Giới thiệu sách
Nền Kinh tế Chia sẻ![]() Vào tháng 5 năm nay, Arun Sundararajan, giáo sư của trường Stern thuộc Đại học New York, chuyên gia kinh tế về sự tác động của công nghệ số làm thay đổi việc kinh doanh, cơ cấu chính phủ và xã hội dân sự, đã cho ra mắt cuốn sách “Nền kinh tế chia sẻ” (The Sharing Economy). Cuốn sách 240 trang với 2 chương, 9 phần. Tác giả cho rằng thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ tư. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất sử dụng hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai sử dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, được xây dựng trên nền tảng của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba, là một cuộc cách mạng công nghệ số, đã bắt đầu diễn ra từ giữa thế kỷ 20. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư sẽ làm thay đổi căn bản cách sống và cách làm việc của con người. Nền kinh tế chia sẻ là một sản phẩm của cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ tư ấy.
Tác giả làm rõ: (1) Có sự thay đổi này là do sự phát triển của phần mềm tự do, máy tính và các mạng kỹ thuật số trên quy mô đại chúng; (2) Chúng ta đang trải nghiệm một mô hình mới kết hợp các mô hình kinh tế cũ đã bị gạt bỏ dưới chủ nghĩa tư bản; (3) Sự phát triển của công nghệ số tạo điều kiện cho mô hình kinh tế mới này phát triển.
Theo các nhà khoa học được dẫn chứng, dường như chúng ta sắp bước vào giai đoạn 2 của sự tái thiết kế này, và lần này chúng ta sẽ chứng kiến việc thiết kế lại cuộc sống hàng ngày. Do các diễn đàn như Airbnb, Lyft, Getaround, Etsy phá vỡ các hệ thống kinh tế cũ dựa trên các tương tác giữa công ty với người tiêu dùng và sở hữu tư nhân, nên chúng ta đang chứng kiến vô số vấn đề về luật lệ.
Đồng thời, sự thay đổi kinh tế mà chúng ta đang chứng kiến đặt ra một số vấn đề về chính sách; đòi hỏi chúng ta phải “điều chỉnh hy vọng, giả thiết và chính sách để thích nghi với tầm quan trọng đang tăng lên của quan hệ xã hội nói chung và sự chia sẻ nói riêng như là một phương thức sản xuất kinh tế mới”.
Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của một “nền kinh tế lai tạo”, trong đó sự khác biệt giữa kinh tế thương mại và kinh tế chia sẻ ngày càng trở nên mờ nhạt.
Theo tác giả, dường như chúng ta đang bước vào một thời đại tự động hóa mới, trong đó tốc độ tăng trưởng của công việc do máy móc thực hiện có thể vượt tốc độ tăng trưởng của công việc do máy móc tạo ra. Một nghiên cứu của Mackinsey năm 2015 cho thấy: “Có đến 45% hoạt động mà các cá nhân được trả công để thực hiện công việc tự động hóa bằng cách ứng dụng các công nghệ hiện đang có”.
Có thể nền kinh tế chia sẻ sẽ chuyển một số công việc hiện nay sang các hình thức làm việc khác, linh hoạt và tự do hơn. Kể từ thập kỷ 1990, sự chuyển việc ra nước ngoài phát triển đáng kể. Gần đây người ta tập trung chú ý vào sự tự động hóa dựa trên công nghệ số.
Trong cuốn sách “Thời đại máy móc thứ hai” (The Second Machine Age), Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee cho rằng: Chúng ta đã đi đến một thời điểm then chốt, thời điểm công nghệ số có “sức mạnh hoàn thiện” (“full force” of digital technologies) và máy tính sắp vượt qua con người trong một số công việc. Theo hai tác giả: “Tiến bộ công nghệ sẽ bỏ lại đằng sau một số, thậm chí là nhiều người… Chưa bao giờ có một thời kỳ tốt đẹp hơn để làm một người lao động kỹ năng đặc biệt hoặc được đào tạo thích hợp, bởi vì người lao động này có thể sử dụng công nghệ để tạo ra và tóm bắt giá trị. Nhưng cũng chưa bao giờ có một thời kỳ tồi tệ hơn để làm một người lao động chỉ có kỹ năng và năng lực bình thường, bởi vì máy tính, người máy và các công nghệ số khác đang giành được các kỹ năng và khả năng này với một tốc độ phi thường”. Tự động hóa sẽ phát triển với tốc độ chưa từng có và người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn, nhưng nhiều người lao động sẽ có nguy cơ bị lỗi thời.
Trong nửa thứ hai của thế kỷ 20, phần lớn người Mỹ chuyên làm một việc thường xuyên, nếu mất việc là thất nghiệp cho đến khi tìm được một công việc thường xuyên mới. Trong nền kinh tế ngày nay, việc xác định thất nghiệp hay không thất nghiệp đang trở nên ngày càng khó. Bởi vì doanh nghiệp nhỏ, hợp đồng thuê mướn đa phương, lao động tự do và làm tư đang làm đảo lộn các định nghĩa và định lượng truyền thống.
Nền kinh tế đang có biến chuyển lớn, có thể có ý nghĩa như cuộc Cách mạng Công nghiệp. Vấn đề là biến chuyển này có tạo ra một thế giới việc làm tốt đẹp hơn và chúng ta phải làm gì để thúc đẩy nó theo hướng đó.
Sự quá độ đang diễn ra này là một phần của cái mà giáo sư Klaus Schwab gọi là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tính phức tạp của nó có thể giải thích cho cuộc đấu tranh trong xã hội để đi đến “chủ nghĩa tư bản quần chúng”. Nền kinh tế chia sẻ được hình thành bởi chính các mâu thuẫn nội tại của nó. Nền kinh tế chia sẻ vừa là tư bản chủ nghĩa vừa là xã hội chủ nghĩa, vừa là kinh tế thương mại vừa là kinh tế quà tặng, vừa là thị trường vừa là hệ thống phân cấp, vừa phá hủy vừa tạo ra việc làm, vừa là các xã hội biệt lập vừa là các xã hội liên kết.
Qua cuốn sách này, thiết nghĩ, những nội dung của nền kinh tế mới đang tạo ra những mâu thuẫn gay gắt trong lòng nước Mỹ mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã phản ánh khá rõ nét. Ông Trump chỉ hành động như một nhà dân túy. Những điều ông tuyên bố về việc các nước đang “cướp đi việc làm của người Mỹ” và ông ta sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới từ ngành chế tạo phần lớn là mị dân. Nhiều thị trưởng đang chống lại chính sách chống người nhập cư của tổng thống đắc cử. Tổng thống Obama có thể đã sớm nhìn ra vấn đề về sự chuyển đổi của mô hình kinh tế Mỹ, rằng dưới tác động của cách mạng kỹ thuật số giai đoạn mới và tự động hóa xuất hiện đòi hỏi loại hình kinh doanh mới, quản lý mới, lãnh đạo mới. Thậm chí là liên kết và hội nhập kinh tế quốc tế kiểu mới. Cuộc số hóa vật chất sẽ làm thay đổi căn bản ngành công nghiệp ô tô, chuyển quyền lực thị trường khỏi các nhà sản xuất chế tạo hàng hàng đầu, sang cho các diễn đàn công nghệ như Uber, Didi Kuadi, Ola, Apple, Google.
Donald Trump có thể cuối cùng cũng không thể làm khác được trước các xu thế mới. Nền kinh tế mới mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại đang đòi hỏi giới hoạch định chính sách các nước hiểu và từ đó xây dựng tầm nhìn dài hạn về kinh tế, xã hội và luật pháp… Cũng như hội nhập và liên kết kinh tế và lao động quốc tế. Một ví dụ khác, quá trình đô thị hóa sẽ tăng tốc trong những thập kỷ tới; nếu thiếu một tầm nhìn dài hạn thì quy hoạch đô thị sẽ sớm trở nên lạc hậu và luôn bị động, giật gấu vá vai. Đó là một số ý nghĩa thực tiễn của cuốn sách này.
Trung tâm CSSD xin giới thiệu một số nội dung chính của cuốn sách.
|
Hồi ký Hillary Clinton: Hard Choices - Những lựa chọn khó khăn![]() Giữa năm 2014, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã xuất bản Hồi ký về 4 năm đảm nhiệm cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Đó là 4 năm khó khăn: Nước Mỹ vật lộn với khủng hoảng kinh tế và nỗ lực tái cấu trúc lại chính sách đối ngoại. Trong cương vị Ngoại trưởng, bà Clinton đã làm một cuộc hành trình đến thăm 112 nước và đi gần 1,6 triệu km nhằm triển khai chính sách đối ngoại. |
Về vấn đề Biển Đông![]() Từ nhiều năm nay Biển Đông đã thành vấn đề thời sự, mà dư luận nước ta và quốc tế quan tâm theo dõi. Đã có khá nhiều ấn phẩm về Biển Đông của các tác giả Việt Nam và nước ngoài. Quý I năm này, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đã cho ra mắt cuốn sách “Về vấn đề Biển Đông” của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường. |