Hoạt động
Phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA)
Ngày 23/7, các phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã thực hiện một cuộc phỏng vấn kéo dài 2 giờ rưỡi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm CSSD. TS. Nguyễn Ngọc Trường là một nhà bình luận quốc tế trên Đài truyền hình Việt Nam, nay ngồi trước ống kính truyền hình của phóng viên VOA, với nhiều câu hỏi sắc sảo của đài Mỹ.
Phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA)
Cuộc phỏng vấn đề cập đến vấn đề Biển Đông, vụ HD-981, quan hệ Việt-Trung, vai trò ASEAN, vai trò Mỹ đối với vấn đề Biển Đông, triển vọng giải pháp cho cuộc xung đột Biển Đông…
Trả lời câu hỏi Việt Nam căn cứ vào đâu để nói Hoàng Sa và Trường sa là của Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Trường, tác giả của cuốn sách “Về vấn đề Biển Đông” vừa xuất bản và được phát hành rộng rãi, cho rằng trong tất cả các nước giáp Biển Đông, không một quốc gia nào có một quá trình lịch sử xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lâu dài như Việt Nam. TS. Trường giới thiệu quá trình Việt Nam quản lý các đảo từ thời Đại Việt, trải qua bốn giai đoạn - bắt đầu từ thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) với đội Hoàng Sa thành lập trước năm 1631 - đến thời hiện đại, kéo dài 350 năm. Cũng không có một quốc gia tranh chấp nào sở hữu một kho tư liệu phong phú, đầy đủ như Việt Nam, bao gồm châu bản (chiếu chỉ của vua chúa), mộc bản, sách lịch sử, cùng các chứng liệu của các nhà thám hiểm, truyền giáo phương Tây và các nhà thám hiểm Trung Quốc… Khoảng năm 1838, triều đình Việt Nam xuất bản Bản đồ Đại Nam Nhất thống toàn đồ đã bao gồm hai quần đảo này. Trong khi Đại Thanh Đế quốc toàn đồ xuất bản năm 1905 thể hiện biên giới cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA)
Về câu hỏi tại sao Biển Đông quan trọng đối với Việt Nam, TS. Trường nhấn mạnh Biển Đông là một phần của lịch sử, văn hóa và đời sống người Việt trong quá trình dựng nước và giữ nước. Với 1 triệu km² lãnh hải, Việt Nam phấn đấu xây dựng thành một quốc gia biển mạnh. Biển Đông đã thành vấn đề quốc tế. Sau Chiến tranh Việt Nam, Mỹ ít quan tâm tới Biển Đông; nhưng từ năm 2009, Mỹ đã tái can dự và góp phần quan trọng trong quá trình giải quyết cuộc xung đột Biển Đông.
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đến thăm Trung tâm CSSD
- Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương thăm Trung tâm CSSD
- Tọa đàm về nội trị Trung Quốc
- Dự Lễ kỷ niệm 25 năm báo Quốc tế - Thế giới và Việt Nam
- Hai học giả Nga thăm và làm việc tại Trung tâm CSSD
- Hội thảo khoa học: “Hội nhập kinh tế quốc tế 30 năm nhìn lại”