Hoạt động
Phỏng vấn của VTC1
TS. Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam, là đồng tác giả của sách “Ngoại giao Việt Nam 1945-2000” (Nxb. Chính trị quốc gia, Hànội 2002). Trong cuốn sách này, TS Trường đã thực hiện 3 chương, trong đó có “Ngoại giao Việt Nam 1947-1954”, liên quan đến tổng kết Hội nghị Geneve về Đông Dương 1954.
Hình ảnh buổi phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường của VTC1
Nhận xét về những cuộc trao đổi của các học giả trong nước và quốc tế nhìn lại những bài học kinh nghiệm của ngoại giao Việt Nam về Hội nghị này, TS. Trường nói rằng các tác giả Việt Nam nặng về “tìm lỗi của người mà nhẹ về thấy lỗi của mình”. Về ý kiến cho rằng trong quá trình đàm phán, đoàn Trung Quốc khi thực hiện lợi ích của Trung Quốc đã xem nhẹ lợi ích Việt Nam, TS. Trường cho rằng thuộc tính của chính trị - ngoại giao nước lớn là tìm kiếm sự thỏa hiệp có lợi cho họ để tối đa hóa lợi ích nước lớn của họ và như vậy lợi ích của nước nhỏ thường dễ bị phương hại. Ngoại giao Việt Nam vừa ở chiến khu rừng núi ra thẳng đấu trường quốc tế, tuy các thành viên đều minh tuệ nhưng do thiếu thông tin, đánh giá chiến lược và nghệ thuật đàm phán (chưa ai được đào tạo chính quy về chính trị, ngoại giao quốc tế như bây giờ), nên không tránh khỏi hạn chế phần nào thu hoạch của phía Việt Nam. Trong không ít trường hợp, đoàn Việt Nam đã bị rơi vào “bẫy” nước lớn, trong đó có liên quan tới lợi ích của các bên trong liên minh chiến đấu Việt-Miên-Lào…
Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường, bài học quan trọng có ý nghĩa thực tiễn và thời sự của Geneve 1954 đối với ngoại giao Việt Nam, cũng như công chúng Việt Nam đương thời, đó là, nhận biết và tham gia hiệu quả vào các trò chơi chính trị (political games) mà các nước lớn thường tìm cách phát huy các lợi thế của họ. Nước nhỏ hay nước vừa nằm ở các vùng đệm ảnh hưởng của các nước lớn thường dễ trở thành nạn nhân của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nên phải hết sức khôn khéo tận dụng các vị thế địa-chiến lược của mình, biết “chơi” thăng bằng và đối trọng, lợi dụng mâu thuẫn, cho và nhận, tránh tình thế bế tắc chiến lược để tối đa hóa lợi ích quốc gia. Khi cần, cũng phải biết chấp nhận lựa chọn giữa những cái cục bộ, từng phần với những cái dài hạn, hành động thuận theo các xu thế và chiều hướng vận động của tiến hóa lịch sử. Đồng thời, 60 năm nhìn lại Hiệp định Geneve về Đông Dương 1954, mất cái này, được cái kia, cái quyết định vẫn là tiềm lực quốc gia, như một nguyên lý của ngoại giao Hồ Chí Minh, “thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng; chiêng có to, tiếng mới lớn”. Nếu không có những bài học kết quả một phần tại Geneve 1954, sao có được thành công trong cuộc đàm phán Paris 1968-1973 và Đại thắng mùa Xuân 1975.