Bình luận Thời sự
Thấy gì từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?
Nguyễn Vinh Quang
Cố vấn cao cấp CSSD
Năm 2018 đã đi qua với những biến động khôn lường. Một trong những sự kiện nổi bật nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Bước sang năm 2019 cuộc chiến chưa có dấu hiệu kết thúc.
Thực hiện khẩu hiệu trong tranh cử “Nước Mỹ trên hết”, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” với những cam kết đưa sản xuất và việc làm quay trở lại Mỹ, giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại nghiêm trọng giữa Mỹ với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào đầu năm 2018. Tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc kéo dài nhiều năm nay và ngày càng tăng một cách nhanh chóng. Đến năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc 130 tỷ USD, nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 506 tỷ USD, thâm hụt thương mại tới 376 tỷ USD (xem biểu đồ).
Ngay từ tháng 11-2017, chưa đầy một năm lên cầm quyền, khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit) tại Đà Nẵng, Tổng thống Donald Trump đã gián tiếp chỉ trích Trung Quốc theo đuổi chính sách thương mại “không bình đẳng và không công bằng” dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại quá lớn cho nước Mỹ. Ông cho rằng “cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc hiện nay là không thể chấp nhận được” và ông tuyên bố sẽ ra tay. Ông quyết không đi theo lối mòn mà các bậc tiền nhiệm của ông đã đi. “Tôi hy vọng chính quyền tiền nhiệm ở nước tôi đã có thể nhìn thấy điều gì đang diễn ra và đã cố gắng làm gì đó để sửa sai. Họ không buồn làm gì, nhưng tôi thì sẽ làm”, ông nói. Cuộc chiến “khai đao” bằng việc áp dụng mức thuế mới đối 1.000 mặt hàng nhập từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Lý do mà Mỹ đưa ra là để ngăn chặn hành vi “thương mại không công bằng” và hành vi “trộm cắp tài sản trí tuệ” sau khi Mỹ đã tiến hành các cuộc điều tra có liên quan. Tiếp đó, Trung Quốc có đòn phản pháo bằng hình thức tương tự đối với hành hóa nhập khẩu từ Mỹ. Bắt đầu từ đó, hai bên lần lượt có các động thái và tuyên bố đáp trả lẫn nhau. Quan hệ thương mại ngày càng căng thẳng, và tất nhiên kéo theo sự căng thẳng trong quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Đây là cuộc chiến mà ai cũng thấy cả hai bên đều tổn thất lớn, thậm chí còn gây tổn thất đối với nhiều quốc gia liên quan và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới. Nhưng xét về tổng thể, đa số chuyên gia trong giới phân tích đều cho rằng Mỹ ở “thế thượng phong”, Mỹ có thể áp thuế hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chỉ có thể đánh vào 130 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Mỹ chủ động tấn công và Trung Quốc bị động đối phó. Tuy nhiên ngoài đòn thuế quan, Trung Quốc có thể sử dụng các đòn đáp trả khác, nhưng xem ra căng thẳng leo thang, thiệt hại cho cả đôi bên sẽ rất khó lường. Đến nay, tổng cộng Mỹ đã áp thuế bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc cũng đã tuyên bố tăng thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Buenos Aires, Argentina ngày 01-12-2018, hai bên đạt được một số thỏa thuận nhất định, cuộc chiến tạm thời dịu xuống và hai bên trở lại bàn đàm phán với thời gian 90 ngày. Nếu sau 90 ngày, đàm phán không có kết quả, cuộc chiến lại tiếp tục và có khả năng căng thẳng hơn. Mức thuế 10% mà Mỹ vừa áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có khả năng sẽ tăng lên 25%. Ngoài ra, Tổng thống Trump còn dọa tiếp tục áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc nếu Bắc Kinh trả đũa.
Nếu lùi ra xa một chút, chúng ta dễ thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể chỉ là một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc. Nhiều năm nay, Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, Mỹ có xu hướng suy yếu dần. Các chính quyền của Mỹ có lẽ đều nhận thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc đang thách thức vai trò siêu cường của Mỹ. Thế nhưng theo Tổng thống Donald Trump, họ đã không dám và không thể làm gì. Nay ông tuyên bố: “Nhân dân Mỹ đã bầu tôi để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nghĩa là không cho phép bất cứ quốc gia nào soán ngôi siêu cường của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc tỏ ra ngày càng tự tin, từ bỏ sách lược “dấu mình chờ thời”, công khai tuyên bố với thế giới rằng “Trung Quốc đã bước vào thời đại mới”, thời đại Trung Quốc đang mạnh lên, quyết tâm thực hiện thành công “Giấc mơ Trung Quốc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”, “là thời đại Trung Quốc ngày càng đến gần trung tâm vũ đài thế giới”[1]. Tinh thần đó được phản ánh nổi bật tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10-2017. Đối với Mỹ, những tuyên bố này là những lời thách thức ngạo mạn đe dọa địa vị quốc tế hiện nay của Mỹ. Như vậy, trong con mắt của chính quyền Trump, Trung Quốc vừa là đối thủ cạnh tranh vừa là đối thủ chiến lược chứ không phải là đối tác chiến lược. Quan điểm này được thể hiện rõ trong “Chiến lược an ninh quốc gia” của Mỹ công bố cuối năm 2017. Điều đó đồng nghĩa với việc cạnh tranh hai cường quốc này là phức tạp và lâu dài, nó không thể kết thúc bằng một cuộc chiến thương mại, mà sẽ lan tỏa từ lĩnh vực kinh tế thương mại sang nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, an ninh, quân sự v.v...
Tại sao Tổng thống Trump lại chọn mặt trận thương mại phát động cuộc chiến đầu tiên? Nhiều chuyên gia trong giới phân tích kinh tế cho rằng, chính quyền Trump đã tính toán khá kỹ. Thứ nhất, đánh vào thương mại dễ gây thiệt hại nhất cho Trung Quốc do cán cân thương mại quá nghiêng về phía Trung Quốc, Mỹ ở thế chủ động; thứ hai, những hàng hóa đến từ Trung Quốc có thể được thay thế bằng hàng hóa từ các thị trường khác một cách dễ dàng; thứ ba, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa vào thương mại; thứ tư, quan hệ thương mại Mỹ-Trung đóng vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ cao của Trung Quốc “Made in China - 2025”. Hiện nay cuộc chiến đang ở giai đoạn dịu xuống nhưng không có nghĩa là sẽ kết thúc dễ dàng. Đàm phán song phương chỉ có kết quả khi cả hai bên đều phải nhượng bộ. Trung Quốc ở thế bị động đối phó, nhưng nếu nhượng bộ, chấp nhận các yêu sách của phía Mỹ trong điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc dễ bị kéo lùi dẫn đến suy thoái. Kinh tế suy thoái tất yếu sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề như chính trị, xã hội, khoa học công nghệ, việc thực hiện chiến lược “Vành đai và con đường”, chiến lược “Made in China - 2025” v.v... cũng không thể không bị ảnh hưởng.
Lịch sử thế giới nhiều thế kỷ qua cho thấy, một quốc gia đang lên cạnh tranh ngôi thứ với một siêu cường số một đang tại vị, thường phải giải quyết bằng cuộc chiến tranh nóng một mất một còn. Nhưng trong điều kiện lợi ích liên kết giữa các quốc gia của thế giới ngày nay, điều đó gần như không thể. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất sáng kiến “quan hệ nước lớn kiểu mới” hay “cộng đồng chung vận mệnh”, nghĩa là thay thế kiểu cạnh tranh đối đầu truyền thống giữa các nước lớn bằng “hợp tác cùng thắng, cùng có lợi”. Tuy nhiên đến nay hầu như các chính quyền Mỹ, kể cả Obama cũng như Trump, vẫn tỏ ra thiếu mặn mà đối với những sáng kiến này của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại nói riêng và cuộc đối đầu chiến lược nói chung giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc sẽ đi đến đâu, thật khó dự báo bởi sự đan xen lợi ích giữa hai nước rất phức tạp, cộng với tính cách khó tiên lượng của vị Tổng thống đầy quyền lực Donald Trump, người đang giữ “thế công” trong cuộc chiến này. Các nhà phân tích trên thế giới đưa ra nhiều dự báo khác nhau. Đa số cho rằng đây là trận chiến khởi đầu cho một quá trình lập lại trật tự thế giới, thậm chí có người đã tính đến khả năng xẩy ra một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới, “cuộc chiến tranh lạnh 2.0”.
Bài viết đăng trên Tạp chí Đối ngoại (Ban Đối ngoại Trung ương), số 111+112, tháng 1+2/2019.
[1] Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Tập Cận Bình trình bày tại Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc.
- Không mời thống tướng Myanmar họp: quyết định khó khăn và phi tiền lệ của ASEAN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Người quan sát QPVN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Toàn cảnh thế giới VTV1
- Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang tham gia chuyên mục Người quan sát QPVN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Câu chuyện thời sự VOV1
- Chiến lược Ngoại giao vaccine: Những yếu tố quan trọng góp nên thành công