Bình luận Thời sự
Nhìn lại chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ
Những năm gần đây, người ta có cảm giác rằng với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, có vẻ như Mỹ ít quan tâm đến khu vực Đông Nam Á, hoặc là chỉ đưa ra những cam kết mà không thấy có hành động gì đáng kể trong quan hệ song phương giữa Mỹ và ASEAN, ngoại trừ những tuyên bố và chính sách nhằm vào Trung Quốc ở khu vực này. Chính quyền Joe Biden tuyên bố “Nước Mỹ trở lại”. Có thể hiểu là nước Mỹ sẽ trở lại với thế giới, với tư thế ban đầu, không phải là một nước Mỹ đang suy yếu hoặc một nước Mỹ đang bị cô lập. Người ta chờ đợi và hy vọng. Những hoạt động đối ngoại đầu tiên của chính quyền mới tập trung vào Châu Âu bằng chuyến đi của Tổng thống và những cuộc giao lưu trực tuyến với các nhà lãnh đạo khác. Bây giờ đến lượt Phó Tổng thống, nhân vật số hai, đi Châu Á nhưng lại không đến các nước đồng minh mà chỉ đến Singapore và Việt Nam.
Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang
Trong bối cảnh như vậy, người ta đặt dấu hỏi vậy Mỹ có chính sách mới ở khu vực này như thế nào. Điều này rất hấp dẫn đối với dư luận quốc tế và khu vực. Bà Harris đã trả lời: “Mục đích chuyến đi là lấy hành động để chứng minh những cam kết của Mỹ đối với quan hệ đối tác khu vực này”.
Singapore có vị trí chiến lược quan trọng. Quốc gia này là một hải cảng lớn của châu Á nằm trên eo biển Malacca. Nơi đây hàng năm có đến một nửa lượng hàng hóa thế giới vận chuyển đường biển phải đi qua. Có thể nói nơi đây là hải cảng quan trong bậc nhất của Châu Á. Vậy nên Singapore luôn lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải, điều mà nước Mỹ quan tâm nhất.
Đáng chú ý là Singapore đã lập quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Mỹ. Về mặt an ninh, Singapore là một điểm đến quan trọng trong cách tiếp cận của Mỹ. Singapore ủng hộ Mỹ đóng vai trò then chốt về an ninh, ổn định khu vực, cho Mỹ sử dụng cơ sở hải không quân, trong đó có căn cứ hải quân Changi mà bà Harris vừa đến thăm. Mỹ coi Singapore như một cứ điểm chỉ huy hậu cần của Hải quân Mỹ để điều phối các hoạt động và các cuộc diễn tập cũng như là nơi cư trú của các tàu chiến đấu duyên hải và máy bay tuần tra tình báo Poseidon P-8. Hai bên còn hợp tác nhau về lĩnh vực huấn luyện quân sự.
Từ khi hai nước ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 2004, quan hệ kinh tế thương mai giữa hai nước phát triển đáng kể. Singapore đã trở thành nhà đầu tư Châu Á lớn thứ 2 của Mỹ. Vốn đầu tư trực tiếp lũy kế là 65 tỷ USD. Đầu tư và xuất khẩu của Singapore sang Mỹ đã hỗ trợ 250.000 việc làm cho người Mỹ. Mỹ là nước đầu tư lớn nhất vào Singapore (khoảng 315 tỷ USD). Vì thế, Mỹ bàn bạc với Singapore về tiến trình phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu là điều cần thiết.
Lần này ngoài việc khẳng định lại thái độ, tạo niềm tin, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng như tăng cường hợp tác công nghệ then chốt, bảo hộ cơ sở hạ tầng then chốt, an ninh dữ liệu v.v...; đồng ý triển khai đối thoại thương lượng về phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu; cam kết sẽ tiến hành hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, ứng phó với đại dịch Covid...
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” trước đây của chính quyền Trump đã làm một số nước trong khu vực cảm thấy nghi ngờ. Có lẽ bắt đầu bằng việc ngay sau khi nhậm chức, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà các bên đã dày công xây dựng. Khi ông Biden lên, tuyên bố “Nước Mỹ trở lại”, khu vực Đông Nam Á được coi trọng và khẳng định lại ASEAN đóng vai trò trung tâm của khu vực.
Trong ASEAN, Mỹ và nhiều quốc gia cũng thấy vai trò quan trọng của Việt Nam. Thứ nhất, về kinh tế, Việt Nam là quốc gia phát triển năng động. Trong lúc khó khăn, kinh tế Việt Nam không những phát triển dương mà còn phát triển với tốc độ cao so với khu vực và thế giới. Điều này rất có lợi thế trong nỗ lực hợp tác giữa các nước nhằm củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ hai, những năm gần đây, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế được nâng cao rõ rệt, Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến cho khu vực ASEAN được các thành viên chấp nhận, tiếng nói tại Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế coi trọng. Thứ ba, trong đại dịch, so với nhiều quốc gia, Việt Nam đã có những thành tựu nhất định. Tuy hiện nay đang trong thời kỳ khó khăn nhất nhưng với những biện pháp quyết liệt và hiệu quả, người ta vẫn tin Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh.
Như vậy, có thể thấy Mỹ coi ASEAN như là một trụ cột của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hay là một cấu trúc xây dựng môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển dựa trên luật lệ của khu vực này. Trong ASEAN, Việt Nam đóng vai trò đầu tàu. Bởi vậy, đối với Việt Nam, chính quyền mới của Mỹ có một cách nhìn mới hơn.
Trong bản Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của Mỹ ra đời ngay sau khi chính quyền Biden lên cầm quyền chỉ hơn một tháng đã nêu cụ thể “sẽ làm việc với Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên khác thuộc Hiệp hội ASEAN, để thúc đẩy các mục tiêu chung”. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó Tổng thống Kamala Harris đúng như tuyên bố của bà là dùng hành động chứng minh cho cam kết chứ không phải chỉ bằng lời nói.
Kết quả chuyến thăm cho thấy, Mỹ đã mang đến sự giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất đối với Việt Nam trong thời điểm rất khó khăn đối phó với dịch bệnh. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận từ Mỹ 6 triệu liều vaccine covid-19 viện trợ miễn phí, đặt mua 47 triệu liều khác, nhận hỗ trợ nhiều thiết bị y tế phòng, chống covid-19. Điều quan trọng nữa là Mỹ đã đồng ý chuyển giao công nghệ độc quyền sản xuất vaccine covid-19 cho tập đoàn Vingroup của Việt Nam với khả năng sản xuất 200 triệu liều mỗi năm. Việc hợp tác sản xuất vaccine, khai trương Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) tại Hà Nội, đầu tư khoản tiền lớn xây dựng Đại sứ quán tại Việt Nam ..., cho thấy Mỹ có ý làm ăn lâu dài ở đây.
Trải qua 26 năm, quan hệ Việt-Mỹ từ cựu thù đã trở thành quan hệ đối tác toàn diện. Đó là một quá trình phát triển rất nhanh chóng, chất lượng, vững chắc, hai bên cùng có lợi. Về kinh tế thương mại đã rõ, từ buôn bán nửa tỷ USD mỗi năm đã lên đến 90 tỷ USD và đang phấn đấu đạt mục tiêu 100 tỷ vào năm nay, Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai sau Trung Quốc. Hai bên đã hợp tác giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến hậu quả chiến tranh, đã nhiều lần bày tỏ tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Lòng tin ngày càng được củng cố. Có thể nói vào lúc này, quan hệ hợp tác đó đã trở nên nhuần nhuyễn.
Tuyệt đại đa số các nhà quan sát trong và người nước đều nhận thấy quan hệ Việt-Mỹ đã vượt lên trên quan hệ đối tác toàn diện. Nếu nhìn cả chiều rộng và chiều sâu trong các lĩnh vực hợp tác, so sánh với 17 mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với các nước khác, có thể thấy bản chất của quan hệ Việt-Mỹ là quan hệ chiến lược, chỉ khác nhau danh xưng. Tôi cho rằng việc thay đổi danh xưng cũng cần, nhưng không phải là có ý nghĩa quyết định.
Một số người cho rằng Việt Nam đang tính toán “chọn bên” giữa hai cường quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Có thể đây là một nhận thức sai lầm, là tư duy Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời, cho rằng “bạn của kẻ thù là kẻ thù”, rằng “ủng hộ bên này đồng nghĩa với chống lại bên kia” .... Hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã nhiều lần tuyên bố không có chuyện “chọn bên” giữa hai cường quốc này. Việt Nam từng nhiều lần khẳng định không theo nước này chống lại nước kia. Việt Nam kiên trì không chọn bên, nhưng chọn lợi ích hợp pháp, lợi ích chính đáng, đồng thời phản đối những quan điểm, lập trường, hành động vi phạm luật pháp quốc tế, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, các mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia vô cùng phong phú, đa dạng. Sự cân nhắc, lựa chọn trên cơ sở lợi ích quốc gia là hết sức thận trọng và cần thiết. Chắc chắn rằng quốc gia nào cũng làm như vậy và người ta đang cảm thấy các cường quốc cũng đã thấu hiểu điều này./.
* Bài viết này là ý kiến cá nhân của ông Nguyễn Vinh Quang, không phản ánh quan điểm của CSSD.
- Hãy cài đặt lại quan hệ Việt-Trung
- Bán đảo Triều Tiên: Ngọn gió mới hay cuộc chơi đèn cù?
- Chuyển động kịch tính của bàn cờ chính trị Đông Bắc Á
- 10 năm Viện Khổng Tử - Nỗ lực xâm nhập văn hóa toàn cầu
- Năm 2014: Trung Quốc vượt Mỹ về PPP
- Chính sách đối ngoại Obama 2 năm còn lại trước tác động của Quốc hội Cộng hòa