Bình luận Thời sự
10 năm Viện Khổng Tử - Nỗ lực xâm nhập văn hóa toàn cầu
Không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia đều tiến hành các công việc quảng bá văn hóa nước mình ra nước ngoài. Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư thành lập nhiều trung tâm ngôn ngữ và văn hóa hai nước này tại các trường đại học, các cơ sở giáo dục trên thế giới. Các nước ở châu Âu cũng tích cực mở các viện ngôn ngữ và trung tâm văn hóa tại nước ngoài, như Viện Francaise của Pháp, Viện Goethe của Đức, hay Viện Cervantes của Tây Ban Nha, còn Mỹ đã thành lập các phòng học Hawaii và các thư viện giới thiệu sách và văn hóa Mỹ...
Trung Quốc đã vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu tính theo tổng giá trị sản xuất quốc nội (đánh giá sức mua thực tế PPP), năm nay Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một cường quốc như vậy có nhu cầu tự nhiên phát huy “sức mạnh mềm” của mình ra thế giới. Một quốc gia lớn mạnh không những cần quyền phát ngôn mà còn muốn làm cho sức mạnh của mình được thế giới cảm nhận.
Khổng Tử là một nhà hiền triết vĩ đại của Trung Quốc và một danh nhân văn hóa thế giới. Đến thời Hán Vũ Đế, Nho giáo của Khổng Tử được sử dụng làm nền tảng tư tưởng để cai trị Trung Quốc. Các triều đại về sau cũng nhất mực truyền bá Nho giáo như một công cụ cai trị. Một số nước lân bang của Trung Quốc đã tiếp thu các tư tưởng “Tam cương”, “Ngũ thường” của Nho giáo để xây dựng kỷ cương phép nước. Việt Nam từng xem Khổng Tử là thánh nhân và Văn miếu được thành lập năm 1076 có thờ Khổng Tử, có thể xem như một trong những viện Khổng tử đầu tiên trên thế giới vậy. Nhưng thời ấy, giai cấp cầm quyền Trung Quốc và các nước lân bang sử dụng các đạo lý của Khổng Tử để phục vụ việc trị quốc. “Tam cương”, “Ngũ thường” thấm dần vào đời sống xã hội qua sự sàng lọc, chọn lọc và phủ định của thời gian. Trải qua hàng ngàn năm, giáo lý thánh hiền tùy thời lại sống dậy khi cuộc sống có nhu cầu.
Những thành tựu vượt mong đợi
Giáo lý của Khổng Tử có giá trị nhân văn tiêu biểu cho văn hóa Trung Hoa. Khổng Tử có vị trí xứng đáng trong hàng ngũ các danh nhân vĩ đại của thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi nước Trung Quốc trỗi dậy đã dùng hình tượng Khổng Tử để truyền bá các giá trị mới của Trung Quốc ra thế giới.
Hiển nhiên, tại các viện và lớp học mang tên Khổng Tử sẽ không dạy các tư tưởng hay triết lý của Khổng Tử. Bởi lẽ, xã hội đã khác xưa. Các giá trị dân chủ, tự do, bình quyền đã bắt rễ sâu sắc vào đời sống nhân loại. Con người đương thời đương nhiên sẽ không bao giờ chấp nhận khom lưng, uốn mình quay đầu trở lại với những giáo lý thời xa xưa.
Tượng Khổng Tử
Tôn chỉ khi thành lập các viện Khổng Tử là để tăng cường hiểu biết về văn hóa ngôn ngữ Trung Quốc cho nhân dân thế giới, phát triển quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới, cung cấp những điều kiện học tập thuận lợi và ưu việt cho người học tiếng Hán trên thế giới. Do vậy, nhiệm vụ chính của các viện và lớp học Khổng Tử là giảng dạy tiếng Hán và giới thiệu văn hóa Trung Quốc.
Các điều lệ hoạt động của các viện Khổng Tử nêu rõ nội dung nghiệp vụ chính của các cơ sở này: Một là, triển khai các khóa học giảng dạy tiếng Hán đa phương tiện; Hai là, triển khai đào tạo giáo viên tiếng Trung; Ba là, xây dựng thư viện và cung cấp dịch vụ đọc tư liệu bằng tiếng Hán; Bốn là, tổ chức triển khai các hoạt động học thuật như nghiên cứu tiếng Hán và các vấn đề Trung Quốc; Năm là, tổ chức các triển lãm, biểu diễn và các hoạt động tranh tài nhằm quảng bá Hán ngữ và văn hóa Trung Quốc; Sáu là, cung cấp dịch vụ tư vấn du học Trung Quốc; Bảy là, giới thiệu các sản phẩm văn hóa Trung Quốc (thư pháp, băng đĩa, sản phẩm mỹ thuật, đồ lưu niệm truyền thống…).
Sự phát triển của viện Khổng Tử trở nên đa nguyên hóa. Ngoài việc xúc tiến văn hóa và ngôn ngữ, còn có viện Khổng Tử Trung y, Khổng Tử Thương mại, Khổng Tử Du lịch, Khổng Tử Ẩm thực, Khổng Tử Trà…
Tính đến tháng 9/2014, có 465 viện Khổng Tử và 713 lớp học Khổng Tử rải khắp 123 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kinh phí đều do chính phủ Trung Quốc đài thọ. Số lượng vượt xa các trung tâm Anh ngữ hoặc hội đồng Anh trên thế giới. Tốc độ phát triển cũng không nước nào theo kịp. Châu Âu có 149 viện Khổng Tử, trong đó nước Anh 24, Nga 18, Pháp 17. Châu Á có 93 viện, trong đó Hàn Quốc 19, Nhật Bản 13 và Thái Lan 12. Châu Mỹ có 144 viện, trong đó Mỹ có 97 viện Khổng Tử, hơn 300 lớp học Khổng Tử tại các trưởng trung học, tiểu học. Kinh phí xây dựng một viện Khổng Tử tại Mỹ là 500 nghìn USD, mỗi lớp học 60 nghìn USD.
Con đường 10 năm manh nha và phát triển của các viện Khổng Tử là một cuộc “trường chinh” xâm nhập vào các thành trì văn hóa ngoại lai và bước đầu gặt hái được thành công ngoài mong đợi, vượt xa các mục tiêu đề ra ban đầu là con số 100. Cho thấy thế giới có nhu cầu ngày càng lớn tìm hiểu về Trung Quốc và học tiếng Hán. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2010 ước tính có khoảng 100 triệu người học tiếng Hán, năm 2013 con số này ước đạt 150 triệu người. Các viện Khổng Tử đã góp phần tạo nên “cơn sốt tiếng Hán” trên toàn cầu và đóng góp cho giao lưu và tiếp cận văn hóa Trung Quốc và tiếng Hán. Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á, vì vậy, những giá trị quan, nhân sinh quan của phương Đông, mà Khổng Tử là một đại diện tiêu biểu, có điều kiện quảng bá rộng rãi. Các viện Khổng Tử tạo nên một quá trình “xâm nhập ngược” về văn hóa – từ phương Đông sang phương Tây.
Ông Kapiszewski, giám đốc Viện Khổng Tử tại trường Đại học Jagiellonian (Ba Lan), nhận xét: “Vấn đề Trung Đông dường như là kết quả của xung đột tôn giáo, tuy nhiên mấu chốt của xung đột chính là những khác biệt về văn hóa. Tôi rất có cảm tình với văn hóa ‘hòa hiếu’ của Trung Quốc”.
Mặt trái của đồng tiền
Tuy nhiên, song hành với việc giảng dạy tiếng Hán và truyền bá văn hóa Trung Hoa, thì động cơ và xu hướng chính trị hóa hoạt động của các viện Khổng Tử đã bộc lộ rõ ràng. Trần Dụng Lâm, một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc, thừa nhận: “Đương cục Bắc Kinh giảng dạy miễn phí tiếng Trung tại các viện Khổng Tử ở nước ngoài, nhân lực giảng dạy cũng đến từ Trung Quốc, mục đích là để mở rộng tầm ảnh hưởng, uy tín, sức hút của Bắc Kinh ở nước ngoài, qua đó tuyên truyền, đạt được những ý đồ chính trị mà không cần áp dụng những sức mạnh quân sự hay kinh tế”.
Các nước phương Tây không lo ngại sự “xâm nhập ngược” của văn hóa Trung Quốc bằng lo ngại rằng các cơ sở văn hóa Trung Quốc tác động vào giới trí thức và tinh anh, lôi kéo họ vào những mục tiêu “phi Khổng Tử”. Vào lúc “thóc cao gạo kém”, Trung Quốc đã đánh trúng tâm lý của các trường đại học, học viện, cơ sở nghiên cứu, giáo dục trên thế giới, bằng các khoản đầu tư xây dựng, tài trợ kinh phí nghiên cứu khoa học, mua sắm các trang thiết bị…, thậm chí “mua chuộc” giới học giả và giới chính trị gia nước sở tại.
Sự phản kháng của dư luận cũng tăng lên. Năm 2013, Giáo sư ngành nhân văn học Marshall Sahlins, Đại học Chicago (Mỹ), đăng bài trên báo The Nation (Mỹ) cáo buộc Viện Khổng Tử tại Đại học Chicago đã làm trở ngại tự do học thuật của trường Đại học này, theo đó phần lớn việc tuyển dụng, giảng dạy, cũng như kế hoạch nghiên cứu của viện Khổng Tử Chicago đều do một tay Văn phòng Hội đồng xúc tiến tiếng Hoa quốc tế (Hán Biện) nắm giữ. Ông này cho biết, chỉ cần “một cuộc điện thoại là có thể thay đổi cách làm của Đại học Chicago”, điều này hoàn toàn không phù hợp với nguyên tắc tự do học thuật của Mỹ.
Tháng 6/2014, Hiệp hội Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) hối thúc các trường đại học phương Tây cắt đứt quan hệ với các viện Khổng Tử. AAUP nói rằng, “Viện Khổng Tử hoạt động như một công cụ của nhà nước Trung Quốc và được cho là không tôn trọng tự do học thuật, thiếu minh bạch”. Trường Đại học Chicago đã chấm dứt hợp tác với Hán Biện và đóng cửa Viện Khổng Tử tại trường này từ tháng 9 năm nay.
Tại Canada, tháng 12/2013, Hiệp hội giáo sư Đại học Canada ra tuyên bố hối thúc các trường đại học “đoạn tuyệt” quan hệ với viện Khổng Tử. Hội cha mẹ học sinh sinh viên tại Toronto lập ra trang web với tiêu đề “Nói ‘Không’ với viện Khổng Tử” (saynotoci.com).
Ngày 13/08/2014, Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc Châu Âu ra thông cáo cáo buộc Chủ tịch Văn phòng Hội đồng xúc tiến tiếng Hoa quốc tế, bà Hứa Lâm, đã có hành vi đánh cắp và tự ý thẩm tra các tài liệu học thuật trong một hội nghị được tổ chức tại Bồ Đào Nha vào tháng 7. Bà Hứa đã cho người đánh cắp và xé những trang tài liệu có nội dung “trái với quy định Trung Quốc”.
Nhà bình luận quốc tế sống tại Mỹ, Ngô Phàm, nhận định: “Bên ngoài nghi ngờ các viện Khổng Tử là các tổ chức tình báo hoạt động tại các nước… Rất thỏa đáng khi nghi ngờ nhân viên làm việc tại các viện là gián điệp văn hóa, gián điệp giáo dục”.
Trong bài “Tương lai của các viện Khổng Tử Trung Quốc” trên báo The Diplomat, Shannon Tiezzi viết: “Châu Phi có thể coi là một trạm dừng chân lý tưởng của các viện và lớp học Khổng Tử trong tương lai. Hiện tại, mới chỉ có 38 viện Khổng Tử trên toàn châu Phi, do vậy không gian mở rộng vẫn rất rộng lớn. Trong một khu vực vốn luôn bị coi là sân sau của Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thì các viện Khổng Tử có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thái độ của thế hệ tiếp theo ở châu Phi đối với Trung Quốc”.
Cũng theo tác giả này, “Tiềm năng phát triển tương tự cho các viện Khổng Tử cũng nằm ở các khu vực Trung Đông, Trung Á, và Mỹ Latinh, nơi những ấn tượng về Trung Quốc nhìn chung là tích cực, song các viện Khổng Tử lại không mấy phát triển. Song song với việc thành lập các viện sẽ là các dự án viện trợ của Bắc Kinh tại những quốc gia đang phát triển. Và tại chính những khu vực này, sức mạnh mềm của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích địa chính trị quan trọng trong tương lai”.
Tuy nhiên nguồn ngân sách dành cho việc xây dựng các viện và lớp học Khổng Tử bị ảnh hưởng bởi những biến động trong nước của Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh phân hóa giàu nghèo, khoảng cách giữa nông thôn – thành thị không ngừng mở rộng và hiện tại Trung Quốc vẫn còn hơn 400 triệu người không thể dùng tiếng phổ thông để giao tiếp bình thường và số trẻ em thất học vẫn lên đến hàng chục triệu./.
- Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang tham gia chuyên mục Toàn cảnh thế giới VTV1
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục "Người quan sát" QPVN
- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đằng sau chuyến thăm lần đầu của một Phó Tổng thống Mỹ và kỳ vọng Việt Nam thành "hub" sản xuất vaccine khu vực
- Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu thông điệp từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Toàn cảnh thế giới VTV1
- Nhìn lại chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ