Tư liệu quốc tế
Quan hệ Trung - Nhật một chút tan băng
Quan hệ Trung - Nhật có dấu hiệu ít nhiều “tan băng” sau cuộc gặp Tập Cận Bình – Shinzo Abe bên lề Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 tại Bắc Kinh. Cuộc hội kiến 30 phút giữa hai nhà lãnh đạo tái khẳng định lại 4 điểm nhận thức chung nhằm thúc đẩy cải thiện quan hệ song phương hiện nay. Tuy nhiên, việc cải thiện quan hệ Trung - Nhật vẫn còn trải qua một chặng đường dài, chưa hết gập ghềnh trắc trở, mà trở lực chính vẫn là vấn đề lịch sử, vấn đề chủ quyền biển đảo, đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào chính trị nội bộ mỗi nước, trước hết là Nhật Bản.
Ngày 10/11, bên lề Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Đại lễ đường Nhân dân. Đây là lần hội kiến đầu tiên sau gần 3 năm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Tuy nhiên, thái độ lạnh nhạt của phía chủ nhà trong cuộc hội kiến lần này khiến thế giới ấn tượng sâu sắc. Bộ mặt nghiêm túc và gần như không cười của hai nhà lãnh đạo khi hội kiến đã phần nào cho thấy “nút thắt” trong quan hệ Trung - Nhật nhất thời vẫn chưa thể mở ra được.
Đạt được 4 nhận thức chung
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu các Vấn đề quốc tế Trung Quốc, Khuất Tinh cho Thời báo Hoàn cầu biết, đây chỉ là một cuộc hội kiến mang tính chất “xã giao”, không phải là hội đàm. Theo Thương báo Hồng Kông, Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được 4 nhận thức chung để cải thiện quan hệ Trung - Nhật: Một, hai bên xác nhận sẽ tuân thủ các nguyên tắc và tinh thần trong 4 văn kiện chính trị Trung - Nhật, tiếp tục phát triển quan hệ chiến lược cùng có lợi Trung - Nhật. Hai, trên tinh thần “nhìn thẳng vào lịch sử, hướng tới tương lai”, hai bên đã đạt được một số đồng thuận về việc khắc phục các chướng ngại chính trị ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Ba, hai bên nhận thức được rằng, cả hai đều có những chủ trương khác nhau liên quan đến tình hình căng thẳng những năm gần đây trên biển Hoa Đông, ví dụ như vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku, hai bên đồng ý thông qua hiệp thương đối thoại để tránh làm cho tình hình trở nên xấu đi, xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng, tránh để xảy ra những tình huống bất ngờ. Bốn, hai bên đồng ý sử dụng các kênh đa phương để khởi động lại đối thoại an ninh, ngoại giao và chính trị, nỗ lực xây dựng tin tưởng chính trị song phương.
Phía Nhật Bản đặc biệt chú ý đến cuộc hội kiến lần này. Vào chiều ngày 10/11, Đài truyền hình Nhật Bản bắt đầu cho trình chiếu chương trình đặc biệt về chủ đề “Hội đàm cấp cao Nhật - Trung”, trong thời lượng gần 20 phút phát sóng, đoạn phóng sự quay đi quay lại cảnh bắt tay của hai nhà lãnh đạo, đồng thời chương trình còn mời các chuyên gia giải thích ý nghĩa của động thái này. Theo bản tin, khi bắt tay với Chủ tịch Tập, Thủ tướng Abe đã chủ động nói, “có thể thông qua diễn đàn APEC để hội kiến với Chủ tịch Tập, tôi cảm thấy rất đỗi vui mừng”. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình không hề hồi đáp lại. Theo thông tin, cuộc hội đàm, không đề cập đến các vấn đề thực chất, mà chủ yếu là xác nhận lại lần nữa 4 nhận thức chung mà hai bên đã phát biểu trước đó; điểm mới là hai bên nhất trí xây dựng xây dựng cơ chế an ninh trên biển.
Trong cuộc hội kiến, ông Tập không hề nhắc đến vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, Đền Yasukuni hay việc Nhật Bản bổ sung quyền tự vệ tập thể… Tuy nhiên những phát biểu của ông Tập đều có ý ám chỉ đến các vấn đề này. Ông nói, chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc chủ trương trên cơ sở 4 văn kiện chính trị Trung - Nhật, theo tinh thần nhìn thẳng vào lịch sử, hướng đến tương lai, để thúc đẩy quan hệ Trung - Nhật phát triển.
Ông chỉ ra rằng, hai năm nay, quan hệ Trung - Nhật rõ ràng đã vấp phải nhiều sóng gió. Hai bên đã đưa ra 4 điểm nhận thức chung để xử lý và cải thiện quan hệ Trung - Nhật, Trung Quốc hy vọng phía Nhật Bản sẽ xử lý tốt các vấn đề liên quan trên tinh thần nhận thức chung giữa hai bên. Ông cũng nhấn mạnh, vấn đề lịch sử liên quan đến tình cảm của hơn 1,3 tỷ người dân Trung Quốc, liên quan đến bức tranh chung hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, chỉ khi Nhật Bản cam kết tuân thủ văn kiện chính trị song phương Trung - Nhật, nước này mới có thể cùng các quốc gia láng giềng châu Á phát triển quan hệ hữu nghị hướng tới tương lai.
Tại sao Nhật Bản lại muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc?
Theo tác giả Hoàng Đại Tuệ, trên trang guancha.cn, có 4 nguyên nhân khiến Thủ tướng Shinzo Abe muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Trước tiên, chiến lược “ngoại giao láng giềng” của Nhật Bản đang bước vào tình thế khó khăn. Ngoài ra, Nhật Bản cũng lo ngại “Hợp tác Trung - Mỹ - Nhật” sẽ bị thay thế bởi “Hợp tác Trung - Mỹ - Hàn”, từ đó có thể đẩy Nhật Bản sang vùng ven và bị cô lập. Thứ hai, áp lực từ phía Mỹ đốc thúc Nhật Bản cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Mặc dù Nhật Bản là đồng minh và cứ điểm quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tuy nhiên Mỹ không mong muốn nước này làm căng thẳng thêm các mâu thuẫn với Hàn Quốc và Trung Quốc về các vấn đề lãnh thổ và lịch sử, như vậy sẽ gây nhiễu loạn cho quá trình bố trí chiến lược tại khu vực Đông Á của Mỹ. Thủ tướng Abe ý thức được rằng, cải thiện quan hệ Trung - Nhật đã trở thành tiền đề quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Thứ ba, việc gấp rút cải thiện quan hệ với Trung Quốc của ông Abe còn xuất phát từ ý đồ chính trị. Theo cách tính toán lý tưởng của ông Abe, một khi hiện thực hóa được hội đàm cấp cao Trung - Nhật, hòa hoãn căng thẳng quan hệ Trung - Nhật không chỉ có lợi cho việc cải thiện hình tượng “kẻ gây rối” trong khu vực của Nhật Bản, mà còn có có thể giảm bớt áp lực từ việc Mỹ đốc thúc Nhật Bản cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Việc có thể giải quyết ổn thỏa quan hệ Trung - Nhật, sẽ giúp ông Abe tăng điểm trong mắt cử tri trong nước. Đương nhiên, ông Abe cũng rất cần “con bài Trung Quốc” trong đàm phán TPP và quá trình trở thành thành viên thường trực của Liên hợp quốc. Thứ tư, xuất phát từ nguyên nhân kinh tế trong nước. Ông Abe ý thức rõ ràng rằng, muốn vực dậy nền kinh tế Nhật Bản, buộc phải tiến hành cải cách kết cấu, buộc phải nhờ vào những nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là sức mạnh kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của các nước châu Âu, Mỹ và các thị trường mới nổi ảm đạm cũng như những rủi ro của học thuyết Abenomics ngày càng nổi cộm, việc phát triển hợp tác kinh tế với Trung Quốc sẽ trở thành nghị trình quan trọng của chính phủ Nhật Bản. Hơn nữa, ông Abe cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ giới kinh tế Nhật Bản về việc yêu cầu cải thiện quan hệ Nhật - Trung.
Ông Abe phát biểu, nói rằng, Nhật Bản đồng ý thực hiện 4 điểm nhận thức chung giữa hai nước, giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan, coi đó là điểm xuất phát mới để thúc đẩy quan hệ chiến lược cùng có lợi Nhật - Trung cải thiện và phát triển. Nhật Bản quyết tâm tiếp tục đi theo con đường phát triển hòa bình, nhiệm kỳ chính phủ lần này của Nhật Bản sẽ tiếp tục những nhận thức về các vấn đề lịch sử của các chính phủ tiền nhiệm.
Đài NHK của Nhật Bản cho hay, Thủ tướng Abe đã ngay lập tức tổ chức họp báo sau buổi hội kiến. Ông nói: “Hai nước Nhật - Trung đã quay trở lại điểm khởi đầu của quan hệ chiến lược cùng có lợi, tiến một bước quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương. Không chỉ là các quốc gia châu Á, mà còn rất nhiều quốc gia khác cũng đặt kỳ vọng vào đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Nhật - Trung”.
Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản cho biết, cuộc hội đàm cấp cao lần này đã giúp cho việc cải thiện quan hệ Nhật - Trung bước sang một trang mới mà trước đó vốn dĩ bị cản trở bởi vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku và các vấn đề lịch sử khác. Tuy nhiên, quan hệ Nhật -Trung “trên bề mặt có vẻ rất hữu hảo, song trên thực tế vẫn tồn tại 3 nguy cơ, bao gồm: vấn đề lịch sử, vấn đề lãnh thổ và vấn đề đảm bảo an ninh”. Phóng sự dẫn lời của chuyên gia Cho Moto, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Đại học Tokyo Fukushi, nhận xét: Trong cuộc hội kiến lần này, Chủ tịch Tập không hề mỉm cười với Thủ tướng Abe, trong khi đó đón tiếp bất cứ các nguyên thủ quốc gia nào trước đó, ông Tập đều “tươi cười rạng rỡ”. Sau hội đàm, mặc dù ông Abe nhấn mạnh, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ trở lại điểm khởi đầu xây dựng quan hệ chiến lược cùng có lợi, tuy nhiên, không thể kỳ vọng chính sách của Trung Quốc đối với Nhật Bản sẽ có những thay đổi đáng kể. Đài truyền hình Nhật Bản hôm 10/11 cho biết, trước đây mỗi khi có cơ hội là Thủ tướng Abe lại kêu gọi cùng Trung Quốc tổ chức hội đàm, qua đó tạo ra một không khí dư luận rằng “Nhật Bản muốn cải thiện quan hệ, song cánh cửa phía Trung Quốc lại đóng chặt”. Trong khi đó, Trung Quốc với tư cách là nước chủ nhà APEC lần này, việc hội kiến với ông Abe cũng chỉ nhằm phát đi thông điệp với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc nguyện cải thiện quan hệ với Nhật Bản.
Những khác biệt thể hiện qua ngôn từ và cử chỉ ngoại giao
Tuy nhiên, thông qua một email, một quan chức chính phủ Nhật Bản cho tạp chí The Diplomat biết, “Chúng tôi không khuất phục trước yêu cầu của phía Trung Quốc trong việc thừa nhận có tồn tại tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku”.
Tại Nhật Bản, bản dịch tiếng Anh của tuyên bố giữa Trung Quốc và Nhật Bản như sau: “Hai bên thừa nhận rằng hai nước có những quan điểm khác biệt về việc để xảy ra một số căng thẳng tại vùng biển Hoa Đông trong những năm gần đây, bao gồm những khu vực gần quần đảo Senkaku”.
Vị quan chức chính phủ nêu trên cho biết, câu nói trên đã được “viết rất cẩn thận”. “Chúng tôi không thừa nhận bất cứ sự khác biệt về lập trường nào tại quần đảo Senkaku, chúng tôi chỉ thừa nhận chúng tôi có những quan điểm khác biệt về nguyên nhân gây ra căng thẳng” tại biển Hoa Đông mà thôi.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, tuyên bố trên lại được dịch sang tiếng Anh như sau: “Hai bên thừa nhận có lập trường khác nhau liên quan đến những căng thẳng gần đây tại quần đảo Điếu Ngư và một số vùng biển tại Hoa Đông”. Cụm từ “lập trường khác nhau” dường như ám chỉ Trung Quốc và Nhật Bản có lập trường khác nhau về vấn đề chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư. Trên thực tế, bản dịch này cũng giống cách mà Tân Hoa Xã đưa tin, trong đó câu đầu tiên nhấn mạnh rằng, Nhật Bản và Trung Quốc “thừa nhận có lập trường khác biệt về quần đảo Điếu Ngư”.
Tờ Báo buổi sáng Liên hợp (Trung Quốc) ngày 10/11 đưa tin, trong hội kiến, cả Chủ tịch Tập và Thủ tướng Abe đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Trung - Nhật, tuy nhiên, điểm nhấn mạnh của hai nhà lãnh đạo rõ ràng khác biệt: ông Tập nhấn mạnh đến vấn đề lịch sử, nhấn mạnh Nhật Bản cần tuân thủ “Tuyên bố Murayama” về trách nhiệm chiến tranh; trong khi đó, Thủ tướng Abe lại nói với phóng viên, hai nước Nhật - Trung sẽ triển khai hội đàm về cơ chế quản lí kiểm soát khủng hoảng trên biển Hoa Đông. Ông Abe nhấn mạnh cần đàm phán với Trung Quốc để xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng tại biển Hoa Đông, mục đích là muốn chứng minh với dân chúng Nhật Bản rằng, để có thể hội kiến với lãnh đạo Trung Quốc, ông đã không tiếc đưa ra thừa nhận Nhật Bản và Trung Quốc có những nhượng bộ cũng như chủ trương khác nhau trên vấn đề Senkaku, để xây dựng cơ chế hòa bình trên biển, giảm khả năng bùng phát xung đột với Trung Quốc.
Ông Khúc Tinh cho Thời báo Hoàn cầu biết, vấn đề quan hệ Trung - Nhật là vấn đề mang tính kết cấu, quá trình cải thiện sẽ tương đối dài, không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục có những trắc trở. Các chính trị gia tại các nước phương Tây chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy, rất khó có thể sản sinh ra các nhà chiến lược có tầm nhìn viễn kiến, do vậy những phán đoán chiến lược trong quan hệ Trung - Nhật không phải dễ dàng. Có thể thấy, biến số trong quan hệ Nhật - Trung vẫn sẽ rất lớn. Ông Khúc Tinh cho biết, không loại trừ khả năng Thủ tướng Abe có những cân nhắc chính trị riêng của mình, ông Abe không thể không cân nhắc đến tình hình chính trị, dư luận trong nước. Hiện nay, tình hình ngoại giao láng giềng của Nhật Bản đang xấu đi, quan hệ với Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc đều không mấy tốt đẹp. Một chính trị gia mà có lịch sử ngoại giao láng giềng không mấy thành công thì đương nhiên rất khó để có thể có những thành tích chính trị vượt trội được. Dân chúng Nhật Bản cũng không mong muốn chứng kiến tình trạng quan hệ Trung - Nhật xấu đi, điều này không có lợi cho lợi ích quốc gia Nhật Bản. Do vậy, cuộc gặp chớp nhoáng giữa Chủ tịch Tập với Thủ tướng Abe cũng được xem là một phản ứng tích cực đối với dân chúng Nhật Bản.
Hành vi không thể hiện thiện chí ngoại giao của Chủ tịch Tập Cận Bình khiến giới quan sát bất ngờ. Biểu hiện nét mặt của ông Tập dường như muốn nói, “Tôi không muốn nhìn thấy ngài’, nó trái ngược hẳn so với những nụ cười rạng rỡ của ông Tập khi hội kiến với các nhà lãnh đạo Nga và Hàn Quốc. Điều này đã phần nào cho thấy quan hệ Nhật - Trung đã đi xuống đến mức độ nào. Trong một chương trình truyền hình của Trung Quốc, người dẫn chương trình đã mô tả nét mặt và thái độ của Chủ tịch Tập bằng cụm từ “nghiêm nghị”. Nhìn chung, các phương tiện truyền thông Trung Quốc phần lớn đều lờ đi đưa tin về cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập.
Tân Hoa Xã cũng đưa tin, Chủ tịch Tập đã “lên lớp” Thủ tướng Abe về cách mà Nhật Bản phải cư xử trong tương lai, bao gồm con đường phát triển hòa bình và tránh thực thi “chính sách quân sự và an ninh cứng rắn hơn”. Thủ tướng Abe chắc cũng đã có hồi đáp tương đương đối với bài “lên lớp” của ông Tập, rằng “phía Trung Quốc cũng cần phải làm như vậy”.
Ngoài những kỳ vọng đột phá trong quan hệ hai nước, dường như cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ là một bước rất nhỏ trên con đường dài để bình thường hóa quan hệ Nhật -Trung. Thái độ của Chủ tịch Tập đặc biệt lạnh nhạt, có vẻ như ông không mong muốn có bất cứ sự cải thiện quan hệ tích cực nào với Nhật Bản trong thời gian sắp tới vậy. Tờ báo của Thượng Hải cũng thông tin, trong khi cuộc hội kiến là bước đi đầu tiên để cải thiện quan hệ song phương, thì những tranh cãi về các vấn đề lịch sử và lãnh thổ vẫn tiếp diễn. Chắc chắn rằng, thông điệp trên khuôn mặt của Chủ tịch Tập khi hội kiến với Thủ tướng Abe đã truyền tải đầy đủ quan điểm đấy. /.
(Theo Mạng quân sự Xinlang, Mạng Quan sát Trung Quốc, Mạng Thương báo Hồng Kông, tạp chí The Diplomat)
- Nước Nga: Cuộc hành trình từ Yeltsin đến Putin và cuộc cọ xát Nga - Mỹ
- Viễn cảnh về cuộc chiến tranh thế giới thứ ba năm 2034
- Phong trào “Chiếm trung tâm” Hong Kong có thể thất bại trước ý chí Bắc Kinh
- Xu hướng giá dầu giảm còn tiếp diễn
- 8 nguy cơ không thể tránh được trong năm 2015
- Trung Quốc phát triển hệ thống cảng biển lưỡng dụng hải ngoại