Bình luận Thời sự
SÁNG KIẾN “VÀNH ĐAI VÀ CON ĐƯỜNG”: 6 NĂM NHÌN LẠI
Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD)
Cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường” lần thứ II tại Thủ đô Bắc Kinh với sự có mặt của 5.000 đại biểu đến từ 150 quốc gia và 90 tổ chức quốc tế, trong đó có 37 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ. Ngoài diễn đàn chính của các nhà lãnh đạo cấp cao các quốc gia và các tổ chức quốc tế, còn có 12 diễn đàn nhánh của các giới khác nhau với các chủ đề khác nhau liên quan đến “Vành đai và con đường”. Sáng kiến “Vành đai và con đường” (gọi tắt là BRI) do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng từ năm 2013. Đây là dịp để Trung Quốc cùng các nhà lãnh đạo các quốc gia tham gia BRI nhìn lại chặng đường 6 năm kể từ khi Sáng kiến này ra đời.
Quá trình triển khai nhằm hiện thực hóa sáng kiến quan trọng này là một quá trình gian nan, đầy trở ngại, nhưng Trung Quốc đã thu được những thắng lợi ngoài dự báo của giới phân tích.
Theo thông tin của phía Trung Quốc, cho tới nay có tổng cộng 126 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế đã ký kết hơn 170 thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI. Gần đây nhất, Italia nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng euro và là quốc gia G7 đầu tiên đã tham gia BRI bất chấp sức ép của Mỹ và những ý kiến gây tranh cãi trong nội bộ EU. Nếu như “con đường tơ lụa” cổ đại đã kết nối nền văn minh Trung Hoa với nền văn minh La Mã cổ đại, thì hôm nay “Vành đai và con đường” mang tên “Con đường tơ lụa” đã thông được đến La Mã hiện đại. Đây là một bước đột phá mới, có ý nghĩa rất quan trọng mà Trung Quốc tạo ra được trong tiến trình triển khai BRI.
Từ quy mô, sự tham gia và nội dung phát biểu của khách quốc tế tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI lần này so sánh với Diễn đàn tương tự 2 năm trước, cũng có thể thấy những thành công đáng kể của Trung Quốc. Nếu như Diễn đàn năm 2017 có 1.500 đại biểu đến từ 65 quốc gia và 80 tổ chức quốc tế, trong đó có 29 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ tham dự, thì lần này có 5.000 đại biểu đến từ 150 quốc gia và 90 tổ chức quốc tế, trong đó có 37 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ.
Thành công trong giai đoạn triển khai sáng kiến mấy năm qua của Trung Quốc trước hết là nhờ Trung Quốc đã nhắm trúng xu thế phát triển của toàn cầu hóa, thúc đẩy sự kết nối toàn cầu, dễ được các quốc gia chấp nhận và tham gia. Thứ hai là tuyệt đại đa số các quốc gia mà BRI đi qua là các quốc gia đang phát triển, thiếu vốn, thiếu cơ sở hạ tầng. Trong khi vốn và công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng là thế mạnh của Trung Quốc. Thêm vào đó, các khoản cho vay và viện trợ của Trung Quốc không kèm theo các điều kiện, dễ thu hút sự quan tâm của các nước nghèo, đang phát triển.
Tuy nhiên những thành công của 6 năm qua có được thật không đơn giản. Khi Trung Quốc đề xướng BRI là lúc các cường quốc điều chỉnh chiến lược để đối phó với sự trỗi dậy quá nhanh chóng của Trung Quốc. Người ta coi đây là một chiến lược mở cửa giai đoạn mới của Trung Quốc nằm trong ý đồ vươn lên thành siêu cường bá chủ thế giới. Năm 2017, Mỹ không còn coi Trung Quốc là “đối tác chiến lược” nữa mà thẳng thừng tuyên bố Trung Quốc là “đối tượng cạnh tranh”, thậm chí là “đối thủ” có ý định tranh giành vai trò lãnh đạo của nước Mỹ. Các nhà lãnh đạo Mỹ công khai chỉ trích “sáng kiến” này trước các diễn đàn quốc tế. Mỹ cảnh báo các quốc gia tham gia BRI không nên sa vào vòng ngoại giao bẫy nợ dẫn đến lệ thuộc vào Trung Quốc, rằng đó là “vành đai” trói chặt và “con đường” một chiều (ý nói chỉ là con đường xuất khẩu hàng hóa cho Trung Quốc). Trong một sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao APEC tháng 11 năm 2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu một cách mỉa mai, cay độc, ám chỉ BRI: “Chúng tôi không nhấn chìm các đối tác của mình trong biển nợ. Chúng tôi không ép buộc hoặc đe dọa đến sự độc lập của bạn. Chúng tôi không đưa ra vành đai thắt chặt hay con đường một chiều”.
Không chỉ cảnh báo các nước tham gia hoặc có ý định tham gia, Mỹ còn gây sức ép với các đồng minh của mình tẩy chay BRI. Một số cường quốc cũng lên tiếng tán đồng quan điểm của Mỹ. Ấn Độ đang có chính sách hướng Đông, một số lợi ích bị xung đột với chiến lược của Trung Quốc. Hành lang kinhn tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) trong khuôn khổ BRI mà Trung Quốc quyết định đầu tư khoảng 60 tỷ USD, đi qua vùng Cashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan, bị Ấn Độ công khai phản đối. Giải thích về việc Ấn Độ từ chối lời mời tham dự diễn đàn cấp cao BRI, Đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh nói: “Không quốc gia nào có thể tham gia vào một sáng kiến đã bỏ qua các mối quan tâm cốt lõi về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ”. Không những thế, việc Trung Quốc quản lý cảng Gwadar của Pakistan, bị Ấn Độ coi là một thách thức an ninh đối với họ.
Mỹ và các quốc gia phát triển khác ra sức tuyên truyền về mặt trái của BRI. Những câu hỏi mới về tính minh bạch và tính bền vững của sáng kiến lần lượt xuất hiện khi các dự án BRI đã hoàn thiện. Người ta cho rằng các dự án thiếu tính minh bạch, thiếu tính bền vững kinh tế và kém chất lượng. Các nhà phân tích cho rằng, sự thiếu minh bạch có thể tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Thêm vào đó là mối quan ngại khá phổ biến về việc đằng sau BRI có thể là những động cơ thúc đẩy mang tính chiến lược, có khả năng làm thay đổi bối cảnh địa chính trị và các tiêu chuẩn quản trị toàn cầu của cộng đồng quốc tế.
Những lời tuyên truyền và cảnh báo của các nước lớn không thể nói là không tác động tiêu cực đến độ tin cậy của các nước đang phát triển có ý định tham gia BRI. Các quốc gia ngày càng quan ngại rằng sức mạnh mềm của Trung Quốc được thúc đẩy thông qua BRI có thể sớm trở thành sức mạnh cứng. Đặc biệt là khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn và quyết đoán trong chính sách đối ngoại, rõ nhất là trên biển Đông, khác rất xa với chủ trương “dấu mình chờ thời” trước đây, thì sự quan ngại này càng tăng lên. Đối với các nước nhỏ yếu, băn khoăn này là dễ hiểu.
Hơn nữa, trên thực tế mấy năm qua đã có những quốc gia gặp phải sự phản đối ngay từ trong nội bộ. Đó là những vấn đề về tham nhũng, về nguy cơ vỡ nợ, về chủ quyền v.v... có liên quan đến BRI. Điển hình là các hiện tượng như Sri Lanka phải trao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Trung Quốc 99 năm vì không đủ tiền trả nợ. Ở Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad lên cầm quyền, lập tức hủy bỏ ngay các dự án BRI với tổng trị giá 23 tỷ USD, chấp nhận đền bù, vì lý do “vượt quá khả năng tài chính của Chính phủ”. Điều này làm cho lập luận về nguy cơ “bẫy nợ” càng có chỗ đứng. Cựu Thủ tướng Najib Razak bị buộc tội tham nhũng cũng liên quan đến các dự án BRI. Ở Kyrgyzstan bắt giữ 2 cựu Thủ tướng với tội danh nhận tiền “lại quả” từ các công ty xây dựng của Trung Quốc. Ở Pakistan, thái độ phản đối ngày càng tăng đối với các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) sau một cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này. Một vài điểm Trung Quốc thi công dự án bị khủng bố. Vân vân và vân vân... Tất cả những hiện tượng đó đã phần nào làm giảm đáng kể độ tin cậy của quốc tế đối với BRI, tạo thành những hàng rào gai góc buộc Trung Quốc phải tìm cách khắc phục.
Nhìn lại 6 năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn và đạt được nhiều thành công không thể phủ nhận. Ngoài việc tuyên truyền, giải thích, phản bác những cáo buộc của Mỹ và phương Tây, giải tỏa những băn khoăn của các quốc gia, Trung Quốc còn điều chỉnh một số dự án lớn đã ký kết. Gần đây nhất, Trung Quốc đã nhất trí với Malaysia cắt giảm chi phí cho dự án Tuyến Đường sắt Bờ Đông (ECRL) dài 688 km từ 16 tỷ USD trong kế hoạch ban đầu xuống còn 10,7 tỷ USD. Đây là dự án trước đó đã bị chính phủ của Thủ tướng Mahathir Mohamad quyết định hủy bỏ.
Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI lần thứ II vừa qua cũng có thể thấy rõ những thành công của Trung Quốc sau những nỗ lực thúc đẩy triển khai BRI. Ngay tại Diễn đàn này cũng đạt được những kết quả cụ thể rất đáng quan tâm. Các bên đã ký được 238 dự án hợp tác bao gồm các hiệp định hợp tác giữa các chính phủ, triển khai các dự án thiết thực hơn, khởi động các kênh hợp tác trao đổi. Các doanh nghiệp các nước dự Diễn đàn đã ký kết với phía Trung Quốc các văn kiện hợp tác trên một số lĩnh vực, trị giá lên đến 64 tỷ USD. Tại 12 Diễn đàn nhánh, Trung Quốc cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết tại các diễn đàn này.
Đáng chú ý là, qua Diễn đàn lần này, Trung Quốc đưa ra một số thông điệp mới. Giới phân tích coi đây là những điều chỉnh nhằm vào những vấn đề mà các quốc gia đã tham gia và có ý định tham gia BRI quan tâm và lo ngại. Đó là cam kết xây dựng “con đường xanh”, “con đường tơ lụa liêm khiết”, xây dựng BRI theo hướng chất lượng cao và phát triển xanh và bền vững, thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc v.v...
Chặng đường phía trước còn dài. Thực tế cho thấy ngày càng nhiều quốc gia chào đón sáng kiến của Trung Quốc. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt, một số quốc gia và khu vực dọc theo tuyến BRI phát sinh những mâu thuẫn mới, thậm chí dẫn đến xung đột, chắc chắn trên chặng đường sắp tới, Trung Quốc còn phải vượt qua nhiều gian nan hơn.
Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Năm 2017, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Hiện nay hai bên đang tiến hành nghiên cứu, xác định các lĩnh vực ưu tiên, phương hướng trọng điểm và dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với lợi ích, khả năng và điều kiện của mỗi nước, thúc đẩy kết nối về chính sách, hạ tầng, thương mại, vốn và con người, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế BRI lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” trên tinh thần bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các nước. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để hợp tác BRI đem lại kết quả thực chất, lâu dài thì quan điểm của các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải được tôn trọng, lắng nghe và các khác biệt được giải quyết bằng tham vấn, đối thoại; quan hệ hợp tác cần bình đẳng, minh bạch, cởi mở, chân thành, cùng có lợi, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp luật pháp quốc tế. Đó chính là những nền tảng cho kết nối và phát triển bền vững thành công./.
(Bài viết đăng trên Tạp chí Đối ngoại, số tháng 5/2019)
- Đằng sau kỳ họp “Lưỡng Hội” đặc biệt và câu chuyện Việt Nam sẽ đối diện như thế nào trước một Trung Quốc thay đổi
- Cuộc khủng hoảng mang tên chủng tộc và vết thương chưa lành của nước Mỹ
- Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh: Vì lợi ích quốc gia, Việt Nam cần thúc đẩy quan hệ toàn diện với Mỹ
- Nguyên Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: ‘Phải dùng chữ thần kì để đánh giá quan hệ Việt - Mỹ trong 25 năm qua’
- Tròn 25 năm, quan hệ Việt-Mỹ nay đã ở tầm chiến lược
- 25 năm quan hệ Việt-Mỹ: Vượt qua rào cản