Nghiên cứu

Tổng quan kinh tế Trung Quốc dưới thời ban lãnh đạo Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường

 

013 là năm ban lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc lên nắm quyền. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang trong quá trình tăng trưởng chậm lại, động lực tăng trưởng GDP tương đối yếu, không gian nới lỏng chính sách bị kìm hãm bởi nhiều nhân tố như giá bất động sản, lạm phát và các nhân tố cơ chế.

Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc : Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (phải)

 

PHẦN I - NHỮNG KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC CỦA NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC

 

Báo cáo công tác chính phủ Trung Quốc năm 2013 đã chỉ ra những khó khăn và thách thức mà nền kinh tế nước này phải đối mặt: mâu thuẫn giữa áp lực phát triển chậm lại của nền kinh tế và sản xuất dư thừa; giá thành sản xuất kinh doanh các loại tăng lên trong khi năng lực đổi mới hạn chế; phát triển không cân bằng giữa thành thị nông thôn, giữa các khu vực; khoảng cách thu nhập giàu nghèo quá lớn; ngành tài chính ngân hàng tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn. Những khó khăn và thách thức kể trên đã đặt ra một nhiệm vụ nặng nề cho nhiệm kỳ chính phủ mới của Trung Quốc. Trong đó, qua các số liệu về mức tăng GDP, kim ngạch xuất khẩu, lượng sản xuất dư thừa,…có thể dễ dàng nhận thấy những áp lực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

 

Áp lực kinh tế tăng trưởng chậm lại

 

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc giảm liên tiếp 7 quý từ tháng  1/2011 đến quý 3/2012. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã từng chỉ ra rằng, để đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế, cá nhân ông sẽ quan sát 3 chỉ tiêu kinh tế: lượng vận tải hàng hóa đường sắt, tiêu thụ điện và vốn cho vay của ngân hàng. Báo chí phương Tây gọi đó là các “chỉ số Lý Khắc Cường” (Li Keqiang Index). Một ví dụ, khi nhìn vào lượng tiêu thụ điện có thể biết nền kinh tế đang vận hành như thế nào. Nếu tiêu thụ mạnh, kinh tế đang đi lên; nếu sản xuất điện dư thừa, nhu cầu xã hội ảm đạm. Tháng 12/2012, lượng tiêu thụ điện mỗi ngày của Trung Quốc là 14 tỷ kwh, trong khi lượng tiêu thụ điện trong tháng 1 - 2/2013 chỉ còn 12,9 tỷ kwh, như vậy có thể thấy nền kinh tế đang đi xuống đến mức độ nào khi mỗi ngày giảm tiêu thụ 1,1 tỷ kwh điện. Ngoài ra, lượng tồn kho than tăng lên, lượng vận tải hàng hóa đường sắt giảm xuống đều cho thấy rõ ràng nền kinh tế đang khó khăn.

 

Xuất khẩu gặp trở ngại

 

Năm 2012, tỷ lệ đóng góp của xuất khẩu trong nền kinh tế Trung Quốc là âm 2,2%.

Thời điểm ban lãnh đạo mới lên nhậm chức, nền kinh tế thế giới vẫn phục hồi chậm chạp với nhu cầu không mạnh mẽ, chủ nghĩa bảo hộ thương mại bắt đầu xuất hiện trở lại, đã khiến cho xuất khẩu của Trung Quốc gặp trở ngại. Thực tế cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc quá phụ thuộc vào xuất khẩu khi hơn ¼ các hoạt động kinh tế quốc dân liên quan mật thiết với xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc không hề gặp trở ngại. Chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất phải kể đến các sản phẩm truyền thống, như dệt may, thời trang, vali, đồ chơi... Về hàng may mặc, theo ước tính, lượng xuất khẩu của Trung Quốc mỗi năm tương đương với việc làm cho 5,7 tỷ dân số nước ngoài với mỗi người mỗi năm 3 bộ quần áo, 2 đôi giày. Sản xuất xuất khẩu những loại sản phẩm này đã gây ra nhiều hệ lụy như tiêu hao tài nguyên của Trung Quốc, gây ô nhiễm môi trường….

 

Điều này đặt ra một vấn đề lớn cho bộ đôi lãnh đạo mới của Trung Quốc. Tại hội nghị công tác kinh tế Trung ương cuối năm 2012, chính phủ Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 chủ yếu dựa vào đầu tư và tiêu dùng. Quan trọng hơn, phải đảm bảo tăng trưởng “ổn định” và “dần dần đi lên” với phương châm “giải quyết các vấn đề trước, tạo diện mạo mới sau.

 

Hình 1: Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2014 (đồ thị 1) và chỉ tiêu việc làm tại thành phố

và thực tế (đồ thị 2 và 3) Phân bổ ngân sách quốc phòng Trung Quốc (đồ thị 4)

 

 

PHẦN II. CÁC CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH "PINORMAL" VÀ "LIKONOMICS"

 

Sau khi trải qua thời gian tăng trưởng nóng hai con số, nền kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu bộc lộ những yếu kém, nhiệm vụ của bộ đôi lãnh đạo mới Trung Quốc lúc này trở nên khó khăn hơn. Làm thế nào để vượt qua cái bóng kinh tế tăng trưởng chóng mặt của các nhiệm kỳ trước? Làm thế nào để giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng của nền kinh tế về giá bất động sản cao, sản xuất dư thừa, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống….

 

Trung Quốc bước vào giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế chưa từng có từ năm 1978. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cùng với cải cách cơ cấu kinh tế có ý nghĩa then chốt quyết định sự phát triển bền vững thời kỳ mới. Quá trình lớn gặp sức cản không hề nhỏ.

 

Trọng tâm chuyển hướng tăng trưởng từ chỗ chủ yếu dựa vào xuất khẩu hàng hóa giá rẻ, giá trị gia tăng thấp và đầu tư chính phủ vào ngành xây dựng sang những ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, và hơn hết là tập trung đến nhu cầu thị trường trong nước.

 

Nhiều nhà kinh tế học của Trung Quốc đã đưa ra 3 khả năng mà chính phủ mới Trung Quốc có thể sẽ áp dụng để giải quyết những khó khăn về kinh tế, bao gồm: Một là tiếp tục đưa ra các gói kích thích để vực dậy nền kinh tế; Hai là chấp nhận tốc độ tăng GDP giảm và thất nghiệp gia tăng, kiên trì cải cách; Ba là song song với qua trình ổn định tăng trưởng, cần cải cách từng bước và đi lên dần dần. Theo đúng như dự đoán, trên thực tế bộ đôi lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định lựa chọn “liệu pháp thứ 3”.

 

Thường thái Tập Cận Bình (Pinormal)

 

Với tư cách là một tiến sĩ luật, Đại học Thanh Hoa, theo giới phân tích quốc tế nhận xét Chủ tịch Tập Cận Bình là một người điềm tĩnh, chắc chắn. Cựu Thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu cũng đã từng dùng những ngôn từ đẹp đẽ khi nhận xét về vị Chủ tịch này: “Là một người thận trọng đã từng nếm trải rất nhiều gian nan, khổ cực"... "Tôi xếp ông ấy vào mẫu người như Nelson Mandela. Một người đàn ông với sự tiết chế cảm xúc đến kinh ngạc, một con người không bao giờ để nỗi đau khổ và bất hạnh của mình tác động đến các quyết định đưa ra”[1]. Chính bởi lẽ đó, báo chí phương Tây gọi phong cách lãnh đạo của ông là “phong cách Tập Cận Bình” (Pi style) hay “sự điềm tĩnh Tập Cận Bình” (Pinormal)[2], ông coi việc xây dựng kinh tế là trọng tâm hàng đầu để xây dựng xã hội chủ nghĩa Trung Quốc. Ngay từ khi nhậm chức chủ tịch nước (14/3/2013), trong hầu hết các bài phát biểu, diễn văn của mình, ông đã đều ít nhiều nhắc đến các cụm từ như “xây dựng kinh tế”, “cải cách kinh tế” hay “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”,…Điều đó cho thấy, nhiệm vụ phát triển kinh tế là một mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ mới Trung Quốc. Ông cũng đưa ra những đánh giá đúng mức và chuẩn xác về tình hình, những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như đề ra những phương châm, đường lối phát triển. Theo đó, đối với từng hoàn cảnh, từng tình huống khác nhau mà chủ tịch Tập sẽ đưa ra những phương hướng mang tính dự báo khác nhau. Cụ thể, ông đưa ra một phương châm phát triển cho nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay:

 

“Thà giảm tốc độ tăng trưởng GDP cũng phải cải cách

 

Chủ tịch Tập Cận Bình ý thức rõ ràng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng khó khăn, nếu muốn tạo bước đột phá mới không thể mãi dựa vào một mô hình cũ. Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục đi theo phương thức phát triển trước đó, thì chắc chắn kinh tế nước này sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn nhiều trước đó. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ kiên địch thúc đẩy điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế. Chủ tịch Tập cũng bày tỏ, thà chủ động giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng phải giải quyết về căn bản những vấn đề phát triển lâu dài.

 

Trung Quốc bước vào giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế chưa từng có từ năm 1978. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cùng với cải cách cơ cấu kinh tế có ý nghĩa then chốt quyết định sự phát triển bền vững thời kỳ mới. Quá trình lớn gặp sức cản không nhỏ

Đứng từ góc độ chính sách kinh tế vĩ mô, tư tưởng thà giảm tốc cũng phải cải cách của chủ tịch Tập phản ánh sự “đi xuống tích cực” của nền kinh tế Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình chỉ ra rằng, tăng trưởng chỉ đơn thuần dựa vào các chính sách kích thích ngắn hạn và sự can thiệp trực tiếp trên quy mô lớn của chính phủ đối với nền kinh tế như “các khoản đầu tư lớn”, “nới lỏng chính sách tiền tệ”, “giảm lãi suất cho vay tín dụng”, “tung các gói kích thích”… chỉ có thể giải quyết bề mặt trước mắt mà không thể giải quyết triệt để vấn đề. Cách làm này giống như liệu pháp của y học phương Tây, khi có bệnh thì ngay lập tức cho uống thuốc giảm đau, hay uống thuốc kháng sinh, do vậy khả năng chịu đựng với những cơn đau rất thấp. Từ góc độ tích cực, y học phương Tây kê đơn thuốc theo triệu chứng bệnh, thuốc có tác dụng mạnh, do vậy dễ dàng nhanh chóng thấy hiệu quả. Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, liệu pháp Tây y không thể “chữa trị” tận gốc, hơn nữa, sử dụng lâu dài ắt sẽ gây ra tác dụng phụ, thậm chí gây ra những di chứng nghiêm trọng về sau. Cũng tương tự như vậy, tổng số các gói kích thích, cứu trợ của chính phủ Trung Quốc, ước tính 4 nghìn tỷ nhân dân tệ[3], đã giúp cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng trong một thời gian dài, song nó lại gây ra tình trạng sản xuất dư thừa và rủi ro do các món nợ tích tụ lại.

 

Hơn nữa, ông Tập cũng chỉ ra, sự tăng trưởng được thiết lập trên cơ sở lãng phí tài nguyên lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như các nhiệm kỳ trước đây thì càng khó có thể kéo dài được. Do vậy cần phải nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế, tránh tình trạng chỉ đơn thuần dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP mà “luận anh hùng”, tức là chỉ căn cứ vào số liệu để đánh giá hoạt động kinh tế của các địa phương Trung Quốc vận hành tốt hay không và xác định “năng lực” lãnh đạo địa phương.

 

Đứng từ góc độ kết cấu nền kinh tế, Chủ tịch Tập đưa ra yêu cầu cần phải thông qua tăng cường chuyển đổi mô hình kinh tế để có thể thực hiện “tái cân bằng”, cụ thể:

 

Một, tái cân bằng kết cấu ngành nghề. Cần phải đẩy nhanh xử lý vấn đề sản xuất dư thừa công nghiệp, đồng thời nỗ lực mở rộng cung cấp ngành dịch vụ.

 

Hai, tái cân bằng kết cấu chất lượng. Từ việc “thổi bong bóng”[4] đến “bóp lượng nước”[5], thực hiện “tăng trưởng thực chất và không bị độn nước[6]”, “tăng trưởng có hiệu quả, có chất lượng, bền vững”.

 

Ba, tái cân bằng kết cấu khu vực. Thúc đẩy phát triển hài hòa cùng nhau giữa các khu vực, mở ra bố cục phát triển kinh tế “hai mũi tên”, trong đó một mũi tên là khu vực kinh tế Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, mũi tên còn lại là vành đai kinh tế con đường tơ lụa và vành đai kinh tế Trường Giang.

 

Hình 2: Hội nghị cấp cao Trung Quốc và các nước Arập, Bắc Kinh, tháng 6/2014, nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, mở cửa thị trường và xây dựng con đường tơ lụa xuyên lục địa

 

Bốn, tái cân bằng kết cấu tài chính tiền tệ. Phá bỏ lũng đoạn tiền tệ, để cho kinh tế thực thể thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu. Đối với các tổ chức tài chính, cần giảm thiểu thủ tục hành chính, trao quyền, đan xen các nghiệp vụ. Đối với thị trường tài chính, mở ra thị trường vốn nhiều tầng.

 

Về sự phân vai lãnh đạo kinnh tế, theo nhiều nhà phân tích, Chủ tịch Tập Cận Bình đóng vai trò là người “tổng hợp và khái quát” các chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, ông đưa ra phương châm và đường hướng tổng quát để có thể vận hành nền kinh tế Trung Quốc. Hay theo cách nói của nhiều người, ông là một “nhạc trưởng” chỉ huy. Tuy nhiên, việc “thi hành chi tiết” các phương châm và đường hướng chung, không thể không nhắc đến vai trò người điều hành chính phủ. Thủ tướng Lý Khắc Cường đi sâu giải quyết các vấn đề cụ thể, đồng thời không phải không đưa ra một phương hướng khái quát nào đó. Theo ông Thành Lập (Cheng Li) của Viện Brookings, Thủ tướng Lý Khắc Cường là người theo chủ nghĩa dân túy, là người ưa tranh luận các chủ đề như gia tăng việc làm, ưu đãi nhà cửa, chăm sóc y tế cơ sở, phát triển cân đối vùng miền và thúc đẩy cải cách công nghệ năng lượng sạch.

 

Likonomics: “Chỉ sợ đứng lại chứ không sợ chậm lại”

 

Ba nhà kinh tế học trong Ngân hàng đầu tư quốc tế Barclays Capial đã gọi những học thuyết kinh tế mới mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đưa ra là “Likonomics” - điều này cũng rõ ràng cho thấy những quan điểm, phương châm về kinh tế mà ông Lý đưa ra mang tính hệ thống, có đủ cơ sở để so sánh với những học thuyết kinh tế của các nhà lãnh đạo khác trên thế giới, như Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Likonomics của Thủ tướng Lý Khắc Cường không phải là kê một “đơn thuốc mạnh” lý tưởng hóa, cũng không đưa ra “liệu pháp sốc” để giải chữa trị các căn bệnh mãn tính của nền kinh tế Trung Quốc. Thay vào đó, học thuyết Likonomics sử dụng một loại “thuốc chậm lại” để có thể từ từ, dần dần chiến đấu với bệnh tật. Thủ tướng Lý từng khẳng định: “Việc cải cách quan trọng nằm ở hành động, chắc cái gì làm cái nấy, không sợ chậm lại, chỉ sợ đứng lại”[7].

 

Likonomics có 3 trụ cột chính: chính phủ không đưa ra các chính sách kích thích kinh tế, mà sẽ dần dần cắt giảm đầu tư nhà nước; tiến hành đòn bẩy hóa, để cắt giảm bớt nợ, giảm lượng cho vay; thúc đẩy cải cách cơ cấu, để có thể đạt được sự phát triển bền vững về lâu dài. Điểm mấu chốt của học thuyết này là nó không nhấn mạnh đến những yếu tố mà chính phủ cần phải làm, trái lại, nó chỉ ra những gì mà chính phủ KHÔNG nên làm.Theo các nhà kinh tế học, những biện pháp này là tất yếu cho sự phát triển bền vững của kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Mặc dù kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng trưởng chững lại trong thời gian 3 năm tới, sau đó có thể tăng trở lại. Dự báo trong 10 năm sau đó có thể duy trì đà tăng hàng năm từ 6%-8%[8].

 

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh, điểm đáy tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 7%, lạm phát kiểm soát dưới mức 3,5%. Để thực hiện những mục tiêu đó, Trung Quốc cần phải tiến hành 4 bước dưới đây:

 

Bước 1: Ổn định tăng trưởng

 

Đối mặt với áp lực đi xuống của nền kinh tế, Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ ra, “ổn định tăng trưởng” không thể dựa vào các gói kích thích ngắn hạn của chính phủ, cần phải phát huy vai trò của điều chỉnh cơ cấu, thúc đẩy cải cách trong việc ổn định tăng trưởng, nếu không sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng về sau này.

 

Bước 2: Điều chỉnh cơ cấu

 

Cần tập trung đầu tư vào những ngành nghề không có khả năng gây ra tình trạng sản xuất dư thừa. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ vốn cho vay tín dụng đối với những ngành nghề sản xuất dư thừa.

 

Thủ tướng Lý nói rằng, đầu tư tiền vào những cơ sở hạ tầng yếu kém sẽ không gây ra hiện tượng đầu tư trùng lặp, sẽ không hình thành sản xuất dư thừa, hơn nữa có lợi cho điều chỉnh cơ cấu, ví dụ như các công trình tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đường sắt và mạng lưới đường ống dẫn nước ngầm, xử lý nước thải, rác thải…

 

Bước 3: Thúc đẩy cải cách

 

Giảm thiểu 1/3 những sự can thiệp hành chính.

Thủ tướng Lý Khắc Cường có nhắc đến, phải thông qua cải cách để kích hoạt/huy động nguồn vốn đang chìm trong dân, cần thúc đẩy tiêu hóa các ngành nghề sản xuất dư thừa, tiến hành thí điểm cải cách kinh doanh, cải cách tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ.

 

Bước 4: Đô thị hóa và kích cầu trong nước

 

Đô thị hóa là một trọng tâm công tác của chính phủ mới Trung Quốc. Trong bối cảnh nhu cầu của thị trường quốc tế ảm đạm, nền kinh tế Trung Quốc nếu muốn tăng trưởng ổn định và lâu dài thì tất nhiên không thể mãi dựa chủ yếu vào xuất khẩu và đầu tư từ bên ngoài, mà cần phải chuyển hướng chiến lược vào phát triển thị trường tiêu dùng trong nước.

 

Với ưu thế dân số hơn 1,3 tỷ người, tầng lớp trung lưu hiện nay ước tính 210 triệu người, theo dự đoán 10 năm sau con số này sẽ lên đến 630 triệu người[9], vì vậy nhu cầu trong nước của Trung Quốc to lớn hơn bất cứ thị trường quốc tế nào. Thủ tướng Lý đã sớm ý thức được điều này khi ông đưa ra quan điểm và những kiến giải về đô thị hóa trong thời kỳ mới. Khác với mô hình đô thị hóa truyền thống lấy việc xây nhà ở, tạo dựng các thành phố làm chủ đạo, đô thị hóa theo mô hình mới nhấn mạnh đến trọng tâm là con người, thực hiện hiện chuyển đổi từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ nông thôn sang thành thị, từ nông dân sang thị dân.

 

Theo các số liệu thống kê, tính đến hết năm 2012, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc đạt 52,75%, tuy nhiên nếu tính theo hộ khẩu thì chỉ có 35%, thấp hơn mức bình quân của thế giới là 52%, và thấp hơn nhiều so với mức của các nước phát triền là 70%.

 

Chính vì vậy, kế hoạch đô thị hóa mô hình mới vào năm 2013 là một mục tiêu dài hạn và quan trọng của Trung Quốc. Theo kế hoạch, trong vòng 10 năm tới Trung Quốc sẽ đưa 250 triệu nông dân vào trong các thành phố[10]. Thủ tướng Lý chỉ ra rằng: “Đô thị hóa là tiềm lực nhu cầu nội địa lớn nhất”[11]. Cần phải coi đô thị hóa là biện pháp quan trọng cho việc ổn định tăng trưởng, điều chỉnh kết cấu, thúc đẩy cải cách, phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng tiêu dùng. Trong đó, mục tiêu quan trọng hơn cả của quá trình này là kích thích thị trường nhà đất - vốn đang gần như bị đóng băng.

 

Lâu nay, chế độ hộ khẩu luôn được coi là rào cản cho sự phát triển đô thị hóa. Thủ tướng Lý đã chỉ ra: “Các nông dân, công nhân do không được nhập hộ khẩu tại thành phố nên họ đã không dám mua nhà, không dám mua những sản phẩm tiêu dùng lâu bền, một khi giải quyết được vấn đề hộ khẩu cho họ, thì tiêu dùng tất sẽ khởi sắc lên”.

 

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng đặt ra nghi vấn, kế hoạch đô thị hóa này ngoài các động cơ kinh tế, phải chăng còn có các động cơ chính trị. Thành ngữ có câu: “Nước chở thuyền, nước cũng có thể lật thuyền”, trong lịch sử Trung Quốc hầu hết các cuộc khởi nghĩa, bạo động, chiến tranh đều bắt nguồn từ nông thôn và nông dân. Phần lớn những vụ biểu tình tập thể, bạo loạn tự phát ở Trung Quốc thời gian qua đều xuất phát từ nông thôn[12]. Do vậy, theo một số phân tích, kế hoạch đô thị hóa mới này có thể phần nào nằm trong chủ trương “tách cá khỏi nước”. Người nông dân không có ruộng đất cũng sẽ gây ra ít vấn đề hơn cho trật tự, an ninh toàn xã hội.

 

Hơn nữa, liệu kế hoạch đô thị hóa mới này có đạt được thành công như mong đợi hay không vẫn còn là một ẩn số. Bởi lẽ, quá trình đô thị hóa nhanh chóng với việc di dời một số lượng người đông đảo ắt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề và hệ lụy như, mức độ hội nhập vào thành phố của dân số lưu động thấp, phát triển vùng nông thôn chậm chạp, việc đô thị hóa gấp rút như vậy cũng có thể gây ra tình trạng phát triển không đồng đều giữa các thành phố, các thành phố lớn tiếp tục mở rộng, trong khi các thành phố vừa và nhỏ sẽ tiếp tục đình trệ. Đã có hiện tượng “thành phố ma” vì không có cư dân sinh sống. Hơn nữa, tốc độ phát triển thành thị sẽ vượt qua tốc độ dân số đô thị hóa, việc sử dụng đất kém hiệu quả dẫn đến lãng phí tài nguyên nghiêm trọng. Một loạt các vấn đề khác như ách tắc giao thông, văn hóa truyền thống bị mai một, văn hóa thành thị chưa kịp hình thành…Tất cả những vấn đề này sẽ là những thách thức không hề nhỏ đối với “quả đấm đô thị hóa” của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

 

Hình 3: Thị trường bất động sản Trung Quốc: Cung vượt quá cầu

 

Từ một góc nhìn lịch sử, có thể nói rằng, việc thực hiện đô thị hóa “áp đặt từ trên xuống” trong tầm nhìn 10 năm, là một cuộc sắp xếp lại kết cấu xã hội đại quy mô chưa từng diễn ra trong lịch sử Trung Quốc.

 

Bộ đôi cải cách: Việc chuyển đổi mô hình kinh tế sớm muộn cũng sẽ phải được tiến hành trong 10 năm tới

 

Từ một góc nhìn lịch sử, có thể nói, việc thực hiện đô thị hóa theo cách “áp đặt từ trên xuống” trong tầm nhìn 10 năm, là một cuộc sắp xếp lại kết cấu xã hội đại quy mô chưa từng diễn ra trong lịch sử Trung Quốc.

Có thể nhận thấy cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều là những nhà cải cách, mà hơn bao giờ hết, Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình kinh tế, trọng tâm chuyển hướng tăng trưởng từ chỗ chủ yếu dựa vào xuất khẩu hàng hóa giá rẻ, giá trị gia tăng thấp và đầu tư chính phủ vào ngành xây dựng sang những ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, và hơn hết là tập trung đến nhu cầu thị trường trong nước. Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên có chiến lược này, trên thế giới có nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã thực hiện được từ lâu. Tuy nhiên, có thể dễ dàng thấy được Trung Quốc vốn dĩ đã có những hạn chế riêng của mình: về kích thước lãnh thổ, hệ thống chính trị, sự mất cân bằng sâu sắc giữa các vùng miền địa lí, vùng kinh tế. Những hạn chế này lại được đẩy lên cao hơn cả bởi sự hạn chế về thời gian. Trung Quốc đang nỗ lực để thực hiện cuộc chuyển đổi này.

 

Theo trang mạng Stratfor.com, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sớm muộn cũng sẽ được tiến hành trong 10 năm tới. Đây không phải là ý muốn chủ quan của chính quyền Tập Cận Bình mà là một điều tất yếu, có ý nghĩa sống còn cho sự phát triển bền vững và lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc.

 


[1] Theo Wikipedia: Tiểu sử Tập Cận Bình

[2]Pinormal” được sử dụng sau chuyến khảo sát của Chủ tịch Tập Cận Bình đến tỉnh Hồ Nam. Tại đây, Chủ tịch Tập dự báo rõ nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong 10 năm tới: “Xuất phát từ các đặc trưng mang tính giai đoạn trong phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, cần phải thích ứng với thường thái mới, duy trì một tâm thái bình thường về chiến lược”.

[4] Thổi bong bóng: ý chỉ loại bỏ sự tăng trưởng GDP không đúng thực chất

[5] Bóp lượng nước: như “thổi bong bóng”

[6] Độn nước: chỉ hiện tượng các địa phương đưa ra các số liệu kinh tế bị độn lên cao nhiều lần

[7] Theo “Thành Báo”, Hongkong

[9] Theo Sina.com.cn: 未来10年中国中产阶层人数由2.3亿增至6.3亿 (10 năm tới tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ tăng từ 230 triệu người hiện nay lên 630 triệu người)

[10] Theo trang Politician.com.cn: 中国城镇化大跃进:2.5亿农民涌向城市 (Đại nhảy vọt đô thị hóa Trung Quốc: 250 triệu nông dân vào thành phố)

[11] Theo Xinhuanet: “李克强谈城镇化”(Lý Khắc Cường bàn về đô thị hóa)

[12]Số lượng những vụ lộn xộn ở Trung Quốc năm 1995 là 8700 vụ; đến nay, ước tính 180.000 vụ. (Asian Strategic Review, Pentagon Press, IDSA, New Delhi, April 2013, tr. 54).

 

 

PHẦN III. TỔNG QUAN KINH TẾ 16 THÁNG: BỨC TRANH ĐA MÀU ĐA DIỆN

 

Mảng sáng màu

 

Trong một năm rưỡi cầm quyền vừa qua, ban lãnh đạo Trung Quốc đã triển khai hiệu quả bước đầu kế hoạch cải cách kinh tế với những kết quả khả quan.

 

Theo các số liệu kinh tế năm 2013 được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 20/1/2014, trong cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,7% (trong khi tốc độ tăng trưởng cùng năm của Mỹ là 2,8% và Nhật Bản 1,9%). Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,5%. GDP của Trung Quốc đạt 56.880 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương 9.310 tỷ USD. Ngoài ra, hiệu quả của một vài chính sách kích thích kinh tế theo chiều sâu đang dần được thể hiện.    

 

Description: http://www.chinadaily.com.cn/business/img/attachement/jpg/site1/20140305/eca86bd9e2e01480d7e304.jpg

Hình 4: Biểu đồ tăng trưởng GDP mục tiêu và thực tế của Trung Quốc từ năm 2010 - 2014  (Nguồn: Chinadaily.com.cn)

 

- Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chính đều đạt hoặc vượt

 

Cụ thể, các chỉ tiêu của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2013 đều cho thấy dấu hiệu khả quan: sản xuất nông nghiệp tiếp tục bội thu, tăng 2,1%; sản xuất công nghiệp tăng ổn định, tăng 9,7%; đầu tư tài sản cố định tăng trưởng tương đối nhanh (19,6%); tiêu thụ thị trưởng tăng ổn định (13,1%); chỉ số giá tiêu dùng đã được kiểm soát hợp lý khi mức tăng chỉ là 2,6% so với mức 3,5% theo dự báo trước đó. Một số chỉ tiêu kinh tế khác như, thu nhập của nhân dân tiếp tục tăng ở mức 9,7%...

 

- Tỷ lệ đóng góp âm của xuất khẩu trong GDP đã được khắc phục

 

Nổi bật nhất là kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) có chiều hướng tăng trưởng trở lại. Cả năm 2013, tổng kim ngạch XNK đạt 4.116,03 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2012, trong đó, xuất khẩu 2.210 tỷ USD, tăng 7,9%, nhập khẩu 1.950,3 tỷ USD, tăng 7,3%, xuất siêu 259,75 tỷ USD.

 

Description: C:\Users\CSSD Officer\Desktop\cssd\hinh ve bieu do\china-s-trade-balance-exports-imports_chartbuilder.png

Hình 5: Kim ngạch xuất nhập khẩu (2004-2013)

 

Cũng theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nửa đầu năm 2014, tổng kim ngạch XNK đạt 2020,86 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu 1061,86 tỷ USD, tăng 0,9%, nhập khẩu 950 tỷ USD, tăng 1,5%; xuất siêu thương mại 102,87 tỷ USD, giảm 5,1%. Đây là những số liệu kinh tế tương đối lạc quan trong khi hầu hết các thị trường XNK trên thế giới đều gặp nhiều khó khăn trong thời gian sáu tháng đầu năm 2014.

 

- FDI vào Trung Quốc tăng ổn định

 

Mặc dù nền kinh tế thế giới ảm đạm, các nhà đầu tư cũng có thái độ thận trọng hơn trong việc lựa chọn các thị trường, tuy nhiên năm 2013 đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tăng trưởng ổn định: vốn giải ngân FDI thực tế đạt 117,586 tỷ USD, tăng 5,25%. Từ đầu năm 2014, có 10.973 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, tăng 3,2% so với cùng kỳ; vốn giải ngân thực tế đạt 63,33 tỷ USD, tăng 2,2% (không bao gồm các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm). Với những đặc điểm sau:

 

Một là, vốn giải ngân thực tế của ngành dịch vụ duy trì đà tăng trưởng, đạt 35,2 tỷ USD, tăng 14,8%.

Hai là, đầu tư FDI của những quốc gia/vùng lãnh thổ chính vào Trung Quốc đều tăng trưởng ổn định. Tổng vốn đầu tư FDI đạt 59,52 tỷ USD, chiếm 94% tổng số vốn đầu tư nước ngoài.

Ba là, đầu tư nước ngoài vào khu vực miền trung Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng: 6 tháng đầu năm nay, vốn FDI giải ngân thực tế tại khu vực này đạt 6,1 tỷ USD, tăng 9,6%. Tuy nhiên, vốn FDI vào khu vực phía Tây lại có chiều hướng giảm đột biến, khi chỉ đạt 4,6 tỷ USD, giảm 11,5%.

 

Mảng tối màu

 

- Các số liệu kinh tế có đáng tin cậy không?

 

Mặc dù đà phát triển kinh tế Trung Quốc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong 16 tháng kể từ khi chính phủ mới lên nắm quyền, tại một quốc gia vốn quen với những con số tăng trưởng ấn tượng như Trung Quốc, bất cứ sự giảm tốc tăng trưởng nào cho dù tích cực hay tiêu cực đều là một thách thức lớn lao đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như niềm tin của thị trường. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố, 6 tháng đầu năm 2014, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,4%, là mức thấp nhất kể từ năm 1990 trở lại đây. Theo nhiều nhà phân tích, liệu đây có phải là lộ trình “đi xuống tích cực” của nền kinh tế Trung Quốc giống như lời Thủ tướng Lý Khắc Cường hay không, hay chỉ là những lời xoa dịu thị trường một cách khéo léo của giới lãnh đạo trong bối cảnh có quá nhiều vấn đề của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đó là tình trạng sản xuất dư thừa trong một số ngành công nghiệp nặng (sắt thép, đóng tàu, xi măng, thủy tinh..), nợ chính quyền địa phương lớn, phân bố vốn đầu tư không đồng đều giữa các khu vực…

 

Có ý kiến của phương Tây cho rằng các số liệu kinh tế của Trung Quốc trong 20 năm cải cách là không đáng tin cậy. Người ta viện ra các cơ sở để nghi ngờ về con số thống kê GDP của Trung Quốc, bởi lẽ chúng được tổng hợp nhanh một cách chóng vánh: Tổng cục Thống kê Trung Quốc chỉ mất hai tuần để thu thập số liệu, so với thời gian 6 tuần của Hong Kong và 8 tuần của Mỹ[1]. Theo tạp chí The Diplomat có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu chính xác của GDP của Trung Quốc, trong đó mấu chốt phải kể đến chính quyền cấp địa phương và cấp trung ương, khi các địa phương “độn nước” các thống kê GDP của họ để thể hiện năng lực cạnh tranh, qua đó đạt được nhiều ưu đãi từ Trung ương và gây ấn tượng với Trung ương. Mặt khác, cấp thống kê trung ương cũng phải chịu áp lực từ chính phủ và thị trường làm thế nào để duy trì đà tăng như các năm trước. Đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao quyền lực vào năm 2012, tăng trưởng GDP càng cần phải giữ đà tăng để làm ấm lòng thị trường và dư luận Trung Quốc.

 

- Các hoạt động vay tín dụng khó khăn

 

Số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố cho thấy, lượng vốn tín dụng cấp mới ở nước này trong 6 tháng cuối năm 2013 giảm kỷ lục.

Vào tháng 6 và tháng 12/2013, tình trạng khan hiếm vốn tín dụng đã bị đẩy lên mức căng thẳng ở Trung Quốc, cho thấy những khó khăn của nước này trong việc đưa hoạt động tín dụng về tầm kiểm soát. Nhiều chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, đây liệu có phải là kết quả thắt chặt các hoạt động cho vay tín dụng theo học thuyết kinh tế Likonomics hay không.

 

Năm 2014, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thực thi chính sách thắt chặt các khoản cho vay tín dụng, đảm bảo thị trường tiền tệ ổn định lành mạnh, duy trì quy mô cho vay tín dụng tiền tệ và huy động vốn xã hội tăng trưởng phù hợp. Có thể dự đoán, trong năm 2014, cùng với việc tiếp tục cải cách thị trường lãi suất khiến cho lãi suất tiền gửi ngân hàng được điều chỉnh tăng, do vậy giá thành huy động vốn sẽ tiếp tục tăng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp có mong muốn huy động vốn.

 

Nhiều tổ chức thị trường cũng dự báo lượng cho vay tín dụng toàn năm 2014 vẫn chỉ ở mức 8,5-9 nghìn tỷ NDT, về cơ bản tương đương với quy mô năm 2013. Tuy nhiên, do nhu cầu vốn từ các ngành kinh tế thực thể tương đối lớn, trong khi nguồn cung tín dụng lại không đáp ứng được, do vậy tình hình tiếp cận vốn tín dụng khó khăn vẫn tương đối nghiêm trọng trong năm 2014.

 

Theo số liệu kinh tế mới nhất mà Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS)  công bố vào hôm ngày 13/8/2014, nguồn cung vốn tín dụng trong nền kinh tế Trung Quốc tháng 7/2014 chỉ đạt 44,3 tỷ USD, là mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Sự giảm đột ngột của nguồn cung tín dụng trong tháng 7 đã dấy lên những lo ngại rằng sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn trứng nước mặc dù trước đó vào tháng 6 nguồn tài chính tổng hợp trong nước đã đạt con số khổng lồ 320 tỷ USD, lớn hơn 7 lần so với tháng 7. Những lo ngại này càng có cơ sở hơn khi các báo chí trong nước Trung Quốc đều đưa tin việc giảm vay tín dụng trong tháng 7 là kết quả của chương trình thắt chặt các gói cho vay tín dụng của chính phủ, đồng thời nó cũng phản ánh nhu cầu của các doanh nghiệp Trung Quốc đang giảm xuống. Giả sử nhu cầu vay tín dụng mới của các doanh nghiệp giảm xuống thì nó đã thật sự bộc lộ áp lực đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc.

 

- Nợ chính quyền địa phương khổng lồ

    

6 năm trở lại đây, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng chống đỡ nền kinh tế bằng cách mở rộng các gói cho vay tín dụng, đầu tư chính phủ vào cơ sở hạ tầng đô thị và giao thông, trong đó quan trọng nhất là đầu tư xây dựng bất động sản. Tuy nhiên, trong quá trình này, các chính quyền địa phương, các ngân hàng và các doanh nghiệp ở Trung Quốc đã tạo ra những món nợ lớn. Dư nợ tín dụng ở Trung Quốc hiện nay tương đương với 251% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc so với mức 147% của năm 2008.

 

Theo ước tính, nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc đã tăng lên gần 3.000 tỷ USD chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm[2], điều này đặt ra một nhiệm vụ khá nặng nề đối với chính phủ Trung Quốc: vừa phải duy trì đà tăng trưởng, vừa cần phải ngăn chặn một khủng hoảng tài chính xảy ra.

 

Theo một báo cáo của NBS công bố ngày 30/12/2013, tính đến hết tháng 6/2013, nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng gần 70% so với thời điểm cuối năm 2010, đạt 2,95 nghìn tỷ USD, đưa tổng nợ chính phủ trung ương và địa phương lên con số 30,27 nghìn tỷ NDT, ước tính bằng 58% GDP năm 2012. Nợ của các chính quyền địa phương rất có thể sẽ đe dọa đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, gây ra những rủi ro lớn cho tăng trưởng kinh tế chung.

 

Theo báo cáo nêu trên, theo yêu cầu của trung ương, các địa phương bắt đầu đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng từ năm 2008. Tuy nhiên, các địa phương đã thông qua các công ty đầu tư chuyên biệt để huy động vốn cho nhiều dự án nhằm luồn lách những quy định vay tín dụng nghiêm ngặt của Ngân hàng Trung ương (PBoC). Điều này dẫn đến tình trạng chính quyền trung ương cho đến nay rất khó tính toán quy mô vay nợ ở các địa phương.

 

Ngoài ra, mới đây, PBoC cũng yêu cầu các ngân hàng cung khai dữ liệu các tài sản không được đưa vào bảng cân đối kế toán và các nghĩa vụ nợ liên ngân hàng. Đây là một phần trong nỗ lực của PBoC thắt chặt giám sát nền tài chính ngầm và ngăn chặn nguy cơ xảy ra những làn sóng vỡ nợ vì vay vốn “chợ đen”.

 

- Thị trường bất động sản tiếp tục nguội lạnh

 

Bất động sản và các hoạt động xây dựng sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai, tuy nhiên đây không còn là động lực tăng trưởng kinh tế như đã từng vào thời gian 2009 đến 2011 trong bối cảnh doanh số, giá nhà, và niềm tin thị trường đang đi xuống bất chấp việc chính phủ có kế hoạch mở rộng nguồn cung tín dụng trong thời gian tới. Theo số liệu mới nhất mà Tổng cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố vào ngày 13/08, doanh số bán nhà của Trung Quốc trong tháng 7/2014 đã giảm 17,9% so với cùng kỳ, đây là mức giảm mạnh nhất trong những năm gần đây. Những ngày tháng tăng trưởng nóng với những con số cao chót vót trong ngành bất động sản đã dần qua đi. Điều này đồng nghĩa với việc trong những năm tới, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự giảm tốc nhanh chóng trong hai ngành trụ cột của tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị xã hội trong suốt hơn hai thập kỷ qua: xuất khẩu và xây dựng.

 

Giải pháp dường như nằm ở tầng lớp tiêu dùng thành phố. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ nhà ở của nước này vẫn rất chậm chạp. Năm 2013, lượng tiêu thụ nhà ở chỉ tương đương với 34% GDP, trong khi của Mỹ là 69-70%, của Nhật Bản là 61%, của Đức là 57% và của Hàn Quốc là 52%.

 

Trên thực tế, tỷ lệ mua nhà của Trung Quốc đã giảm 2 điểm phần trăm kể từ năm 2011, theo nhiều dự đoán đây có thể là kết quả tất yếu của chiến dịch chống tham nhũng mà chính phủ phát động nhằm kiểm soát chi tiêu của quan chức chính phủ. Tỷ lệ đô thị hóa thấp so với những nền kinh tế phát triển đã cho thấy rõ ràng sự thiếu hụt này.

 

- Sản xuất thép dư thừa

 

Sản xuất dư thừa vẫn luôn được coi là một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Trung Quốc, trong đó phải kể đến những ngành sản xuất công nghiệp nặng truyền thống như sắt thép, xi măng, thủy tinh… Sản xuất sắt thép của Trung Quốc chiếm hơn 50% sản lượng thế giới. Cụ thể năm 2013, nước này sản xuất 780 triệu tấn thép: chỉ tính riêng hai địa phương sản xuất thép lớn ở Trung Quốc là huyện Càn An đã vượt qua sản lượng của Đức (42,6 triệu tấn), huyện Đường Sơn vượt qua sản lượng của Mỹ (87 triệu tấn). Theo ước tính, sản lượng thép năm 2014 của Trung Quốc có khả năng vượt ngưỡng 800 triệu tấn.

 

Từ đầu năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng sản xuất dư thừa như bãi bỏ tiêu chuẩn dung tích lò luyện cao áp, đẩy mạnh cải tổ khu vực, kiểm soát sản lượng vùng sản xuất…Tuy nhiên, Trung Quốc không thể để cho sản lượng sắt thép giảm xuống quá đột ngột. Hơn nữa, việc chính phủ nới lỏng quản lý đối với thị trường bất động sản, ngành đóng tàu, sản xuất xe hơi đang có dấu hiệu khởi sắc, do vậy, sản lượng thép sản xuất dù có giảm nhưng chỉ như muối bỏ bể, và tình trạng sản xuất dư thừa vẫn vô cùng nghiêm trọng.

 

Cụ thể, tổng sản lượng thép trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 411,91 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ. Theo số liệu mới nhất mà NBS vừa công bố, chỉ tính riêng tháng 6/2014, Trung Quốc đã sản xuất được 69,29 triệu tấn thép, tăng 4,5% so với cùng thời kỳ năm trước, và tăng 2,5% so với tháng 5 năm nay. Đây là mức cao kỷ lục từ đầu năm đến nay.

 

Sản xuất thép dư thừa đã dẫn đến tình trạng giá thép bán ra tiếp tục giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp sản xuất từ chỗ làm ăn có lãi đã bị thua lỗ, lượng tồn kho quá lớn khiến cho việc xoay vòng vốn hết sức khó khăn.

 

- Vốn đầu tư ra nước ngoài giảm

 

Các số liệu cho thấy, từ đầu năm 2014 đến nay, lượng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đạt 43,34 tỷ USD, giảm 5% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Cụ thể, Trung Quốc đầu tư 28,82 tỷ USD vào 7 nền kinh tế chính bao gồm Hong Kong, EU, ASEAN, Australia, Mỹ, Nga, Nhật Bản, chiếm 66,5% tổng số vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc, giảm 4,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đầu từ vào Hong Kong giảm 29,3% so với cùng kỳ; đầu tư vào EU và Nga lần lượt tăng 221,7% và 109,5%; đầu tư vào ASEAN đạt 2,52 tỷ USD, tăng 14%; đầu tư vào Mỹ đạt 2,46%, tăng 12,8%; đầu tư vào Australia đạt 1,69 tỷ USD, tăng 8,3%.

 

Năm 2002, Trung Quốc chỉ đầu tư 2,7 tỷ USD ra nước ngoài trong các lĩnh vực phi tài chính, đến năm 2013, con số này đã tăng lên đến 90,2 tỷ USD, chỉ trong khoảng thời gian ngắn 12 năm đã tăng trưởng 33 lần[3]. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, đầu tư ra bên ngoài của Trung Quốc không tránh khỏi gặp phải những tác động tiêu cực từ sự biến động kinh tế toàn cầu và tính thanh khoản vốn quốc tế khó khăn, hơn nữa, tại một số khu vực trên thế giới, chủ nghĩa bảo hộ đầu tư đã bắt đầu xuất hiện trở lại, phần nào ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, cùng với việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ổn định và một loạt các biện pháp đẩy nhanh cải cách có lợi cho viêc đầu tư ra bên ngoài, cũng như việc đơn giản hóa các thủ tục chính sách đầu tư ra nước ngoài, và một số dự án mua lại sáp nhập các công ty đa quốc gia sắp được triển khai, năm nay tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài vẫn có thể tăng trưởng khoảng 10%.

 

Xu hướng phát triển của kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm 2014 sẽ tiếp tục hai tiêu chí ưu tiên “ổn định” và “từng bước đi lên”.

 

Những điều khó đoán định về tương lai

 

Liệu  tình hình nợ nần khó kiểm soát của các nền kinh tế chủ lực của châu Á có dẫn tới một cuộc khủng hoảng nợ của châu Á hay không?  Nếu châu Á rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ như vậy, khó một trung tâm kinh tế thế giới nào có thể cứu được châu Á

Rất khó có thể dự đoán những mục tiêu cải cách nhằm tái cân bằng nền kinh tế đi theo hướng chú trọng đến tiêu dùng và dịch vụ sẽ có được những hiệu quả rõ rệt trong thập kỷ này. Đồng thời xuất khẩu của Trung Quốc cũng khó có thể khôi phục như trước. Trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, người ta đang đặt ra các câu hỏi liệu chính phủ có thể duy trì đà tăng trưởng kinh tế hay không. Điều này đã buộc chính phủ Trung Quốc phải đứng trước sự lựa chọn hoặc là chấp nhận suy thoái kinh tế hoặc kiên trì duy trì đà tăng trưởng để tạo việc làm trong khi đứng trước rủi ro “vỡ bong bóng” của những cải cách trong hệ thống ngân hàng và nợ của chính quyền địa phương. Đứng trên góc độ nào thì cả hai sự lựa chọn đều không vững chắc trong bối cảnh cơ chế chính trị hiện nay của Trung Quốc hiện nay còn những bất cập. Những áp lực này bắt nguồn từ chính nền kinh tế Trung Quốc và lan tỏa ra xã hội và cả hệ thống chính trị trong nước. Theo dự báo trong khoảng 5-10 năm nữa, những áp lực của nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục nổi cộm[4]. Trong bức tranh kinh tế nhiều gam màu sang tối ấy, chúng có thể thay đổi bất cứ khi nào trong bối cảnh môi trường trong và ngoài Trung Quốc đang có những biến đổi và biến động khó lường.

 

Theo Stratfor.com, điều gì sẽ xảy ra đối với ngành xuất khẩu vốn đã đang gặp nhiều thách thức của Trung Quốc nếu có một cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế mới xảy ra? Điều gì sẽ xảy ra đối với ngành công nghiệp của Trung Quốc nếu cuộc khủng hoảng tại Ucraine và Iraq tiếp tục leo thang khiến giá dầu quốc tế tăng? Những thay đổi cấu trúc tại Đông Á cũng như trên thế giới, như sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Nhật Bản,… sẽ có những tác động như thế nào đối với các lợi ích kinh tế và hải dương của Trung Quốc tại bên ngoài, cũng như niềm tin của xã hội đối với sức mạnh của quân đội và chính phủ nước này? Cuộc vận động chính trị lớn hiện nay - trong đó chống tham nhũng là một mũi đột phá quan trọng - của quá trình tập hợp lực lượng mới, hướng tới tập quyền, có thể được kiểm soát, bảo đảm ổn định chính trị và xã hội hay không?

 

Ngoài ra, theo số liệu của phương Tây, nợ công của chính phủ Trung Quốc (năm 2012) là 53,5% của GDP[5]; nhưng tổng số nợ của Trung Quốc (tính đến hết tháng 6/2014) là 251% của GDP[6]. Trong khi đó, năm 2013, nợ công của chính phủ Nhật Bản là 244% của GDP; tổng nợ của Nhật Bản là 415% GDP[7]. Tại Thái Lan đang xuất hiện trở lại hình bóng xưa cũ của một cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, khi trình trạng thâm hụt ngân sách tiếp tục bị nới rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, đồng baht mất giá[8]. Liệu  tình hình nợ nần khó kiểm soát của các nền kinh tế chủ yếu của châu Á có dẫn tới một cuộc khủng hoảng tiền tệ của châu Á hay không? Nếu châu Á rơi vào một cuộc khủng hoảng như vậy, khó một trung tâm kinh tế thế giới nào có thể cứu được châu Á.

 

Tất cả những câu hỏi đó đã, đang và sẽ trở thành những thách thức không hề nhỏ đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng như thử thách năng lực “chèo lái” của bộ đôi lãnh đạo Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường trong những năm tới./.

 


[1] Theo The diplomat: “The Curious case of China’s GDP figure”, 05/03/2013

[2] Theo Stratfor: “The end of concensus politics in China”, 05/08/2014.

[3] www.ce.cn/macro.

[4] Theo Stratfor: The End of Consensus Politics in China, August 5, 2014

 

[5] www.forbes.com

[6] www.businessinsider.com (tháng 7/2014).

[7] www. businessinsider.com (tháng 7/2014).

[8] Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 bắt đầu từ đốm lửa Thái Lan đã lan sang các thị trường chứng khoán, giá cả tài sản, các trung tâm tiền tệ của nhiều quốc gia châu Á khác trong đó có những “con hổ Đông Á”. Chính Trung Quốc đã giúp khắc phục cuộc khủng hoảng này.