Hoạt động
Hoa Kỳ muốn có một “Việt Nam mạnh”
Từ thời còn cầm quyền ở nước Mỹ, Tổng thống Bill Cliton và Tổng thống George Bush từng bày tỏ mong muốn có một “Việt Nam mạnh”. Điều này xuất phát một phần từ tầm nhìn chiến lược do vị trí địa chiến lược của Việt Nam. Nhưng phần nhiều vẫn từ cảm tính.
Các mối quan tâm của Mỹ đối với Việt Nam thể hiện qua hai chuyến thăm của Tổng thống Clinton (năm 2000) và Tổng thống Bush (năm 2006) ít gắn với một chiến lược đặc biệt nào đối với châu Á. Cục diện châu Á lúc bấy giờ vẫn còn khá ổn định, Trung Quốc chỉ đang trỗi dậy. Vai trò của Mỹ chưa bị thách thức rõ rệt.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: “Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh, thịnh vượng và phát triển độc lập”, “Việt Nam phát triển thịnh vượng thì có lợi cho Mỹ”.
Năm 2016 là cơ hội cuối cùng để Tổng thống Barack Obama tới thăm một trong những đối tác quan trọng trong chính sách xoay trục và tái cân bằng mà chính quyền của ông tích cực triển khai từ đầu nhiệm kỳ thứ hai năm 2012 nhằm đối phó với các thách thức lợi ích của Mỹ ở châu Á.
Tại chuyến thăm này, hàng loạt vấn đề dự kiến sẽ được thảo luận như TPP, vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, khắc phục hậu quả chiến tranh như tẩy rửa chất độc da cam/dioxin, hợp tác kinh tế - thương mại, an ninh – quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác. Theo Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng Nghị viện Mỹ, nhận xét trong trả lời Thông tấn xã Việt Nam, ngày 19/5/2016, “Tôi cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Obama thể hiện mối quan hệ hữu nghị, các quan tâm chung, sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại nói chung và hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nói riêng”. Ông cũng “hy vọng Tổng thống Obama sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam”.
Đối nội, với chuyến thăm này, Tổng thống Obama muốn gửi một thông điệp tới chính quyền kế nhiệm ở Mỹ về sự cần thiết tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác với Việt Nam, trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á/Biển Đông đang biến động và biến đổi với tốc độ nhanh chóng hơn dự đoán của các nhà hoạch định chính sách ở Washington.
Trải qua 20 năm, với những nỗ lực không ngừng nghỉ từ cả hai phía, có nhiều mối quan hệ song phương đã có nền tảng chắc chắn. Nổi bật là quan hệ kinh tế, với việc Mỹ trở thành một đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam. Kim ngạch buôn bán hai chiều đã tăng 90 lần, lên 45 tỷ USD năm 2015. Năm 2015, gần 19.000 du học sinh Việt Nam đến học tại các trường tại Mỹ, nhiều nhất trong các nước khu vực Đông Nam Á. Một khi TPP thành hiện thực, chắc chắn nó sẽ hình thành một hình thức liên minh mới về kinh tế thương mại giữa hai nước, dù TPP không ngăn cản các thành viên tham gia vào quá trình hội nhập và liên kết kinh tế khác tại châu Á.
Mỹ hợp tác để Việt Nam thu hoạch tốt nhất trong TPP
Gần đây, các nhà chính trị và ngoại giao Mỹ đã có chung một ý tưởng muốn có một “Việt Nam mạnh”. Khi đề cập đến vấn đề chính quyền Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương mà ông cho là “rất quan trọng”, Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh: “hiện nay đang nổi lên rất nhiều thách thức tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, do đó việc Việt Nam nâng cao năng lực phòng vệ có ý nghĩa quan trọng. Điều đó không có nghĩa là gây chiến với Trung Quốc, điều tôi muốn nói đó là một nước Việt Nam vững mạnh và luôn sẵn sàng trong mọi tình huống có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.
Phát biểu ngày 14/1/2016 tại Hội nghị quốc tế “20 năm quan hệ Việt - Mỹ: Các cơ hội kinh doanh – TPP và hợp tác giáo dục” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD) của Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ đồng tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đại sứ Ted Osius khẳng định: “Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh, thịnh vượng và phát triển độc lập”, “Việt Nam phát triển thịnh vượng thì có lợi cho Mỹ”.
Mới đây, Đại sứ Ted Osius, khi phát biểu trong cuộc gặp mặt một số học giả Việt Nam, đã đề cập đến cách thức mà nước Mỹ có thể làm phù hợp với tầm nhìn phát triển của Việt Nam: Nước Mỹ sẽ là một đối tác tin cậy của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế giai đoạn tới. Mỹ sẽ hợp tác để Việt Nam thu hoạch tốt nhất trong quá trình tham gia TPP; Việt Nam sẽ không chỉ là một nước gia công xuất khẩu hàng may mặc hay giày dép, mà sẽ tiến vào nấc thang cao hơn trong chuỗi sản xuất xuyên Thái Bình Dương.
Kinh tế vững mạnh là nền tảng sức mạnh để một quốc gia bảo đảm nền độc lập tự chủ của mình. Một nước Việt Nam vững mạnh sẽ càng có điều kiện đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Đông Nam Á/ASEAN./.
TS. Nguyễn Ngọc Trường
- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thăm Trung tâm CSSD
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đến thăm Trung tâm CSSD
- Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương thăm Trung tâm CSSD
- Tọa đàm về nội trị Trung Quốc
- Dự Lễ kỷ niệm 25 năm báo Quốc tế - Thế giới và Việt Nam
- Hai học giả Nga thăm và làm việc tại Trung tâm CSSD