Nghiên cứu
Mỹ với sự chuyển dịch bàn cờ lớn Á - Âu trong không gian hậu Crimea
Sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, dưới sự cổ súy của phái Tân bảo thủ, Chính quyền Bush đã triển khai học thuyết “đánh đòn phủ đầu”, tiến hành hai cuộc chiến ở Ápganixtan (2001) và Irắc (2003). Nhưng rồi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã đẩy nước Mỹ tới bờ suy thoái kinh tế. Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền với một di sản không mấy lạc quan về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, trong và ngoài nước Mỹ.

Cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay gợi nhớ tới sự bùng nổ cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa tròn một thế kỷ (1914-1918) và đang gây ra mối quan ngại trên thế giới về một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ-EU với Nga ở châu Âu. Một cuộc khủng hoảng cục bộ đang làm chuyển dịch một cách sâu rộng bàn cờ lớn địa-chính trị Á-Âu và cả Trung Cận Đông nữa hơn những gì phần lớn dư luận thế giới có thể đoán định. Một tháng sau khi tới Hà Lan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về hạt nhân và Hội nghị Thượng định bất thường G-7 bàn việc cấm vận Nga, cuối tháng 4 vừa rồi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến công du tới 4 nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines thúc đẩy chính sách “xoay trục” trong tình hình thế giới tiếp tục diễn ra khủng hoảng và biến động.
Hâm nóng “Xoay trục/Tái cân bằng”
Đây là chuyến thăm châu Á lần thứ ba của Tổng thống Barack Obama. Chuyến thăm đầu tiên tới Ốtxtrâylia tháng 11/2011 là để tuyên bố “Xoay trục/Tái cân bằng chiến lược” ở châu Á-Thái Bình Dương. Chuyến thăm thứ hai vào cuối năm 2012 dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và để hậu thuẫn cho Myanma “xoay trục” về phương Tây. Chuyến thăm lần này là để bù đắp cho việc Tổng thống Mỹ hoãn chuyến thăm châu Á hồi tháng 10 năm ngoái do chính phủ Liên bang Mỹ tập trung đối phó với sức ép phải đóng cửa.
Tuy nhiên lý do có lẽ không chỉ đơn giản như vậy, khi nhìn nhận các ẩn ý của chính sách châu Á từ tiếp cận lịch sử chiến lược đối ngoại Mỹ từ sau khi Liên Xô tan rã cho tới nay. Trong hai nhiệm kỳ cầm quyền, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã “tập trung vào kinh tế như một tia lade” và đã đạt được các thành tích kỷ lục: dẫn dắt nền kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục 113 tháng và đạt được sự cân bằng ngân sách. Đồng thời, chính quyền Clinton đã ghi dấu ấn mở rộng NATO sang phía Đông nhằm đẩy Nga xuống thứ hạng nước lớn loại hai, thậm chí là loại ba, tiến hành NATO không kích Kosovo (1999), chuyển GATT thành WTO nhằm đưa cả nền kinh tế thế giới vào một sân chơi mới, và triển khai chiến lược “Can dự và Mở rộng” để đối phó với thách thức từ một nước Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ.
Sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, dưới sự cổ súy của phái Tân bảo thủ, Chính quyền Bush đã triển khai học thuyết “đánh đòn phủ đầu”, tiến hành hai cuộc chiến ở Ápganixtan (2001) và Irắc (2003). Nhưng rồi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã đẩy nước Mỹ tới bờ suy thoái kinh tế. Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền với một di sản không mấy lạc quan về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, trong và ngoài nước Mỹ.
Đầu năm 2008, vào lúc các nước phương Tây đua nhau công nhận Kosovo, tháng 8/2008 Nga tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở Grudia, sau đó đã công nhận Ápkhadia và Nam Osesstia độc lập. Đó là cuộc phản kích đầu tiên của nước Nga nhằm chặn lại tiến trình Đông tiến của NATO, thách thức khoảnh khắc đơn cực của Mỹ. Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Đức trở thành quán quân xuất khẩu toàn cầu. Năm 2010, Tổng thống Obama công bố Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên, trong đó khẳng định: “Những gì xảy ra trong biên giới nước Mỹ sẽ quyết định sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở ngoài biên giới”[1]. Vì vậy, chiến lược đối ngoại của Mỹ không chỉ hướng ra bên ngoài, mà còn cần phải hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản ở trong nước như giáo dục và bảo hiểm y tế, cơ sở hạ tầng và hệ thống an sinh xã hội nhằm bảo đảm những cơ hội rộng rãi cho dân chúng cạnh tranh và thành đạt. Hay như lời TNS John Kerry nói trước Quốc hội Mỹ khi được đề cử cầm đầu bộ máy ngoại giao Hoa Kỳ, “chính sách đối ngoại chính là chính sách kinh tế”[2].
Vào lúc này, ở châu Á-Thái Bình Dương, chính sách khu vực của Mỹ đứng trước hàng loạt thách thức và cơ hội. Trước hết, vào cuối năm 2010 Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời Trung Quốc ngày càng thể hiện các hành động quyết đoán ở khu vực Biển Đông. Thứ hai, châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành động lực của phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chính sách “Xoay trục/Tái cân bằng chiến lược” được đề ra không chỉ giới hạn ở việc bố trí lại binh lực của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trong một nỗ lực tái cân bằng chiến lược toàn cầu, chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á. Mà nó còn liên quan tới cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, trong đó có các cuộc đàm phán thỏa thuận TPP và TTIP.
“Xoay trục/Tái cân bằng” sang châu Á không có nghĩa là không còn coi trọng Trung Đông và châu Âu trên “Bàn cờ lớn” mà Z. Brzezinski đã đề cập vào năm 1994. Trên bàn cờ ấy, theo chiến lược gia này, để đảm bảo vai trò lãnh đạo lâu dài và chắc chắn của nước Mỹ trên thế giới, Mỹ phải kiểm soát được toàn bộ đại lục Âu-Á nơi có hai đối thủ tiềm năng là Nga và Trung Quốc.
Làm chuyển động quả lắc Âu-Á
Cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra mùa thu năm 2008 đã bộc lộ cuộc “khủng hoảng kép” của nước Mỹ về kinh tế và đối ngoại. Tổng thống Barack Obama phải chèo chống sự thoái trào của sức mạnh Mỹ. Ngày nay đa số người Mỹ thế hệ 20-40 tuổi không coi chiến tranh là phương tiện cần thiết và không muốn nước Mỹ dính líu vào những cuộc chiến kéo dài. Chính quyền Obama đứng trước nghịch lý trong chính sách đối ngoại. Tiềm lực quốc gia hạn chế do khủng hoảng kinh tế, ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, đa số người Mỹ muốn chính quyền tập trung củng cố sức mạnh trong nước theo trào lưu “xây dựng quốc gia”. Thế nhưng, các cuộc khủng hoảng cục bộ cứ lôi kéo Mỹ phải can dự hết nơi này tới nơi khác. Mặc dù Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố Mỹ không còn đóng vai trò “cảnh sát quốc tế”, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ rút hoàn toàn khỏi các cam kết liên minh hình thành từ trật tự Chiến tranh lạnh. Mỹ chỉ đang sắp xếp lại các ưu tiên chiến lược toàn cầu.
Một thực tế hiển nhiên từ cuộc khủng hoảng Ukraine đó là vào lúc xuất hiện khoảng trống quyền lực - như trường hợp cuộc nổi dậy Maidan ở Ukraine dẫn tới việc lật đổ tổng thống Yanukovich - đã tạo điều kiện cho một nước lớn vẽ lại bản đồ địa lý lãnh thổ. Đó là lý do vì sao không đầy hai tháng sau khi Crimea sáp nhập vào nước Nga, người đứng đầu Lầu Năm góc Chuck Hagel đã thăm châu Á để tái khẳng định sự cam kết của Mỹ đối với chủ trương xoay trục sang châu Á. Và ngay tại Bắc Kinh, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã cam kết bảo vệ các đồng minh như Nhật Bản và Philippines trong các cuộc tranh chấp biển đảo.
Việc Washington thực hiện cuộc “xoay trục” trở lại châu Âu lần này là nhằm theo đuổi hai chương trình nghị sự kinh tế dài hạn: Mở thị trường năng lượng cho dầu khí của Mỹ tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và thúc đẩy tiến trình thương lượng Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Bên cạnh đó còn nhằm củng cố lại liên minh Đại Tây Dương, mà sự xa lánh giữa các đồng minh truyền thống không gì nổi bật bằng sự kiện Quốc hội Anh từ chối cho phép chính phủ nước này tham gia hành động quân sự tại Syria hồi tháng 8 năm ngoái.
Cuộc khủng hoảng Ukraine và sự trỗi dậy của nước Nga đã thúc đẩy NATO củng cố lại đội hình và tăng cường quân sự ở tuyến biên giới phía Đông của NATO. Nó còn củng cố tầm nhìn địa chính trị/kinh tế về vai trò EU trong ván bài thương mại toàn cầu thế kỷ 21 thông qua TTIP, nhằm, như nhà kinh tế học André Sapir, một thành viên của Bruegel - Trung tâm nghiên cứu chính sách tại Brussels -, nhận xét: “Chúng ta là những người tạo ra luật chơi và đó là tâm điểm của TTIP”. Theo nhà nghiên cứu này, Mỹ và EU cộng lại sẽ có thể đề ra 80% luật lệ thương mại toàn cầu thế kỷ 21. Dự án TTIP từng bị chỉ trích ở cả đôi bờ Đại Tây Dương, được cuộc khủng hoảng Crimea làm cho trở thành không chỉ là một ý tưởng tốt, mà còn là một dự án cần thiết[3].
Cuộc cấm vận cấp độ hai của phương Tây đối với nước Nga diễn ra lúc nền kinh tế Nga (lớn thứ 8 thế giới) đã hội nhập sâu rộng vào hệ thống kinh tế, tài chính châu Âu. Việc có thể khiến Nga sụp đổ về kinh tế thông qua trừng phạt sẽ khó khăn. Lãnh đạo EU không muốn đánh mất sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng mà họ đã gây dựng ở châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó Nga là một nhân tố không thể thiếu.
Về phần mình, nước Nga cần hòa hoãn để củng cố thành quả của việc sáp nhập Crimea, trước mắt tiếp tục gây áp lực vào thời điểm bầu cử tổng thống Ukraine đang đến gần, đã buộc Ukraine và EU tính tới lợi ích của Nga khi cân nhắc đồng thời tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về quy chế liên bang của Ukraine. Bên cạnh đó, theo nhận định của George Friedman, người đứng đầu mạng tình báo toàn cầu Stratfor, chiến lược đối phó nhiều khả năng nhất mà Nga thực hiện sẽ là tạo ra bất ổn tại khu vực Baltics, nơi có cộng đồng người nói tiếng Nga lớn đang sinh sống, và tại vùng Caucacus, Moldova; theo đuổi chiến lược ngăn chặn Đông Âu hợp nhất thành một tổ chức. Đồng thời, Nga có thể sẽ can dự vào những khu vực lợi ích nhạy cảm đối với Mỹ trong khi tiếp tục để chính phủ tại Ukraine tự hủy hoại bằng chia rẽ nội bộ.
Một lần nữa nước Mỹ hướng về châu Âu nhưng lại không thể buông lơi châu Á, vì châu lục này đã hiện hữu nhân tố Trung Quốc như vấn đề lớn và lâu dài đối với lợi ích của Mỹ trong kỷ nguyên Thái Bình Dương. Sau 10 năm Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Trung Quốc đã từng bước làm thay đổi cục diện tương quan lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương theo hướng mà Mỹ không mong muốn, buộc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược, thực hiện “Xoay trục/Tái cân bằng” nhằm tăng cường can dự vào châu Á trước khi quá muộn. Chính sách châu Á “hậu Crimea” của chính quyền Mỹ hiện nay sẽ được phối cảnh trên ba hướng chiến lược của bàn cờ lớn châu Á, châu Âu và Trung Đông-Bắc Phi. Chuyến thăm châu Á cuối tháng 4 vừa rồi của Tổng thống Barack Obama đã tái khẳng định quyết tâm của Mỹ theo đuổi một chính sách được xác định từ cuối năm 2011.
Nhưng một khi Mỹ tiến hành “xoay trục” trở lại châu Âu, thì cách gọi “xoay trục” sang châu Á, hay chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, đã không còn thích hợp. Có lẽ phải gọi nó là “tái cân bằng chiến lược” tại châu Á.
Hệ quả địa-chiến lược của cuộc “xoay trục” kép Á-Âu
Sáp nhập Crimea là cuộc phản kích thứ hai của Nga hậu Chiến tranh lạnh, có thế đặt dấu chấm hết cho thời kỳ đơn cực trong quan hệ chính trị quốc tế kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Sớm hay muộn, quan hệ Nga-Mỹ cũng sẽ phục hồi hòa hoãn. Ở châu Âu, NATO và EU cùng một số cơ chế đa phương khác sẽ được tăng cường để đối trọng và kiềm chế Nga. Còn ở châu Á, những liên minh quân sự song phương của Mỹ từ thời Chiến tranh lạnh, tuy đã được nâng cấp nhưng cũng khó mà khẳng định khả năng đối trọng và cân bằng được với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Cuộc đối đầu Mỹ-Nga có lợi cho Trung Quốc trong việc hóa giải những áp lực chiến lược mà chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ tạo ra. Mối quan hệ mới giữa Trung Quốc và Nga đang và sẽ củng cố vị thế chiến lược của Trung Quốc tại châu Á. Với việc có được Nga như một vùng chiến lược an toàn ở sau lưng, Trung Quốc cảm thấy tự tin hơn trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung tại châu Á-Thái Bình Dương.
Sự quật khởi của nước Nga phù hợp với mong muốn của Bắc Kinh thúc đẩy trật tự thế giới đa cực. Mặt khác nó mở ra thời cơ mới để Bắc Kinh tối đa hóa lợi ích quốc gia của Trung Quốc, mà vụ Trung Quốc ngày 2/5 hạ đặt Giàn khoan HD-981 sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một minh chứng về tính gây hấn mới của Trung Quốc tại Biển Đông thời kỳ “hậu Crimea”. Vì, như lịch sử can dự của Trung Quốc ở Biển Đông từ sau 1949 cho thấy, mỗi khi xuất hiện khoảng trống quyền lực nước lớn ở Đông Nam Á, Trung Quốc lại đẩy tới cuộc xâm lấn Biển Đông. Lần này, đã xuất hiện hai tình huống liên quan đến chính sách của Washington ở Đông Nam Á mà Trung Quốc đã nắm lấy: Một là, Mỹ xoay trục trở lại châu Âu, không thể quan tâm đến Đông Nam Á như đã từng làm từ năm 2010. Hai là, trong khi tại Tuyên bố chung Mỹ-Nhật ngày 25/4 kết thúc cuộc thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Obama nêu rõ: “Mỹ cung cấp tất cả các phương tiện cần thiết để thực hiện cam kết theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung Mỹ-Nhật,... bao gồm tất cả các vùng lãnh thổ do Nhật Bản quản lý, kể cả các đảo Senkaku. Mỹ chống lại bất kỳ hành động đơn phương nào phá hoại sự quản lý của Nhật Bản đối với các đảo Senkaku”; trong khi Tổng thống Mỹ đã không đưa một tuyên bố nào rõ ràng như vậy về những tranh chấp mà Trung Quốc gây ra ở Biển Đông.
Năm 2002, sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 16 xác định, 20 năm tiếp theo là Đại thời cơ để Trung Quốc phát triển. Đại hội đảng này lần thứ 18 tháng 11/2012 xác định: “Nhìn tổng quát tình hình thế giới và trong nước cho thấy sự phát triển của nước ta vẫn ở vào thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, có nhiều không gian để có thể phát triển”.
Và sau một chu kỳ 12 con giáp, Trung Quốc đứng trước cơ hội kéo dài thời cơ chiến lược như vậy.
Sự chuyển động của mối quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Nga đã bắt đầu lộ diện qua hai sự kiện: Từ phía Nga, Tổng thống Nga Putin phê chuẩn việc bán cho Trung Quốc hệ thống tên lửa phòng không S-400 mà từ lâu Trung Quốc mong muốn mua được. Theo báo Thái Dương (Hong Kong) ngày 13/4, S-400 là trang bị mới nhất của Nga; Trung Quốc có được S-400 không những có thể kiểm soát được lãnh không của mình, mà hơn thế còn kiểm soát được tình hình trên không ở Đài Loan và đảo Điếu Ngư/Senkaku. Từ phía Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề châu Á-Thái Bình Dương Daniel Russel bất ngờ tuyên bố Mỹ có thể điều chỉnh kế hoạch triển khai quân đội tại Đông Bắc Á với điều kiện Trung Quốc có các bước đi mạnh mẽ để Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Còn sớm để nói về sự hình thành một trật tự thế giới mới hay một cuộc chiến tranh lạnh mở rộng ra ngoài cuộc đối đầu Mỹ-Nga như hiện nay. Nhưng mô hình tam giác Mỹ-Trung-Nga nếu hiện thực hóa có thể ảnh hưởng tới nền chính trị toàn cầu trong thế kỷ XXI ở một mức độ đáng kể.
Một cuộc chiến tranh lạnh mới dù ở quy mô hạn chế vẫn có thể đẩy Moskva tăng cường các quan hệ mật thiết hơn nữa với Bắc Kinh trong các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. Thế nhưng bất kỳ hành động nào dẫn tới phá vỡ thế cân bằng chiến lược “ngũ cường” ở châu Á-Thái Bình Dương đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định tại khu vực này của thế giới.
Những tác động đối với tình hình châu Á vào thời điểm tổng thống Mỹ tiến hành chuyến thăm 4 nước ở khu vực lần này thể hiện trên hai phương diện chủ yếu - xử lý mối quan hệ với Trung Quốc và với các đồng minh, đối tác của Mỹ.
Thứ nhất, Mỹ làm thế nào để Trung Quốc không quá nghiêng về phía Nga trong quá trình tái cân bằng chiến lược tại châu Á có thể là một thách thức mới đối với giới hoạch định chính sách ở Washington. Tam giác Mỹ, Trung Quốc và Nga vừa manh nha sẽ là một trong những tổ hợp quan hệ phức tạp nhất, với các hệ lụy khó lường trong không gian “hậu Crimea”. Đồng thời nó là những cặp quan hệ phi đối xứng, nhiều biến số.
Các phương tiện truyền thông Nga từng dự báo trong thời gian tới các kỹ thuật công nghiệp quân sự của Nga sẽ được chuyển cho Trung Quốc và nguồn vốn của Trung Quốc sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn tại Nga. Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Nga hoàn toàn có thể bù đắp những tổn thất mà các biện pháp chế tài của Mỹ và EU có thể gây ra.
Cuối cùng là một câu hỏi nổi bật: “Mối quan hệ nước lớn kiểu mới” mà Chủ tập Tập Cận Bình đề xuất với Tổng thống Barack Obama hồi tháng 6 năm ngoái mà phía Mỹ cũng đã phần nào hưởng ứng sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong không gian “hậu Crimea”? Nó sẽ giao thoa ra sao với liên minh Đông Á của Mỹ?
Thứ hai, để giành ưu thế trên hai trận tuyến châu Á và châu Âu, quan hệ liên minh của Mỹ với các đồng minh truyền thống sẽ được đẩy lên hàng đầu. Ở một phương diện khác, phản ứng tức thời của châu Á đối với cuộc khủng hoảng mới ở châu Âu là tìm kiếm xung lực mới cho đối trọng và cân bằng trong khi xác định những phương sách an ninh song phương và đa phương khu vực - một loại cấu trúc an ninh có thể ngăn chặn một "kịch bản Ukraine" ở châu Á.
Trong tình hình đó, liệu hiện diện của Mỹ trong cấu trúc liên minh ở Đông Á có còn nguyên vẹn giá trị? Mỹ sẽ hưởng ứng ra sao trước các kịch bản an ninh song phương và đa phương ở châu Á? Mỹ sẽ thích nghi như thế nào trước các phương thức ngoại giao quyến rũ mà Trung Quốc đang thực hiện với các đồng minh truyền thống của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản, hoặc khi Nhật Bản xây dựng một liên minh cân bằng trong phối cảnh mới của lục địa Á-Âu và đẩy mạnh hiện đại hóa quốc phòng tới giới hạn tối đa dưới mức sở hữu vũ khí hạt nhân?
Điều mà một số nước châu Á có thể rút ra từ những gì diễn ra trong “thời kỳ hậu Crimea”, đó là sự bảo đảm an ninh của Mỹ vẫn cần thiết. Phản ứng của một số nước là siết chặt mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Mỹ vẫn được xem như một lực lượng đối trọng và cân bằng không thể thiếu trong cấu trúc quyền lực khu vực. Để chắc chắn rằng sự bảo đảm đó có hiệu lực, các quốc gia châu Á đồng minh của Mỹ muốn củng cố mạnh mẽ cam kết của Washington, lôi kéo Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực. Đây chính là điều mà Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines đang làm.
Vừa qua, Mỹ đã điều chỉnh một số đối sách. Thay vì ủng hộ sự phụ thuộc nhiều hơn vào Washington, chính quyền Obama khuyến khích các đồng minh khu vực phát triển các mối quan hệ quốc phòng trực tiếp với nhau. Tại La Hay, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn, đề cao việc phối hợp chính sách giữa hai nước đồng minh quan trọng này tại Đông Bắc Á.
Mỹ và Nhật Bản đã quyết định sẽ thành lập cơ quan phòng vệ chung mang tính thường trực. Dự tính phương án này sẽ được đưa vào “Nguyên tắc chỉ đạo hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ” được sửa đổi vào trước cuối năm nay để đối phó với các kịch bản Trung Quốc có thể tiến hành tại Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, đầu tháng 7/2006, Nhật Bản đã từ chối đề nghị của Mỹ về việc thành lập cơ quan phòng vệ liên hợp thường trực. Mỹ cũng hi vọng thông qua việc thành lập cơ quan hiệp thương thường trực để phối hợp với Nhật Bản đối phó với tình hình căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đăng cai Diễn đàn quốc phòng Mỹ-ASEAN, từ ngày 1-3/4/2014 tại Honolulu, là một bước hiện thực hóa sự tái cân bằng tại khu vực.
Và bản hiệp định ký kết vào dịp Tổng thống Mỹ thực hiện trong chuyến thăm Manila cho phép Washington tăng cường sử dụng các căn cứ quân sự tại Philippines là một điểm nổi bật trong chuyến công du 4 nước châu Á của Tổng thống Barack Obama. Với thỏa thuận ấy, sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông được tăng cường, gia cố cuộc tái cân bằng chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng tác động của nó đến cán cân quyền lực và sự ổn định tại vùng biển quan trọng vẫn cần được kiểm chứng./.
TS. Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế. Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản số tháng 5/2014.
[1] NSS 2010, p.2
[2] Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ, ngày 24/1/2013: http://www.nytimes.com/2013/01/25/us/politics/kerry-links-economic-and-foreign-policy-at-hearing.html?_r=0
[3] Wall Street Journal, 4/4/2014
- Giữa một thế giới vạn biến
- Về hội nhập quốc tế và tham gia tiến trình toàn cầu hóa của Việt Nam
- NHỮNG TÍN HIỆU TỪ ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII ĐẢNG LAO ĐỘNG TRIỀU TIÊN
- Bác Hồ tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam
- Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc: cuộc chiến thoát nghèo là một kỳ tích
- Năm 2021- Dấu ấn 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc và "nghị quyết lịch sử thứ ba"