Tư liệu quốc tế
Phong trào “Chiếm trung tâm” Hong Kong có thể thất bại trước ý chí Bắc Kinh
Phong trào "Chiếm trung tâm" của thanh niên, sinh viên Hong Kong đòi quyền bầu cử tự do theo các cam kết thành luật của Bắc Kinh, là một sự kiện nổi bật thử thách mối quan hệ ấm về kinh tế, lạnh về chính trị giữa Hong Kong và Đại lục sau 17 năm đoàn tụ. Các chủ trương của Trung Quốc Đại lục đưa ra năm 2014 về các cuộc bầu cử Hong Kong năm 2016-2017 là một bước thụt lùi so với Luật cơ bản 1990. Nó là một thất bại của thử nghiệm "một quốc gia hai chế độ", có hiệu ứng tiêu cực đối với quan hệ Trung Quốc-Đài Loan. Đồng thời cũng bộc lộ những bất cập của tình hình chính trị, xã hội tại Trung Quốc sau 30 năm cải cách và mở cửa.

Phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Hong Kong (HK) từ ngày 22/9/2014 đã bùng phát thành cao trào dưới tên gọi “Chiếm trung tâm bằng tình yêu và hòa bình” (Occupy Central). Đặc biệt từ 26/9, khi hàng trăm học sinh và người biểu tình tràn vào trụ sở chính quyền Đặc khu, cuộc biểu tình đã biến thành xung đột bạo lực. Chính quyền HK đã phải huy động một số lượng lớn cảnh sát chống bạo động, sử dụng đạn hơi cay để đối phó với người biểu tình. Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình đã làm cho 41 người bị thương, gần trăm người bị bắt giữ. Các cuộc biểu tình đã làm tắc nghẽn giao thông tại nhiều khu vực; 20 trường đại học và trung học đã bãi khóa, Nghiệp đoàn Giáo dục HK tuyên bố đình công từ ngày 28/9, 30 chi nhánh ngân hàng đã tạm thời đóng cửa, chỉ số Hengseng trên thị trường chứng khoán HK sụt tới 1,9%; hoạt động kinh tế và sinh hoạt của người dân bị đảo lộn...
Nguyên nhân trực tiếp của phong trào “Chiếm trung tâm”...
Giữa cao trào, người biểu tình đã đưa ra các yêu sách: (i) Người đứng đầu Đặc khu hành chính HK Lương Chấn Anh phải từ chức, (ii) Ủy ban Thường vụ Quốc hội TQ phải hủy bỏ Quyết định liên quan đến bầu cử Trưởng Đặc khu hành chính HK vào năm 2017 và phương thức bầu cử Hội đồng Lập pháp HK năm 2016 vì chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, chưa thực thi đầy đủ tiến trình dân chủ ở HK, (iii) Công dân HK được quyền đề cử ứng viên cho kỳ bầu cử Trưởng Đặc khu hành chính HK năm 2017, (iv) Bắt đầu áp dụng hình thức phổ thông đầu phiếu tại kỳ bầu cử Hội đồng Lập pháp năm 2016.
Cuộc đọ sức không cân xứng giữa những sinh viên tham gia phong trào "Chiếm trung tâm" trước lực lượng hùng hậu "phản biểu tình" do chính quyền Hong Kong huy động, phần đông đến từ Đại lục
Cao trào “Chiếm trung tâm” ở HK, còn được gọi là “cuộc cách mạng dù” đã lập tức chạm tới khu thần kinh trung ương của Bắc Kinh. Người phát ngôn Văn phòng công tác Hồng Kông, Macao của Quốc vụ viện TQ ra tuyên bố “Chính quyền trung ương kiên quyết phản đối các hành vi phá hoại hệ thống pháp trị, gây rối trật tự trị an xẩy ra tại HK”, bày tỏ “tin tưởng và kiên quyết ủng hộ các biện pháp của chính quyền Đặc khu nhằm duy trì ổn định xã hội...”. Trưởng Đặc khu HK Lương Chấn Anh tuyên bố, Bắc Kinh không chấp nhận các yêu sách của người biểu tình và ông sẽ không từ chức.
Bắc Kinh đặc biệt nhạy cảm về sự can dự của nước ngoài vào sự kiện này. Ngày 29/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Hong Kong thuộc vể Trung Quốc và công việc ở Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ mưu toan nào của các chính phủ nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc hay hỗ trợ cho những hoạt động bất hợp pháp của phong trào Chiếm trung tâm”. Báo chí Bắc Kinh gọi các cuộc biểu tình là những manh động của những kẻ cực đoan chính trị, thậm chí Nhân dân Nhật báo còn cho rằng phong trào Chiếm trung tâm theo đuổi chủ trương tìm kiếm “độc lập” cho HK. Các trang mạng ở Đại lục được kiểm soát chặt chẽ, việc đưa tin về các cuộc biểu tình bị hạn chế và phải tuân thủ các hướng dẫn nghiêm ngặt. Dân chúng Đại lục không tiếp cận được thông tin và hình ảnh cập nhật trực tiếp về những gì diễn ra ở Hong Kong.
Phong trào đòi dân chủ ở HK diễn ra trong bối cảnh TQ kỉ niệm 65 năm Quốc khánh, 25 năm sự kiện Thiên An Môn (1989-2014), 17 năm ngày HK trở về với Đại lục (1997-2014). Đáng chú ý hơn là Hội nghị trung ương 4 khóa 18 ĐCSTQ họp từ ngày 20-23/10/2014, đưa ra quyết sách “Y pháp trị quốc” (dùng luật pháp để cai trị quốc gia), điều rất liên quan đến chủ đề “một quốc gia hai chế độ”, “người Hong Kong cai trị người Hong Kong” được bàn luận sôi nổi trong dư luận HK.
Phản ứng của quốc tế cũng rất nhanh chóng, đặc biệt lên cao sau khi bạo lực xảy ra (từ 26/9). Đầu tiên phải nói đến nước Anh, nước đã trao trả HK cho TQ vào năm 1997. Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ quan tâm sâu sắc đến tình hình HK và cho rằng, điều quan trọng cho sự phồn vinh của HK là những yếu tố tự do cơ bản, bao gồm tự do biểu tình và tham gia chính phủ, cần tìm kiếm những giải pháp phù hợp với nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”. Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg đã yêu cầu gặp khẩn cấp Đại sứ TQ tại Anh để bày tỏ “không hài lòng và lo lắng” về cách thức xử lý của Bắc Kinh đối với “hành động đấu tranh dân chủ” ở HK. Ông Nick cho rằng, “Bắc Kinh dường như đã hạ quyết tâm khước từ để người dân HK đạt được những thành quả mà họ hoàn toàn có quyền hi vọng, đó là tiến hành bầu cử tự do, công bằng và công khai”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ ủng hộ những quyền tự do cơ bản đã được quốc tế thừa nhận như tự do hội họp, tự do ngôn luận. Mỹ đã thúc giục và sẽ tiếp tục thúc giục chính quyền HK kiềm chế và những người biểu tình bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. Mỹ “ủng hộ phổ thông đầu phiếu” ở HK phù hợp với “Luật cơ bản” và “ủng hộ nguyện vọng của người dân Hong Kong”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói với Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tại một cuộc họp ở Washington ngày 1/10, “Mỹ tin rằng Hong Kong nên có quyền tự trị cao nhất có thể” và cũng kêu gọi kiềm chế. Rõ ràng nước Mỹ cố tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh có lẽ là vì họ không muốn làm phật lòng Bắc Kinh trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama nhân dịp hội nghị cấp cao APEC ở Bắc Kinh (từ ngày 9 đến 11/11). Chuyến thăm này được hai bên trông đợi đạt được các thỏa thuận quan trọng tác động đến chiều hướng phát triển quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai.
Phản ứng mạnh nhất là từ Đài Loan. Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu, các đảng phái chính trị như Quốc Dân đảng cầm quyến và Dân Tiến đảng đối lập đều khẳng định ủng hộ phong trào dân chủ ở HK, kêu gọi Bắc Kinh lắng nghe nguyện vọng dân chủ của người dân. Ủy ban công tác Đại lục của Đài Loan nhân dịp này tái khẳng định Đài Loan không thể chấp nhận mô thức “một quốc gia hai chế độ” mà Bắc Kinh đề nghị, cho rằng có đến 70% dân chúng Đài Loan không chấp nhận mô thức này. Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ủng hộ phong trào dân chủ HK vào ngày 28/9. Dân Tiến đảng còn tổ chức biểu tình trước Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Hong Kong tại Đài Bắc và đòi Mã Anh Cửu đình chỉ đàm phán với Bắc Kinh trên tất cả các lĩnh vực. Đài Loan cũng nhân dịp này, đẩy mạnh tuyên truyền “Đài Loan là nơi duy nhất ở Trung Quốc thực sự có được dân chủ”. Đài Loan phản ứng mạnh là điều dễ hiểu vì đây cũng là đối tượng chính áp dụng của phương châm “một quốc gia hai chế độ” của Bắc Kinh.
Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ sự quan ngại đến tình hình HK, cảnh báo công dân nước mình đi lại ở HK; các cơ quan truyền thông các nước đưa tin cấp tập về tình hình HK, đa phần ủng hộ những người biểu tình ở HK. Dân chúng nhiều nước như Thụy Điển, Anh, Mỹ, Australia, Singapore, Philippines... đã xuống đường biểu tình ủng hộ phong trào dân chủ HK; khoảng 20 vạn người đã ký tên vào một “thỉnh nguyện thư” yêu cầu Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi TQ không thực hiện “cuộc thảm sát Thiên An Môn lần thứ hai”.
Nguồn gốc sâu xa
Phong trào “Chiếm trung tâm” không phải bùng phát một cách ngẫu nhiên mà là bắt nguồn từ sự tích tụ mâu thuẫn xã hội - quan niệm giá trị suốt 17 năm qua kể từ sau khi HK được trao trả cho Trung Quốc (1/7/1997). Trong suốt 17 năm đó, phong trào dân chủ vẫn luôn luôn âm ỉ trong lòng xã hội HK, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Nói đến HK ngày nay không thể không nhắc tới lịch sử khá đặc biệt của vùng đất này. HK vốn là một thôn chài nhỏ không tên tuổi nằm bên cạnh Quảng Đông. Chiến tranh Nha Phiến giữa thế kỷ 19 đã thay đổi số phận của thôn chài nhỏ này. Nhà Thanh thất bại đã cắt nhượng HK cho thực dân Anh bằng 3 Hiệp ước bất bình đẳng: Hiệp ước Nam Kinh ngày 29/8/1842, cắt đảo HK cho Anh; Hiệp ước Bắc Kinh ngày 24/10/1860, cắt tiếp bán đảo Cửu Long cho Anh; ngày 9/6/1898, Nhà Thanh lại buộc phải tô nhượng cho Anh nốt khu Tân giới trong 99 năm, đến ngày 30/6/1997. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, HK bị Nhật chiếm đóng từ ngày 25/12/1941 đến 15/9/1945. Ngày 19/12/1984, Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Anh ra Tuyên bố chung, quyết định Anh trao trả HK cho TQ vào ngày 1/7/1997. Người Anh đã thực hiện đúng cam kết này và nhân dân TQ đã hoan hỉ đón chào HK trở về với Tổ quốc đúng ngày 1/7/1997, sau 100 năm sống dưới chế độ và luật pháp của nước Anh.
Hong Kong đã từng làm nên những kỳ tích kinh tế để trở thành một trong 4 “con rồng” của châu Á. Từ những năm 50 của thế kỷ 20, HK bắt đầu tiến hành hiện đại hóa nền kinh tế. Năm 1970, xuất khẩu công nghiệp đã chiếm tới 81% tổng xuất khẩu hàng hóa của HK, đánh dấu sự chuyển đổi mô hình kinh tế lần thứ nhất của HK, biến HK từ đơn thuần là một cảng chuyển khẩu sang một Thành phố công nghiệp hóa. Từ những năm 1980, lục địa TQ đã trở thành nhân tố bên ngoài chủ yếu thúc đẩy nền kinh tế HK, ngành chế tạo của HK đại bộ phận được đưa vào lục địa TQ, ngành dịch vụ được phát triển một cách toàn diện và nhanh chóng tại HK, tạo nên bước chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế lần thứ hai tại HK, chuyển từ kinh tế chế tạo sang kinh tế dịch vụ (năm 2005, 85,3% lực lượng lao động HK làm việc trong các ngành dịch vụ).
Hong Kong được vinh danh là “Hòn ngọc phương Đông”, là “Thiên đường ẩm thực”, “Thiên đường mua sắm”... Quỹ Heritage Foundation vừa công bố “Chỉ số mức độ tự do kinh tế toàn cầu năm 2014” công nhận HK là “nền kinh tế tự do nhất thế giới” suốt 20 năm liền. Với dân số 7,2 triệu người (2013), HK đã trở thành trung tâm tài chính lớn thứ 3 thế giới, sau London và New York, đồng thời là trung tâm dịch vụ, chuyển khẩu lớn của châu Á và thế giới; là thị trường ngoại hối lớn thứ 6 thế giới (đến cuối tháng 12/2013 dự trữ ngoại hối của HK đạt 311,2 tỉ USD), là nền kinh tế mậu dịch lớn thứ 11 thế giới; HK cũng là thị trường vàng lớn thứ 3 thế giới, thị trường chứng khoán lớn thứ 4 thế giới (6 tháng đầu năm 2014 tổng kim ngạch giao dịch đã đạt trên 80 tỉ đôla HK). Năm 2012, HK được xếp thứ 6, trên Mỹ 1 bậc (thứ 7), trong bảng xếp hạng giàu có của 182 quốc gia và khu vực toàn cầu. Năm 2013, GDP của HK đạt 302,8 tỉ USD, bình quân đầu người đạt 38.797 USD, chỉ số phát triển con người xếp thứ 13 toàn cầu. Khách du lịch đến HK năm 2013 đạt 54,3 triệu lượt người (gấp gần 8 lần dân số HK); năm tháng đầu năm 2014 có 24,03 triệu lượt người du lịch HK, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Điều đáng nói là sự dung hợp giữa kinh tế HK và kinh tế Đại lục ngày càng rõ rệt và theo đó, sự phụ thuộc của kinh tế HK vào kinh tế Đại lục cũng ngày càng sâu sắc. Kim ngạch mậu dịch HK-Đại lục năm 2013 đạt 3.891,3 tỉ đôla HK, tăng 2,49 lần năm 1997, khi HK trở về với Đại lục, chiếm 51,1% tổng kim ngạch mậu dịch của HK. Đến tháng 7/2014, giữa HK và Đại lục đã thực hiện tự do hóa hoàn toàn về mậu dịch hàng hóa; về mậu dịch dịch vụ đã thực hiện biện pháp ưu tiên 149 hạng mục/160 hạng mục theo phân loại của WTO, đạt 93,1%. HK cũng là trung tâm tài chính lớn nhất của TQ ở bên ngoài Đại lục; tính đến cuối năm 2013 đã có 797 công ty Đại lục lên sàn giao dịch chứng khoán tại HK, chiếm 48,5% tổng số các công ty đã lên sàn tại HK, với tổng kim ngạch giao dịch đạt 13.700 tỉ đôla HK, chiếm 56,9% tổng giá trị thị trường chứng khoán HK. HK và Đại lục cũng là nguồn đầu tư trực tiếp lớn nhất của nhau. Tính đến cuối năm 2013, tổng kim ngạch đầu tư trực tiếp của Đại lục vào HK đạt hơn 358,8 tỉ USD, chiếm gần 60% tổng kim ngạch đầu tư trực tiếp của Đại lục ra nước ngoài. Đại lục cũng đã phê duyệt tổng cộng gần 36 vạn hạng mục đầu tư của HK tại Đại lục, tổng kim ngạch sử dụng thực tế đạt 665,67 tỉ USD, chiếm 47,7% tổng thu hút đầu tư nước ngoài của Đại lục. Trong số 24,03 triệu lượt người đến du lịch HK trong 5 tháng đầu năm 2014, du khách đến từ Đại lục là 18,43 triệu lượt người, tăng 17,6%, chiếm 76,7% tổng số khách du lịch đến HK. Gần 50% hàng tiêu dùng hàng ngày và nông sản phẩm tại HK là do Đại lục cung cấp.
Sự phụ thuộc về kinh tế của HK vào Đại lục là một lợi thế rất lớn của Bắc Kinh để thực hiện phương châm “một quốc gia hai chế độ”. Nhưng nhiều nhà quan sát nhận xét, Bắc Kinh có thể đã sai lầm khi cho rằng, miễn duy trì được mức độ phồn vinh của HK thì mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa. Thực tế đã cho thấy không hoàn toàn như vậy. Nhìn chung kinh tế của HK tuy không có những đột phá như kinh tế đại lục nhưng vẫn tăng trưởng một cách ổn định (năm 2013 tăng trưởng đạt 2,9%, năm 2014 được dự báo tăng trưởng từ 3-4%). Nhưng trên lĩnh vực chính trị-xã hội lại tồn tại quá nhiều vấn đề và ngày càng thấm sâu vào các tế bào xã hội HK. Sự khác nhau về chế độ chính trị và quan niệm giá trị hiển nhiên sẽ dẫn tới những khác biệt về nhận thức và lối sống giữa người HK và Đại lục. Trong khi đó, một số chủ trương chính sách mang tính áp đặt của Bắc Kinh, cộng thêm sự không đồng bộ giữa chính sách với thực tiễn cuộc sống càng gây ra sự phản cảm của người dân HK, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, thanh niên học sinh HK, tạo mầm cho những hành vi phản kháng. Theo định nghĩa của Sở Thống kê HK, các hộ có thu nhập từ 1 vạn đến 4 vạn đôla HK mỗi tháng là thuộc giai tầng trung lưu; theo đó, tầng lớp trung lưu ở HK đạt tới 55% tổng số hộ dân HK. Có thể coi xã hội HK là một xã hội trung lưu, mà trong bất kỳ xã hội nào, tầng lớp trung lưu thường là lực lượng nòng cốt cho những biến đổi xã hội. Do những đặc điểm lịch sử và xã hội của mình, điều đầu tiên tầng lớp trung lưu HK hướng tới là “tự do”, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do bầu cử. Nền kinh tế 20 năm liền được coi là “tự do nhất thế giới” chắc chắn đã là động lực to lớn, nguồn cổ vũ thiết thực cho những đòi hỏi tự do về chính trị - giá trị quan tương xứng của người dân HK, trước hết là tầng lớp thanh niên, tầng lớp trung lưu. Đây là trạng thái tâm lý thường nhật của người HK, một khi tâm lý thường nhật đó gặp phải sự áp đặt và bất thường theo quan niệm của họ, ắt sẽ dẫn tới những hành vi phản kháng.
Tháng 6/1984, 13 năm trước khi HK trở về với TQ, trong một cuộc tiếp phái đoàn Công thương HK tại Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra chủ thuyết “một quốc gia hai chế độ” và “người HK trị người HK”. Ngày 4/4/1990, sau khi thỏa thuận với chính phủ Anh về việc trao trả HK sau đó 7 năm, Chủ tịch TQ Dương Thượng Côn đã ký sắc lệnh số 260, công bố “Luật cơ bản về khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Luật này được xây dựng trên cơ sở chủ thuyết trên của Đặng Tiểu Bình và được thi hành từ ngày 1/7/1997. Người HK đặc biệt chú ý đến 2 điều khoản của Luật cơ bản này: Điều 2 viết: “Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) ủy quyền cho Khu hành chính đặc biệt HK, căn cứ vào các quy định của Luật này, thực hành tự trị cao độ, có quyền quản lý hành chính, quyền lập pháp, quyền tư pháp độc lập và quyền chung thẩm”. Điều 5 viết: “Khu hành chính đặc biệt HK không thực hành chế độ và chính sách xã hội chủ nghĩa, duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa và phương thức sống vốn có, 50 năm không thay đổi”. Người HK thường lấy hai điều này trong “Luật cơ bản” làm căn cứ để so sánh với thực tiễn chính sách được áp dụng tại HK gần đây, từ đó, tìm ra “cái lý” để phản đối Bắc Kinh và đại diện của Bắc Kinh tại HK -Trưởng Đặc khu HK.
Nhiều chủ trương chính sách gần đây của Bắc Kinh làm cho người HK nghi ngờ về chủ trương “một quốc gia hai chế độ”, về “tự trị cao độ”, về “quyền tư pháp độc lập”, về “tự do ngôn luận”... Ngày 10/6/2014, Bắc Kinh công bố Sách Trắng về “Thực tiễn nhất quốc lưỡng chế tại Khu hành chính đặc biệt HK”. Sách Trắng này khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội TQ có “quyền giải thích cuối cùng” về Luật cơ bản, đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn về “lòng yêu nước, yêu HK” đối với các ủy viên lập pháp... Người HK coi những quy định này là trái với điều 2 và điều 5 của “Luật cơ bản”, là xúc phạm đến quan niệm giá trị của người HK, muốn dùng các tiêu chí “yêu nước” để loại bỏ các nhân vật không hợp khẩu vị chính trị của Bắc Kinh. Ngày 31/8/2014, kỳ họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội TQ khóa 12 đã đưa ra “Quyết định về việc bầu cử Trưởng Khu hành chính đặc biệt HK và biện pháp sản sinh Ủy ban lập pháp HK năm 2016”, trong đó quy định Trưởng Khu hành chính đặc biệt HK khóa 5 vào năm 2017 sẽ được bầu ra bằng phổ thông đầu phiếu nhưng ứng cử viên phải được quá nửa số thành viên của “Ủy ban bầu cử” chấp thuận mới hợp lệ. “Ủy ban bầu cử” gồm 1.200 thành viên này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội TQ cử ra. Những người biểu tình đòi dân chủ ở HK cho rằng, như vậy Bắc Kinh có thể định trước danh sách ứng cử viên, loại những người đối lập ra ngoài. Quyết định ngày 31/8/2014 cũng khẳng định lại “nguyên tắc” Trưởng Khu hành chính đặc biệt HK phải “do người yêu nước, yêu HK đảm nhiệm”. Một số luật gia đặt câu hỏi, theo điều 47 của Luật cơ bản, người đứng đầu Đặc khu hành chính đặc biệt HK phải là người “liêm khiết phục vụ công chúng, tận trung với trách nhiệm” chứ không có quy định phải “yêu nước, yêu HK”; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc nêu thêm quy định này liệu có phù hợp với “Luật cơ bản” không? Chủ tịch Đảng Dân chủ HK Lưu Huệ Khanh (Emily Lau) nói với hãng Thông tấn Pháp “đây không phải là bầu cử thực sự; Bắc Kinh chỉ cho chúng tôi một, hai hoặc ba người do họ chọn, mỗi người dân có một phiếu bầu nhưng không có quyền lựa chọn”. Ủy viên Lập pháp thuộc đảng Công dân HK Thang Gia Hoa (Ronny Tong) nói ông “vô cùng thất vọng” về Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội TQ, với khuôn khổ mà họ định ra, “người dân bình thường và người lao động không có ảnh hưởng gì đến quá trình đề cử”. Lãnh tụ của phong trào học sinh HK Chu Vĩnh Khang (Alex Chow Yong Kang) cho rằng, Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội TQ là “không thể chấp nhận được, đây không phải là phổ thông đầu phiếu, không phải là dân chủ mà là chuyên chế, là áp đặt”. Nhân vật này nói thêm, “chúng tôi không có cách nào khác, chỉ có thể đấu tranh, nhất định phải đáp trả”...
Phong trào “Chiếm trung tâm” diễn ra trong gần một tháng đã trở thành tiêu điểm chính trị ở HK nhưng cũng chỉ là đỉnh cao của cả một quá trình. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, không tuần nào, tháng nào là không có các sự kiện liên quan đến phong trào dân chủ HK. Theo nhiều nguồn tin, Trưởng khu hành chính đặc biệt HK Lương Chấn Anh đã phải hủy nhiều cuộc công cán vì bị dân chúng bao vây, hô khẩu hiệu phản đối, đòi bầu cử tự do, thậm chí ném vật bẩn vào người ông ta; một số nghị sỹ đã gây gổ với ông, thậm chí có lần phải huy động cảnh sát đến giải vây. “Kế hoạch phát triển vùng Đông Bắc khu Tân giới” của chính quyền HK cũng gặp phải sự chống đối kịch liệt do các động cơ chính trị của dự án này. Những người chống đối ngoài lý do bảo vệ môi trừơng, bảo hộ nông dân, bảo đảm cuộc sống của những người phải di dời..., nhiều nhân sĩ còn nghi ngại Đại lục nhân dịp này di cư người Đại lục sang, áp đảo dân bản xứ HK. Theo tin nước ngoài, từ 20 – 29/6/2014 đã có trên 79 vạn người tham gia hoạt động bỏ phiếu đòi bầu cử tự do. Cuộc biểu tình ngày 1/7, nhân ngày Bắc Kinh thu hồi HK, đã có tới 51 vạn người tham gia, chủ yếu đòi thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu thật sự.
Những quyết sách của chính quyền trung ương Bắc Kinh như đổ thêm dầu vào ngọn lửa “dân chủ” đang âm ỉ cháy suốt 17 năm qua ở HK; cộng thêm sự kích động của các thế lực chống TQ ở bên ngoài, nhất là các phần tử thoát ra từ sự kiện Thiên An môn năm 1989, sự ủng hộ khuyến khích của các nước phương Tây, ngọn lửa ấy đã bùng cháy, trở thành một sự kiện chính trị “nóng” nhất tại HK kể từ ngày hòn đảo này trở về với Đại lục. Sự kiện này cho thấy, phương châm “một quốc gia hai chế độ” là một sự lựa chọn khôn ngoan để thu hồi HK, Macao và làm gương cho Đài Loan. Nhưng sau khi HK, Ma Cao đã trở về với Bắc Kinh, vận hành “hai chế độ trong một quốc gia” như thế nào lại là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Người HK có những niềm tự hào riêng, những quan niệm giá trị riêng, họ không chỉ biết làm nên một HK phồn vinh về kinh tế mà hơn thế nữa, họ còn muốn giữ gìn và vun đắp cho niềm tự hào riêng, quan niệm giá trị riêng đó của mình ngày càng đâm hoa kết trái.
Phong trào dân chủ ở HK có thể sẽ tạo thêm động lực cho xu hướng ly tâm không chỉ ở HK mà cả ở trong nội địa TQ. Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để hạn chế, ngăn chặn ảnh hưởng của phong trào này đến các khu vực nhạy cảm trong nước như Tân Cương, Tây Tạng và các thành phố lớn. Phong trào dân chủ tại HK cũng sẽ làm gia tăng sự nghi ngờ của Đài Loan đối với chính sách “nhất quốc lưỡng chế” của Bắc Kinh. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh chính trị không chỉ giữa chính quyền đại lý cho Bắc Kinh tại HK với lực lượng đòi dân chủ ở HK mà còn là giữa TQ với các thế lực chống TQ ở nước ngoài, sẽ trở thành một tiêu điểm chính trị mới trong quan hệ Trung-Mỹ, Trung-Anh. TQ đang đứng trước hai lựa chọn đều rất khó khăn: nhân nhượng quá thì lực lượng biểu tình sẽ lấn tới, đẩy cuộc “Chiếm trung tâm” lên thành cuộc đối đầu chính trị toàn diện với chính quyền Lương Chấn Anh đại lý của Bắc Kinh; nội dung cuộc chiến sẽ chuyển từ đòi dân chủ, đòi bầu cử tự do sang đòi tham chính, tạo ra nguy cơ chia sẻ quyền lực tại HK. Nếu quá cứng rắn, tiến hành đàn áp, rất có thể sẽ tạo ra “sự kiện Thiên An môn thứ hai”. Bắc Kinh tuyệt đối sẽ không muốn và không để cho điều này xây ra. Chính quyền trung ương TQ sẽ tìm mọi cách kết hợp giữa “cứng rắn khi cần thiết” và “giải quyết hòa bình trên tổng thể” để xử lý cuộc chơi chính trị này. Lực lượng biểu tình xem ra cũng sắp đến lúc mệt mỏi trong khi các lực lượng “phản biểu tình”, “phản chiếm cứ trrung tâm” (có thể do chính quyền Đại lục tổ chức) đang xuất hiện ngày càng nhiều, rất có thể sẽ triệt tiêu dần sự ủng hộ của công chúng đối với lực lượng biểu tình.
Triển vọng không sáng sủa đối với phong trào “Chiếm trung tâm”
Đối thoại, giải quyết hòa bình cuộc xung đột chính trị là giải pháp mà hai bên phải lựa chọn. Chính quyền Lương Chấn Anh hoãn đối thoại với lực lượng biểu tình dự kiến vào ngày 10/10 là nhằm giành thế chủ động trong đối thoại và giành phần lớn hơn qua đối thoại. Ngày 21/10, hai bên đã tiến hành đối thoại lần đầu tiên nhưng không đạt được kết quả nào đáng kể, ít nhất vẫn còn trên 20 người biểu tình bị bắt, Bắc Kinh và chính quyền Đặc khu vẫn tỏ ra không khoan nhượng, lãnh đạo sinh viên tuyên bố các cuộc biều tình vẫn sẽ kéo dài. Nhưng thời gian đang đứng về phía chính quyền, họ đủ kiên nhẫn để “câu giờ”, chờ cho lực lượng học sinh “Chiếm trung tâm” còn quá non trẻ mệt mỏi và bỏ cuộc dần.
Bắc Kinh đang chủ động điều khiển đối sách của chính quyền Đặc khu HK từ đằng sau. Tình hình cơ bản sẽ đi theo sự hướng lái của Bắc Kinh. Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 (20-23/10), khi mà chính quyền trung ương quyết định triển khai toàn diện thực hiện quản lý nhà nước theo luật pháp (“y pháp trị quốc”), Bắc Kinh càng trở nên khó nhân nhượng trước những đòi hỏi tự do dân chủ của lực lượng biểu tình ở HK. Chủ trương “Y pháp trị quốc” mà Hội nghị này thông qua ngày 23/10 đã thể hiện một cách rất rõ ràng “tính lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản TQ” và “tính tập trung quyền lực cao độ của chính quyền trung ương” trong quá trình “Y pháp trị quốc”.
Có thể sẽ có một vài điều chỉnh mang tính chất chiến thuật nào đó từ phía Bắc Kinh, như tính đại diện của 1.200 thành viên “Ủy ban bầu cử” có thể được mở rộng hơn, có nhiều diễn đàn hiệp thương hơn..., nhưng kịch bản của cuộc bầu cử người đứng đầu Đặc khu HK khóa 5 vào năm 2017 và bầu Ủy ban Lập pháp năm 2016 đã được Bắc Kinh đưa ra sẽ không có gì thay đổi.
Trên phương diện luật pháp và từ những căn cứ thực tiễn, HK không thể “ly tâm” khỏi Bắc Kinh. Nền kinh tế HK đã trở thành vật ký sinh trên cơ thể kinh tế TQ; rời khỏi Đại lục, sự phồn vinh của HK có thể cũng sẽ tan biến. Hơn nữa, Bắc Kinh hoàn toàn kiểm soát lĩnh vực an ninh-quốc phòng và đối ngoại của HK, họ có đủ cơ sở pháp lý và sức mạnh để khống chế tình hình. Từ sau cuộc “Chiếm trung tâm” cho đến khi các kịch bản này kết thúc, phong trào dân chủ HK có thể sẽ còn tiếp tục tạo ra những cao trào đấu tranh đòi tự do dân chủ mới nhưng rất khó có thể làm lung lay lập trường của Bắc Kinh về tiến trình bầu cử tại HK. Bắc Kinh coi trọng việc ngăn chặn, vô hiệu hóa sự can thiệp của các thế lực chống TQ ở bên ngoài vào canh bạc chính trị ở HK hơn là đối phó với bản thân các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh. Tình hình còn phức tạp nhưng khó thoát ra khỏi sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Tuy vậy, thái độ cứng rắn của Bắc Kinh trước phong trào “Chiếm trung tâm”, việc xiết chặt các quy định bầu cử, hạn chế quyền tự do dân chủ cho Đặc khu HK so với “Luật cơ bản về Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, ban hành năm 1990, là một bước thụt lùi của tiến trình cải cách và đổi mới chính trị, xã hội tại Trung Quốc, phản ánh các mâu thuẫn xã hội và những bất mãn nảy sinh trong lòng đất nước Trung Quốc ngày càng dâng cao sau 30 năm cải cách mở cửa. Đối với chủ trương “một quốc gia hai chế độ”, nó là một thất bại đáng kể, ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực của Bắc Kinh thống nhất Đài Loan bằng phương pháp hòa bình.
Hong Kong là đối tác thương mại đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Phát triển quan hệ tốt đẹp với TQ nói chung và với HK nói riêng luôn là mong muốn của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Chúng ta hi vọng HK sớm ổn định để tiếp tục phát triển, tiếp tục xứng đáng với danh hiệu “Hòn ngọc phương Đông”./.
- Nước Nga: Cuộc hành trình từ Yeltsin đến Putin và cuộc cọ xát Nga - Mỹ
- Viễn cảnh về cuộc chiến tranh thế giới thứ ba năm 2034
- Quan hệ Trung - Nhật một chút tan băng
- Xu hướng giá dầu giảm còn tiếp diễn
- 8 nguy cơ không thể tránh được trong năm 2015
- Trung Quốc phát triển hệ thống cảng biển lưỡng dụng hải ngoại