Hoạt động
Vấn đề Triều Tiên: Cấm vận vẫn bế tắc
Ngày 25/2, bà Samantha Power, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, cho biết Mỹ đã đưa ra Hội đồng bảo an dự thảo nghị quyết thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, trong đó biện pháp mạnh nhất là tất cả các chuyến hàng biển tới và rời Triều Tiên sẽ bị thanh tra.
Nghị quyết do Mỹ soạn thảo cũng cấm cản trở cả các nhà cung cấp vũ khí loại nhỏ giao dịch với Bình Nhưỡng. Văn kiện này cũng áp đặt lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu than, quặng, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm đồng thời áp cấm các quốc gia cung cấp cho nước này nhiên liệu dùng trong ngành hàng không. Theo Đại sứ Mỹ, văn kiện này sẽ liệt vào “danh sách đen” 17 cá nhân và 12 thực thể Triều Tiên kèm theo việc phong tỏa tài khoản và cấm du lịch toàn cầu.
Dự thảo này được Mỹ và Trung Quốc đồng bảo trợ. Hai bên đã nhất trí được gói biện pháp trừng phạt “nặng đô” sau 7 tuần đàm phán căng thẳng. Trung Quốc ngả bài tại chuyến thăm Washington của Ngoại trưởng Vương Nghị từ ngày 23-25/2. Biện pháp thắt chặt cấm vận này được nêu ra sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư hôm 6/1/2016 và phóng thử tên lửa đẩy hôm 7/2/2016.
Triều Tiên phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân
Phải chăng Triều Tiên “nhờn” cấm vận?
Các biện pháp trừng phạt lần này liệu có thể “gây tê liệt” chính quyền Bình Nhưỡng hay không? Câu trả lời không có tính khẳng định. Vì Triều Tiên đã tiến hành 4 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 và hàng loạt vụ phóng tên lửa từ đầu thập niên 1990.
Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản muốn thúc đẩy các biện pháp mạnh tay hơn nhằm hạn chế hoạt động tài chính và nguồn lực của Triều Tiên. Trong khi Nga và Trung Quốc muốn tìm kiếm một sự dàn xếp nhẹ nhàng hơn.
Trung Quốc sẽ không hành động mạnh đến mức gây nguy hại đến sự tồn tại của chế độ Triều Tiên. Trung Quốc có các lợi ích riêng của mình. Bắc Kinh muốn thấy một sự ổn định tương đối ở Triều Tiên, vì điều đó sẽ đem lại lợi ích cho Trung Quốc.
Ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc và Mỹ nhất trí rằng không thể chấp nhận chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, cũng không thể công nhận vị thế nước sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nếu muốn gìn giữ hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Tuy nhiên, ông Vương cũng nhấn mạnh rằng nghị quyết của HĐBA không thể giải quyết về căn bản vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, các bên cuối cùng vẫn phải trở lại quỹ đạo đàm phán và đối thoại.
Tuy nhiên, thực tế là đàm phán và đối thoại từ nhiều năm nay cũng không mang lại kết quả mong muốn. Triều Tiên đã khéo léo lợi dụng đàm phán ngoại giao để dắt “con trâu hạt nhân qua rào”.
Công nghệ rocket được cải tiến của Triều Tiên cùng các vụ thử hạt nhân có thể dẫn đến việc phát triển công nghệ đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa sang Mỹ, nâng cao năng lực răn đe của mình. Các nhà quan sát tin rằng Triều Tiên hiện tại đã có khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, và có thể phóng tên lửa sang bờ Tây của nước Mỹ, hoặc ít nhất Triều Tiên đang trong quá trình đạt đến năng lực này.
Nếu như Trung Quốc lắng nghe quan điểm của Mỹ, cắt đứt quan hệ ngoại giao hay tuyệt đường sống của Bình Nhưỡng, thì sự thù hận lớn nhất của Triều Tiên chưa hẳn là Mỹ mà ngược lại là Trung Quốc. Và một khi tình hình có biến đổi, Triều Tiên quay sang Mỹ và trở thành con bài chống Trung Quốc, điều đó khiến Bắc Kinh càng khó khăn hơn.
Giới hạn đỏ của Trung Quốc là Bắc Kinh có thể chấp nhận một nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, nhưng lại không thể chấp nhận bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự chi phối của Mỹ vì điều này sẽ trực tiếp đe dọa đến an ninh biên giới phía Đông Bắc Trung Quốc. Do đó, từ góc độ Trung Quốc, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên chính là tái khởi động đàm phán 6 bên.
Năm 2012, Nga đã đã đồng ý xóa 90% khoản tiền 10,86 tỷ USD mà Triều Tiên nợ Liên Xô trước đây. Số nợ còn lại, khoảng 1,09 tỷ USD, sẽ được Triều Tiên trả góp 6 tháng/lần trong vòng 20 năm và sẽ do Ngân hàng phát triển quốc gia Nga quản lý. Nước Nga trở thành nước bạn tin cậy của Bình Nhưỡng, nhờ vậy đã có thêm đòn bẩy trong quan hệ giữa Nga với Mỹ, Nhật Bản và các nước liên quan khác.
Trước các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã tăng cường các biện pháp quân sự để phòng vệ. Các nhà bình luận Trung Quốc phàn nàn rằng những năm gần đây, từ khi tiến hành “xoay trục” sang châu Á, Mỹ không còn quan tâm đến hồ sơ hạt nhân Triều Tiên như trước. “Mối đe dọa Triều Tiên” được sử dụng như lý do xác đáng để Mỹ tiếp tục duy trì và tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Bắc Á, như việc Mỹ và Hàn Quốc đang thương lượng triển khai hệ thống tên lửa THAAD có thể soi vào ngõ ngách lực lượng tên lửa của Trung Quốc lục địa.
Từ tình hình hiện nay, dường như cách tốt nhất lại là duy trì hiện trạng và chờ đợi một ngày nào đó có phương án giải quyết tốt hơn hoặc một số phương án trước đây không khả thi đột nhiên trở thành cách lựa chọn hiện thực. Phương án hạt nhân Iran có thể là một sự lựa chọn không tồi./
TS. Nguyễn Ngọc Trường
Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế
- GS. Nguyễn Mạnh Hùng thăm Trung tâm CSSD
- Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thăm Trung tâm CSSD
- Hội nghị “20 năm Quan hệ Việt-Mỹ: Các cơ hội Kinh doanh – TPP và Hợp tác giáo dục”
- Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 7
- Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đến thăm trung tâm CSSD
- Tiến sỹ Shoji Tomotaka đến thăm trung tâm