Chủ tịch CSSD tọa đàm với Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam

Chủ tịch CSSD tọa đàm với Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam

Không mời thống tướng Myanmar họp: quyết định khó khăn và phi tiền lệ của ASEAN

Không mời thống tướng Myanmar họp: quyết định khó khăn và phi tiền lệ của ASEAN
Tác giả: Phạm Quang Vinh

TTO - Ngày 16-10, Brunei, quốc gia chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2021, xác nhận ASEAN sẽ không mời thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, dự hội nghị cấp cao của khối từ ngày 26 đến 28-10.

Xem thêm

Nhìn lại chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ

Nhìn lại chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ

Nguyễn Vinh Quang

Cố vấn cao cấp CSSD

 

Sự kiện Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Singapore và Việt Nam vừa qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong khu vực và trên thế giới.

 

Xem thêm

Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu thông điệp từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ

Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu thông điệp từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ
Tác giả: Phạm Quang Vinh

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam cho thấy Mỹ coi trọng vị trí của Việt Nam trong quan hệ song phương, cũng như vị trí của Việt Nam trong khu vực.

 

Xem thêm

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành "hub" sản xuất vaccine khu vực

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành
Tác giả: CSSD

Trao đổi với Tri thứ trẻ, Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhấn manh, trước đây tổng thống hay phó tổng thống Mỹ đến châu Á-Thái Bình Dương, thường phải đến đồng minh lớn của Mỹ trước, chứ chưa đến riêng Đông Nam Á mà lại ngay đầu nhiệm kỳ.

 

Xem thêm

Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: cuộc chiến thoát nghèo là một kỳ tích

Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: cuộc chiến thoát nghèo là một kỳ tích

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/1921-1/7/2021), Cố vấn cao cấp CSSD, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị VIệt Nam - Trung Quốc, Nguyễn Vinh Quang có bài viết về những thành tựu cơ bản của Trung Quốc, đồng thời, chúc mừng về những thành tựu mà Đảng và Nhân dân Trung Quốc đã đạt được trong 100 năm qua. Bài viết đăng trên Tạp chí Thời đại; được sự đồng ý của Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang, CSSD xin đăng lại toàn văn bài viết.

 

Nhìn lại xã hội Việt Nam và xã hội Trung Quốc 100 năm trước, chúng ta không thể tưởng tượng được có ngày hôm nay. Việt Nam là một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, Trung Quốc là xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến, người dân chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột.

 

Ngày nay, nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đã làm chủ đất nước mình. Cả hai quốc gia đều đang phát triển với tốc độ cao hàng đầu trên thế giới. Trung Quốc đã có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới; Việt Nam là quốc gia phát triển nhanh trong khu vực. Sự thay đổi kỳ diệu 100 năm qua không thể phủ nhận tính ưu việt của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản hai nước.

 

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc giành được chính quyền, thành lập nước CHND Trung Hoa đến nay, dù phải trải qua bao cơn sóng gió, bao nhiêu chặng đường khúc khuỷu, gập ghềnh, Đảng vẫn kiên trì vai trò lãnh đạo của mình. Đặc biệt, từ khi bắt đầu cuộc cách mạng cải cách mở cửa đến nay đã hơn 40 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc đã làm nên kỳ tích có ý nghĩa lịch sử. Những thay đổi long trời lở đất của đất nước Trung Quốc, cả thế giới đều chứng kiến.

 

Đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam –Trung Quốc thăm nơi nơi Bác Hồ từng làm việc tại Liễu Châu năm 2019.

 

Năm nay, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là năm tổng kết thực hiện mục tiêu 100 năm thứ nhất mà Đảng đề ra: Xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả. Đầu năm 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố cuộc chiến thoát nghèo của Trung Quốc đã thắng lợi hoàn toàn. Đây là một kỳ tích. Khi nước CHND Trung Hoa thành lập 72 năm trước, lúc đó, đất nước này có số người nghèo đông nhất thế giới. Đến nay, tuyên bố khẳng định, toàn bộ người nghèo ở nông thôn Trung Quốc đã thoát nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành của Liên hợp quốc. Như vậy trong 40 năm cải cách mở cửa, 770 triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo, chiếm đến 70% số người được thoát nghèo trên thế giới. Đặc biệt những năm gần đây cuộc chiến thoát nghèo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân được đẩy nhanh chưa từng có. Không có một quốc gia nào trên thế giới có thể xóa nghèo cho gần 100 triệu dân chỉ trong khoảng thời gian 8 năm.

 

Tôi cho rằng đây là thành tựu cơ bản nhất và có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội khá giả của Trung Quốc. Đảng Cộng sản đã thực hiện thành công lời hứa với nhân dân, làm tăng uy tín của Đảng trong lòng dân.

 

Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc đã kết thúc thắng lợi một giai đoạn lịch sử trọng đại, tạo cơ sở để mở đầu cho giai đoạn mới trong tiến trình đi đến mục tiêu trở thành cường quốc hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp.

 

Những người cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã có quan hệ mật thiết với nhau suốt 100 năm nay. Hai Đảng Cộng sản đã cùng hợp tác và giúp đỡ nhau trong cách mạng dân tộc, dân chủ và xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi nước. Quan hệ hai nước Việt-Trung dù đã trải qua nhiều sóng gió vẫn giữ được hướng đi đúng đắn. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới và cải cách mở cửa, hai Đảng vẫn duy trì hợp tác, trao đổi kinh nghiệm lý luận và thực tiễn, thúc đẩy hợp tác toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước.

 

Ông Nguyễn Vinh Quang, Trưởng đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam –Trung Quốc ghi lưu niệm tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liễu Châu.

 

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, là một người nhiều năm nghiên cứu tình hình Trung Quốc và từng tham gia xây dựng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nay là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Trung, tôi cảm thấy vui mừng và chân thành chúc mừng về những thành tựu mà Đảng và nhân dân Trung Quốc đã đạt được 100 năm qua. Chúc Đảng Cộng sản Trung Quốc giành nhiều thắng lợi ngày càng to lớn trong tiến trình mới, vì hạnh phúc của nhân dân Trung Quốc, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Chúc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng củng cố và phát triển./.

Xem thêm

Bác Hồ tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam

Bác Hồ tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam

QĐND - Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam là cuộc cách mạng vĩ đại của thế kỷ 20. Thắng lợi của dân tộc Việt Nam không thể tách rời sự ủng hộ to lớn và hiệu quả của bạn bè trên thế giới. Nhịp cầu quan trọng nhất kết nối giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, với phong trào cộng sản công nhân quốc tế, với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới chính là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.

Người đã gắn kết sự nghiệp cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, kết hợp một cách tài tình sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bởi vậy, Người đã tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế dưới nhiều hình thức phong phú và hiệu quả.

 

1. Nắm rõ tình hình quốc tế, tìm đến sự đồng cảm của nhân dân thế giới

 

Năm 1911, khi rời đất nước ra đi, chàng trai Nguyễn Tất Thành chỉ mới biết được nỗi khổ của người dân Việt Nam, biết được sự bất công trong một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, nhưng chưa biết thế giới bên ngoài đang tồn tại như thế nào. Anh phải đến thẳng nước Pháp, nước Anh, vào trong sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để tìm hiểu và so sánh với thực tiễn xã hội Việt Nam. Anh đã nhận thức đối tượng của cách mạng thế giới là chủ nghĩa thực dân đế quốc nói chung, không phân biệt màu da. Vì ở bất cứ đâu, chủ nghĩa đế quốc cũng tàn bạo, bất công và độc ác. Nhân dân lao động ở các nước thuộc địa hay phụ thuộc và ngay cả ở các chính quốc đều bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, bóc lột. Họ là lực lượng cơ bản của cách mạng thế giới. Từ nhận thức trên, Người rút ra kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật thôi: Tình hữu ái vô sản”(1). Chính “tình hữu ái vô sản” mà Người phát hiện ra đó đã được Người và nhiều nhà cách mạng vô sản khác trên thế giới làm sống dậy, mang đến sức mạnh cho phong trào cách mạng các nước, trong đó có Việt Nam sau này.

 

Nhiều bài báo, nhiều buổi diễn thuyết của Người tại các cuộc biểu tình hay các diễn đàn quốc tế đã chuyển đến những người cùng cảnh ngộ trên thế giới về nỗi thống khổ và tình cảm của những người Việt Nam đang bị áp bức, và ngược lại, giành được sự đồng cảm của đông đảo nhân dân tiến bộ trên thế giới. Trong kháng chiến, dù coi Pháp, Mỹ là kẻ thù, là đối tượng của cuộc kháng chiến, Người vẫn luôn nhắc nhở nhân dân ta phân biệt rõ ràng đế quốc thực dân xâm lược với nhân dân lao động, coi nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ như là đồng minh tự nhiên, không chút hận thù và còn đặt lòng tin vào sự thức tỉnh lương tri của họ. 

 

Giữa năm 1964, Người đã tuyên bố rõ quan điểm của Việt Nam về nước Mỹ: “Chúng tôi phân biệt nhân dân Mỹ với đế quốc Mỹ”; “Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng”(2). Người tin rằng mỗi khi “lương tâm người Mỹ nổi giận” sẽ góp phần thay đổi cục diện cuộc chiến tranh: “Nhân dân Mỹ đánh từ trong đánh ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt-Mỹ nhất định sẽ thắng”(3).

 

Đối với các quốc gia đồng minh, bè bạn gần gũi, không những Người đã thúc đẩy sự ủng hộ và hợp tác của chính quyền mà còn tranh thủ được tình cảm trong lòng dân. Là một người từng công tác tại Trung Quốc gần chục năm, một trong những điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất là người dân Trung Quốc có thể có những quan điểm khác nhau về đất nước, con người Việt Nam, nhưng hình ảnh Bác Hồ trong lòng họ gần như không khác nhau. Trên đất nước Trung Quốc rộng lớn hiện có khoảng hơn 70 di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất nhiều trong số đó không chỉ được Trung Quốc bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn mà từng ngày, từng giờ được giới thiệu với đông đảo công chúng, khách tham quan trong nước và quốc tế về những giá trị lịch sử-văn hóa mang dấu ấn Hồ Chí Minh.

 

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp, ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Ảnh: hochiminh.vn.

 

 

2. Tranh thủ sự ủng hộ của các chính khách, các quốc gia có thực lực và các tổ chức quốc tế

 

Trước tiên phải nói đến bản “Yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam” mà Người đã thay mặt những người Việt Nam yêu nước, ký tên Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Versailles tháng 6-1919. Người biết rằng đây là cuộc gặp giữa nguyên thủ các đế quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, là những nhân vật có thế lực, có tiếng nói quyết định đối với trật tự thế giới. Đặc biệt trong đó có Tổng thống Mỹ, bấy giờ là Woodrow Wilson, người trước đó vừa công bố chương trình 14 điểm, trong đó đáng quan tâm là điểm thứ 5: “Điều chỉnh một cách tự do, công bằng quyền yêu sách của các thuộc địa, đặt mối quan tâm tới quyền lợi của những người dân bị tác động ngang hàng với lợi ích của các chính phủ liên quan tới yêu sách”. Người trực tiếp gặp Tổng thống Wilson để đưa đơn thỉnh nguyện và hy vọng đây là cơ hội cho nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các quốc gia thuộc địa. Tuy bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã được lan truyền rộng rãi, gây tiếng vang lớn trong dư luận nước Pháp, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa.

 

Sau khi giành chính quyền, Người vẫn luôn quan tâm đến việc tranh thủ các nhân vật quyền lực của các cường quốc, kể cả các quốc gia phía bên kia chiến tuyến. Vô số ví dụ về những yêu cầu đầy tính thuyết phục của Người. Những năm 1945-1946, Người đã nhiều lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ, với lời lẽ ngoại giao, hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Mỹ, nhất là những điểm liên quan trực tiếp tới quyền độc lập của các dân tộc “nhược tiểu”, đồng thời yêu cầu nước Mỹ thực hiện tuyên bố đó.

 

Tháng 10-1945, chính quyền của Tổng thống Truman ra tuyên bố chính sách đối ngoại 12 điểm của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó nêu rõ Mỹ sẽ “không phản đối và cũng không giúp Pháp tái lập sự kiểm soát ở Đông Dương”. Nhận thức rõ vai trò to lớn của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương lúc bấy giờ, Người coi đây là cơ hội để tiếp cận với Mỹ nhằm khai thác những điểm tích cực trong tuyên bố đó. Ngày 12-10-1945, với tư cách người đứng đầu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người đã gửi cho Tổng thống Mỹ Truman bức thư bày tỏ sự hoan nghênh đối với chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và các nước cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Bức thư đến Văn phòng Tổng thống Mỹ ngày 2-11-1945. Cùng ngày, tại Hà Nội, trong cuộc gặp gỡ các nhà báo nước ngoài, trả lời những câu hỏi về quan điểm của Chính phủ Việt Nam đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, Người nêu rõ, nhân dân Việt Nam hoan nghênh, ủng hộ tuyên bố 12 điểm của Tổng thống Truman và tin tưởng rằng nước Mỹ sẽ sớm thực hiện chúng.

 

Cũng trong thời gian này, Người đã có công hàm gửi Chính phủ các nước: Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Vương quốc Anh, đề nghị ngăn chặn việc quân đội Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam, đưa vấn đề Đông Dương ra Liên hợp quốc, trao trả độc lập cho các nước Đông Dương.

 

3. Muốn người khác giúp đỡ, mình phải có sức mạnh bên trong

 

Đó là quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chỉ ra rằng: “Độc lập của Việt Nam luôn luôn nhờ ở nơi lực lượng của Việt Nam”; “Muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp mình đã”. Trong khi định ra đường lối quốc tế và sách lược tập hợp lực lượng bên ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh nhân tố bên trong, coi nhân tố bên trong là nhân tố quyết định. Người nhắc nhở: “Ta có mạnh thì họ mới “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay kẻ khác, dầu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”(4).

 

Vào thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người đã nêu ra chủ trương đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của quốc tế: Cần phải “dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ”. Rõ ràng, đối tượng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chống Mỹ rất rộng rãi, nhưng Người vẫn luôn nhấn mạnh dựa vào sức mình là chính. Sức hậu thuẫn thế giới thường được tăng cường và phát triển tỷ lệ thuận với những thắng lợi của nhân dân ta là một minh chứng quan điểm mở rộng đoàn kết quốc tế trên cơ sở tự lập, tự cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

 

4. Sử dụng nghệ thuật “ngoại giao tâm công” để thu phục lòng người

 

“Ngoại giao tâm công” là một trong những đặc trưng nổi bật của ngoại giao truyền thống Việt Nam, được Bác Hồ kế thừa và phát triển một cách hết sức khéo léo, hiệu quả. “Ngoại giao tâm công” dựa trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn, tìm ra những điểm tương đồng để thức tỉnh và khích lệ sự ủng hộ quốc tế, phân biệt rõ bạn-thù, phân biệt dân tộc với kẻ phản động trong Chính phủ để cô lập kẻ thù gây chiến nhằm tập hợp lực lượng rộng rãi trên thế giới. “Ngoại giao tâm công” vừa được sử dụng đối với kẻ thù, vừa được sử dụng với bạn bè. Người rất thành công trong nghệ thuật ngoại giao này là nhờ sự am hiểu sâu rộng đặc tính văn hóa của các dân tộc trên thế giới và tìm thấy những điểm tương đồng trong quan niệm giá trị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác. Trong quan hệ với Pháp, Người khơi dậy lòng tự hào của nhân dân Pháp để nhân dân Pháp phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chính người Pháp đã thừa nhận: Hồ Chí Minh đã đánh chìm chủ nghĩa thực dân Pháp mà vẫn giữ được tình hữu nghị với nhân dân Pháp.

 

Trong thư gửi tướng Leclerc-người được cử sang điều tra tình hình Việt Nam đầu năm 1947, Người viết: “Ngài là một đại quan nhân và một nhà ái quốc... Một nhà ái quốc trọng những người ái quốc khác. Một người yêu quê hương mình, trọng quê hương kẻ khác... Giá thử ngài đánh được chúng tôi đi chăng nữa-đấy là một điều viển vông, vì nếu ngài mạnh về vật chất thì chúng tôi đây, mạnh về tinh thần, với một ý chí cương quyết chiến đấu cho tự do của chúng tôi-thì những thắng lợi tạm thời kia chẳng những không tăng thêm mà lại còn làm tổn hại đến uy danh quân nhân và tư cách ái quốc của ngài”(5).

 

Với nhân dân Mỹ, trong “Điện gửi các bạn người Mỹ nhân dịp năm mới 1968”, Người nêu rõ: “Các bạn đều biết, không hề có người Việt Nam nào đến khuấy rối ở nước Mỹ. Vậy mà có nửa triệu quân Mỹ đến miền Nam Việt Nam, cùng với hơn 70 vạn quân ngụy và quân chư hầu, hằng ngày bắn giết người Việt Nam, đốt phá thành phố và xóm làng Việt Nam... Hàng chục vạn thanh niên Mỹ phải chết và bị thương vô ích trên chiến trường Việt Nam. Chính phủ Mỹ xài phí về chiến tranh ở Việt Nam mỗi năm hàng chục tỷ đô-la tiền mồ hôi, nước mắt của nhân dân Mỹ... Các bạn ra sức đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt xâm lược Việt Nam, vừa bảo vệ chính nghĩa, vừa ủng hộ chúng tôi”(6).

 

Những lời nói đó đã chạm vào trái tim của những con người lương thiện, yêu chuộng hòa bình, biến lương tri của họ thành sức mạnh chống chiến tranh, ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam.

 

Đội ngũ cán bộ ngoại giao trong thời đại Hồ Chí Minh cần tiếp tục nghiên cứu tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta để kế thừa và phát triển, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam trong thời đại mới.

 

-------

(1) "Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề dân tộc và con người" (Phạm Hồng Chương)

(2) Trả lời phỏng vấn nhà báo Burchett, ngày 25-4-1964 (Báo Nhân Dân, ngày 25-4-1964)

(3) "Chủ tịch Hồ Chí Minh-trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại" (Nguyễn Phúc Luân)

(4) "Chủ tịch Hồ Chí Minh-trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại" (Nguyễn Phúc Luân)

(5) "Hồ Chí Minh toàn tập", tập 5, tr.5

(6) Báo Nhân Dân, ngày 31-12-1967

 

NGUYỄN VINH QUANG, Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, nguyên Vụ trưởng, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng

Bài viết đăng trên Báo điện tử Quân đội Nhân dân. Được sự đồng ý của Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang, CSSD xin đăng lại.

 

Xem thêm

NHỮNG TÍN HIỆU TỪ ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII ĐẢNG LAO ĐỘNG TRIỀU TIÊN

NHỮNG TÍN HIỆU TỪ  ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII ĐẢNG LAO ĐỘNG TRIỀU TIÊN

Nguyễn Vinh Quang [1]

 

Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên tiến hành từ ngày 5 đến ngày 11/1/2021 tại Thủ đô Bình Nhưỡng với sự tham gia của 5.000 đại biểu, trong đó có 250 ủy viên trung ương đảng, 4.750 đại biểu các cấp và 2.000 đại biểu dự thính. Đại hội nghe báo cáo tổng kết của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII do nhà lãnh đạo Kim Jong-un, với danh nghĩa Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tich Quốc vụ CHDCND Triều Tiên, Tư lệnh tối cao lực lượng vũ trang trình bày. Thời gian báo cáo kéo dài 9 tiếng.

 

Nhìn lại 5 năm qua một cách cầu thị

 

Đại hội VIII diễn ra đúng chu kỳ 5 năm sau Đại hội VII (2016). Đây là Đại hội thứ hai kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo tối cao của CHDCND Triều Tiên. 5 năm qua tình hình thế giới diễn biến phức tạp và Triều Tiên phải đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi đại dịch, thiên tai và sự bao vây cấm vận bởi lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và các biện pháp trừng phạt khác của Mỹ. 5 năm qua cũng là 5 năm có những biến chuyển mang tính đột phá trong quan hệ hai miền Triều Tiên và quan hệ Mỹ-Triều, đặc biệt là từ năm 2018, với mục tiêu mà cả thế giới hy vọng là phi hạt nhân hóa, dỡ bỏ trừng phạt, đi đến một bán đảo Triều Tiên hoà bình, ổn định.

 

Thế nhưng những nỗ lực của các bên liên quan đã chưa đem lại một kết quả cụ thể nào đáng kể. Phía Triều Tiên trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn vẫn tiến hành thành công các cuộc thử vũ khí mới. Quan hệ hai miền Triều Tiên vẫn có những lúc căng thẳng đến nghẹt thở. Các cuộc đàm phán cấp làm việc Mỹ- Triều đều thất bại. Lệnh trừng phạt vẫn không hề được nới lỏng.

 

Đại hội lần này của Đảng Lao động Triều Tiên đã nhìn lại những thành tựu và những bất cập 5 năm qua kể từ Đại hội VII (năm 2016). Báo cáo tổng kết cho rằng, 5 năm qua, Triều Tiên đã tiến hành cuộc đấu tranh ngoan cường biến mọi trở ngại thành thắng lợi to lớn, đánh dấu “sự mở đầu cho thời đại phát triển mới”, thời đại “Nước ta trên hết”[2]. Về kinh tế, tuy chưa đạt được mục tiêu chiến lược như dự định nhưng đã tạo dựng được cơ sở để tự lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai. Đó là bảo vệ được cơ sở vật chất xã hội chủ nghĩa kiểu Triều Tiên trong điều kiện bị bao vây cấm vận và thiên tai nghiêm trọng. Về quốc phòng, đã “củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân, phòng thủ đất nước”. Báo cáo cho rằng, “Xuất phát từ tính đặc thù của cách mạng Triều Tiên là đối phó với thế lực xâm lược xuyên thế kỷ nhằm vào Triều Tiên cũng như đặc điểm địa chính trị của đất nước, đòi hỏi phải xây dựng sức mạnh hạt nhân”. Báo cáo cũng cho biết quá trình lịch sử hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa vũ khí hạt nhân để có được năng lực hạt nhân hoàn toàn mới. Ngoài công nghệ hạt nhân, Báo cáo đã đề cập đến những thành tựu mới tăng cường sức mạnh quân đội như đầu đạn bay siêu thanh áp dụng cho tên lửa đạn đạo, vệ tinh do thám quân sự, các dự án nghiên cứu thiết kế tàu ngầm hạt nhân mới, v.v...

 

Về đối ngoại, Báo cáo cho rằng thời gian qua Triều Tiên đã tích cực triển khai các hoạt động nâng cao uy tín và sự tôn nghiêm của quốc gia. “Trong tình hình xấu bị Mỹ và các thế lực theo đuôi bao vây phong tỏa nghiêm ngặt, Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã kiên quyết chống lại, đã chứng minh cho thế giới thấy rằng không ai có thể xâm phạm chủ quyền quốc gia” và “không tôn trọng chủ quyền thì không thể cải thiện quan hệ với Triều Tiên”. “5 năm qua Triều Tiên đã mạnh dạn đổi mới đường lối, sử dụng chiến lược mang tính tiến công, hình thành làn gió hoà bình, tạo không khí đối thoại được cộng đồng quốc tế công nhận, đồng thời linh hoạt tổ chức các hoạt động đối ngoại nâng cao địa vị quốc tế”. Báo cáo nhấn mạnh những bước cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Cu-ba, Việt Nam, từ đó tăng cường hơn sự đoàn kết ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa.

 

Điều đáng chú ý là, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã rất thẳng thắn thừa nhận kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia 5 năm qua đã kết thúc, song nhiều mục tiêu vẫn chưa hoàn thành, cho rằng tự mình phải rút ra “bài học xương máu”. Ông đã phân tích khá kỹ tình hình xây dựng kinh tế, văn hoá, quốc phòng, quản lý xã hội, công tác đoàn thể v.v... Đặc biệt tình hình phức tạp trong nước và quốc tế khiến Triều Tiên phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ngoài dự kiến. Ông thừa nhận một số công tác của Đảng chưa mang lại sự cải thiện, mục tiêu tăng trưởng kinh tế chưa hoàn thành, việc cải thiện dân sinh chưa có kết quả rõ rệt, đồng thời ông cũng chỉ ra một cách cụ thể những yếu kém, những bất cập tiềm ẩn trong các đơn vị, các ngành và những nguyên nhân của nó. Ông nhấn mạnh phải tìm ra nguyên nhân chủ quan, nếu bỏ qua thì sẽ trở thành những trở ngại lớn hơn.

 

Kế hoạch phát triển 5 năm tới

 

Báo cáo đã trình bày chiến lược phát triển kinh tế 5 năm tới với nhiệm vụ trọng tâm là coi công nghiệp luyện kim và công nghiệp hóa chất là then chốt để tập trung đầu tư; thực hiện bình thường hóa các ngành sản xuất kinh tế quốc dân; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành nông nghiệp; bảo đảm đầy đủ nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp nhẹ, tăng mạnh sản xuất hàng tiêu dùng đại chúng. Cốt lõi và chủ đề cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế 5 năm tới của Triều Tiên vẫn là “tự lực cánh sinh, tự cung tự cấp”. Báo cáo nhấn mạnh, “Tính đến năng lực thực tế, kế hoạch 5 năm mới đã phản ánh yêu cầu hoàn thiện cơ cấu của nền kinh tế quốc gia tự lập, giảm bớt mức độ phụ thuộc nhập khẩu, ổn định cuộc sống nhân dân”. Một số chỉ tiêu cụ thể được nêu ra trong 5 năm tới như: đầu tư xây dựng 50.000 căn hộ ở Bình Nhưỡng, mỗi năm xây 10.000 căn hộ, cơ bản giải quyết vấn đề ở cho cư dân Thủ đô; xây 25.000 căn hộ cho công nhân tại các cơ sở hàng đầu sản xuất, khai thác; ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phải hoàn thành nhiệm vụ cơ bản 8 triệu tấn xi-măng v.v...

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trình bày lập trường về quốc phòng của Triều Tiên là tiếp tục tăng cường sự đảm bảo vững chắc cơ sở sống còn của đất nước, duy trì sự tôn nghiêm, an toàn và hoà bình của đất nước và của nhân dân, cho rằng Triều Tiên đã nỗ lực và kiềm chế tối đa một cách thiện chí nhằm đảm bảo hoà bình an ninh cho bán đảo Triều Tiên và thế giới, nhưng chính sách thù địch của Mỹ không hề giảm mà còn tăng thêm. Ông nhấn mạnh: “Nhìn thấy kẻ thù ngày càng tăng cường vũ khí nhằm vào đất nước mình mà không nỗ lực tăng cường sức mạnh bản thân, bình chân như vại, thì đó là hành động vô cùng nguy hiểm và quá ngu xuẩn”.

 

Về vấn đề vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã đặt ra mục tiêu mở rộng kho vũ khí hạt nhân, nhưng tuyên bố “Nếu thế lực thù địch của Triều Tiên không sử dụng vũ khí hạt nhân thì Triều Tiên sẽ không lạm dụng vũ khí hạt nhân”. Trước mắt là vẫn phải coi trọng công nghệ hạt nhân hơn nữa, phát triển vũ khí hạt nhân loại nhỏ và vũ khí hạt nhân chiến thuật gọn nhẹ hơn nữa, đồng thời nâng cao độ chính xác tiêu diệt đối tượng chiến lược trong phạm vi 15.000 km, nâng cao năng lực đánh đòn hạt nhân phủ đầu, trả đũa. Nhiệm vụ trong tương lai gần là ứng dụng sản xuất đầu đạn bay siêu thanh, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa động cơ nhiên liệu rắn phóng từ tàu ngầm và từ mặt đất; có tàu ngầm hạt nhân và vũ khí hạt nhân chiến lược phóng từ tàu ngầm, nâng cao năng lực tấn công hạt nhân tầm xa; trong thời gian ngắn vận dụng vệ tinh trinh sát quân sự, đảm bảo năng lực trinh sát thu thập tình báo, đấy nhanh công tác nghiên cứu khoa học chế tạo máy bay trinh sát không người lái tinh vi có tầm trinh sát 500 km.

 

Đại hội lần này cũng nhắc lại lập trường mang tính nguyên tắc trong quan hệ với Hàn Quốc và với Mỹ. Với Hàn Quốc, nhất trí ngừng các hành động thù địch chống đối lẫn nhau, nghiêm túc thực hiện tuyên bố chung đã ký năm 2018. Phía Triều Tiên cho rằng, có khôi phục và làm sống lại được quan hệ Bắc-Nam hay không là hoàn toàn phụ thuộc thái độ của Hàn Quốc; rằng, hợp tác chống dịch, hợp tác nhân đạo hay du lịch là những vấn đề không bản chất, nó chỉ gây ấn tượng “cải thiện” mà thôi. Ông Kim Jong-un chỉ trích Hàn Quốc đang không ngừng nhập khẩu trang thiết bị quân sự và không ngừng tập trận với Mỹ, vi phạm thỏa thuận Bắc-Nam về đảm bảo hoà bình ổn định quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh một nguyên tắc cứng rắn đối với Mỹ là phải nhất quán kiên trì phương thức “lấy mạnh đáp lại mạnh, lấy thiện chí đáp lại thiện chí”. Ông cho rằng “chướng ngại vật lớn nhất của phát triển cách mạng là Mỹ”. “Dù ai cầm quyền ở Mỹ, bản chất chính sách thù địch (của Mỹ) đối với Triều Tiên vẫn không thay đổi, công tác đối ngoại phải xây dựng chiến lược và có sách lược đối với Mỹ”.

 

Ngoài ra, trong chính sách đối ngoại, Triều Tiên nhấn mạnh chủ trương mở rộng và phát triển quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, tăng cường đoàn kết hợp tác chính đảng cách mạng theo hướng tự chủ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đối ngoại của đất nước.

 

Báo cáo tổng kết của Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VII cũng dành một phần quan trọng phân tích về vai trò của Đảng và công tác xây dựng Đảng trong hoàn cảnh mới. Về mặt tổ chức, Đại hội lần này đã khôi phục Ban Bí thư Trung ương Đảng và chức vụ Tổng Bí thư, ông Kim Jong-un được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng[3].

 

Tổng quan về chiến lược

 

Như vậy, qua Đại hội lần này có thể thấy phương hướng tổng thể của kế hoạch 5 năm mới của Triều Tiên là tập trung sức lực phát triển kinh tế, kích hoạt toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tạo cơ sở vững chắc cho cải thiện đời sống nhân dân. Mục tiêu trọng điểm của kế hoạch vẫn là tự lực cánh sinh, tự cung tự cấp, đồng thời thúc đấy hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm bổ sung và tăng cường cho phát triển của nền kinh tế lấy tự lực canh sinh làm cơ sở. Kế hoạch phát triển này cho thấy Triều Tiên nhận thức được tình trạng bị bao vây cấm vận có khả năng còn lâu dài, dù khó khăn đến mấy cũng quyết tâm duy trì sự sống còn và tiếp tục phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân. Tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, xây dựng lực lượng quân sự không phải là trọng tâm, nhưng không thể thiếu vì đó vừa tăng cường năng lực tự vệ vừa là sách lược của Triều Tiên nhằm tạo không gian đối thoại, giải quyết vấn đề.

 

Vai trò của Đảng và công tác xây dựng đảng được Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là nhà lãnh đạo Kim Jong-un coi trọng hơn trước đây và có nhiều đổi mới. Nếu như Đại hội VII, Đại hội đầu tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra cách Đại hội trước đó 36 năm thì Đại hội này được tổ chức cách Đại hội trước đúng 5 năm theo quy định của Điều lệ Đảng; Ban Bí thư và chức vụ Tổng Bí thư được khôi phục; Báo cáo tổng kết mạnh dạn nhìn thẳng vào những yếu kém và phân tích nguyên nhân một cách cầu thị v.v... Tất cả những chi tiết này cho thấy Đảng Lao động Triều Tiên đang từng bước đổi mới, vai trò của Đảng được nhấn mạnh hơn, đưa Đảng vào quỹ đạo hoạt động bình thường như các chính đảng khác trên thế giới.

 

Về chính sách đối ngoại, mặc dù chưa có gì là đột phá, nhưng những tín hiệu phát ra vào thời điểm này có ý nghĩa quan trọng. Đó là lúc nước Mỹ chuyển giao quyền lực, chính quyền của Tổng thống mới Joe Biden chưa định hình chiến lược ngoại giao, trong đó có chính sách Triều Tiên. Những tín hiệu này có thể có tác động nhất định đến chính sách mới của Mỹ. Những nỗ lực phi hạt nhân hóa, cải thiện quan hệ Mỹ-Triều dù bị bế tắc trong cuối nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump nhưng chưa phải đã đi đến tuyệt vọng, nó cũng có thể được kích hoạt trở lại nếu như mỗi bên có thêm một chút thiện chí. Người ta vẫn hy vọng điều này sẽ diễn ra vì đó là lợi ích của cả Mỹ và Triều Tiên, của cả khu vực và cả thế giới. Nếu quan hệ Mỹ-Triều không được cải thiện, chắc chắn quan hệ liên Triều cũng gặp khó khăn và vấn đề bán đảo Triều Tiên không thể giải quyết./.

 


[1] Cố vấn cao cấp trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế; Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương

 

[2] Còn gọi là “Chủ nghĩa ưu tiên nước ta” hay “Chủ nghĩa ưu tiên”.

 

[3] Năm 2011, khi Tổng Bí thư Kim Jong-il qua đời, Triều Tiên đã quyết định để ông giữ chức vụ “Tổng bí thư vĩnh viễn”. Ông Kim Jong-un lên thay thế với chức vụ Bí thư thứ nhất của Đảng. Đại hội đảng lần thứ VII năm 2016, chức vụ Bí thư thứ nhất bị bãi bỏ và thay bằng chức Chủ tịch Đảng. Lần này chức vụ Tổng Bí thứ lại được khôi phục.

 

Ghi chú: Bài viết đăng trên Tạp chí Đối ngoại số 131 (1+2/2021). Được sự đồng ý của Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang, CSSD xin đăng lại bài viết.

Xem thêm