Đọc cùng bạn

Đảo Guam - Mũi giáo chiến lược của Mỹ

9/8/2014 9:50:41 AM

 

Là lãnh thổ xa nhất về phía Tây của Hoa Kỳ, đảo Guam đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn. Gordon Arthur đã viết một báo cáo về quá trình phát triển Guam để phục vụ cho chính sách xoay trục của Mỹ về khu vực Thái Bình Dương. Guam là một căn cứ chiến lược trong Thế chiến thứ hai; giờ đây nó trở thành trọng tâm của sự tái cân bằng chiến lược do Tổng thống Obama đề ra nhằm đối phó với nguy cơ đến từ Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc. (Xem bản đồ Guam)

 

Trên đảo Guam, Hải quân Hoa Kỳ (USN) đóng tại Căn cứ Hải quân Guam và Không lực Hoa Kỳ (USAF) đóng tại Căn cứ không quân Andersen. Các căn cứ này thuộc quyền chỉ huy của Bộ chỉ huy Marianas - một cơ chế trực thuộc Bộ Quốc phòng, được thành lập năm 2009 để quản lý các căn cứ ở Guam. Cơ sở hạ tầng trên đảo đang được mở rộng và phát triển như một phần của chính sách tái cân bằng, và theo dự kiến lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (USMC) sẽ đến đóng quân ở Guam trong những năm 2020.

 

Căn cứ không quân Andersen có diện tích 77km², và các máy bay ở đây được luân chuyển liên tục chứ không thường trú. Lực lượng máy bay ném bom ở căn cứ này gồm 6 máy bay Boeing B-52, luân chuyển với lục địa Mỹ 6 tháng 1 lần; một số máy bay không người lái (UAV) RQ-4 Global Hawk Block 30 đã đóng góp tích cực vào nỗ lực nhân đạo trong thảm họa động đất ở Nhật Bản năm 2011 và cơn bão ở Philippines năm 2013; 4 máy bay tiếp liệu trên không KC-135 được luân chuyển 1 tháng 1 lần, giúp Không lực Hoa Kỳ có khả năng triển khai chiến lược mạnh mẽ. Sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) vào tháng 11/2013, một máy bay B-52 đã xuất phát từ căn cứ này bay ngang qua ADIZ này như một cách để Mỹ tỏ thái độ.

 

Tầm quan trọng chiến lược của Guam đã được biểu hiện qua cuộc tập trận “Cope North Guam” diễn ra từ ngày 17-28/2/2014; gần 90 máy bay của Mỹ, Nhật Bản và Úc đã tập trung ở đây, cho thấy tốc độ triển khai lực lượng rất cao. Đại tá Steve Wolborsky - cựu tham mưu trưởng Phi đội 36, Không lực Hoa Kỳ - bình luận về tầm quan trọng của hòn đảo: “Guam là điểm xa nhất của lãnh thổ Mỹ; lực lượng không quân Thái Bình Dương gọi Guam là mũi giáo trong tam giác chiến lược Alaska - Hawaii - Guam. Hoa Kỳ có được lợi thế lớn khi đóng quân ở một nơi như thế này, nó giúp chúng ta có khả năng triển khai rất nhanh chóng”. Về chính sách tái cân bằng, Đại tá Wolborsky cho rằng: “Chúng tôi đã mở rộng dần dần trong 10 năm qua, và cần phải phát triển một cách chắc chắn và bảo vệ  bền vững trong dài hạn để duy trì tính chiến lược của căn cứ này”. Chương trình Di chuyển Huấn luyện Không quân (ATR) đã đem lại nhiều tiến bộ trong tập luyện và tập trận; trong đó Nhật Bản trả ¾ phí tổn của việc đem máy bay Mỹ đóng quân tại Nhật Bản đi tập luyện ở các nơi khác. Trên giấy tờ, căn cứ không quân Andersen thuộc quản lý của Hải quân Hoa Kỳ. Cơ sở hạ tầng ở đây khá lạc hậu, tòa nhà mới nhất cũng đã được xây cách đây 50 năm. Tuy nhiên, gần đây các hạng mục hiện đại hóa chỗ ở, thoát nước và dây cáp ngầm đã được triển khai. Các cơ sở tác chiến lớn cũng đang được xây dựng, trong năm 2014 dự kiến sẽ có thêm 3 nhà để máy bay. Trong đó một cái sẽ chứa các máy bay MQ-4C Triton mới vào năm 2017, với khả năng quan sát vùng biển toàn khu vực.

 

Căn cứ hải quân Guam

 

Vào tháng 4/2013, Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố căn cứ hải quân Guam sẽ tiếp nhận thêm tàu ngầm USS Topeka trong một năm tới. Đây là chiếc tàu ngầm lớp Los Angeles thứ tư đến đóng quân ở Guam, sau các tàu ngầm USS Chicago, Key West và Oklahoma City. Bên cạnh đó, căn cứ Guam còn có một tàu hỗ trợ tàu ngầm USS Frank Cable. Một số dự án đã được thông qua trong năm tài khóa 2014, theo đó căn cứ sẽ có thêm một ụ sửa tàu hiện đại, một nhà kho và cầu tàu được nâng cấp. Chỉ huy trưởng căn cứ hải quân Guam, Đại úy Mike Ward cho biết các đơn vị ở đây đóng quân theo dạng thường trú chứ không luân chuyển thường xuyên như căn cứ không quân Andersen; hiện tại ở căn cứ có 5.900 nhân viên quân sự và dân sự cùng với 5.000 người thân.

 

Triển khai lực lượng thủy quân lục chiến

 

Một phần quan trọng trong chính sách tăng cường hiện diện của Mỹ ở Guam là việc chuyển lực lượng thủy quân lục chiến từ Okinawa đến đóng quân ở đây. Theo kế hoạch được đề ra năm 2012, khoảng 5.000 lính (2/3 được luân chuyển 6 tháng 1 lần) và 1.300 người thân sẽ chuyển đến Guam. Cần xây mới 525 ngôi nhà, doanh trại, các cơ sở hạ tầng cơ bản và khu huấn luyện. Theo Thiếu tá Darren Alvarez - Chỉ huy phó Bộ tư lệnh liên quân Guam, phụ trách việc triển khai lực lượng thủy quân lục chiến - thì doanh trại mới sẽ nằm ở khu Finegayan rộng 5,9 km² gần căn cứ Andersen. Tuy vậy, vẫn còn 4 địa điểm doanh trại và 5 trường bắn dự bị để quân đội lựa chọn. Theo dự kiến trong tương lai số lượng lính thủy đánh bộ sẽ tăng lên gần 9.000 người, và các kế hoạch nâng cấp cảng, doanh trại, khu huấn luyện và đường sá trên đảo Guam cũng sẽ được thực thi một cách đồng bộ.

 

Hệ thống phòng thủ

 

Để đối phó với sự khiêu khích của Triều Tiên, Mỹ đã triển khai một hệ thống tên lửa Phòng thủ Khu vực Cao xạ (THAAD) vào tháng 4/2013 trên khu vực Tây Bắc đảo Guam. Trung tá Clyde Cochrane, Chỉ huy hệ thống tên lửa, chia sẻ với IHS Jane’s: “Chúng tôi đóng ở đây để tạo nên một sự kiềm chế chiến lược đối với Bắc Triều Tiên; nếu sự kiềm chế đó không hiệu quả thì chúng tôi sẽ vô hiệu hóa tất cả các nguy cơ đến từ tên lửa đạn đạo của họ”. Đồng thời hệ thống THAAD cũng có thể ngăn chặn các tên lửa đến từ Trung Quốc. Với việc Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển hướng chiến lược sang khu vực Thái Bình Dương, Guam trở thành một căn cứ không thể chìm cho các máy bay và tàu chiến ở phía Tây Thái Bình Dương, tạo cho Mỹ lợi thế trong việc triển khai lực lượng. Washington đang ngày càng lo lắng về sự thiếu minh bạch trong phát triển quân sự của Trung Quốc, do vậy vị thế của căn cứ Guam càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết./.

 

(Nguồn: IHS Jane’s Defence)