Đọc cùng bạn
Đài Loan chuẩn bị cho cuộc phản kích chống Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo thế giới khi đến thăm Đài Loan thường lựa chọn Đại khách sạn Đài Bắc làm nơi lưu trú. Đó là một công trình kiến trúc đặc sắc Trung Hoa tọa lạc tại Viên Sơn. Với tầm nhìn tuyệt vời hướng vào trung tâm thành phố và một bể bơi đầy sắc xanh cây lá, các cư khách có thể nghĩ rằng họ đang ở một nơi yên bình nhất Đông Á. Thực ra, họ đâu thể ngờ rằng ngay dưới chân họ là một trung tâm chỉ huy tác chiến rộng lớn, được thiết kế để các lãnh đạo cao cấp nhất của Đài Loan có thể chỉ đạo quân đội trong trường hợp chiến tranh nổ ra với Trung Quốc. Cơ sở này và hàng loạt căn cứ công nghệ cao khác cho thấy nền quốc phòng của Đài Loan không đơn giản như bề ngoài của nó.
Đài Loan nỗ lực nâng tầm bắn của tên lửa tự sản xuất đến được các trung tâm chính trị, kinh tế của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Quảng Châu, nhằm tạo sức mạnh răn đe với Trung Quốc
Sức mạnh bí mật của không lực Đài Loan
Căn cứ này có tên gọi chính thức là Trung tâm chỉ huy quân sự liên hợp Hoành Sơn (Hengshan), bao gồm một hệ thống đường hầm chằng chịt xuyên qua nhiều ngọn núi từ Đại khách sạn tới vòng đu quay khổng lồ ở Đại Chí; nó cũng được kết nối với một hệ thống các trạm chỉ huy ngầm khác ở Đài Loan và cả Trung tâm chỉ huy của quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Được xây dựng với mục đích phòng thủ trước lực lượng tên lửa đạn đạo ngày càng phát triển của Trung Quốc, trung tâm đầu não này có thể nuôi sống hàng ngàn viên chức chính phủ và nhân viên quân sự trong nhiều tháng, tránh khỏi các cuộc tập kích từ trên không và tổ chức cuộc phản kích phòng thủ của Đài Loan. Căn cứ Hoành Sơn sẽ là nơi trú ẩn của người đứng đầu chính quyền Đài Loan trong chiến tranh. Lực lượng pháo binh số 2 của Trung Quốc (hay còn gọi là lực lượng tên lửa tấn công chiến lược) thậm chí đã từng có kế hoạch giả lập với mục tiêu phá hủy các cây cầu nối căn cứ Hoành Sơn với Dinh của người đứng đầu chính quyền Đài Loan. Trung tâm tác chiến không quân nằm ở phía bên kia thành phố, trong một hệ thống đường hầm khác dưới ngọn núi đá nằm gần khu ký túc xá của Đại học Quốc lập Đài Loan. Các sĩ quan không quân Đài Loan đặt cho căn cứ này biệt danh “Núi Cóc”; đây là một trong những cơ sở có hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất thế giới. “Núi Cóc” kiểm soát toàn bộ không phận của Đài Loan bằng các máy bay cảnh báo từ xa, radar tầm xa, căn cứ liên lạc, máy bay không người lái và vệ tinh; các máy bay tiêm kích cũng như tên lửa đất đối không luôn sẵn sàng ngăn cản các đe dọa từ trên không.
Bên cạnh đó, căn cứ này cũng có vài phương án dự phòng giống như các cơ sở quân sự Đài Loan khác. Một trong các địa điểm đó là căn cứ Tạ Sơn (Chiashan) xây dựng tại bờ biển phía Đông Đài Loan, nằm gần một hẻm núi được tạo bởi đá hoa cương trắng. Trung tâm này được xây trong lòng rỗng của một ngọn núi với chi phí lên tới hàng tỉ đôla Mỹ; bên trong lòng núi là một thành phố quân sự hoàn chỉnh, có khả năng tiếp nhận, sửa chữa và lắp vũ khí cho hơn 200 máy bay. Ngoài ra, ở đây còn có vài bệnh viện và trạm nhiên liệu để tiếp xăng cho các phương tiện quân sự. Đây là một sân bay cực kì khó bị phá hủy, với 10 cửa thoát hiểm dẫn tới các đường băng khác nhau và một đường băng dự bị trong trường hợp khẩn cấp. Đi tiếp 150 cây số theo đường biển, ta sẽ đến tổ hợp Thạch Sơn nằm trong Căn cứ không quân Chí Hàng (Chihhang). Tổ hợp này có quy mô nhỏ hơn (chỉ chứa được khoảng 80 máy bay), tuy vậy nó được hưởng lợi từ việc nằm trong dãy núi cao nhất Đông Á. Các tên lửa được phóng từ đại lục sẽ không làm gì được căn cứ này mà chỉ có thể phát nổ trên núi. Vì lý do này mà không quân Đài Loan thường xuyên diễn tập việc di chuyển máy bay từ các căn cứ ở bờ biển phía Tây sang các sân bay kín đáo ở bờ biển phía Đông. Các đơn vị cũng được luân chuyển liên tục để tạo sự bất ngờ cho kẻ địch, và các mô hình máy bay cũng được sử dụng nhằm đánh lạc hướng lực lượng tình báo của đối phương. Để hạn chế nguy cơ tên lửa Trung Quốc phá hủy toàn bộ các sân bay trọng yếu, không quân Đài Loan đã lên kế hoạch sử dụng 5 đoạn đường cao tốc như các đường băng khẩn cấp; các máy bay có thể hạ cánh, tiếp nhiên liệu, trang bị vũ khí và cất cánh như bình thường. Bên cạnh đó, mỗi căn cứ đều có lực lượng công binh hùng hậu, có tay nghề cao và các thiết bị hiện đại để sửa chữa đường băng thật nhanh. Trước đây Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) giữ kỷ lục thế giới về tốc độ sửa chữa đường băng trong 4 tiếng, đầu năm nay một đơn vị Đài Loan đã hoàn tất công việc chỉ trong vòng 3 tiếng.
Trên đây là một vài ví dụ về cách mà không quân Đài Loan sử dụng chất lượng để đối phó với mối đe dọa về số lượng của lực lượng quân sự Trung Quốc. Nó là một trong những yếu tố sống còn đối với an ninh của Đài Loan, có khả năng ảnh hưởng đến các toan tính của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nếu xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra nhằm tranh giành vị thế số 1 tại khu vực này, Đài Loan sẽ trở thành trung tâm của chiến sự với vị trí chiến lược của mình. Đài Loan nằm gần cả biển Hoa Đông và Biển Đông, án ngữ trên tuyến đường vận tải biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Không chỉ đóng vai trò to lớn trong việc kiềm chế hải quân Trung Quốc ở chuỗi đảo thứ nhất và bảo vệ Nhật Bản và Philippines khỏi nguy cơ bị vây hãm đường biển, Đài Loan còn là một trọng yếu trong hệ thống phòng không của Mỹ. Phần lớn các tên lửa Trung Quốc phải vượt qua không phận Đài Loan để tấn công hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương; với sự kết hợp các hệ thống radar tầm xa và tên lửa đánh chặn, Đài Loan có thể trở thành lá chắn bảo vệ quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Cuối năm 2012 khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, hệ thống radar cao tần (UHF) của Đài Loan đã phát hiện được và cảnh báo cho các tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản sớm hơn 120 giây - khoảng thời gian có thể quyết định sự sống còn trong một cuộc chiến tranh tên lửa.
Đây là một phần lý do mà chính quyền Bắc Kinh coi Đài Loan là mối đe doạ lớn nhất về cả chính trị, ngoại giao và an ninh. Họ đang triển khai chiến lược lôi kéo và hợp tác nhằm cô lập và hướng tới kiểm soát Đài Loan. Kế hoạch phát triển tên lửa của Trung Quốc là trụ cột của chiến lược này, với mục đích đe dọa cử tri Đài Loan và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Tuy vậy do chưa có khả năng kiểm soát vùng trời, Trung Quốc không thể vây hãm hay đưa quân đổ bộ lên Đài Loan. Từ năm 2007 lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc không tăng thêm một tàu nào; không có lí do gì để đưa tàu ra và bị bắn chìm ngay lập tức. Tuy nhiên nguy cơ Trung Quốc tấn công các lực lượng quân sự của Đài Loan và Mỹ bằng đường không đang ngày càng gia tăng: Lực lượng pháo binh số 2 của Trung Quốc đang phát triển các loại đầu đạn tên lửa mới có khả năng xuyên phá cao hơn loại thông thường; họ cũng đã thành công trong việc ngăn chặn Đài Loan mua máy bay chiến đấu mới từ Mỹ và Pháp, làm giảm phần nào khả năng chiến đấu của không quân Đài Loan.
Hiện nay lực lượng không quân Đài Loan đang sở hữu 146 máy bay tiêm kích đa năng F-16; 55 máy bay Mirage-2000; và 126 máy bay chiến đấu Kinh Quốc mà Đài Loan tự sản xuất. Tuy vậy Đài Loan biết rõ rằng nếu không liên tục nâng cấp và mua mới các máy bay F-16 và Mirage-2000 mới thì họ sẽ bị bất lợi về mặt số lượng, dù cho phi công Đài Loan có chất lượng cao hơn phi công Đại lục. Chính quyền Đài Loan đang tích cực phát triển các giải pháp cho vấn đề này như việc tăng cường khả năng đánh chặn, xây dựng các căn cứ có khả năng tồn tại sau cuộc chiến tên lửa… Đài Loan chỉ có thể bảo đảm an ninh bằng cách không để cho Trung Quốc quyền kiểm soát bầu trời.
Hệ thống tên lửa tấn công được phát triển bằng nội lực
Lực lượng tên lửa là một phần trọng yếu trong cơ cấu phòng thủ của Đài Loan. Ngay từ năm 1964, sau khi chính quyền đại lục có vụ thử hạt nhân thành công đầu tiên, Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh thành lập Học viện Khoa học kỹ thuật Trung Sơn chuyên nghiên cứu về quốc phòng, trong đó công nghệ tên lửa là một trọng tâm. Từ đó đến nay, Đài Loan đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ tên lửa khá mạnh, và đang bắt đầu triển khai các tên lửa tấn công. Các hệ thống này càng được chú ý phát triển khi có thông tin số tên lửa đạn đạo của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan đã lên tới 1.600 và việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay Liêu Ninh. Mục tiêu chính của chương trình tên lửa Đài Loan là kiềm chế và ngăn chặn việc chính quyền Trung Quốc sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát đảo Đài Loan. “Phương trình răn đe” của Đài Loan phụ thuộc vào việc Trung Quốc sẽ mất bao lâu để vượt qua hệ thống phòng không của Đài Loan, phải chịu bao nhiêu tổn thất để làm được điều đó và kéo dài thời gian bao lâu để các lực lượng Hoa Kỳ có thể can thiệp. Một điểm đáng chú ý là bên cạnh việc tận dụng sự giúp đỡ của các đối tác như Mỹ và Israel, Đài Loan luôn hướng tới việc tự phát triển và sản xuất các dòng tên lửa và hệ thống phòng không để tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Sở dĩ điều này xảy ra là do chính quyền Washington bắt đầu từ chối các đơn đặt hàng quân sự của Đài Loan để không làm mất lòng chính quyền Đại lục – một trong những thỏa thuận ngầm giữa Trung Quốc và Mỹ để duy trì các mối quan hệ chằng chịt và lợi ích đan xen giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan – bán cái gì và lúc nào – cũng luôn luôn là một con bài mặc cả của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc.
Do eo biển Đài Loan khá hẹp nên quân đội Đài Loan chủ yếu tập trung các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung với mục đích phòng ngự là chính, tuy nhiên trong thời gian gần đây họ đã bắt đầu phát triển các dòng tên lửa có tầm bắn xa hơn để chủ động đối phó với các nguy cơ cụ thể. Vũ khí chủ lực của lực lượng tên lửa Đài Loan hiện nay là dòng tên lửa hành trình diệt hạm Hùng Phong 2 (HF-II); họ cũng đang phát triển tên lửa diệt hạm siêu âm Hùng Phong 3 (HF-III) hiện đại hơn nhằm đối phó với lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Tên lửa HF-III bay với tốc độ Mach 2, có thể tiêu diệt mục tiêu chỉ trong 50 giây. HF-III có tầm bắn khoảng 130km và dự kiến sẽ được trang bị trên các tàu hộ vệ thuộc hải quân. Cơ quan phụ trách quân sự của Đài Loan đang có kế hoạch triển khai 120 tên lửa loại này với chi phí khoảng 400 triệu đôla Mỹ.
Một biến thể của loại tên lửa này là tên lửa đất đối đất HF-IIE có khả năng tấn công mục tiêu trong phạm vi 600 - 1000km và có thể mang đầu đạn 200kg, đã có 300 tên lửa loại này được triển khai ở phía Bắc Đài Loan. Tên lửa HF-IIE có nhiều điểm tương đồng về kỹ thuật với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ; đây là loại vũ khí dùng để tấn công vào các mục tiêu quân sự quan trọng trên đất liền như hệ thống phòng không, cơ sở thông tin liên lạc và các trung tâm chỉ huy đầu não. HF-IIE được trang bị hệ thống dẫn đường hồng ngoại, hệ thống định vị GPS và nhận dạng địa hình nhằm tăng độ chính xác cho các cuộc tấn công. Chương trình phát triển tên lửa HF-IIE được cho là đã ngốn hơn 1 tỷ đôla Mỹ trong ngân sách quốc phòng của Đài Loan. Quân đội Đài Loan cũng đang nghiên cứu phát triển dòng tên lửa mới Vân Phong với tầm bắn khoảng 1200km và dự kiến có thể lên tới 2000km, nghĩa là sẽ đặt Bắc Kinh, Nam Kinh và Thành Đô trong tầm bắn của các tên lửa này. Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu cho rằng các tên lửa Vân Phong sẽ là một lợi thế quan trọng để đàm phán với chính quyền Đại lục trong tương lai. Ngoài ra, Đài Loan còn sở hữu hệ thống tên lửa không đối đất Vạn Kiếm được lắp trên các máy bay tiêm kích loại Kinh Quốc (IDF/FCK-1) và các tên lửa diệt hạm Harpoon UGM-84L được nhập từ Mỹ để trang bị cho các tàu ngầm với tầm bắn lên tới 150 hải lý.
Có thể nói lực lượng tên lửa của Đài Loan đang không ngừng phát triển để đối phó với các nguy cơ trước mắt. Tuy nhiên, Đài Loan ít khả năng sẽ áp dụng học thuyết đánh đòn phủ đầu (pre-emptive strike) vào chiến lược tên lửa của mình. Một cuộc tấn công như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến sự trả đũa tổng lực của quân đội Trung Quốc, bao gồm một chiến dịch đổ bộ lên đảo Đài Loan. Sự ủng hộ của Mỹ cũng sẽ suy giảm đáng kể nếu Đài Loan chủ động tấn công Đại lục trước, và dư luận quốc tế sẽ có các phản ứng tiêu cực. Đài Loan chỉ tập trung vào khả năng phản công lại các chiến dịch quân sự của Trung Quốc; đòn đánh phủ đầu chỉ được thực hiện khi chiến tranh đã đến rất gần và có sự phối hợp với các lực lượng quân sự của Mỹ trong khu vực.
Về phần hệ thống tên lửa đánh chặn, Đài Loan đang sử dụng nhiều hệ thống như Hawk và Patriot của Mỹ, Tiên Cung 2 và 3 do các cơ sở công nghiệp quân sự Đài Loan phát triển. Hiện nay Đài Loan đang sở hữu 16 hệ thống Hawk và gần 300 tên lửa kèm theo; họ cũng đã triển khai 6 hệ thống Tiên Cung 2 và gần 500 tên lửa với tầm bắn khoảng 200km, có khả năng tác chiến vươn tới vùng trời của tỉnh Phúc Kiến. Chính quyền Đài Loan đang lên kế hoạch thay thế toàn bộ hệ thống tên lửa đánh chặn Hawk đã lỗi thời bằng các hệ thống Tiên Cung 3. Theo dự kiến, kế hoạch này sẽ bắt đầu từ năm 2015 và kết thúc vào năm 2024 với chi phí khoảng 2,5 tỉ đôla Mỹ. Hệ thống đánh chặn Tiên Cung 3 được kì vọng sẽ ngăn chặn một cách hiệu quả các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và các máy bay chiến đấu tàng hình J-20 hiện đại của chính quyền Đại lục.
Các hệ thống tên lửa tấn công và tên lửa đánh chặn được phát triển và sản xuất tại Đài Loan đang trở thành một thành tố quan trọng trong nền phòng thủ của Đài Loan. Với việc Mỹ liên tiếp từ chối các đề nghị của Đài Loan mua bán các loại khí tài và vũ khí hiện đại, nhà đương cục Đài Bắc đang chọn hướng đi tự lực cánh sinh nhằm củng cố và tăng cường lực lượng phòng vệ của họ, sẵn sàng đối phó với các nguy cơ an ninh đến từ phía bên kia eo biển. Nguyên lý sơ đẳng của chiến lược quân sự của Đài Loan, đó là phản kích hiệu quả tức là răn đe hiệu quả./.
Nguồn tham khảo:
[1] http://thediplomat.com/2014/09/taiwan-asias-secret-air-power/
[4] http://news.usni.org/2014/03/26/taiwan-defend-chinese-attack
[5] http://www.cesim.fr/observatoire/eng/79/article/119
[6] http://www.nti.org/country-profiles/taiwan/delivery-systems/