Tư liệu quốc tế
8 nguy cơ không thể tránh được trong năm 2015
Nhìn tổng quan tình hình thế giới năm 2015 mang đến một bức tranh ảm đạm. Theo một số dự báo, thế giới sẽ không thể tránh được 8 nguy cơ sát sườn đe dọa đến kinh tế, an ninh toàn cầu:“Hạ cánh cứng”của kinh tế Trung Quốc, kinh tế Nhật Bản suy thoái, kinh tế EU ảm đạm và khủng hoảng nợ công có thể ngóc đầu trở lại, có thể tái phát một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bên cạnh một số xung đột địa chính trị...
Theo mạng Yahui và mạng Thế giới Thương mại Trung Quốc, ngày 28/11/2014, viễn cảnh lý tưởng nhất cho năm 2015 là nền kinh tế vĩ mô toàn cầu không có quá nhiều biến động, đồng thời sẽ không có bất cứ cuộc khủng hoảng mới nào xuất hiện trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, khả năng cho giả thiết có hậu như vậy là tương đối thấp.
Theo một báo cáo công bố mới đây của Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), trong những tháng sắp tới, cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone sẽ tái diễn, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu bộc lộ nguy cơ “hạ cánh cứng”, hai nhân tố này có khả năng sẽ gây ra tác động lớn đối với thị trường thế giới.
Khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone “ngóc đầu trở lại”
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) không thể cứu vãn nền kinh tế, tỷ lệ lạm phát thấp đi kèm với mức tăng trưởng ảm đạm đã khiến thị trường mất niềm tin vào ECB. Tình hình địa chính trị khu vực sẽ tiếp tục căng thẳng, tiến độ cải cách chậm chạp, nguồn thu ngân sách bị thu hẹp.
Ủy ban châu Âu mới đây đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế mùa thu của khu vực Eurozone, theo đó, cơ quan này đã hạ mức tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát của khu vực Eurozone, điều này cho thấy, căn bệnh lạm phát thấp khó có thể được cải thiện vào năm 2015, mức độ phục hồi kinh tế của khu vực Eurozone được dự báo sẽ vẫn tương đối yếu ớt.
Theo báo cáo, so với báo cáo triển vọng kinh tế mùa xuân, mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 của khu vực Eurozone đã giảm từ 1,2% xuống còn 0,8%. Trong khi đó, mức dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2015 đã giảm từ 1,7% xuống còn 1,1%.
Trong đó, dự báo tốc độ tăng trưởng của 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực Eurozone là Đức, Pháp, Italy cũng đều được điều chỉnh giảm. Năm 2015, tăng trưởng kinh tế của Đức giảm từ 2% xuống còn 1,1%, Pháp từ 1,5% xuống còn 0,7%, Italy từ 1,2% xuống còn 0,6%.
Báo cáo cũng hạ mức dự báo lạm phát, theo đó, mức dự báo tỷ lệ lạm phát cho năm 2014 giảm từ 0,8% xuống 0,5%, năm 2015, giảm từ 1,2% xuống còn 0,8%. So với các nền kinh tế phát triển khác cũng như các trường hợp phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng trong lịch sử, thì tốc độ phục hồi kinh tế hiện nay của khu vực Eurozone là chậm chạp hơn cả.
Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng, kinh tế khu vực Eurozone hiện nay đã chính thức bước vào đợt suy thoái “tam trùng”[1].
Kinh tế Trung Quốc trước nguy cơ “hạ cánh cứng”[2]
Kinh tế Trung Quốc không thể tăng trưởng nóng hai con số như trước được nữa. Một thực tế là quá trình tái cân bằng kinh tế hay “thường thái mới” hiện nay của Trung Quốc có khả năng làm bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính. Tờ Financial Times cho biết, đối với các nhà phân tích, từ “cứng” trong “hạ cánh cứng”, nếu đến một mức độ nào đó sẽ khiến cho xã hội rối loạn, hoặc khiến cho nhu cầu thị trường đi xuống theo hình xoắn ốc.
Doãn Trung Khanh, phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung Quốc, cho hay, cần phải cảnh giác trước những rủi ro tài chính khu vực nổi lên trong quá trình đi xuống của nền kinh tế, một số chính quyền địa phương Trung Quốc thậm chí có khả năng bị phá sản, từ đó làm bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống, khiến cho kinh tế Trung Quốc phải hạ cánh cứng.
Thứ 6, ngày 28/11/2014, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố hạ lãi suất, điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm mức lãi suất cho vay cơ bản[3] cho các khoản vay có kỳ hạn 1 năm xuống còn 5,6%; giảm 0,25 điểm phần trăm mức lãi suất gửi tiền cơ bản có thời hạn 1 năm xuống còn 2,75%, đồng thời kết hợp với cải cách thị trường hóa lãi suất, điều chỉnh tăng 1,2 lần mức lãi suất cơ bản giới hạn dao động lãi suất tiền gửi của các tổ chức tài chính; cùng với đó, tiến hành điều chỉnh lãi suất cho vay và gửi tiền cơ bản các loại.
Nhìn từ những kinh nghiệm lịch sử, giảm lãi suất là biện pháp ứng phó trực tiếp nhất của ngân hàng trung ương. Nền kinh tế vốn tăng trưởng nóng trong nhiều năm qua của Trung Quốc hiện nay đang phải giảm tốc hay “sang số” mới, Chính phủ Trung Quốc đã hạ mức tăng GDP xuống còn 7,5%, tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học phương Tây cho rằng, Trung Quốc khó mà thực hiện được mức tăng 7,5%.
Cùng với tình hình đó, giá bất động sản tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc tiếp tục tụt dốc, điều này khiến cho nền kinh tế Trung Quốc “đã rét vì tuyết lại giá vì sương”. Hạ lãi suất ngoài việc có thể giảm thiểu một phần thiệt hại cho nền kinh tế và kích thích nguồn vốn đầu tư, biện pháp này có thể ngăn chặn tình trạng vỡ bờ của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Ngân hàng Societe General (Pháp) cho rằng, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất sẽ không thể giúp cho nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh trở lại, biện pháp này chỉ có thể ngăn chặn khả năng “hạ cánh cứng” mà thôi.
Thị trường chứng khoán và trái phiếu không ổn định
Kinh tế Mỹ phục hồi cũng như tỷ lệ lạm phát tăng cao đã khiến cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED bước vào chu kỳ tăng lãi suất, từ đó khiến cho thị trường chứng khoán giảm điểm vô tội vạ.
Mặc dù các nhà phân tích vẫn dự báo thị trường chứng khoán Mỹ vẫn sẽ tiếp tục lập kỷ lục tăng điểm mới, tuy nhiên, sẽ có một ngày, các nhà đầu tư nhận ra rằng, những tín hiệu từ thị trường cho vay không có lợi đối với thị trường cổ phiếu.
Kinh tế và chỉ số xung lượng[4] là hai nhân tố lớn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Hiện nay, kinh tế Mỹ có những biểu hiện tích cực, chỉ số xung lượng của thị trường chứng khoán cũng rất khả quan, do vậy, các nhà phân tích cho rằng vào cuối năm 2014, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tăng điểm trở lại, tuy nhiên, bước sang quý I năm 2015, thị trường chứng khoán sẽ xuất hiện hiện tượng bán tháo cổ phiếu.
Kể từ đầu năm đến nay, lợi tức trái phiếu[5] của châu Âu và Nhật Bản tương đối thấp, các nhà đầu tư lũ lượt đầu tư vào thị trường trái phiếu chính phủ, điều này đã làm sụt giảm lợi tức trái phiếu của Mỹ. Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức ngày 26/11/2014 là 0,68%. Chênh lệch giá trị lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ và của Đức vẫn luôn ở quanh mức 150 điểm.
Hình 1: Lợi tức trái phiếu của Liên minh châu Âu EU liên tục giảm trong năm 2014 (Nguồn: Economicshelp.org)
Ward McCarthy, nhà kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng Đầu tư Jefferies (Mỹ) cho biết, cùng với quá trình đi xuống của giá dầu, những ảnh hưởng từ sự chênh lệch giá giữa các trái phiếu có lợi tức cao sẽ ngày một rõ rệt.
Có sự phân hóa giữa xu thế lợi tức của thị trường chứng khoán và những trái phiếu lợi tức cao, điều này đã tạo tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư. Điều này có nghĩa, tại một thời điểm nào đó, thị trường chứng khoán và trái phiếu lợi tức cao sẽ xuất hiện hiện tượng đan xen, chồng chéo nhau, hoặc là thị trường chứng khoán sẽ xuống giá, hoặc là lợi tức của trái phiếu sẽ tăng trở lại.
Jack Ablin, giám đốc thông tin của Ngân hàng Montreal (Canada), chỉ ra rằng, trong quý I năm 2015, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ lên đến đỉnh điểm, sau đó sẽ dần dần tụt dốc không phanh.
[1] Ý chỉ kinh tế châu Âu đã bước vào đợt suy thoái thứ 3
[2] “Hạ cánh cứng”, là thuật ngữ phản ánh tình huống xảy ra khi nền kinh tế một nước nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, và sau đó là suy thoái. Tình huống này thường xảy ra khi chính phủ nước đó cố gắng cắt giảm thâm hụt ngân sách và kiểm soát nợ công.
[3] Lãi suất cơ bản hay còn gọi là lãi suất tham chiếu là lãi suất thấp nhất được các ngân hàng thương mại chủ lực áp dụng đối với các khoản vay dành cho các doanh nghiệp là khách hàng lớn. Lãi suất này được quyết định bởi các Ngân hàng Trung ương (tại Mỹ là Cục dự trữ Liên bang) để tăng hoặc giảm lãi suất hiện hành cho các khoản vay ngắn hạn.
[4] Chỉ số xung lượng hay còn gọi là chỉ số của tốc độ thay đổi giá: nguyên văn là momentum indicator/动能指数đo tốc độ thay đổi của giá đóng cửa thị trường chứng khoán. Nó được sử dụng để nhận diện mức suy yếu của xu thế và các điểm đảo chiều.
[5] Lợi tức trái phiếu là mức lãi danh nghĩa mà nhà phát hành (công ty hay đơn vị phát hành thuộc chính phủ – chẳng hạn Kho bạc Nhà nước) hứa sẽ trả cho người mua trái phiếu trong một đơn vị thời gian.
Abenomics trước nguy cơ phá sản: Kinh tế Nhật Bản suy thoái mới
Để chấm dứt tình trạng giảm phát kinh niên của nền kinh tế, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dùng đến biện pháp tăng giá cổ phiếu cũng như mở rộng lợi ích của các nhà nhập khẩu để giúp các thành phố lớn và các doanh nghiệp lớn vượt qua cửa ải kinh tế khó khăn. Động thái này của ông Abe đã khiến cho đồng yen mất giá, giá các loại tài sản được đẩy lên cao. Theo một cuộc điều tra dân sự mới nhất, tỷ lệ dân chúng Nhật Bản ủng hộ Học thuyết Abenomics chỉ chiếm 27%. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với cải cách tư nhân hóa ngành bưu chính của cựu Thủ tướng Koizumi là 63%.
Hình 2: Học thuyết Abenomics trước nguy cơ phá sản (Nguồn: Global Times)
Tổng tuyển cử Abe thất bại; Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Chính phủ sẽ ngừng tung ra các gói nới lỏng định lượng QE. Quý II năm 2014, GDP Nhật Bản giảm 7,1% so với quý I, là mức giảm cao nhất kể từ quý I năm 2009 đến nay. Học thuyết Abenomics đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Những đánh giá kinh tế của nội các Nhật Bản có khả năng sẽ điều chỉnh mức đánh giá hiện tại, từ “ảm đạm” sang “dự báo khả năng sẽ có bước ngoặt”. Từ “bước ngoặt” ở đây được hiểu là sự đi xuống của nền kinh tế Nhật Bản. Thay đổi đánh giá như vậy của nội các Nhật Bản có nghĩa là kinh tế Nhật Bản có khả năng đã rơi vào suy thoái. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ thừa nhận nền kinh tế suy thoái.
Chính phủ Nhật Bản vốn có kế hoạch điều chỉnh tăng thuế tiêu dùng lần 2 vào tháng 12 năm nay, tăng từ mức 8% hiện tại lên 10%. Nếu như không thể tăng thuế đúng thời hạn, rất có thể thị trường sẽ xem đây là thất bại của Học thuyết Abenomics, hơn nữa đây cũng được hiểu rằng Chính phủ Nhật Bản từ bỏ các nỗ lực củng cố hệ thống tài chính.
Các chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Goldman Sachs dự báo, kết quả đánh giá của nội các Nhật Bản sẽ đưa ra dự báo kinh tế Nhật Bản bước vào thời kỳ suy thoái mới vào năm 2015.
Khủng hoảng địa chính trị tiếp tục lan rộng
Khủng hoảng Ukraine, Nhà nước Hồi giáo IS, xung đột khu vực tại khu vực Trung Đông có thể khiến cho kinh tế khu vực, thế giới tăng trưởng chững lại.
Cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ là một bước ngoặt đau khổ đối với dân tộc Ukraine, mà đây còn là một cuộc khủng hoảng an ninh địa chính trị tại châu Âu. Chiến tranh lạnh đã đi qua hơn 20 năm, tuy nhiên, phương Tây lại không có ý định kết nạp Nga. Trong việc xây dựng hệ thống an ninh châu Âu, phương Tây chưa bao giờ dành cho Nga một vị trí xứng tầm, trái lại, một mực yêu cầu Nga phải phục tùng và nhân nhượng.
Phe phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đã thông qua NATO và EU để thực hiện chiến lược “mở rộng kép về phía Đông”, phương Tây đã nỗ lực truyền bá hệ thống giá trị của mình vào nước Nga, đồng thời, hệ thống an ninh NATO cũng ngày một áp sát biên giới nước Nga.
Cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ thay đổi tình hình an ninh địa chính trị tại lục địa châu Âu, mà rộng hơn, nó đã làm rúng động trật tự chính trị quốc tế mà phương Tây đã thiết lập sau chiến tranh lạnh.
Nguyên Ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger chỉ ra rằng, lâu nay, việc tìm hiểu trật tự thế giới hầu như hoàn toàn do những khái niệm của xã hội phương Tây định nghĩa và giải thích, nhưng hiện nay, nền đá tảng của xã hội đương đại - trật tự phương Tây đang lún sâu vào khủng hoảng.
Ngoài những lo ngại về chính trị, quân sự, cộng đồng quốc tế còn quan tâm đến vấn đề kinh tế: Iraq là nền kinh tế của khu vực Trung Đông, hơn nữa, đây cũng là nước có nền kinh tế dầu khí lớn, tình trạng hỗn loạn tại Iraq không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế dầu khí Trung Đông, mà rộng hơn, sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, tài chính toàn cầu trong thời gian tới.
Bệnh truyền nhiễm đe dọa thế giới
Dịch Ebola bùng phát trên phạm vi lớn sẽ làm suy yếu kinh tế thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.600 người, và khiến cho 16 nghìn người khác bị lây nhiễm.
WTO cũng chỉ ra rằng, số lượng người tử vong thực tế có khả năng còn cao hơn nhiều lần so với con số mà tổ chức này công bố. Hiện nay WTO vẫn chưa có đầy đủ thông tin về cách thức lây lan của dịch bệnh này. Guinea, Liberia và Sierra Leone là 3 quốc gia châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Ebola.
Các nhà kinh tế học hàng đầu châu Phi cho biết, tổn thất mà Ebola gây ra cho nền kinh tế các nước châu Phi đã gần kề mức dự báo 3-4 tỷ USD.
Một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của Ebola như cách ly khu dân cư, xây dựng trạm kiểm dịch y tế… đã giúp hạn chế dân số lưu động tại nước Cộng hòa Sierra Leone. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng hạn chế lưu thông hàng hóa, khiến cho vật giá leo thang, thu nhập của người dân giảm sút.
Theo phái đoàn thường trực của Guinea tại Liên hợp quốc, dịch Ebola đã có tác động nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế. Hơn nữa, nó có khả năng khiến cho những thành quả mà nước này đạt được trong những năm qua tan thành mây khói.
Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ các quốc gia mới nổi
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tăng lãi suất hay việc kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” có khả năng làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng tại các quốc gia mới nổi. Giá của các mặt hàng đại chúng bắt đầu giảm, tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi bắt đầu giảm tốc, một quả “bong bóng cân bằng” được tạo ra từ các gói QE trong 6 năm qua sắp sửa bị “nổ tung”.
Toàn cầu đang bước vào một quá trình điều chỉnh kinh tế mới. Các nền kinh tế mới nổi bắt đầu bước trên con đường kinh tế đi xuống và giảm thuế mang tính chất dài hạn.
Ông Trương Yến Sinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Đối ngoại Trung Quốc cho rằng, sau khủng hoảng kinh tế thế giới, khi Mỹ, Nhật Bản và châu Âu bước vào thời kỳ khó khăn, thì tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi vẫn tương đối mạnh mẽ. Nhưng bắt đầu từ năm nay, hiện tượng trên đang dần thay đổi, nói cách khác, khi kinh tế Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đang dần dần phục hồi do các nước này áp dụng chiến lược tái công nghiệp hóa, thì áp lực đi xuống của nền kinh tế các thị trường mới nổi sẽ tăng lên rõ rệt.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chững lại
Ngành bất động sản hoặc tiêu dùng thương mại không thể tăng trưởng trở lại; các hiện tượng thời tiết cực đoan đã đang và sẽ khiến cho nền kinh tế Mỹ lao đao.
Hiện nay, không khí lạnh từ Bắc Cực đang quét qua nhiều nơi trên đất Mỹ, nhiệt độ bình quân cả nước của Mỹ đã giảm xuống mức -1 độ C. Điều này khiến cho dự báo của thị trường về việc thời tiết cực hàn tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ giống như năm 2014 càng có cơ sở hơn, thậm chí có thể đánh sập triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ trong năm 2015.
Thông tin từ các phiên họp của FED cho biết, hiện nay, kinh tế châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản đều có nguy cơ đi xuống, nếu như xuất hiện thêm hiện tượng môi trường kinh tế xấu đi, thì tăng trưởng kinh tế Mỹ có khả năng sẽ thấp hơn dự báo./.
- Nước Nga: Cuộc hành trình từ Yeltsin đến Putin và cuộc cọ xát Nga - Mỹ
- Viễn cảnh về cuộc chiến tranh thế giới thứ ba năm 2034
- Phong trào “Chiếm trung tâm” Hong Kong có thể thất bại trước ý chí Bắc Kinh
- Quan hệ Trung - Nhật một chút tan băng
- Xu hướng giá dầu giảm còn tiếp diễn
- Trung Quốc phát triển hệ thống cảng biển lưỡng dụng hải ngoại