Bình luận Thời sự
Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn cầu
Phó Chủ tịch hội Hữu nghị Việt-Trung Nguyễn Vinh Quang: Hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung tiềm năng còn rất lớn chưa khai thác hết
(PV Thời báo Hoàn Cầu Lý Ngải Hâm được cử đến Việt Nam phỏng vấn) Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Trung, Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế Nguyễn Vinh Quang là chuyên gia nghiên cứu sâu các vấn đề Trung Quốc. Ông từng đảm nhận các chức vụ Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á Ban Đối ngoại Trung ương, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cũng là một dịch giả chủ yếu quyển sách “Tập Cận Bình bàn về quản lý đât nước” bản tiếng Việt. Vị học giả Việt Nam này từng nghiên cứu và quan tâm cải cách mở cửa của Trung Quốc trong thời gian dài, khi trả lời phỏng vấn “Thời báo Hoàn cầu” gần đây đã bày tỏ: đường lối phát triển của hai nước có rất nhiều điểm tương tự nhau, hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung rất tốt, tiềm năng còn rất lớn có thể khai thác. Ông Nguyễn Vinh quang nhấn mạnh: Lịch sử đã chứng minh quan điẻm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mối tình thăm thiết Việt Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em” là đúng đắn.
Thời báo Hoàn cầu (HỎI): Nhìn lại giao lưu Trung-Việt những năm gần đây, cấp cao hai Đảng hai nước thăm viếng mật thiết, qua lại như họ hàng. Ông đánh giá thế nào về quan hệ Trung-Việt?
Nguyễn Vinh Quang (ĐÁP): Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng tốt, cũng là bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Đúng như câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Họ hàng càng đi lại càng thân, bạn bè càng đi lại càng gần”. Vì quan hệ hai nước Việt-Trung mật thiết, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thăm viếng lẫn nhau là rất quan trọng. Giao lưu thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, mà hiểu biết chính là cơ sở xây dựng quan hệ hữu nghị.
HỎI: Những năm gần đây, mỗi lần lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau đều nhấn mạnh quan hệ hai nước “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Ông hiểu thế nào về quan hệ Trung-Việt “vừa là đồng chí vừalà anh em”?
ĐÁP: Những năm 20 của thế kỷ trước, người Cộng sản Việt Nam đầu tiên là Hồ Chí Minh đã kết bạn hữu nghị thân thiết với các nhà cách mạng cộng sản Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai. Họ quyết tâm giải phóng nhân dân nước mình khỏi xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Từ đó Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo nhân dân mỗi nước tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, thúc đẩy xây dựng dựng đất nước. Trong quá trình đó, hai bên từng kề vai sát cánh, giúp đỡ lẫn nhau. Ngày nay, hai nước Việt-Trung cũng đã hợp tác rất hiệu quả trong công cuộc đổi mới và cải cách mở cửa của mỗi nước, thu được thành tựu nổi bật.
HỎI: Việt Nam và Trung Quốc đều là nước XHCN, ông nhìn nhận thế nào về hiện đại hoá kiểu Trung Quốc?
ĐÁP: Trung Quốc có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, lực lượng sản xuất thuộc trình độ tương đối cao. Nhưng do hai nước có một số điểm tương tự, ví dụ như đều là nước XHCN, đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, một số cơ chế quản lý kinh tế cũng tương đối gần nhau, bởi thế tôi cho rằng hiện đại hoá kiểu Trung Quốc cũng có ý nghĩa gợi ý đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đáng được tham khảo.
HỎI: Ông luôn quan tâm và nghiên cứu sự phát triển của Trung Quốc, hơn nữa là một trong những dịch giả chủ yếu của bản tiếng Việt “Tập Cận Bình bàn về điều hành quản lý đất nước”. Trước đây cũng từng đề cập đến, mấy năm qua, mỗi năm đều chủ trì hoặc tham gia dịch ít nhất một quyển sách lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Xung quanh những quyển sách đó, độc giả Việt Nam phản hồi như thế nào?
ĐÁP: Ở Việt Nam, có nhiều sách Trung văn được dịch sang tiếng Việt và được độc giả Việt Nam đón nhận. Tôi đã dịch hoặc tham gia dịch hoặc hiệu đính một số sách Trung văn. Tôi quan tâm nhất là những tác phẩm lý luận, trong đó có quyển “Tập Cận Bình bàn về quản lý điều hành đất nước”.
Độc giả các tác phẩm lý luận mà tôi hướng đến là cán bộ quản lý và học giả. Tôi dịch sách lý luận không phải để tìm kiếm nhuận bút, mà để cho độc giả Việt Nam hiểu sâu về Trung Quốc hơn, hiểu nguyên nhân thành công của cải cách mở cửa, hiểu kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, làm cho giới tinh hoa hai nước hiểu nhau hơn, thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước.
Ở Việt Nam, nhiều sách dịch từ Trung văn được độc giả quan tâm. Có một số sách còn phải in thêm hoặc tái bản để đáp ứng nhu cầu độc giả. Tôi cho rằng, độc giả Việt Nam quan tâm đến những vấn đề lý luận nảy sinh trong cải cách mở cửa và cách hoá giải những vấn đề đó.
HỎI: Trong bối cảnh cạnh tranh Trung-Mỹ, một số báo chí phương Tây coi Việt Nam là đối tượng trọng điểm mà Mỹ lôi kéo chống Trung Quốc năm nay. Một số nhà quan sát còn lo lắng Mỹ biến Việt Nam thành quân cờ trong “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Ông có lo ngại như vậy không?
ĐÁP: Mỹ có chiến lược của Mỹ, Việt Nam có chiến lược của Việt Nam, đó là điều rất bình thường. Nhưng có một số người lo lắng Việt Nam thành quân cờ trong chiến lược Mỹ là vì họ chưa hiểu đầy đủ chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ của Việt Nam, họ cũng chưa hiểu đầy đủ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung.
Lịch sử chứng minh rằng, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, bao gồm kiên trì chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá là đúng đắn. Việt Nam phải tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhưng chủ yếu vẫn là dựa vào sức mạnh của mình, tự nghiên cứu và vạch ra phương châm, chính sách, giải pháp để giải quyết những vấn đề của đất nước mình, không thể bị áp lực từ bên ngoài, không biến mình thành con bài trong tay người khác. Bởi thế, tôi không sợ có người lợi dụng Việt Nam chống nước khác. Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố không chọn bên, mà chọn chính nghĩa, chọn lợi ích quốc gia. Như vậy không thể bị nước khác lợi dụng./.
- Nhìn lại chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ
- Không mời thống tướng Myanmar họp: quyết định khó khăn và phi tiền lệ của ASEAN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Người quan sát QPVN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Toàn cảnh thế giới VTV1
- Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang tham gia chuyên mục Người quan sát QPVN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Câu chuyện thời sự VOV1