Nghiên cứu

NHỮNG TÍN HIỆU TỪ ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII ĐẢNG LAO ĐỘNG TRIỀU TIÊN

Nguyễn Vinh Quang [1]

 

Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên tiến hành từ ngày 5 đến ngày 11/1/2021 tại Thủ đô Bình Nhưỡng với sự tham gia của 5.000 đại biểu, trong đó có 250 ủy viên trung ương đảng, 4.750 đại biểu các cấp và 2.000 đại biểu dự thính. Đại hội nghe báo cáo tổng kết của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII do nhà lãnh đạo Kim Jong-un, với danh nghĩa Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tich Quốc vụ CHDCND Triều Tiên, Tư lệnh tối cao lực lượng vũ trang trình bày. Thời gian báo cáo kéo dài 9 tiếng.

 

Nhìn lại 5 năm qua một cách cầu thị

 

Đại hội VIII diễn ra đúng chu kỳ 5 năm sau Đại hội VII (2016). Đây là Đại hội thứ hai kể từ khi ông Kim Jong-un trở thành nhà lãnh đạo tối cao của CHDCND Triều Tiên. 5 năm qua tình hình thế giới diễn biến phức tạp và Triều Tiên phải đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi đại dịch, thiên tai và sự bao vây cấm vận bởi lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và các biện pháp trừng phạt khác của Mỹ. 5 năm qua cũng là 5 năm có những biến chuyển mang tính đột phá trong quan hệ hai miền Triều Tiên và quan hệ Mỹ-Triều, đặc biệt là từ năm 2018, với mục tiêu mà cả thế giới hy vọng là phi hạt nhân hóa, dỡ bỏ trừng phạt, đi đến một bán đảo Triều Tiên hoà bình, ổn định.

 

Thế nhưng những nỗ lực của các bên liên quan đã chưa đem lại một kết quả cụ thể nào đáng kể. Phía Triều Tiên trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn vẫn tiến hành thành công các cuộc thử vũ khí mới. Quan hệ hai miền Triều Tiên vẫn có những lúc căng thẳng đến nghẹt thở. Các cuộc đàm phán cấp làm việc Mỹ- Triều đều thất bại. Lệnh trừng phạt vẫn không hề được nới lỏng.

 

Đại hội lần này của Đảng Lao động Triều Tiên đã nhìn lại những thành tựu và những bất cập 5 năm qua kể từ Đại hội VII (năm 2016). Báo cáo tổng kết cho rằng, 5 năm qua, Triều Tiên đã tiến hành cuộc đấu tranh ngoan cường biến mọi trở ngại thành thắng lợi to lớn, đánh dấu “sự mở đầu cho thời đại phát triển mới”, thời đại “Nước ta trên hết”[2]. Về kinh tế, tuy chưa đạt được mục tiêu chiến lược như dự định nhưng đã tạo dựng được cơ sở để tự lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai. Đó là bảo vệ được cơ sở vật chất xã hội chủ nghĩa kiểu Triều Tiên trong điều kiện bị bao vây cấm vận và thiên tai nghiêm trọng. Về quốc phòng, đã “củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân, phòng thủ đất nước”. Báo cáo cho rằng, “Xuất phát từ tính đặc thù của cách mạng Triều Tiên là đối phó với thế lực xâm lược xuyên thế kỷ nhằm vào Triều Tiên cũng như đặc điểm địa chính trị của đất nước, đòi hỏi phải xây dựng sức mạnh hạt nhân”. Báo cáo cũng cho biết quá trình lịch sử hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa vũ khí hạt nhân để có được năng lực hạt nhân hoàn toàn mới. Ngoài công nghệ hạt nhân, Báo cáo đã đề cập đến những thành tựu mới tăng cường sức mạnh quân đội như đầu đạn bay siêu thanh áp dụng cho tên lửa đạn đạo, vệ tinh do thám quân sự, các dự án nghiên cứu thiết kế tàu ngầm hạt nhân mới, v.v...

 

Về đối ngoại, Báo cáo cho rằng thời gian qua Triều Tiên đã tích cực triển khai các hoạt động nâng cao uy tín và sự tôn nghiêm của quốc gia. “Trong tình hình xấu bị Mỹ và các thế lực theo đuôi bao vây phong tỏa nghiêm ngặt, Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã kiên quyết chống lại, đã chứng minh cho thế giới thấy rằng không ai có thể xâm phạm chủ quyền quốc gia” và “không tôn trọng chủ quyền thì không thể cải thiện quan hệ với Triều Tiên”. “5 năm qua Triều Tiên đã mạnh dạn đổi mới đường lối, sử dụng chiến lược mang tính tiến công, hình thành làn gió hoà bình, tạo không khí đối thoại được cộng đồng quốc tế công nhận, đồng thời linh hoạt tổ chức các hoạt động đối ngoại nâng cao địa vị quốc tế”. Báo cáo nhấn mạnh những bước cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Cu-ba, Việt Nam, từ đó tăng cường hơn sự đoàn kết ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa.

 

Điều đáng chú ý là, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã rất thẳng thắn thừa nhận kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia 5 năm qua đã kết thúc, song nhiều mục tiêu vẫn chưa hoàn thành, cho rằng tự mình phải rút ra “bài học xương máu”. Ông đã phân tích khá kỹ tình hình xây dựng kinh tế, văn hoá, quốc phòng, quản lý xã hội, công tác đoàn thể v.v... Đặc biệt tình hình phức tạp trong nước và quốc tế khiến Triều Tiên phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng ngoài dự kiến. Ông thừa nhận một số công tác của Đảng chưa mang lại sự cải thiện, mục tiêu tăng trưởng kinh tế chưa hoàn thành, việc cải thiện dân sinh chưa có kết quả rõ rệt, đồng thời ông cũng chỉ ra một cách cụ thể những yếu kém, những bất cập tiềm ẩn trong các đơn vị, các ngành và những nguyên nhân của nó. Ông nhấn mạnh phải tìm ra nguyên nhân chủ quan, nếu bỏ qua thì sẽ trở thành những trở ngại lớn hơn.

 

Kế hoạch phát triển 5 năm tới

 

Báo cáo đã trình bày chiến lược phát triển kinh tế 5 năm tới với nhiệm vụ trọng tâm là coi công nghiệp luyện kim và công nghiệp hóa chất là then chốt để tập trung đầu tư; thực hiện bình thường hóa các ngành sản xuất kinh tế quốc dân; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành nông nghiệp; bảo đảm đầy đủ nguyên vật liệu cho ngành công nghiệp nhẹ, tăng mạnh sản xuất hàng tiêu dùng đại chúng. Cốt lõi và chủ đề cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế 5 năm tới của Triều Tiên vẫn là “tự lực cánh sinh, tự cung tự cấp”. Báo cáo nhấn mạnh, “Tính đến năng lực thực tế, kế hoạch 5 năm mới đã phản ánh yêu cầu hoàn thiện cơ cấu của nền kinh tế quốc gia tự lập, giảm bớt mức độ phụ thuộc nhập khẩu, ổn định cuộc sống nhân dân”. Một số chỉ tiêu cụ thể được nêu ra trong 5 năm tới như: đầu tư xây dựng 50.000 căn hộ ở Bình Nhưỡng, mỗi năm xây 10.000 căn hộ, cơ bản giải quyết vấn đề ở cho cư dân Thủ đô; xây 25.000 căn hộ cho công nhân tại các cơ sở hàng đầu sản xuất, khai thác; ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phải hoàn thành nhiệm vụ cơ bản 8 triệu tấn xi-măng v.v...

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã trình bày lập trường về quốc phòng của Triều Tiên là tiếp tục tăng cường sự đảm bảo vững chắc cơ sở sống còn của đất nước, duy trì sự tôn nghiêm, an toàn và hoà bình của đất nước và của nhân dân, cho rằng Triều Tiên đã nỗ lực và kiềm chế tối đa một cách thiện chí nhằm đảm bảo hoà bình an ninh cho bán đảo Triều Tiên và thế giới, nhưng chính sách thù địch của Mỹ không hề giảm mà còn tăng thêm. Ông nhấn mạnh: “Nhìn thấy kẻ thù ngày càng tăng cường vũ khí nhằm vào đất nước mình mà không nỗ lực tăng cường sức mạnh bản thân, bình chân như vại, thì đó là hành động vô cùng nguy hiểm và quá ngu xuẩn”.

 

Về vấn đề vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã đặt ra mục tiêu mở rộng kho vũ khí hạt nhân, nhưng tuyên bố “Nếu thế lực thù địch của Triều Tiên không sử dụng vũ khí hạt nhân thì Triều Tiên sẽ không lạm dụng vũ khí hạt nhân”. Trước mắt là vẫn phải coi trọng công nghệ hạt nhân hơn nữa, phát triển vũ khí hạt nhân loại nhỏ và vũ khí hạt nhân chiến thuật gọn nhẹ hơn nữa, đồng thời nâng cao độ chính xác tiêu diệt đối tượng chiến lược trong phạm vi 15.000 km, nâng cao năng lực đánh đòn hạt nhân phủ đầu, trả đũa. Nhiệm vụ trong tương lai gần là ứng dụng sản xuất đầu đạn bay siêu thanh, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa động cơ nhiên liệu rắn phóng từ tàu ngầm và từ mặt đất; có tàu ngầm hạt nhân và vũ khí hạt nhân chiến lược phóng từ tàu ngầm, nâng cao năng lực tấn công hạt nhân tầm xa; trong thời gian ngắn vận dụng vệ tinh trinh sát quân sự, đảm bảo năng lực trinh sát thu thập tình báo, đấy nhanh công tác nghiên cứu khoa học chế tạo máy bay trinh sát không người lái tinh vi có tầm trinh sát 500 km.

 

Đại hội lần này cũng nhắc lại lập trường mang tính nguyên tắc trong quan hệ với Hàn Quốc và với Mỹ. Với Hàn Quốc, nhất trí ngừng các hành động thù địch chống đối lẫn nhau, nghiêm túc thực hiện tuyên bố chung đã ký năm 2018. Phía Triều Tiên cho rằng, có khôi phục và làm sống lại được quan hệ Bắc-Nam hay không là hoàn toàn phụ thuộc thái độ của Hàn Quốc; rằng, hợp tác chống dịch, hợp tác nhân đạo hay du lịch là những vấn đề không bản chất, nó chỉ gây ấn tượng “cải thiện” mà thôi. Ông Kim Jong-un chỉ trích Hàn Quốc đang không ngừng nhập khẩu trang thiết bị quân sự và không ngừng tập trận với Mỹ, vi phạm thỏa thuận Bắc-Nam về đảm bảo hoà bình ổn định quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh một nguyên tắc cứng rắn đối với Mỹ là phải nhất quán kiên trì phương thức “lấy mạnh đáp lại mạnh, lấy thiện chí đáp lại thiện chí”. Ông cho rằng “chướng ngại vật lớn nhất của phát triển cách mạng là Mỹ”. “Dù ai cầm quyền ở Mỹ, bản chất chính sách thù địch (của Mỹ) đối với Triều Tiên vẫn không thay đổi, công tác đối ngoại phải xây dựng chiến lược và có sách lược đối với Mỹ”.

 

Ngoài ra, trong chính sách đối ngoại, Triều Tiên nhấn mạnh chủ trương mở rộng và phát triển quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, tăng cường đoàn kết hợp tác chính đảng cách mạng theo hướng tự chủ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đối ngoại của đất nước.

 

Báo cáo tổng kết của Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa VII cũng dành một phần quan trọng phân tích về vai trò của Đảng và công tác xây dựng Đảng trong hoàn cảnh mới. Về mặt tổ chức, Đại hội lần này đã khôi phục Ban Bí thư Trung ương Đảng và chức vụ Tổng Bí thư, ông Kim Jong-un được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng[3].

 

Tổng quan về chiến lược

 

Như vậy, qua Đại hội lần này có thể thấy phương hướng tổng thể của kế hoạch 5 năm mới của Triều Tiên là tập trung sức lực phát triển kinh tế, kích hoạt toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tạo cơ sở vững chắc cho cải thiện đời sống nhân dân. Mục tiêu trọng điểm của kế hoạch vẫn là tự lực cánh sinh, tự cung tự cấp, đồng thời thúc đấy hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm bổ sung và tăng cường cho phát triển của nền kinh tế lấy tự lực canh sinh làm cơ sở. Kế hoạch phát triển này cho thấy Triều Tiên nhận thức được tình trạng bị bao vây cấm vận có khả năng còn lâu dài, dù khó khăn đến mấy cũng quyết tâm duy trì sự sống còn và tiếp tục phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân. Tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, xây dựng lực lượng quân sự không phải là trọng tâm, nhưng không thể thiếu vì đó vừa tăng cường năng lực tự vệ vừa là sách lược của Triều Tiên nhằm tạo không gian đối thoại, giải quyết vấn đề.

 

Vai trò của Đảng và công tác xây dựng đảng được Ban Chấp hành Trung ương đứng đầu là nhà lãnh đạo Kim Jong-un coi trọng hơn trước đây và có nhiều đổi mới. Nếu như Đại hội VII, Đại hội đầu tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra cách Đại hội trước đó 36 năm thì Đại hội này được tổ chức cách Đại hội trước đúng 5 năm theo quy định của Điều lệ Đảng; Ban Bí thư và chức vụ Tổng Bí thư được khôi phục; Báo cáo tổng kết mạnh dạn nhìn thẳng vào những yếu kém và phân tích nguyên nhân một cách cầu thị v.v... Tất cả những chi tiết này cho thấy Đảng Lao động Triều Tiên đang từng bước đổi mới, vai trò của Đảng được nhấn mạnh hơn, đưa Đảng vào quỹ đạo hoạt động bình thường như các chính đảng khác trên thế giới.

 

Về chính sách đối ngoại, mặc dù chưa có gì là đột phá, nhưng những tín hiệu phát ra vào thời điểm này có ý nghĩa quan trọng. Đó là lúc nước Mỹ chuyển giao quyền lực, chính quyền của Tổng thống mới Joe Biden chưa định hình chiến lược ngoại giao, trong đó có chính sách Triều Tiên. Những tín hiệu này có thể có tác động nhất định đến chính sách mới của Mỹ. Những nỗ lực phi hạt nhân hóa, cải thiện quan hệ Mỹ-Triều dù bị bế tắc trong cuối nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump nhưng chưa phải đã đi đến tuyệt vọng, nó cũng có thể được kích hoạt trở lại nếu như mỗi bên có thêm một chút thiện chí. Người ta vẫn hy vọng điều này sẽ diễn ra vì đó là lợi ích của cả Mỹ và Triều Tiên, của cả khu vực và cả thế giới. Nếu quan hệ Mỹ-Triều không được cải thiện, chắc chắn quan hệ liên Triều cũng gặp khó khăn và vấn đề bán đảo Triều Tiên không thể giải quyết./.

 


[1] Cố vấn cao cấp trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế; Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương

 

[2] Còn gọi là “Chủ nghĩa ưu tiên nước ta” hay “Chủ nghĩa ưu tiên”.

 

[3] Năm 2011, khi Tổng Bí thư Kim Jong-il qua đời, Triều Tiên đã quyết định để ông giữ chức vụ “Tổng bí thư vĩnh viễn”. Ông Kim Jong-un lên thay thế với chức vụ Bí thư thứ nhất của Đảng. Đại hội đảng lần thứ VII năm 2016, chức vụ Bí thư thứ nhất bị bãi bỏ và thay bằng chức Chủ tịch Đảng. Lần này chức vụ Tổng Bí thứ lại được khôi phục.

 

Ghi chú: Bài viết đăng trên Tạp chí Đối ngoại số 131 (1+2/2021). Được sự đồng ý của Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang, CSSD xin đăng lại bài viết.

Tags: