Bình luận Thời sự
Giải mã "ngoại giao chiến lang": Từ lần "buột miệng" của ông Dương Khiết Trì ở Hà Nội đến "khẩu chiến" ở Alaska
Tháng 3/2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng tweet cáo buộc quân đội Mỹ mang mầm bệnh Covid-19 đến Vũ Hán. Sau đó, khi Australia tham gia cùng Mỹ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch, Đại sứ Trung Quốc tại Canberra đã lớn tiếng đe doạ trừng phạt nước này.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới đã chứng kiến sự trỗi dậy của một phong cách ngoại giao khác thường của đại diện Trung Quốc ở nhiều nước: họ sẵn sàng bỏ qua mọi phép tắc truyền thống, dùng các ngôn từ khó nghe, thậm chí thô lỗ và cả thuyết âm mưu cũng như các cáo buộc vô căn cứ để bảo vệ quan điểm của mình hoặc tấn công đối phương. Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về hiện tượng được gọi là "ngoại giao chiến lang" này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vinh Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc- Đông Bắc Á, Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế.
PV: Vừa qua, cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Biden ở Alaska, vốn được kỳ vọng là đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại quỹ đạo sau giai đoạn gập ghềnh dưới thời cựu Tổng thống đã trở thành một cuộc đấu khẩu khi cả hai bên lời qua tiếng lại, sử dụng cả những từ ngữ rất gay gắt. Ngay cả thời kỳ thương chiến nóng nhất, điều này cũng hiếm khi xảy ra.Vậy theo ông, điều này với giới quan sát có bất ngờ không? Và nguyên nhân vì sao dẫn tới cuộc khẩu chiến này?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Tôi thấy điều này không mấy bất ngờ đối với giới quan sát.
Nếu so sánh các cuộc tiếp xúc trước đây, thì lần này có bối cảnh khác.
Thứ nhất, sau một thời gian sóng gió mà chủ yếu là Trung Quốc bị động chống đỡ, đến nay chính quyền mới ở Mỹ chưa có chiến lược đối ngoại rõ ràng, đang trong quá trình hình thành. Bởi vậy, Trung Quốc thấy đây là lúc thích hợp để chuyển cho Mỹ những thông điệp về lập trường và thái độ của họ trước khi chính sách Trung Quốc kịp định hình.
Thứ hai, Trung Quốc hy vọng chính quyền Biden có thể thay đổi một số chính sách cơ bản của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc.
Thứ ba, có lẽ quan trọng hơn cả, là Trung Quốc đang cảm thấy rất tự tin sau khi đã chống đỡ khá hiệu quả với áp lực chính quyền tiền nhiệm của Mỹ và đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, duy trì nền kinh tế phát triển dương trong khi các cường quốc khác không thể làm được.
Nói cách khác, Trung Quốc cảm thấy Mỹ đang ở thế yếu hơn họ bởi khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng dịch bệnh, khủng hoảng cả về chính trị nội bộ. Trong khi đó, người Trung Quốc vốn luôn cảm thấy Mỹ tấn công họ về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, có ý định tiếp tục trừng phạt họ về thương mại, khoa học công nghệ v.v... Vì vậy, họ cho rằng, đã đến lúc họ phải nói thẳng với Mỹ rằng Mỹ không có quyền và không có tư cách dạy cho Trung Quốc phải thế này thế nọ. Rõ ràng hơn, gần đây nhất, trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố: "Trung Quốc không chấp nhận nước nào trên thế giới đặt mình cao hơn nước khác" và "không chấp nhân công việc trên thế giới chỉ có một nước nào đó nói là xong".
Một lý do khác nữa là cả hai phía đều có nhu cầu nội bộ của họ.
Nói tóm lại, Trung Quốc cảm thấy bây giờ không phải là lúc Trung Quốc bị động đối phó, hoặc điều chỉnh theo yêu cầu của Mỹ và phương Tây nữa, mà Mỹ nên có chính sách phù hợp.
PV: Tờ Nikkei cho rằng, đây là cách Trung Quốc tuyên bố sự trở lại sau 120 năm. Ông đánh giá thế nào về bình luận này?
Ông Nguyễn Vinh Quang: So sánh cuộc đối thoại Alaska với sự kiện 120 năm trước là một sự so sánh rất thú vị. Không riêng tờ Nikkei mà các trang mạng của Trung Quốc, kể cả tài khoản Weibo của Nhân dân nhật báo cũng đã ghép và đăng hai tấm ảnh lịch sử để so sánh: Cuộc đàm phán năm Tân Sửu (1901) giữa đại diện ngoại giao 11 nước phương Tây, trong đó có Mỹ, với Triều đình nhà Thanh và cuộc đối thoại 120 năm sau tại Alaska, cũng là năm Tân Sửu (2021) giữa Trung Quốc mới với Mỹ.
Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - chia sẻ bức ảnh "Hai năm Tân Sửu": Lễ ký Hiệp ước Tân Sửu năm 1901 và Đối thoại Mỹ-Trung Quốc năm 2021 tại Alaska
Sau khi phong trào Nghĩa Hòa Đoàn thất bại, năm 1901, liên quân 8 nước tràn vào Bắc Kinh tàn phá, gây áp lực với nhà Thanh. Sau đó họ buộc nhà Thanh phải ký văn kiện gọi là "Hiệp ước Tân Sửu" mà theo đó phía Trung Quốc phải bồi thường vật chất và nhiều điều khoản khác theo ý muốn của Phương Tây. Đó là một Hiệp ước bất bình đẳng vì nhà Thanh ở thế yếu, phải làm theo tất cả những gì phương Tây yêu cầu. Trung Quốc coi đó là nỗi nhục trong lịch sử dân tộc Trung Hoa.
120 năm sau, khi Trung Quốc đã trỗi dậy, trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và đang mạnh lên không ngừng, Mỹ không thể đối xử với Trung Quốc như 120 năm trước. Cuộc đối thoại Alaska đã khẳng định điều đó. Đó là lý do các nhà ngoại giao Trung Quốc tỏ ra cứng rắn một cách bất thường. Báo chí Trung Quốc đã đăng tải toàn bộ nội dung cuộc đối thoại và ca ngợi cái mà họ coi là "hình ảnh hiên ngang" của các nhà ngoại giao hàng đầu của họ.
Điều này còn có ý nghĩa sâu xa hơn khi phân tích nội hàm của "Giấc mơ Trung Quốc, phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa". Đó chính là từ việc rửa hận cho dân tộc suốt 100 năm chịu nhục mà điển hình nhất là sự kiện "Hiệp ước Tân Sửu" này. Ông Tập Cận Bình đã khẳng định Trung Quốc giờ đây đã "đến gần mục tiêu phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa hơn bất kỳ thời kỳ lịch sử nào". Nghĩa là Trung Quốc cho rằng, Mỹ và phương Tây không thể bắt nạt họ như 120 năm trước nữa.
PV: Gần đây nhiều người nhắc đến ngoại giao chiến lang của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao sử dụng những lời lẽ gay gắt, thậm chí là khó nghe, như trường hợp Đại sứ Trung Quốc tại Brazil gọi Thủ tướng Canada là "boy" (cậu nhóc), gọi Canada là "running dog" (chó theo đuôi) Mỹ. Những động thái trên và ứng xử trong cuộc gặp với Mỹ ở Alaska có nằm chung trong cái gọi là "ngoại giao chiến lang" không, thưa ông?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Hiện tượng mà người ta gọi là "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc mới xuất hiện khoảng hơn 1 năm nay, trong bối cảnh khá đặc biệt. Trong đại dịch Covid-19, Trung Quốc bị công kích tứ phía bởi những sai lầm ban đầu của họ, trong đó cũng có những chỉ trích chụp mũ, chưa đủ căn cứ. Khi cảm thấy không đủ kiên nhẫn để giải thích, nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đã dùng những lời lẽ cứng rắn, thô lỗ để phản kích. Một lý do khác là vấn đề đối nội. Người dân Trung Quốc sẽ phê phán các nhà ngoại giao của họ quá "hiền lành" nếu chỉ đối phó bằng những lời giải thích rất "ngoại giao".
Về sự kiện Alaska, tôi thấy ngôn từ sử dụng chưa đến mức thô lỗ, nhưng thái độ cứng rắn và quyết đoán thì rất rõ ràng. Nhiều nhà phân tích coi đó chính là ngoại giao chiến lang. Về việc này còn nhiều ý kiến khác nhau. Riêng tôi thấy, nhìn vào không khí của cuộc đối thoại thì gọi đây là "ngoại giao chiến lang" cũng không sai.
PV: Trước đây, Trung Quốc được biết đến với sách lược "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình. Theo ông, đâu là dấu mốc đánh dấu sự thay đổi trong ngoại giao của Trung Quốc? Sự kiện tại cuộc họp với ASEAN tại Hà Nội năm 2010, khi đáp lại lời của bà Hillary về Biển Đông, ông Dương Khiết Trì nói "Trung Quốc là nước lớn, lớn nhất trong tất cả các nước ở đây cộng lại" có được coi là đánh dấu cho đường lối này không?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Vào cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tình hình các nước XHCN rất khó khăn. Lúc đó, Trung Quốc cũng chưa mạnh, vừa khởi sắc kể từ khi cải cách mở cửa. Trong bối cảnh đó, ông Đặng Tiểu Bình dặn dò là phải "thao quang dưỡng hối" (韬光养晦) nghĩa là giấu mình, không khoe khoang, không để lộ sức mạnh ra bên ngoài. Ông Đặng còn nói thêm là "lặng lẽ quan sát, đứng chân vững vàng, bình tĩnh đối phó, quyết không đi đầu"...
Sau đó, tư tưởng này đã trở thành phương châm chỉ đạo đường lối ngoại giao của Trung Quốc một thời gian dài trong cải cách mở cửa. Như vậy, xét hoàn cảnh ra đời của phương châm "giấu mình" so với tình hình Trung Quốc hiện nay khác nhau rất xa. Trung Quốc đã giàu và mạnh dần lên. Họ tự thấy cần phải đóng vai trò quan trọng, phải có tiếng nói trên trường quốc tế, thậm chí phải chủ động thúc đẩy thay đổi trật tự thế giới có lợi cho mình hơn. Người ta cho rằng Trung Quốc đã nhận thấy phương châm "giấu mình" không còn thích hợp nữa. Tuy tôi chưa thấy một lãnh đạo Trung Quốc nào tuyên bố điều này, nhưng đó là logic và là hiện tượng mà các nhà quan sát nhận thấy được.
Từ chỗ "giấu mình" đến không "giấu mình" không có một mốc cụ thể nào, vì họ chưa tuyên bố từ bỏ, nhưng đó là một quá trình. Sau mấy chục năm cải cách mở cửa họ cảm thấy đã mạnh lên và muốn cho thế giới thấy sức mạnh của mình.
Năm 2010, tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ông Dương Khiết Trì đã buột miệng thổ lộ điều này. Như vậy có thể thấy tư duy này đã được hình thành trong giới ngoại giao Trung Quốc trước đó mà cho đến nay ông Dương Khiết Trì vẫn là người đứng đầu ngành.
PV: Ngoại giao chiến lang đang bị các nước lên án. Vậy tại sao Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp này? Và theo ông, họ có tiếp tục như vậy về lâu dài không?
Ông Nguyễn Vinh Quang: Có vẻ như "ngoại giao chiến lang" là một biện pháp tình thế, như đã phân tích ở trên. Đây không phải là ngoại giao truyền thống của Trung Quốc nhất là trong lúc Trung Quốc đang triển khai chiến lược phát triển đồ sộ, rất cần xây dựng sức mạnh mềm mà trong đó ngoại giao đóng vai trò nòng cốt.
Riêng cá nhân tôi thấy nếu kiểu ngoại giao này kéo dài có thể lợi bất cập hại. Nó góp phần tạo nên hình ảnh một Trung Quốc hung dữ, ít gây được thiện cảm, càng làm củng cố thuyết "mối đe dọa của Trung Quốc". Điều này không có lợi cho hình ảnh Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình" như họ vẫn tuyên bố. Tôi cảm thấy "ngoại giao chiến lang" như một hiện tượng cáu gắt nhất thời của một con người vậy, nếu thành bản tính thì chắc chắn họ sẽ đánh mất cảm tình của cộng đồng quốc tế.
Những gì diễn ra vừa rồi, cả phát biểu của Mỹ và Trung Quốc cho chúng ta thấy là ở thời điểm này quan hệ giữa hai bên rất căng thẳng.
Chiến lược lâu dài của Mỹ là đưa nước Mỹ trở lại vị trí cũ sau khi nước này có phần suy yếu về mặt vị thế trong những năm vừa qua. Muốn như vậy, nước Mỹ phải khẳng định vai trò của mình, sức mạnh của mình.
Chính quyền Biden coi Trung Quốc là vật cản, là thách thức lớn nhất của Mỹ trong thế kỷ này. Kể cả với những lãnh đạo khác sau ông Biden, tôi nghĩ cũng khó thay đổi quan điểm này. Trong khi đó, Trung Quốc lại khẳng định Trung Quốc đã và vẫn đang tiếp tục giàu mạnh thêm và chiến lược của Trung Quốc từ nay đến giữa thế kỷ sẽ không đổi.
Hai chiến lược này đều lâu dài và xung đột với nhau. Nên trong tương lai gần, không hy vọng quan hệ hai nước có thể trở lại thời kỳ Tổng thống Obama hoặc trước đó.
- Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang -
Bài viết đăng trên Trang TTĐT Soha. Trước khi đăng lại, CSSD đã nhận được sự đồng ý của ông Nguyễn Vinh Quang, Cố vấn cao cấp CSSD.