Đọc cùng bạn
Mỹ cài bẫy Trung Quốc
Quý II năm 2010, tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Thông tin này đã bị xào xáo vô tội vạ. Đây không phải là một tín hiệu tốt. Trong lịch sử, không hiếm thấy hiện tượng “anh cả” Mỹ dốc hết sức mình để chèn ép các “anh hai”, khiến họ khó có thể ngóc đầu lên được.
Những ảnh hưởng của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ đối với Trung Quốc giống như mưa dầm thấm lâu, dần dần sẽ đẩy Trung Quốc vào vòng xoáy do Mỹ tạo ra, khiến cho nước này nối bước Nhật Bản, Liên Xô, mãi mãi không thể vượt qua Mỹ được.
Để kiềm chế và làm chậm lại quá trình trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp khác nhau. Trong lĩnh vực đa phương toàn cầu, ngọn cờ dân chủ và tự do do Mỹ khởi xướng đã dần phai màu trong cuộc chiến ở Iraq và cuộc khủng hoảng cho vay thứ phát, khiến cho quyền lực mềm của nước này bị tổn thất khá nặng nề. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ nắm vững địa vị “anh cả” toàn cầu, Mỹ đã có trong tay nhiều ưu thế khác nhau mà không nước nào có được, do vậy, nước này vẫn có thể “nhất hô bách ứng” trên phạm vi toàn cầu.
Sau cuộc khủng hoảng cho vay, địa vị quốc tế của Trung Quốc ngày càng nổi bật. Để đối phó với điều này, Mỹ đã tập hợp nhiều đồng minh, đối tác của mình tạo thế vây hãm Trung Quốc, thông qua các động thái: từ việc thảo luận các vấn đề kinh tế như xuất siêu thương mại, tỷ giá đồng nhân dân tệ, cho đến những vấn đề địa chính trị như diễn tập quân sự tại biển Hoa Đông, sự kiện Đảo Điếu Ngư/Senkaku, tự do hàng hải ở Biển Đông, hợp tác hạt nhân với Ấn Độ…
Những năm gần đây, Trung Quốc chuyên tâm nhất trí để chạy theo phương Tây, kết cục là Trung Quốc đã phải trả giá. Trung Quốc đánh mất phía đông, đánh mất phía tây, sau cùng đánh mất cả phương hướng. Thử hỏi với một nước Trung Quốc gần như mất phương hướng, còn có mấy người bạn đưa tay ra cứu giúp trong lúc hoạn nạn?
Trong Hội nghị Biến đổi Khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, các nước đưa ra kết luận Trung Quốc không thể gia nhập hàng ngũ những quốc gia phát triển, trong khi cũng không thể gia nhập hàng ngũ các nước đang phát triển. Điều này khiến cho Trung Quốc ở trong tình cảnh dở khóc dở cười.
Trong khu vực xung quanh Trung Quốc, những ảnh hưởng của Mỹ thoắt ẩn thoắt hiện. Mỹ dùng các thủ đoạn khác nhau để phá hoại và tác động đến chính sách ngoại giao láng giềng “lấy láng giềng làm đối tác, chung sống thân thiện với láng giềng” của Trung Quốc, ngoài ra, Mỹ còn tiến hành giở trò trong khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Hợp tác Đông Bắc Á,… gây chia rẽ quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia láng giềng với Trung Quốc, gây ra tình cảnh rối loạn địa chính trị.
Các báo chí chính thống của Mỹ như New York Times cũng không ngừng cảnh báo phái diều hâu Mỹ nên cho phép Nhật Bản khôi phục địa vị quân sự. Thậm chí nước này còn liên tiếp xây dựng, đẩy mạnh các tổ chức chống Trung Quốc, khuyến khích Ấn Độ gia nhập liên minh chiến lược “những quốc gia dân chủ” do Mỹ, Nhật Bản và Australia làm chủ đạo. Năm 2007, Mỹ và Ấn Độ ký kết hiệp định hợp tác hạt nhân, cho phép các công ty Mỹ chuyển nhượng công nghệ và nhiên liệu hạt nhân cho phía Ấn Độ.
Ngoài việc chèn ép Trung Quốc trong các diễn đàn đa phương và khu vực, mấu chốt nhất vẫn là cuộc chiến giáp lá cà với Trung Quốc, mà điển hình nhất là tại “Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ”.
Trong lịch sử, Mỹ cũng đã thông qua những đối thoại tương tự như vậy, qua đó từng bước một đẩy các đối thủ cạnh tranh vào mạng lưới đã đan sẵn của mình. Cụ thể, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, Mỹ - Anh đã triển khai một loạt đối thoại chiến lược, chính trị gia nổi tiếng nước Anh thời đó, Churchill - người được mệnh danh như “thần” trong giới chính trị quốc tế cũng vô hình chung rơi vào bẫy của Mỹ.
Hệ thống Breton Woods ra đời năm 1944 đặt dấu chấm hết cho đối thoại chiến lược Mỹ - Anh, đây là một cuộc đối thoại bất bình đẳng rõ ràng giữa bộ trưởng Bộ Tài chính Anh và bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ. Nước Anh từ đó đã phải dâng tay nhường chiếc ghế bá quyền cho Mỹ.
Những năm 80 của thế kỷ trước, để kìm hãm sự trỗi dậy của Nhật Bản, Mỹ đã mượn cớ giá trị đồng yên bị định giá thấp so với thực tế khiến cho xuất siêu thương mại tiếp tục tăng lên, để từ đó không ngừng gây ra những tranh chấp thương mại với Nhật Bản, cuối cùng buộc Nhật Bản phải ngồi vào bàn đối thoại chiến lược. Năm 1983, hai bộ trưởng tài chính Mỹ - Nhật đã thành lập “Tổ công tác phối hợp đồng yên Nhật/đô la Mỹ” (sau này gọi là “Tổ công tác liên hợp thị trường tài chính Mỹ - Nhật).
Trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến 1988, Mỹ thông qua cơ chế này không ngừng gây sức ép lên Bộ Tài chính Nhật Bản, yêu cầu Bộ này phải soạn ra kế hoạch chi tiết tự do hóa thị trường tài chính Nhật Bản, buộc Nhật Bản phải lần lượt chấp nhận “Hiệp định Plaza”, “Hiệp định Louvre” và “Hiệp định Basel”, qua đó đặt ra nền móng vững chắc cho cuộc chiến đánh bại thị trường tài chính Nhật Bản, giúp Mỹ ngồi vững vị trí số một toàn cầu.
Sau khi Gorbachev nắm giữ quyền lực tối cao tại Liên Xô, Mỹ đã lên kế hoạch cho một loạt các hoạt động ngoại giao. Trong đó, thông qua trung gian là Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, Mỹ đã xác định Tổng thống Nga Gorbachev là “một người có thể kết bạn”, cuối cùng Mỹ đã hiện thực hóa thành công đối thoại chiến lược Mỹ - Xô.
Năm 1993 cũng là năm đánh dấu mốc thời gian Liên Xô tan rã diễn ra trong hai năm. Phát biểu tại một hội nghị ở Pháp, Tổng thống Nga Gorbachev đã công khai thừa nhận, “Đối thoại Reykjavik trên thực tế đã khiến Liên Xô rơi vào tình cảnh phó mặc cho Mỹ sắp xếp”. Như vậy, cuộc chiến tranh lạnh Nga - Mỹ từ đây đã bị chôn vùi giữa Bắc Đại Tây Dương và biển Địa Trung Hải.
Đương nhiên, không khó để nhận ra rằng, Mỹ sẽ sử dụng những chiêu bài tương tự trong quá khứ để áp dụng lên Trung Quốc. Trong bối cảnh Mỹ đang mềm nắn rắn buông và đưa ra những lời dụ dỗ hay những uy hiếp, Trung Quốc sẽ bị Mỹ lôi vào bàn đàm phán, từ đó mở đường cho Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ, những nhượng bộ và cam kết của Trung Quốc trong các vòng đối thoại này đối với Mỹ khiến cho người ta thấy ngạc nhiên và mơ hồ.
Có chuyên gia quan ngại rằng, những ảnh hưởng của Đối thoại Trung - Mỹ lên Trung Quốc cũng giống như mưa dầm thấm lâu, dần dần sẽ khiến Trung Quốc rơi vào bẫy của Mỹ, khiến cho Trung Quốc nối gót Nhật Bản, Liên Xô, mãi không thể ngóc đầu để vượt qua cái bóng của Mỹ được.
Tài chính là trọng tâm của nền kinh tế hiện đại, an ninh tài chính là cốt lõi của an ninh quốc gia. Ngày nay, sức mạnh tài chính của Mỹ vẫn đang lớn mạnh nhất thế giới, trong khi đó nghiệp vụ tài chính lại là một mắt xích yếu nhất trong chuỗi an ninh của Trung Quốc. Rất có khả năng lĩnh vực tài chính sẽ trở thành gót chân Asin của Trung Quốc để Mỹ dễ dàng đánh sập “con đê ngàn dặm” của nền kinh tế Trung Quốc.
Có thế thấy, trong Đối thoại Chiến lược Kinh tế Trung - Mỹ, mở cửa thị trường tài chính vẫn luôn là mấu chốt để Mỹ tấn công Trung Quốc. Nhiều năm qua, Mỹ “xuất khẩu” nhiều nhân lực tài chính sang Trung Quốc, những nhân lực này dần dần nắm giữ những chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan ban ngành liên quan của Trung Quốc, họ lấy những đặc trưng sẵn có của tài chính Phố Wall để áp dụng tại thị trường Trung Quốc, đi theo những quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Bộ Tài chính Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ lấy việc Trung Quốc gia nhập WTO làm mồi nhử, cũng như Đối thoại Chiến lược Kinh tế Trung - Mỹ làm thời cơ, cho phép một loạt các tổ chức tài chính của Mỹ mở văn phòng đại diện tại thị trường Trung Quốc.
Những tổ chức tài chính này có quan hệ mật thiết với các công ty xuyên quốc gia lớn của Mỹ, thông qua các phân công hợp tác, những tổ chức này sẽ dần thâm nhập vào từng tế bào kinh tế Trung Quốc, bồi dưỡng và gia tăng mức độ ảnh hưởng tại thị trường Trung Quốc, đồng thời không ngừng làm suy yếu quyền phát ngôn của những tổ chức tài chính của Trung Quốc (bao gồm cả những tổ chức giám sát quản lý).
Ngày 28/01/2010, Qũy Heritage Foundation của Mỹ đã công bố báo cáo mang tên “10 điều ảo tưởng về phát triển kinh tế Trung Quốc”, báo cáo đề cập đến giả thuyết trong tương lai không xa Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, báo cáo khẳng định: Trung Quốc rất có khả năng sẽ mãi mãi không thể vượt qua Mỹ.
Báo cáo chỉ ra rằng, nếu như tiến hành so sánh tăng trưởng 30 năm qua của Trung Quốc và tăng trưởng gần 30 năm qua của Mỹ, tất nhiên kết quả sẽ là Trung Quốc vượt Mỹ, tuy nhiên, nền kinh tế trong vòng 30 năm tới của Trung Quốc, chắc chắn sẽ khác biệt sâu sắc so với 30 năm vừa qua.
Tình trạng già hóa dân số Trung Quốc ngày càng trầm trọng, đến năm 2035 dân số trên 65 tuổi của Trung Quốc sẽ đạt 250 triệu người, do vậy nền kinh tế Trung Quốc không thể cứ phát triển nhanh chóng mãi như vậy được.
Qũy Heritage Foundation là một trong những tổ chức nghiên cứu chính sách công có sức ảnh hưởng lớn nhất của phái bảo thủ tại Mỹ, đây cũng là một tổ chức mang tính chất hình thái ý thức rõ nhất của chính phủ Mỹ. Lâu nay, tổ chức này vẫn dùng “học thuyết kinh tế tự do”, “chính sách kinh tế tự do” để dẫn dắt những nước đi sau tiến lên con đường “giàu mạnh”.
Quỹ Heritage Foundation dám thẳng thắn tuyên bố “Trung Quốc có khả năng sẽ mãi mãi không thể vượt Mỹ”, điều này không chỉ là một sự lạc quan đơn giản đối với tương lai, mà còn thể hiện sự tự tin đối với những kinh nghiệm trong quá khứ của Mỹ, cũng như cho thấy một hiện thực Trung Quốc đang trên con đường đi xuống./.
(Nguồn: Business World of China http://www.bwchinese.com/)