Đọc cùng bạn

Trung Quốc cần Nga hơn bao giờ hết

9/8/2014 9:10:04 AM

 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu hôm 27/8/2014 tại cuộc gặp gỡ không chính thức của “Diễn đàn Thanh niên toàn nước Nga” được tổ chức tại vùng Tver, Nga, nhận xét: “Không cần lo lắng Trung Quốc sẽ đưa ra yêu cầu chủ quyền lãnh thổ đối với Nga”.

 

Sau khi phát biểu của ông Lavrov được đăng tải, các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước Nga rầm rộ đưa tin về phát biểu này của Ngoại trưởng Lavrov. Cùng ngày, Đài BBC đã trích đăng bài bình luận của Boyce trên tờ Thời báo (The Times) xuất bản ở London, cho rằng Trung Quốc đang cần Nga hơn bao giờ hết, một loạt các dấu hiệu đều cho thấy, hai bên đang điều chỉnh lại định vị chiến lược của mình.

 

Tại sao Trung Quốc lại coi trọng ông Putin đến như vậy? Bài báo nói, nguyên nhân hiện thực bao gồm, Tổng thống Vladimir Putin đang nỗ lực để tái đắc cử tổng thống vào năm 2018, trong khi nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến năm 2022, cũng như “cách mốc năm 2034 đã rất gần rồi”

 

“Năm 2034” - theo dự đoán của một học giả Nga, chuyên nghiên cứu các sự vụ Trung Quốc - sẽ là năm bùng nổ chiến tranh thế giới thứ ba. Vị học giả này còn phân tích, Trung Quốc cần duy trì mức tăng trưởng chi tiêu quốc phòng ở hai con số trong vòng 20 năm tới thì mới có thể cân bằng thực lực quân sự tại khu vực Đông Á với Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, Trung Quốc còn phải làm ba việc trước tiên: Một là, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường phương Tây; hai là đảm bảo sự thông thoáng các con đường xuất nhập khẩu nguyên vật liệu trên lục địa; ba là, tìm kiếm một mối quan hệ đồng minh thiết thực mạnh mẽ.

 

Theo Giáo sư Artyom Lukin, Đại học Liên bang Viễn Đông (Vladivostok - Nga), năm 2030, Trung Quốc sẽ hoàn tất công cuộc thống nhất Đài Loan. Cũng chính trong năm 2030, Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới và sẽ phát triển nhanh hơn Trung Quốc; ráo riết hiện đại hóa quốc phòng gây  những thách thức nghiêm trọng đối với Trung Quốc; Trung-Ấn đối đầu để giành vị trí chủ đạo tại châu Á lên đến những đỉnh điểm mới và Bắc Kinh buộc phải “đi trước đón đầu” gây xung đột quân sự trước khi New Delhi có cơ hội thu hẹp khoảng cách. Năm 2032, Mỹ sẽ rút lực lượng quân đội ra khỏi Nhật Bản; đến năm 2029, Nhật Bản sẽ là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân; Trung Quốc đánh cược rằng, Mỹ sẽ không đứng về phía Nhật Bản, nhưng sau một số do dự, Mỹ vẫn tham chiến đứng về phía Nhật Bản.

Ông Ngũ Phàm - bình luận viên nổi tiếng về Trung Quốc, hiện đang sống ở Mỹ - nói: Hiện nay Trung Quốc đang trong cục thế “tam diện lâm địch” (ý nói: cả ba mặt phía Đông, phía Tây, phía Nam đều phải đối phó với kẻ địch). Nếu như xảy ra giao tranh giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc cơ bản không có đồng minh trợ thủ.

 

Ông Ngũ Phàm nói thêm: “Người Nga sẽ giúp Trung Quốc đánh Mỹ hay không? Không đâu. Người Nga hy vọng Trung Quốc bị đánh bại trong cuộc giao tranh Mỹ-Trung. Như vậy, ở phía nam, Nga hiển nhiên sẽ không có một áp lực to lớn. Đây chính là mong muốn tận đáy lòng của nước Nga. Do vậy, Nga sẽ chẳng thể ra tay giúp đỡ Trung Quốc được”.

 

Bình luận viên Ngũ Phàm cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc về mặt chiến lược đương nhiên không hy vọng sẽ có một kẻ địch ở biên giới phía bắc. Do vậy, đối với Trung Cộng mà nói, hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để đưa ra yêu cầu chủ quyền đối với Nga.

 

Ông Ngũ Phàm nói: “Vậy Trung Quốc và Nga có đi có lại với nhau không?, có chứ, chí ít hai nước cũng giáp ranh về biên giới, ngoài ra còn có sự trao đổi về kinh tế, thương mại, tài chính, kinh doanh… Tuy nhiên, hai nước này sẽ không kết thành đồng minh. Do vậy, trong tình huống này, ông Lavrov có thể rất khẳng định khi nói: “Anh (ám chỉ Trung Quốc) muốn đối phó với Mỹ và Nhật Bản, anh sao có thể yêu cầu chủ quyền lãnh thổ đối với tôi (nước Nga) được chứ? Điều này không phải là tăng thêm kẻ địch hay sao?”

 

Tháng 5/2014, Tổng thống Nga V. Putin có chuyến thăm Trung Quốc, hai nước Trung - Nga không chỉ ký kết Hiệp định Kinh tế Thương mại, đồng thời còn tiến hành diễn tập quân sự, động thái này được xem như một tín hiệu cho thấy hai nước kết thành đồng minh. Tuy nhiên, các nước phương Tây chỉ ra rằng, hai nước Trung - Nga vẫn còn tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, do vậy, lời phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov được xem như một phản ứng đối với dư luận bên ngoài.

 

Ông Lan Thuật, một bình luận viên thời sự sống ở Mỹ, nói: “Ngoại trưởng Nga nói về vấn đề này, xét từ một góc độ khác, chúng ta có thể chứng thực được rằng, nước Nga dường như đã nhận được sự đồng thuận ngầm từ Bắc Kinh. Nói cách khác, giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không làm to tát chuyện này”.

 

Tuy nhiên, Boyce trong bài bình luận của mình chỉ ra rằng, đối với một Trung Quốc đang rối như tơ vò mà nói, nước Nga đóng một vai trò đối tác ngày càng thân mật hơn, tuy nhiên  ông Putin hoàn toàn trái ngược với Goocbachov. Nước Nga đang cố gắng kéo cánh Trung Cộng về phía mình, làm sâu sắc hơn quan hệ Trung - Nga, trong khi phương Tây buộc phải thuyết phục Bắc Kinh không được nghe theo sự chi phối của Putin.

 

Boyce nhấn mạnh, nếu như Chủ tịch Tập ký kết một điều ước với Tổng thống  Putin, cuối cùng ông ta (Tập Cận Bình) cũng phát hiện bản thân mình đang vật lộn trong vực nước sâu mà thôi.

 

Theo một báo cáo nghiên cứu của Morgan Stanley công bố vào tháng 4 vừa qua, nền kinh tế Nga đã đang trong bờ vực rơi vào thời kỳ suy thoái. Ngày 26/8, một hãng thông tấn nước Nga đưa lại lời của ông Oleg Zasov, Cục trưởng Cục Phân tích Kinh tế Vĩ mô, Bộ Kinh tế Phát triển nước Nga, nền kinh tế nước này đang tiệm cận suy thoái./.

 

(Nguồn báo chí hải ngoại Trung Quốc, ngày 29/08/2014)