Hoạt động
Việt Nam góp phần quan trọng vào kết quả Hội nghị ASEAN-Nga
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Nga tại hội nghị Sochi. Ảnh: Sputnik
Tại Sochi, LB Nga, trong hai ngày 19 và 20/5 diễn ra một sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng - cuộc gặp gỡ cấp cao ASEAN-Nga nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Nga và thông qua Tuyên bố Sochi và Kế hoạch hành động toàn diện ASEAN-Nga giai đoạn 2016-2020.
Các nhà lãnh đạo Nga và ASEAN cũng ghi nhận các văn kiện khác, gồm Báo cáo khuyến nghị chính sách của Nhóm các nhân vật nổi tiếng ASEAN-Nga; Kế hoạch hành động ASEAN-Nga về khoa học, công nghệ và đổi mới; Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình làm việc về thương mại và đầu tư ASEAN-Nga giai đoạn 2016-2020 và Chương trình làm việc ASEAN-Nga về hợp tác nông nghiệp và an ninh lương thực.
Hội nghị ghi nhận xu hướng đa cực ngày càng gia tăng trong quan hệ quốc tế, một số cấu trúc khu vực đang định hình, trong đó Thượng đỉnh Đông Á (EAS) có vai trò quan trọng, xác định duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các diễn đàn như EAS, ARF và ADMM+ cũng như hoan nghênh vai trò của Nga trong việc thúc đẩy hoà bình, an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo khẳng định hợp tác mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực, như thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; chống mọi hình thức, biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố cũng như bạo lực cực đoan và chủ nghĩa cấp tiến; hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, bao gồm buôn bán người, di cư bất hợp pháp, cướp biển, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm mạng; đẩy mạnh hợp tác về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, y tế, quản lý nguồn nước, và cải thiện việc tiếp cận nước sạch và không khí sạch.
Về Biển Đông, Tuyên bố Sochi đề cập hai điểm 9 và 10. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nga khẳng định tiếp tục ủng hộ việc tích cực duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Về kinh tế, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nga khẳng định thúc đẩy thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực thương mại điện tử với mục tiêu tăng thương mại và đầu tư hai chiều; nỗ lực gia tăng kim ngạch thương mại giữa các nước thành viên ASEAN và Nga; khuyến khích hợp tác giao thông vận tải; thăm dò hợp tác trong các lĩnh vực dầu khí, điện lực, sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng hạt nhân dân sự, và năng lượng tái tạo nhằm tăng cường an ninh năng lượng.
Một lĩnh vực thuộc thế mạnh và đáp ứng lợi ích của các bên, đó là thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và khu vực, cũng như mở rộng thương mại và đầu tư vào các sản phẩm thực phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường.
Về hợp tác khoa học và công nghệ, mà Nga có thế mạnh, các bên bày tỏ quan tâm tạo điều kiện phát triển một nền kinh tế đổi mới trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vũ trụ, và dược phẩm; thăm dò hợp tác thông qua việc chuyển giao công nghệ, phát triển và nghiên cứu công nghệ chung, cũng như xây dựng năng lực trong công nghệ vũ trụ và khả năng ứng dụng. Hai bên nhất trí đẩy mạnh liên hệ giữa những doanh nghiệp khởi nghiệp với các hiệp hội doanh nghiệp của các quốc gia thành viên ASEAN và Nga; thúc đẩy các điều kiện thuận lợi thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh chung và thuận lợi hoá thương mại.
Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, hai bên nhấn mạnh ưu tiên phát triển hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu văn hóa, trao đổi sinh viên và thanh niên, phát triển quan hệ nhân dân.
Sochi là cuộc gặp gỡ cấp cao lần thứ ba giữa ASEAN và Nga (Kuala Lumpur - 2005, Hà Nội - 2010), thực hiện theo sáng kiến của Tổng thống Nga V. Putin.
Thỏa thuận Sochi cho thấy Nga đang thông qua ASEAN triển khai chính sách hướng Đông, mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, giảm sức ép bao vây cấm vận của phương Tây trên hướng châu Âu, can dự vào tranh chấp Biển Đông phù hợp với lợi ích địa chính trị-kinh tế của Nga.
Trong hơn 10 năm qua, thương mại hai bên tăng hơn 5 lần, từ khoảng 4 tỷ USD (2003) lên trên 20 tỷ USD (2015). Lượng khách du lịch Nga đến ASEAN tăng gần 20 lần (lên khoảng 2,5 triệu người).
Các tập đoàn công nghiệp quân sự của Nga cũng đang tìm các thị trường xuất khẩu mà Đông Nam Á là một thị trường hấp dẫn. Khuyến khích sự can dự của Nga vào các công việc Đông Nam Á/Biển Đông là có lợi cho ASEAN đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc, trong bối cảnh Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung diễn ra gay gắt.
Thỏa thuận Sochi đặt cơ sở thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các quốc gia Đông Nam Á và Nga trong tầm nhìn trung hạn.
Các văn kiện đưa ra tại cuộc gặp cấp cao Sochi đánh giá tích cực các thành tựu sâu rộng đạt được trong 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Nga trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế-thương mại, văn hoá, giao lưu nhân dân và hợp tác phát triển, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ cũng như hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Việt Nam là đối tác lâu đời và quan trọng hàng đầu của Nga tại Đông Nam Á. Chuyến thăm Nga của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và tham dự Hội nghị ASEAN-Nga tại Sochi góp phần quan trọng vào kết quả của Hội nghị.
Những thỏa thuận tại Sochi cũng phản ánh rõ nét quan điểm của Việt Nam, phù hợp với đường hướng phát triển của quan hệ Việt-Nga, với lợi ích địa chính trị-kinh tế của ASEAN và Nga cũng như lợi ích của hòa bình, ổn định và phát triển tại Viễn Đông./.
TS. Nguyễn Ngọc Trường