Bình luận Thời sự
Cố vấn cao cấp CSSD trả lời phỏng vấn về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai
- Theo quan điểm của ông, cơ hội nào cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 dự kiến được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào cuối tháng này? Liệu hội nghị có đạt được một bước tiến mới trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thưa ông?
+ Sau khi có Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore thì tôi nghĩ rằng đây mới chỉ là bước đầu thôi và sự kiện lớn lao như thế mà chỉ một cuộc hội nghị thượng đỉnh có thể giải quyết được thì tôi không tin. Nhưng có thể nói, việc này mở ra hy vọng, mở ra con đường đi cho 2 nước thù địch với nhau 70 năm trời.
Khi mở được bước đi đầu rồi, thì bước tiếp theo, tôi cũng đã nghĩ tới một cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 bởi vì cuộc gặp thứ nhất đưa ra những lời hứa, cam kết những tuyên bố, những cái bắt tay, ngoại giao… và tôi hy vọng hội nghị lần 2 này sẽ thành công.
Hội nghị lần 2 này chắc chắn sẽ khác với lần trước, sẽ bàn đến những biện pháp và bước đi cụ thể. Nếu có tuyên bố chung, tuyên bố Hà Nội chẳng hạn, thì đó chính là tuyên bố về những biện pháp cụ thể: bên Triều Tiên sẽ phải làm gì và phía Mỹ sẽ phải làm gì?
Theo dõi các hoạt động con thoi của các nhà ngoại giao gần đây, tôi cảm thấy tương đối lạc quan. Họ phải đi tới một thỏa thuận gì đó mới đi lại nhiều như thế, và mới có được kết quả báo cáo lãnh đạo cấp cao nhất của hai nhà nước. Vì nếu không có kết quả, hai nhà lãnh đạo chắc chắn chưa gặp nhau.
Tuy nhiên, tôi không dám nói rằng, kết quả của cuộc họp lần 2 này sẽ giải quyết được toàn bộ vấn đề của bán đảo Triều Tiên.
- Với góc độ là một nhà nghiên cứu, xin ông chia sẻ về những quan điểm, lập trường của phía Triều Tiên và phía Mỹ trong quá trình đàm phán?
+ Cuộc đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân không đơn giản chút nào. Trong lịch sử thế giới từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 tới nay thì những cuộc đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân đã diễn ra ở nhiều nước rồi. Thường, Mỹ là một bên tham gia và giờ đây đến lượt Mỹ và Triều Tiên.
Không có một cuộc đàm phán nào ngắn cả, không có cuộc nào đơn giản cả và đây là cuộc gay go nhất và kéo dài nhất giữa hai quốc gia thù địch. Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là có thật, tên lửa của Triều Tiên có thể bắn tới nước Mỹ cũng là có thật, ai cũng thấy, chứ không phải chỉ là lời đe dọa.
Phía Mỹ có tư duy giải quyết "cả gói", tức là tất cả vấn đề là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng, không thể đảo ngược. Khi có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng, không thể đảo ngược rồi thì mới giải quyết các vấn đề khác. Tôi cho rằng như vậy là không thực tế.
Và phía Triều Tiên cũng đã phản đối giải pháp này. Cho tới khi hai bên gặp nhau tại Singapore, hai bên đã tuyên bố với nhau là không thể đi một bước tới trời mà phải đi từng bước một. Quá trình đi từng bước một, theo tôi, là đã bắt đầu rồi.
Phía Triều Tiên, nếu đứng ở góc độ Triều Tiên thì phải hiểu lý do tại sao họ cần có vũ khí hạt nhân? Khi hiểu sâu sắc vấn đề này thì mới tìm cách giải quyết tận gốc được. Họ không kỳ quặc như người ta nghĩ, mà họ cảm thấy không an toàn nên phải có vũ khí tự vệ, trong khi không thể xây dựng được hệ thống quân binh chủng hùng hậu thì họ tìm ra loại vũ khí đặc biệt mà họ có khả năng chế tạo để thay thế. Đó là vũ khí hạt nhân.
Trong lúc an ninh chưa có gì đảm bảo thì nói họ rằng thôi, hãy bỏ súng xuống thì liệu họ có bỏ không?
Tôi cho rằng, đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã có những tiến bộ, ta hãy nhìn lại năm 2017, có lúc căng thẳng tưởng như chiến tranh nổ ra rồi, và tới lúc hai bên bắt tay, hứa với nhau những việc cần làm, như thế là tiến bộ. Tạo được không khí trong ngoại giao, không khí trong quan hệ quốc tế như thế này là cực kỳ quan trong để giải quyết bất đồng, mặc dù lòng tin vẫn chưa đủ.
Vậy sau Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, ai đã làm gì: Triều Tiên đã ngừng thử vũ khí hạt nhân, ngừng thử tên lửa, phá bãi phóng tên lửa mọi người đều nhìn thấy, trao trả hài cốt, con tin cho Mỹ. Mỹ cũng đã ngừng tập trận.
Nếu so sánh với năm 2017, thì đây chẳng phải là tiến bộ sao?
- Vậy giờ đây, lập trường hai bên, đặc biệt là phía Mỹ đã có thay đổi như thế nào chưa thưa ông?
+ Tôi cảm thấy họ đã thay đổi rồi và tôi hy vọng một người thông minh như Tổng thống Mỹ D. Trump sẽ không cứng nhắc quá và có thể lần này, ông ấy sẽ tách vấn đề ra trong quá trình đàm phán, chứ không phải là thỏa thuận "cả gói".
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc tách vấn đề trong đàm phán không, thưa ông?
+ Một là bán đảo Triều Tiên hòa bình cần có một hiệp ước hòa bình thay thế Hiệp định đình chiến 1953. Hai là họ muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Thứ ba là tuyên bố kết thúc chiến tranh.
Tất nhiên là thứ tự sẽ ngược lại tức là tuyên bố kết thúc chiến tranh, đi đến ký một hiệp ước hòa bình và bình thường hóa quan hệ nhưng quan trọng số một đối với Triều Tiên hiện nay là nới lỏng cấm vận và nới lỏng trừng phạt.
Như vậy về phía Mỹ có nhiều "con bài" đánh đổi. Trong khi đó vấn đề hạt nhân không thể giải quyết "cả gói" được đành phải cắt ra từng khúc, tức phải đi từng bước mới đến được cái đích phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
- Thưa ông, các học giả phương Tây cho rằng, chọn Việt Nam là điểm gặp tiếp theo cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 với một mong muốn, Triều Tiên sẽ phát triển theo mô hình của Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
+ Về vấn đề này tôi nhìn với con mắt tích cực. Theo dõi Triều Tiên lâu rồi và tôi biết nhiều lãnh đạo Triều Tiên quan tâm tới mức độ phát triển của Việt Nam.
Khi công cuộc đổi mới của Việt Nam bắt đầu có những hiệu quả tích cực, bản thân Triều Tiên đã dần nhìn thấy đây là mô hình tốt, Khi ông Kim Jong-un lên thì tư tưởng tiến bộ của ông ấy còn khác và tích cực hơn nữa so với các thế hệ trước. Ông nhìn Việt Nam với con mắt tích cực hơn. Sau đó, nhiều đoàn Đại biểu của Triều Tiên sang Việt Nam theo các kênh khác nhau. Việt Nam cũng đã có nhiều đoàn sang Triều Tiên và chúng ta có nhiều cuộc hội đàm với Triều Tiên. Triều Tiên là bạn thân của Việt Nam trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, trong thời gian chúng ta còn khó khăn, quan hệ giữa hai nước đã rất tích cực.
Nhìn vào Việt Nam phát triển có mấy điểm tương tự:
Thứ 1, Triều Tiên là đất nước chiến tranh và bị chia cắt
Thứ 2, đất nước đi theo CNXH mô hình cũ.
Thứ 3, họ cũng có nhu cầu hướng tới hội nhập thật sự.
Ba vấn đề này, Việt Nam đi từng bước một và đang trong giai đoạn hội nhập còn các giai đoạn trên, Việt Nam đã đi qua rồi. Một quốc gia nghèo khó đã trở thành một quốc gia chưa gọi là giàu nhưng so với trước đây đã tốt hơn rất nhiều.
Bản thân Triều Tiên cũng nói tới chuyện là, một nước thiếu lương thực như Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực thứ 2 thế giới. Thật là diệu kỳ. Tại sao, họ lại không thể coi đó là những điều đáng để tham khảo?
Mô hình Việt Nam cũng nên hiểu một cách biện chứng, mô hình này không đơn giản là copy, đặt lên đất nước Triều Tiên, nhưng kinh nghiệm của Việt Nam có thể giúp Triều Tiên tham khảo và áp dụng theo hoàn cảnh của họ.
Lần này không phải chỉ có chúng ta hay các học giả phương Tây nghĩ đến mà ông M. Pompeo (Ngoại trưởng Mỹ) đã nói công khai rồi: tức mô hình của Việt Nam, Triều Tiên nên học tập, bản thân tôi biết một số thông tin trên báo chí: trong cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và Moon Jea-in (Tổng thống Hàn Quốc) vào tháng 4/2018 thì hai ông đã có nhắc tới Việt Nam. Chứng tỏ Triều Tiên rất quan tâm tới mô hình của Việt Nam.
Ngoài ra, một vấn đề nữa là đối ngoại. Triều Tiên là một đất nước đóng cửa, Việt Nam trước đây cũng là đất nước đóng cửa, nhưng khi Đổi mới, Việt Nam đưa ra chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, mở rộng quan hệ với tất cả các quốc gia trên thế giới, các chính đảng trên thế giới... Đây là mô hình mà tôi nghĩ, Triều Tiên cũng đang có dấu hiệu muốn như vậy và đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ.
Việt Nam với Mỹ từng là kẻ thù và sau khi bình thường hóa quan hệ đã mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia (Việt Nam và Mỹ), thậm chí mang lại lợi ích cho cả khu vực vì điều này đóng góp cho hòa bình của khu vực và thế giới. Vậy Triều Tiên thì sao? Triều Tiên và Mỹ đang bắt tay nhau, chuyển từ kẻ thù sang không kẻ thù, đang muốn bình thường hóa tức là muốn thành bạn, Mỹ muốn cùng Triều Tiên đến Việt Nam là muốn hướng tới một mối quan hệ từ kẻ thù sang bạn bè.
Ở Singapore ông D. Trump đã từng nói: việc đầu tư vào Triều Tiên sẽ như thế nào, đất nước Triều Tiên sẽ phát triển như thế nào, với sự đầu tư của Mỹ và các nước… Đó là ý tưởng tốt.
Phải chăng mô hình quan hệ Việt Nam với Mỹ sẽ là mô hình của Triều Tiên với Mỹ.
- Việt Nam đã từng tổ chức nhiều hội nghị thượng đỉnh lớn của thế giới. Đặt trong bối cảnh địa chính trị trong khu vực và trên thế giới, việc được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, theo ông, việc này nói lên điều gì?
+ Hội nghị diễn ra ở Hà Nội có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam và mang tầm quốc tế. Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện cam kết này.
Chúng ta không tham gia vào nội dung đàm phán giữa hai nước nhưng chúng ta tạo điều kiện để họ làm tốt thì đó đã là sự đóng góp.
Một ý nghĩa lớn nữa là, đất nước Việt Nam chứng tỏ là đất nước hòa bình, ổn định, an toàn, người dân hiếu khách, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế chắc chắn hơn trước. Dù chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị, nhưng hội nghị lần này đặc biệt hơn các hội nghị khác. Có câu hỏi, tại sao, hai bên không chọn một đất nước nào ở Châu Á mà lại là Việt Nam? Việt Nam vừa có mối quan hệ thân thiết với Triều Tiên, vừa có mối quan hệ với Mỹ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, môi trường thân thiện đều có thể đảm bảo được. Hai nhà lãnh đạo không phải tự nhiên mà chọn Việt Nam.
Như vậy về mặt ngoại giao vị thế Việt Nam lên.
Về mặt chính trị chứng minh chúng ta là đất nước hòa bình, an toàn, Thành phố Hà Nội từng được công nhận là thành phố vì hòa bình thì giờ đã rõ rồi.
Về mặt kinh tế, nói tới Việt Nam vẫn còn nhiều người chỉ biết ta trong cuộc chiến tranh với Mỹ, nhiều thế hệ sau không biết Việt Nam ở đâu, như thế nào, thì giờ đây nhờ sự kiện này, qua các phương tiện, họ sẽ biết và tìm hiểu thêm về Việt Nam. Trong thời đại toàn cầu hóa, điều này là cực kỳ quan trọng về mặt kinh tế.
Tôi dự báo rằng, sau sự kiện này khách du lịch đến Việt Nam sẽ có thể tăng lên. Ông B. Obama (Cựu Tổng thống Mỹ) đến Việt Nam ăn bún chả mà cửa hàng đó còn tăng hẳn lượng khách hàng. Giờ hai nguyên thủ tới Việt Nam sẽ thúc đẩy họ tìm đến Việt Nam nhiều hơn.
Trong khi vấn đề đầu tư trên thế giới còn nhiều va chạm, các nhà đầu tư cũng sẽ cân nhắc tìm đến một môi trường ổn định, an toàn. Sự kiện này cho thấy Việt Nam là nơi đáng lựa chọn.
Do vậy, sau sự kiện này, lợi ích với Việt Nam không chỉ tính bằng tiền trước mắt, mà có thể lâu dài, các thế hệ sau này cũng sẽ được hưởng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi!