Bình luận Thời sự
Chiến lược Ngoại giao vaccine: Những yếu tố quan trọng góp nên thành công
Khi chúng ta có chủ trương thúc đẩy chiến lược tiêm chủng một cách mở rộng để đảm bảo ngưỡng về miễn dịch cộng đồng thì từ cấp cao nhất của những người làm trong ngành đối ngoại đã quyết liệt tham gia vào cuộc vận động để có được vaccine chuẩn.
Nếu nhìn lại đến ngày hôm nay, ít nhất hơn 90% dân số đều đã tiêm một mũi vaccine, hơn 80% người dân tiêm hai mũi, thành tích này có được là nhờ ngoại giao vaccine bởi tính đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa sản xuất được. Để làm được điều đó, có mấy điểm cần phải nhìn nhận rõ.
Chúng ta đã quyết liệt trong ngoại giao, ưu tiên trong tham vấn để giành mọi sự quan tâm cấp bách nhất đến việc làm sao có được nguồn cung vaccine. Các chuyến công du cấp cao, rồi các nhà ngoại giao của chúng ta đã hết sức tích cực bằng mọi hình thức, đặc biệt các cơ quan đại diện ở nước ngoài cũng hết sức cố gắng để mang được nguồn cung vaccine về cho đất nước.
Chúng ta xin cả tài trợ từ các quốc gia, rồi tài trợ từ liên minh COVAX – cơ chế đa phương về cung cấp vaccine cung cấp cho các nước trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, phía Việt Nam cũng sẵn sàng để mua, mà để mua được chúng ta vừa phải thương lượng với các nước vừa đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất vaccine, từ cả châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác nữa.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu lâu dài hướng đến tự cường về vaccine. Đã có doanh nghiệp Việt Nam nhận được chuyển giao công nghệ từ công ty vaccine của Mỹ Arcturus Therapeutics, trao đổi với phía đối tác của Nga sản xuất vaccine Sputnik 5, cùng lúc đó vẫn tiếp tục nghiên cứu để tự sản xuất vaccine. Mặc dù hiện tại các nỗ lực trên chưa mang lại kết quả ngay nhưng về lâu dài, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các động thái này sẽ mang đến sự chủ động.
Thành công của ngoại giao vaccine năm 2021 thứ nhất là do sự quyết liệt từ trên cấp cao xuống dưới, tận dụng tối đa từ trên cao xuống mọi kênh để trao đổi.
Thứ hai, chúng ta kết hợp giữa cả xin tài trợ và tự mua vaccine.
Thứ ba, nếu chúng ta nhớ lại nửa đầu 2021, nguồn cung vaccine rất khan hiếm, các nước sản xuất cũng phải ưu tiên cho người dân của mình, các nước khác trên thế giới trong bối cảnh dịch căng thẳng họ cũng rất cần, nhưng có yếu tố giúp cho công cuộc vận động của chúng ta thành công: quan hệ của Việt Nam với các nước rất quan trọng, họ coi trọng Việt Nam. Trong sự coi trọng này, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập với khu vực và thế giới, cho nên rất nhiều doanh nghiệp và tập đoàn đã đưa Việt Nam thành một phần trong chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới của họ, cho nên hỗ trợ Việt Nam cũng chính là sự hỗ trợ dành cho doanh nghiệp của họ để họ có thể duy trì được sản xuất.
Đó không chỉ là vấn đề vị thế trong quan hệ nói chung mà còn là lợi ích cùng đan xen trong cùng chuỗi cung ứng.
Nếu chúng ta nhìn lại nguồn cung vaccine cho đến nay, toàn bộ là từ bên ngoài và nhờ ngoại giao vaccine đem lại. Lượng vaccine này đã giúp cho Việt Nam từng là một nước tiếp cận vaccine chậm nhưng lại bứt tốc trong tiêm chủng và trở thành nước có tỷ lệ tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. Chính điều kiện này giúp tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, vừa kiểm soát dịch vừa mở cửa giao lưu kinh tế với quốc tế.
* Bài viết đăng trên Nhịp sống doanh nghiệp (Bizlive); CSSD đăng lại với sự đồng ý của Đại sứ Phạm Quang Vinh
- Nhìn lại chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ
- Không mời thống tướng Myanmar họp: quyết định khó khăn và phi tiền lệ của ASEAN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Người quan sát QPVN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Toàn cảnh thế giới VTV1
- Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang tham gia chuyên mục Người quan sát QPVN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Câu chuyện thời sự VOV1