Tư liệu quốc tế

Trung Quốc phát triển hệ thống cảng biển lưỡng dụng hải ngoại

Hải quân Trung Quốc tích cực phát triển khả năng hậu cần cảng biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương phục vụ hoạt động của các hạm đội Trung Quốc trên toàn cầu để thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc biển.

Nguồn: Pakistan Defence News Blog

 

Hải quân mở rộng hoạt động trên thế giới

 

Lực lượng hải quân Trung Quốc đã hoạt động khá tích cực trong vòng 5 năm qua. Số lượng nhiệm vụ được triển khai là rất cao, và sẽ còn tăng lên nữa. Một số xu hướng mà Stratfor quan sát được:

 

  • Các chuyến ra khơi vượt qua Chuỗi hải đảo thứ nhất (the first island chain) tiến vào khu vực biển Philippines được thực hiện thường xuyên, thường bao gồm các tàu từ nhiều hạm đội khác nhau.
  • Các tàu Trung Quốc đã gia tăng hoạt động ở Biển Đông, với điểm xa nhất là eo biển Sunda (nằm giữa đảo Java và Sumatra của Indonesia) và đảo Christmas (Australia).
  • Các đội đặc nhiệm chống cướp biển được thành lập từ năm 2009, và hiện nay đã có 18 đội như vậy được triển khai.
  • Các đội tàu nổi của Trung Quốc đã đi đến những nơi xa như Bulgaria, Brazil, Chile, Argentina, Tanzania, Nigeria và một số nơi khác. Các con đường trung chuyển bao gồm kênh đào Suez, Mũi Hảo Vọng, eo biển Bosporus, kênh đào Panama và eo biển Magellan.
  • Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương đang tăng lên, bao gồm các đội đặc nhiệm chống cướp biển, các đội tàu nổi trung chuyển và các chuyến tuần tra của tàu ngầm diesel/hạt nhân.
  • Hải quân Trung Quốc đã thiết lập cơ chế tập trận thường xuyên với hải quân Nga, bao gồm nhiều loại tàu và nhiều bối cảnh chiến đấu. Hải quân hai nước sẽ thực hiện một cuộc tập trận tại biển Địa Trung Hải vào năm 2015.
  • Theo Hải quân Mỹ, Trung Quốc sẽ thực hiện chuyến tuần tra tàu ngầm với mục đích răn đe hạt nhân đầu tiên trong năm nay.

Tất cả các hoạt động nhộn nhịp của Hải quân Trung Quốc đang bị kìm hãm bởi khả năng hậu cần hạn chế trên phạm vi thế giới, cụ thể là khả năng tiếp tế trên đường (các tàu có thể tiếp nhiên liệu ngay trên biển) và các cảng phục vụ công tác tiếp tế nhu yếu phẩm và bảo trì. Dù Trung Quốc có đội tàu tiếp vận lớn thứ hai thế giới, họ vẫn chỉ đảm bảo được việc tiếp tế trong khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông.

 

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hậu cần hàng hải

 

Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đưa ra 3 giải pháp:

 

  1. Đầu tư mạnh tay để đóng các con tàu tiếp vận mới. Trung Quốc đang đóng thêm vài tàu tiếp vận Kiểu 903A ở Quảng Châu– chủ lực trong đội tàu tiếp vận của Trung Quốc, sẽ dần dần thay thế các tàu lớp Phúc Thanh lạc hậu được đóng từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
  2. Sử dụng các tàu chở dầu dân sự. Hải quân Trung Quốc đã lên các kế hoạch mang tính ứng biến nhằm đối phó với các tình huống xấu nhất, theo đó các tàu hải quân có thể nhận nhiên liệu từ các tàu chở dầu dân sự khi chạy song song hoặc theo đuôi.
  3. Tăng số lượng các cảng sẵn sàng tiếp tế và bảo trì. Giá trị của các điểm tiếp tế này là rất lớn; Hải quân Mỹ đang sở hữu hệ thống cảng tiếp tế lớn nhất trên thế giới, góp phần vào thành công của các hoạt động thời bình và thời chiến.

Một xu hướng đáng chú ý ở các điểm tiếp tế hải quân nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc là khía cạnh quân sự thường ít được nhắc đến. Các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng hay thương mại được coi là trọng tâm hợp tác; các tàu hải quân Trung Quốc chỉ “ghé thăm” các cảng này. Sự thiết lập một mạng lưới hỗ trợ hậu cần trên khắp Ấn Độ Dương hầu như không được nhắc đến. Chính quyền Bắc Kinh có vẻ khá lo lắng về dư luận quốc tế quan ngại việc hải quân Trung Quốc mở rộng quy mô hoạt động, cho nên họ cố gắng giấu mình ở hầu hết các cảng, và chưa phát triển các căn cứ hải quân đầy đủ chức năng.

 

Dưới đây là một số cảng đã được hải quân Trung Quốc ghé thăm và được cho là sẽ phát triển hợp tác với họ:

Nguồn: stratfor.com

Hệ thống cảng tiếp tế ở nước ngoài của hải quân Trung Quốc (Nguồn: stratfor.com)

Xanh: Đã thiết lập căn cứ tiếp vận

Cam: Thường xuyên ghé thăm/nhận tiếp tế

Tím: Mới ghé thăm gần đây/ít ghé thăm

 

Bắc Triều Tiên: Trung Quốc thuê hai cảng Chongjin và Raajin ở phía Đông Bắc của Bắc Triều Tiên từ năm 2010. Hiện nay các cảng này chủ yếu phục vụ mục đích thương mại, tuy nhiên trên lý thuyết thì hải quân Trung Quốc hoàn toàn có thể tiếp tế ở đây.

 

Papua New Guinea: Vào tháng 9 năm nay, cảng Port Moresby đã tiếp đón tàu bệnh viện Peace Ark của Trung Quốc trong một nhiệm vụ hỗ trợ y tế.

 

Myanmar: Tàu hải quân Trung Quốc ghé thăm cảng Yangon thường xuyên từ năm 2010.

 

Bangladesh: Trung Quốc tiếp tục phát triển dự án cảng ở Chittagong, và các tàu Trung Quốc đã ghé thăm cảng trong vài năm gần đây.

 

Pakistan: Trung Quốc đang xây dựng cảng Gwadar ở Tây Nam Pakistan. Cảng nước sâu này là một thảm họa thương mại sau khi khánh thành vào năm 2007, nhưng Trung Quốc đã mua lại quyền kiểm soát với giá 200 triệu USD. Chưa có dấu hiệu cảng Gwadar sẽ phục vụ mục đích quân sự.

 

Sri Lanka: Cảng Hambantota đang được Trung Quốc xây dựng; cảng Colombo được tàu hải quân Trung Quốc ghé thăm nhiều lần, bao gồm cả tàu ngầm.

 

Seychelles: Trung Quốc muốn thiết lập một căn cứ tiếp vận tại Seychelles từ năm 2011. Seychelles rất hoan nghênh và muốn Trung Quốc hiện diện ở đây nhằm bảo vệ an ninh hàng hải quanh quần đảo. Hai nước đang trong quá trình thiết lập quan hệ hợp tác quân sự song phương.

 

Djibouti: Djibouti cho phép Trung Quốc sử dụng một cảng quân sự đầy đủ chức năng; đổi lại Trung Quốc sẽ giúp Djibouti phát triển sức mạnh hải quân và cung cấp các thiết bị radar. Đây là một căn cứ hậu cần quan trọng của các hoạt động trong khu vực Vịnh Aden.

 

Nigeria: Hai nước đã tập trận chung vào năm ngoái tại Lagos. Nigeria chuẩn bị mua tàu quân sự của Trung Quốc.

 

Kenya: Trung Quốc đang phát triển cảng Lamu, và tàu hải quân đã ghé thăm cảng chính Mombasa của Kenya.

 

Tanzania: Hải quân Trung Quốc và Tanzania vừa kết thúc cuộc tập trận chung kéo dài 1 tháng ở căn cứ Kigamboni gần thủ đô Dar es Salaam. Tanzania đang nổi lên như một đồng minh quan trọng của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và đã được hưởng các khoản đầu tư khá lớn. Cảng Bagamoyo ở phía Bắc Dar es Salaam đang được Trung Quốc phát triển.

 

Yemen và Oman: Trung Quốc đã thiết lập cơ sở tiếp vận ở hai nước này.

 

Nguyễn Mạnh Đức (theo stratfor.com)