Nghiên cứu
40 năm quan hệ Việt Nam-Liên Hợp Quốc: Một lời hẹn ước
(Chinhphu.vn) - Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc (LHQ), đến nay vừa tròn 40 năm. Chặng đường này đã ghi nhận sự hợp tác sâu rộng và hiệu quả giữa Việt Nam và tổ chức quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới hiện đại.
Duyên phận
Năm 1945-1946, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư tới các nhà lãnh đạo những nước sáng lập LHQ bày tỏ ý nguyện Việt Nam sẵn sàng hợp tác với LHQ, đề cao Hiến chương LHQ và yêu cầu tổ chức này “thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập”...
Cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân Việt Nam, với thắng lợi vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954, đã góp phần thức tỉnh các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân nô dịch, kích hoạt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới giữa thế kỷ 20. Việc LHQ thông qua Nghị quyết 1514 ngày 14/12/1960 trao trả độc lập cho các nước thuộc địa có sự đóng góp bằng xương máu của nhân dân Việt Nam.
Nằm trong ý tưởng của những nước lớn thành viên sáng lập, LHQ là một tổ chức quốc tế đa phương, một kiến trúc an ninh tập thể nhằm duy trì trật tự thế giới hình thành từ thành quả tiến bộ sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiến chương LHQ đề ra các nguyên tắc cơ bản, các giá trị cốt lõi về tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết hoà bình tranh chấp, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, thúc đẩy tiến bộ xã hội...
LHQ đã chứng tỏ là một diễn đàn quan trọng để các nước vừa và nhỏ bảo vệ các quyền cơ bản được ghi trong Hiến chương. Các cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc đã góp phần có ý nghĩa củng cố những giá trị ấy.
Hai giai đoạn hợp tác chủ yếu
Trong 40 năm qua, LHQ luôn đồng hành cùng Việt Nam trên các chặng đường xây dựng và phát triển. Quan hệ Việt Nam-LHQ trải qua hai thời kỳ chủ yếu: Từ năm 1977 đến cuối những năm 1980 và từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới đến ngày nay.
Trong giai đoạn đầu, Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh, lại vướng vào các cuộc xung đột với các nước láng giềng và chịu sự bao vây cấm vận, LHQ là một trong các cửa ngõ quan trọng để Việt Nam tiếp cận với thế giới.
Đây là một giai đoạn hết sức khó khăn. Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) đã thông qua Nghị quyết kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.
Sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức LHQ, đặc biệt là Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)… đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập vào các cơ chế đa phương của thế giới. Điều quan trọng, Việt Nam đã vận dụng các diễn đàn quốc tế để đấu tranh và vượt qua sự chống phá của các thế lực thù địch.
Trong giai đoạn Đổi mới của Việt Nam, sự hợp tác giữa Việt Nam và LHQ không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực, thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, trợ giúp kỹ thuật, các chương trình, dự án hỗn hợp song phương, đa phương, và huy động được nguồn vốn quan trọng từ các nước tài trợ và các tổ chức tài chính quốc tế.
Bằng nội lực và sự hợp tác quốc tế hiệu quả, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm, tham gia ngày càng chủ động và có hiệu quả vào nhiều lĩnh vực hoạt động của LHQ.
Nước ta đã tích cực tham gia Sáng kiến “Thống nhất hành động”; triển khai thành công Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Các nhà ngoại giao và cán bộ chuyên môn các ban ngành của Việt Nam ngày càng trưởng thành, tham gia lão luyện vào các “sân chơi” của các cơ chế của LHQ, như Hội đồng Bảo an LHQ, Hội đồng Kinh tế-xã hội, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế.
Với việc Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, hợp tác giữa Việt Nam và LHQ chuyển trọng tâm từ hỗ trợ kỹ thuật sang tư vấn chính sách thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào các lĩnh vực như xoá đói giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế, bình đẳng giới...
Đồng thời, phù hợp với các giá trị cốt lõi của đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nước ta đã đi đầu trong việc thúc đẩy thực thi các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ vì sự tiến bộ của nhân loại; đấu tranh bảo vệ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982…
Để đưa quan hệ Việt Nam-LHQ lên một tầng nấc mới, chúng ta cần tăng cường thực lực quốc gia. Như Chủ tịch Hồ Chí minh từng nói: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to, tiếng mới lớn”.
Thực hiện cuộc đổi mới 2:0, vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” theo các tiêu chí của LHQ, Việt Nam sẽ có điều kiện đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa cho hoạt động của LHQ, thông qua đó tối ưu hóa lợi ích quốc gia, đồng thời nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp vào sự tiến bộ của tổ chức quốc tế đa phương quan trọng nhất hiện nay.
TS. Nguyễn Ngọc Trường
Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế

- Một số điều chỉnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay
- Mỹ với sự chuyển dịch bàn cờ lớn Á - Âu trong không gian hậu Crimea
- Tổng quan kinh tế Trung Quốc dưới thời ban lãnh đạo Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường
- An ninh Đông Bắc Á trong quan hệ Mỹ-Trung
- Vì một cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết
- Cải cách bộ máy chính phủ Trung Quốc-Những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam