế kỉ XIII. Người Đức, Đan Mạch chiếm vùng Baltic; người Ba Lan và Litva chiếm vùng Ukraine và Belarus. Giai đoạn thứ ba kéo dài từ năm 1480 đến năm 1861. Trong thời gian này, nước Nga đã thực hiện công cuộc mở rộng lãnh thổ và trở thành một nhà nước hiện đại. Vào thế kỉ 16, vua Ivan Bạo chúa đã chiếm lại nhiều vùng ở Siberia từ người Mông Cổ. Peter Đại đế đánh bại quân đội Thụy Điển (được coi là mạnh nhất châu Âu thời bấy giờ) trong cuộc chiến phương Bắc (1700-1721) và chiếm lại vùng Baltic. Ông cũng thiết lập Đế chế Nga, cải cách đất nước theo hình mẫu phương Tây và mở cửa giao lưu với bên ngoài. Catherine Đại đế đánh lui người Thổ Nhĩ Kỳ và mở đường tới biển Đen, tạo ra con đường đến với Địa Trung Hải. Thành tựu lớn nhất của Đế chế Nga là việc tiêu diệt đội quân 600 nghìn người của Napoleon vào năm 1812, nhờ đó trở thành một cường quốc ở châu Âu. Năm 1861 đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới, với sự hủy bỏ chế độ nông nô và xã hội tư bản dần hình thành ở Nga. Cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 đã dẫn tới sự thành lập Liên bang Xô Viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Liên Xô đã vượt qua nhiều cuộc chiến tàn khốc, phát triển thành cường quốc số 2 trên thế giới. Tuy nhiên cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ cũng như các vấn đề nội tại đã làm cho Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.
Hiện nay, FSU đang ở giai đoạn lịch sử thứ 5. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, khu vực này bị chia cắt; chủ thể mạnh nhất là Nga thì suy yếu, không thể ngăn chặn sự thâm nhập của các thế lực bên ngoài. Từ đó đến nay, các nước trong khu vực đã có sự rút lui về mặt địa chính trị, không có một nỗ lực cụ thể để đối phó với các nguy cơ bên ngoài, đặc biệt là sự xuất hiện của Mỹ. Các biểu hiện như Ukraine hướng dần sang phương Tây sau cuộc bầu cử năm 2004, tỉ lệ sinh đẻ bằng 1/6 tỉ lệ tử vong… Nước Nga sẽ suy tàn nếu không có các biện pháp tức thời để khôi phục dân số.
Sau khi Tổng thống Putin tái đắc cử, nước Nga đã bắt đầu có một phản ứng chiến lược để tìm lại vị thế cường quốc trong khu vực. Người Nga nhận thấy rằng giai đoạn này không chỉ là sự suy thoái tạm thời; nếu không có các biện pháp mạnh mẽ và kịp thời thì không thể đảm bảo sự tồn tại sống còn của nó và các đồng minh lân cận. Nga đã từ chối các thỏa thuận nhượng bộ với Mỹ, cùng lúc đó họ xây dựng mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc và tích cực tìm kiếm các đồng minh khác. Moscow đã có những thỏa thuận buôn bán vũ khí lớn với các đối thủ của Mỹ; lên án công khai các hoạt động gây chia rẽ trong xã hội Nga của lực lượng tình báo Mỹ thông qua các tổ chức phi chính phủ. Tuy vậy, đây mới chỉ là sự bắt đầu vì Nga không có đủ nguồn lực để đối đầu trực tiếp với Mỹ, cùng với mong muốn giữ chân các nhà đầu tư phương Tây.
Có một số nhân tố chính trị và xã hội là lí do của chính sách này. Diện tích rộng lớn, sự đa dạng văn hóa và ước mơ về sự công bằng xã hội đòi hỏi một chính quyền trung ương mạnh mẽ để đảm bảo sự sinh tồn và phát triển. Tư tưởng về một đất nước vĩ đại và nỗi lo sợ về sự xâm chiếm của phương Tây cũng là những động lực để Nga vượt qua thảm họa địa chính trị này. Còn nhiều thử thách tồn tại trước mắt: tệ nạn quan liêu và tham nhũng, việc thiếu vắng kinh nghiệm dân chủ và các yếu tố tự nhiên, địa lý… Nhưng các nhân tố tích cực như truyền thống lãnh đạo của nước Nga, nguồn nhân lực trí thức chất lượng cao và nỗ lực chiến đấu phi thường trong những thời khắc sinh tử đem lại những cơ hội to lớn cho khu vực Liên Xô cũ.
4/2008: Nỗ lực khôi phục vùng ảnh hưởng truyền thống
Cuộc chiến của Mỹ ở Iraq đã tiêu tốn khá nhiều tài nguyên quân sự của Mỹ, đến mức họ gần như không thể tham gia vào một cuộc chiến lớn và lâu dài nếu không bỏ rơi Iraq. Tranh thủ việc mức giá năng lượng trên thế giới tăng cao và sự sao nhãng của Mỹ, Nga đã tận dụng cơ hội này để xây dựng lại vùng ảnh hưởng truyền thống của mình, với các mục tiêu chính là phối hợp chính sách hàng hóa khu vực để tăng cường lợi nhuận và hạn chế sự mở rộng của NATO. Ukraine là trọng điểm trong chính sách này: nếu Ukraine rơi vào vòng tay của phương Tây, các lực lượng NATO sẽ chỉ cách Volgograd (trước là Stalingrad) 100km.
Sau đó, Tổng thống Bush đã có những động thái khá quyết liệt: Mỹ đã ủng hộ cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine, với mục tiêu cổ vũ tư tưởng thân Mỹ ở nước này. Tổng thống Bush cũng đã có chuyến thăm Ukraine trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO, và kêu gọi bắt đầu quá trình đưa Ukraine và một số nước Balkan gia nhập NATO. Tuy vậy, quá trình này đang vấp phải sự phản đối của một số thành viên NATO, đặc biệt là Đức, do lo ngại về khả năng Ukraine không đáp ứng được các tiêu chuẩn quân sự của NATO và các tiếng nói phản đối từ người dân Ukraine. Với tính toán rằng Nga không có đủ khả năng để gây bất ổn ở khu vực Trung Đông, Tổng thống Bush đi một nước cờ khá mạo hiểm: mở một mặt trận mới trong khi mặt trận khác chưa kết thúc. Mục tiêu tối thượng của nước cờ này là bao vây nước Nga một lần nữa, không cho nước Nga trở lại với vị thế vốn có của nó.
10/2011: Khởi nguồn cho một cuộc đối đầu mới Nga-Mỹ
Quan hệ Nga-Mỹ trong thời gian gần đây khá yên ắng, do có nhiều quan điểm khác nhau ở Washington về bản chất chính sách đối ngoại hiện nay của Nga. Mỹ muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga để giải quyết các vấn đề Afghanistan và Iran, trong khi đó Nga vẫn hướng tới việc thiết lập lại ảnh hưởng trong khu vực các nước láng giềng - một mục tiêu xuyên suốt lịch sử hơn 100 năm của nước Nga.
Không giống các cường quốc khác, vùng trung tâm của nước Nga (Moscow) không có các lá chắn tự nhiên để bảo vệ, do đó người Nga luôn phải cố gắng mở rộng lãnh thổ của mình để tạo ra một không gian chiến lược ngăn cách các kẻ thù từ bên ngoài. Để thiết lập một đế chế rộng lớn như vậy cần có lực lượng quân sự mạnh, tuy nhiên nền kinh tế thường kém phát triển hơn do nhu cầu quá lớn và đa dạng của người dân, cũng như sự chống đối liên quan đến vấn đề phân phối của cải và dân tộc. Một chính quyền trung ương mạnh cũng là nhân tố cần thiết để duy trì trật tự và an ninh của đế chế đó. Tổng thống Putin đang áp dụng đúng những chiến lược trên: Lên nắm quyền khi nước Nga đang chìm sâu trong suy thoái và bất ổn, Putin đã củng cố lại hệ thống chính trị và kinh tế và tạo ra uy tín trong xã hội. Các yếu tố bên ngoài đang trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết: Mỹ ủng hộ các nước thuộc Liên Xô cũ gia nhập NATO, đứng sau các cuộc cách mạng màu ở Ukraine, Georgia và Kyrgyzstan, thành lập các căn cứ quân sự ở khu vực Trung Á và tuyên bố sẽ thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Do đó, nước Nga phải trở lại các khu vực ảnh hưởng cũ và cố gắng hạn chế ảnh hưởng của phương Tây ở các nước xung quanh để đảm bảo sự tồn tại của mình.
Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ tái tranh cử vào năm 2012; nước Nga sẽ đi đầu trong việc thành lập Liên minh Âu-Á với sự tham gia của các nước SNG. Điều này không hướng tới sự trỗi dậy của một Liên Xô mới; Moscow chỉ mong muốn chi phối chính sách đối ngoại và an ninh chứ không can thiệp sâu vào nội bộ của các quốc gia than hữu. Liên minh này theo kế hoạch sẽ ra đời vào năm 2015, khi Mỹ đã hoàn thành rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Đó có thể là khởi nguồn cho một cuộc đối đầu mới giữa Nga và Mỹ[1].
PHẦN II
Ukraine trong bàn cờ của phương Tây kiềm chế nước Nga
2/2014: mở đầu thảm họa địa chính trị đối với Châu Âu
Chắc chắn Ukraine là nơi ta sẽ bắt đầu. Đất nước này mang ý nghĩa sống còn với nước Nga: một vùng đệm nhằm ngăn chặn phương Tây và con đường vận chuyển năng lượng tới châu Âu - nền tảng của kinh tế Nga. Vào ngày 1/6, Tổng thống Ukraine là Viktor Yanukovich, được biết đến với tư tưởng thân Nga. Không thể nói rằng Ukraine dưới sự nắm quyền của Yanukovich là một con rối của nước Nga do tình hình chính trị và xã hội ở nước này rất phức tạp. Nhưng có thể nói rằng với sự lãnh đạo của Tổng thống Yanukovich, các lợi ích cốt lõi của Nga ở Ukraine đã được đảm bảo.
Đây là một yếu tố tối quan trọng với Putin. Một trong những lí do Putin lên nắm quyền thay cho Boris Yeltsin vào năm 2000 là màn trình diễn nghèo nàn của Yeltsin trong cuộc chiến Kosovo. Nga đã liên minh với Nam Tư, và tỏ rõ ý kiến rằng không muốn NATO gây chiến với Nam Tư. Tuy nhiên ý kiến đó đã bị bỏ qua; quan điểm của Nga không là gì đối với các nước phương Tây. Tuy nhiên, sau khi cuộc không kích không thể làm chính quyền Belgrade sụp đổ, người Nga đã đàm phán về một thỏa thuận cho phép NATO đưa lính vào kiểm soát Kosovo. Thỏa thuận đó cũng cho phép quân đội Nga đóng một vai trò quan trọng trong quá trình gìn giữ hòa bình ở Kosovo. Nhưng người Nga chưa bao giờ được làm điều đó, và Yeltsin đã không làm gì để đáp trả lại sự xúc phạm này.
Putin thay thế Yeltsin còn vì tình trạng thảm họa của nền kinh tế Nga. Mặc dù từ lâu Nga không phải là một nước giàu, tuy nhiên mọi người đều cảm giác rằng Nga là một thế lực phải dè chừng trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên dưới thời Yeltsin, nước Nga càng ngày càng nghèo hơn và mất đi vị thế quốc tế vốn có của mình. Do vậy Putin phải giải quyết cả hai vấn đề đó. Ông đã nói sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỉ XX; nhưng Putin đã mất một thời gian dài mới có thể khôi phục sức mạnh Nga. Điều này không có nghĩa là Putin muốn khôi phục lại Liên Xô, mà ông ấy muốn xây dựng lại vị thế của Nga trên trường quốc tế cũng như bảo vệ và phát triển lợi ích quốc gia của Nga.
Điểm nhấn của vấn đề này là cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine vào năm 2004. Năm đó Yanukovich được bầu làm tổng thống, nhưng lực lượng biểu tình đã tỏ ra nghi ngờ và đòi tổ chức bầu cử lần 2. Yanukovich thất bại, và một chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền. Vào thời điểm đó, Putin đã cáo buộc CIA và các cơ quan tình báo phương Tây đứng đằng sau các cuộc biểu tình. Đây là thời khắc mà Putin gần như công khai cho rằng phương Tây có ý định tiêu diệt Liên bang Nga giống như đối với Liên Xô trước đây. Với Putin, tầm quan trọng của Ukraine là quá rõ ràng. Do đó, Putin tin rằng CIA đã tổ chức cuộc biểu tình nhằm đưa Nga vào một tình thế nguy hiểm, và lí do duy nhất cho việc này là mong muốn phá hoại và hủy diệt nước Nga. Cùng với kinh nghiệm từ vụ Kosovo, Putin chuyển từ nghi ngờ sang thù địch đối với phương Tây.
Từ năm 2004 đến năm 2010, người Nga đã nỗ lực giảm thiểu các ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Cam. Họ đã xây dựng lại lực lượng quân sự, tập trung sức mạnh tình báo và mọi ảnh hưởng kinh tế có được để thiết lập lại mối quan hệ với Ukraine. Nếu họ không kiểm soát được Ukraine, họ cũng không muốn Mỹ hay châu Âu làm được điều đó. Tất nhiên đó là lợi ích quốc tế quan trọng nhất đối với họ.
Cuộc chiến với Georgia năm 2008 mang ý nghĩa với Ukraine nhiều hơn là với vùng Caucasus. Lúc đó Mỹ đang sa lầy trong hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Dù không có hiệp định chính thức gì với Georgia, Mỹ vẫn có một quan hệ khăng khít và những đảm bảo bất thành văn đối với an ninh của nước này. Cuộc chiến Georgia có hai mục tiêu. Thứ nhất là để biểu trưng sức mạnh quân sự Nga; năm 2008 quân đội Nga đã có thể hoạt động hiệu quả, tốt hơn nhiều so với sự hỗn loạn của năm 2000. Thứ hai, họ muốn tuyên bố với các nước trong khu vực, đặc biệt với chính quyền Kiev, rằng mọi đảm bảo của Mỹ, dù công khai hay ám chỉ đều không có giá trị. Vào năm 2010, Yanukovich đã được bầu làm Tổng thống Ukraine, đảo ngược tiến trình của Cách mạng Cam và hạn chế ảnh hưởng của phương Tây ở nước này.
Nhận thấy sự rạn nứt ngày càng gia tăng trong quan hệ với Nga và xu hướng bài Mỹ trong khu vực Liên Xô cũ, chính quyền Obama đã cố gắng xây dựng lại các kiểu quan hệ cũ khi Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố “tái khởi động” mối quan hệ với Nga vào năm 2009. Nhưng Putin cho rằng mối quan hệ này gợi nhớ đến “ngày xưa đen tối”, và không có hứng thú gì với nó. Thay vào đó, Putin thấy rằng Mỹ đang chuyển sang thế phòng ngự, và có ý định khai thác lợi thế đó.
Putin đã làm như vậy ở châu Âu, với việc tạo dựng mối quan hệ tốt với châu Âu, đặc biệt là Đức, nhờ vào sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng từ Nga. Nhưng thành tựu lớn nhất của Putin là vụ việc ở Syria, khi chính quyền Obama đe dọa không kích sau khi Damascus sử dụng vũ khí hóa học để đối phó với quân nổi dậy. Người Nga đã kịch liệt phản đối kế hoạch của Obama và đưa ra một sang kiến đàm phán. Trong cuộc khủng hoảng này, nước Nga cho thấy một hình ảnh cương quyết và mạnh mẽ; người Mỹ tỏ ra thiếu quyết đoán và yếu đuối. Mặc dù nền kinh tế cho thấy các dấu hiệu không tốt, vị thế Nga ngày càng được nâng cao, cùng với đó là uy tín của Putin.
Mọi thứ có còn thuận lợi với Putin?
Các sự kiện xảy ra tại Ukraine trong năm 2014 là thảm họa đối với Putin. Trong tháng 1, Nga hoàn toàn kiểm soát Ukraine. Đến tháng 2, Yanukovich phải trốn chạy khỏi đất nước và một chính phủ thân phương Tây được thành lập ở Kiev. Cuộc nổi dậy ở miền Đông Ukraine chống lại chính phủ đó được Putin chờ đợi, nhưng nó đã không xảy ra. Trong khi đó, chính phủ Kiev dần dần củng cố quyền lực với sự giúp đỡ của các cố vấn phương Tây. Đến tháng 7, những lực lượng thân Nga chỉ kiểm soát được một số phần nhỏ của Ukraine. Trong đó có Crimea - nơi người Nga luôn có sự hiện diện quân sự thông qua các hiệp ước, và những thị trấn trong vùng tam giác Donetsk - Luhansk - Severodonetsk do quân nổi dậy cùng với lực lượng đặc công Nga kiểm soát.
Nếu không có cuộc đảo chính ở Ukraine, chiến lược của Putin là để chính phủ Kiev tự quyết định các thỏa thuận của họ và chia rẽ Mỹ với châu Âu dựa vào việc lợi dụng quan hệ thương mại và năng lượng với EU. Và đây là lúc mà vụ rơi máy bay MH-17 trở nên quan trọng nhất. Nếu có chứng cứ chắc chắn rằng Nga đã cung cấp các hệ thống phòng không và nhân lực cho quân đội ly khai (do việc sử dụng các hệ thống này đòi hỏi quá trình tập luyện lâu dài), Nga có thể bị quy trách nhiệm về việc bắn rơi máy bay. Và điều đó có nghĩa là khả năng chia rẽ Mỹ và châu Âu bị giảm đi đáng kể; Putin từ một nhà cầm quyền hiệu quả, tinh tế và quyết đoán trở thành một người yếu kém và nguy hiểm, theo đuổi một sự hồi sinh vô vọng với các phương cách sai lầm.
Trong lúc này Putin phải nghĩ về kết cục của những người tiền nhiệm. Tháng 10/1964, Nikita Khruhschev trở về sau kì nghỉ và được biết đệ tử của mình là Leonid Brezhnev đã lên nắm quyền; Khrushchev phải đối mặt với các cáo buộc về các chính sách thiếu suy nghĩ. Khrushchev vừa bị bẽ mặt trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Điều đó cộng với việc ông ta không thể đưa nền kinh tế Liên Xô đi lên sau một thập kỷ nắm quyền đã khiến những người thân cận nhất cho ông ta về nghỉ hưu. Một bước lùi lớn trong ngoại giao và sự yếu kém về kinh tế đã lật nhào một vị lãnh đạo tưởng như không thể gục ngã.
Tình hình kinh tế Nga hiện nay không thảm hại như dưới thời Khrushchev hay Yeltsin, nhưng càng ngày càng xấu đi và không theo kịp các mục tiêu đề ra. Sau khi hồi phục lại từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, tốc độ tăng GDP của Nga liên tục giảm và Ngân hàng Trung ương Nga dự báo năm nay GDP của Nga sẽ không tăng trưởng. Với các áp lực hiện này, có thể thấy nền kinh tế Nga sẽ rơi vào khủng hoảng trong năm 2014. Số nợ của các chính quyền khu vực đã tăng gấp đôi trong 4 năm qua; một số vùng đang tiến đến bờ vực phá sản. Bên cạnh đó, một số tập đoàn khai khoáng và luyện kim cũng phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Cuộc khủng hoảng Ukraine càng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. 76 tỉ USD là số vốn được rút ra khỏi Nga 6 tháng đầu năm nay, trong khi cả năm 2013 chỉ có 63 tỉ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm giảm hơn 50% so với cùng thời kì năm 2013. Và tất cả các điều này xảy ra khi giá dầu vẫn ở trên mức 100 USD/1 thùng.
Uy tín trong nước của Putin đã tăng cao sau kì Olympic mùa Đông thành công ở Sochi và việc nắm quyền kiểm soát Crimea. Rốt cuộc thì Putin đã xây dựng danh tiếng dựa trên sự cứng rắn và quyết liệt. Nhưng khi tình hình Ukraine trở nên rõ ràng hơn, những thắng lợi đó sẽ được coi là cách để rút lui khi tình hình kinh tế xấu đi nghiêm trọng. Với nhiều nhà lãnh đạo, khủng hoảng Ukraine không phải là một thử thách lớn lao. Nhưng Putin đã xây dựng hình ảnh dựa trên một chính sách đối ngoại cứng rắn, và nền kinh tế Nga cho thấy sự ủng hộ dành cho ông trước sựu kiện Ukraine là không thật sự cao.
Hình dung một nước Nga hậu Putin
Quá trình dân chủ không phải chìa khóa để suy nghĩ về tương lai của nước Nga, do Putin đã thiết lập một hệ thống chính phủ khác. Putin đã khôi phục một số yếu tố Xô-viết trong cơ cấu chính phủ, thậm chí sử dụng cụm từ “Bộ chính trị” (Politburo) để chỉ nội các Nga hiện nay. Tất nhiên mọi người trong đó đều do Putin lựa chọn, và thường thì họ sẽ trung thành với ông ấy. Tuy nhiên trong Bộ chính trị kiểu Liên Xô thì những người thân cận nhất thường là những người nguy hiểm nhất.
Mô hình Bộ chính trị được thiết kế để lãnh đạo có thể xây dựng liên minh giữa các phe phái. Putin đã làm rất tốt việc đó, tuy nhiên sự kiểm soát này đang yếu dần do niềm tin vào khả năng của Putin đã giảm; nhiều phe phái lo lắng về các hậu quả của việc ủng hộ một nhà lãnh đạo mắc phải những sai lầm. Putin có thể bị thay thế bởi những người thân cận giống như Khrushchev , khi thất bại trên cả phương diện kinh tế và ngoại giao.
Khó có thể biết một cuộc thay thế sẽ diễn ra như thế nào, do quá trình hợp hiến tồn tại song song với truyền thống thừa kế của Putin. Từ một góc nhìn dân chủ, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cũng nổi tiếng như Putin và uy tín sẽ còn tăng nữa. Trong một cuộc cạnh tranh kiểu Liên Xô, Tổng Tham mưu trưởng Sergei Ivanov và Chủ tịch Hội đồng An ninh Nicolai Patryushev cũng là những ứng cử viên tiềm năng. Nhưng vẫn còn những người khác nữa; ai có thể đoán trước được sự trỗi dậy của Mikhail Gorbachev?
Cuối cùng thì những chính trị gia tính toán và xử lý sai lầm thường không thể tồn tại được. Putin đã tính sai trong vụ việc Ukraine: không đoán trước được sự sụp đổ của một đồng minh, không phản ứng kịp thời và vấp ngã khi cố lấy lại những gì đã mất. Khả năng quản lí kinh tế của Putin cũng không phải là xuất sắc. Có những đồng nghiệp của Putin tin rằng họ có thể làm tốt hơn, và hiện nay có những người quan trọng ở châu Âu muốn Putin xuống đài. Putin phải đảo ngược làn sóng đó hoặc bị truất quyền.
Có thể còn lâu nữa Putin mới rớt đài. Nhưng ông ấy đã nắm quyền 14 năm tính cả thời gian Dmitri Medvedev làm tổng thống. Có thể Putin sẽ lấy lại được vị thế, nhưng tôi nghĩ các đồng nghiệp của ông ấy sẽ không ngồi yên. Putin phải nghiên cứu kĩ các lựa chọn của mình. Rút lui và chấp nhận tình trạng hiện nay ở Ukraine là rất khó do bài học từ vụ Kosovo và các phát biểu của Putin những năm qua. Nhưng tình huống hiện nay rất khó đoán; nếu Putin cảm thấy mình gặp phải một nguy cơ chính trị nghiêm trọng, ông ấy sẽ trở nên quyết liệt hơn. Người ta không chắc rằng Putin đang gặp phải tình huống đó, nhưng gần đây nhiều thứ cho thấy khả năng ấy hoàn toàn có thể xảy ra. Giống như mọi cuộc khủng hoảng chính trị khác, các biện pháp cực đoan sẽ xuất hiện và mức độ tăng dần lên khi tình hình xấu đi.
Những người cho rằng Putin là nhà lãnh đạo Nga có uy quyền và quyết liệt nhất nên nghĩ lại. Ví dụ: Lenin là một nhà lãnh đạo đáng sợ; Stalin thậm chí còn khủng khiếp hơn. Có thể sau này thế giới sẽ nhận thấy thời kì của Putin là thời kì của sự tự do và khó lường. Nếu cuộc chiến để tồn tại của Putin với những kẻ thách thức trở nên căng thẳng và khốc liệt hơn, khả năng tất cả mọi chủ thể trở nên tàn bạo là rất cao[1]./.
- Viễn cảnh về cuộc chiến tranh thế giới thứ ba năm 2034
- Phong trào “Chiếm trung tâm” Hong Kong có thể thất bại trước ý chí Bắc Kinh
- Quan hệ Trung - Nhật một chút tan băng
- Xu hướng giá dầu giảm còn tiếp diễn
- 8 nguy cơ không thể tránh được trong năm 2015
- Trung Quốc phát triển hệ thống cảng biển lưỡng dụng hải ngoại