Hoạt động
Hội nghị “20 năm Quan hệ Việt-Mỹ: Các cơ hội Kinh doanh – TPP và Hợp tác giáo dục”
Hội nghị diễn ra 3 phiên thảo luận. Buổi sáng thảo luận các vấn đề chung gồm các vấn đề chính trị, an ninh; buổi chiều về quan hệ thương mại, đầu tư, TPP, hợp tác giáo dục và xây dựng liên kết con người với con người. Các diễn giả là các lãnh đạo cao cấp, doanh nhân, nhà tư vấn hoạch định chính sách và nghiên cứu đến từ Mỹ và Việt Nam đã đưa ra những nhận định, đánh giá tổng quát về những bài học quan hệ Việt - Mỹ trong 20 năm qua và chia sẻ tầm nhìn về quan hệ hai nước 20 năm tới.
Ông Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch trung tâm CSSD, phát biểu khai mạc Hội nghị.
Quan hệ hai nước có sự thay đổi quan trọng về chất, tầm vóc và chiều sâu, đã chuyển từ cựu thù sang “Đối tác toàn diện”. Để có được kết quả như ngày hôm nay, không thể quên sự dốc lòng, dày công xây đắp và đóng góp của nhiều thế hệ người Việt Nam và Mỹ. Với TPP, Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành đồng minh trong một liên minh kinh tế.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã có bài phát biểu quan trọng, nêu ba bài học rút ra từ lịch sử quan hệ hai nước 20 năm qua: Một là, quan hệ Việt-Mỹ tốt đẹp phù hợp với lợi ích của mỗi nước và khu vực, ngược lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của hai nước cũng như an ninh, ổn định ở Đông Nam Á và cả châu Á-Thái Bình Dương; hai là, cần tranh thủ thời cơ; ba là, cần tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, đặc biệt không vì quan hệ với bên thứ ba mà làm tổn hại đến đối tác. Cần tiếp tục tìm cách giải quyết với phương châm xây dựng và củng cố lòng tin, xử lý tốt các nhân tố bên ngoài tác động quan hệ hai nước, chú trọng quan hệ về chất và tránh lặp lại các sai lầm trong quá khứ.
Đại sứ Mỹ Ted Osius nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và việc hoàn tất TPP, khẳng định “Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh, thịnh vượng và phát triển độc lập”, “Việt Nam phát triển thịnh vượng thì có lợi cho Mỹ”. Đại sứ cho rằng “20 năm vừa qua chỉ là phần mở đầu của một câu chuyện dài hơn và phong phú hơn nhiều”.
Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Ông Evan Medeiros, nguyên Giám đốc cao cấp về châu Á của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, cho biết “giao thương trong khu vực ASEAN đã phát triển nhưng chưa rõ ràng, các cải cách cấu trúc là điều cần thiết, khu vực có một số điểm sáng kinh tế là Việt Nam, Philippines và Myanmar”. Những biến động của nhiều nền kinh tế và thể chế chính trị trong khu vực này sẽ mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho Việt Nam khi nước này hoàn tất gia nhập TPP.
Ông Evan Medeiros, nguyên Giám đốc cao cấp về châu Á của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ
Tại Hội nghị, bà Wendy Cutler, nguyên Phó trưởng Đại diện thương mại Mỹ, ông Trương Đình Tuyển và ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Phó đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, đã đề cập các nội dung chính, phân tích các cơ hội và thách thức mà TPP mang lại cho Việt Nam. Bà Wendy Cutler nhận xét, Việt Nam cần tập trung vào tăng năng suất lao động; đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng (đường sá, cảng biển…); hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập nhiều hơn; tăng cường môi trường sáng tạo và hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với sự tham gia nhiều hơn của khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Bà Wendy Cutler, nguyên Phó trưởng Đại diện thương mại Mỹ
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, “TPP chính là chìa khóa mở ra triển vọng hợp tác của hai nước trong tương lai… Xét trên tổng hòa các thành viên gia nhập TPP, mỗi nước đều có cơ hội và thách thức riêng, trong đó tương quan Việt - Mỹ đã có nhiều cải thiện, cho phép hai nước hướng đến những triển vọng tươi sáng hơn”.
Phiên thứ 2 của Hội nghị: Thảo luận về TPP
Bên cạnh đó, có không ít thách thức lớn mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt phải thường xuyên đối mặt khi hoạt động tại thị trường Mỹ. Đó là sự cạnh tranh quyết liệt, luật lệ phức tạp, nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật AD, CVD, TBT, tiêu chuẩn lao động và môi trường. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại không có thương hiệu, gia công là chủ yếu. Mặt khác, Mỹ cũng yêu cầu cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ nên cũng là thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường (Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ sự lạc quan về cơ hội bứt phá của ngành dệt may khi TPP được hoàn tất. Dự kiến đến năm 2020, ngành dệt may Việt Nam sẽ có quy mô trên 50 tỷ USD, riêng xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã là 22-23 tỷ USD.
Ở góc độ là nhà đầu tư, bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Intel Việt Nam, chia sẻ việc Intel đã cân nhắc rất nhiều yếu tố như địa điểm, cơ sở vật chất, điện, nước, hàng không, nguồn nhân lực, hệ sinh thái, tính ổn định chính trị, khung pháp lý… Cho đến nay, trung tâm kiểm thử phần mềm lớn nhất của Intel toàn cầu cũng đặt tại Việt Nam.
Phiên thứ 3 của Hội nghị: Bàn về lĩnh vực giáo dục
Trên lĩnh vực giáo dục: Các học giả Mỹ đánh giá cao sự năng động và thông minh của thế hệ trẻ cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Đại sứ Mỹ Ngài Ted Osius nêu bật các thành tựu của hợp tác giáo dục: “trong năm 2015, gần 19.000 du học sinh Việt Nam đến học tại các trường tại Mỹ, nhiều nhất trong các nước khu vực Đông Nam Á”; ông khẳng định giáo dục đang trở thành lĩnh vực trọng tâm giữa hai nước, sự ra đời của TPP sẽ củng cố thêm mối quan hệ giữa 2 nước trong mọi lĩnh vực, nhất là trong kinh tế và giáo dục. Thế hệ trẻ Việt Nam cần chủ động, sáng tạo, học hỏi các phương thức vận hành kinh tế của thế giới nói chung và Mỹ nói riêng.
Nhiều đại biểu đánh giá cao việc trường Đại học Fullbright Việt Nam (FUV) sẽ được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai gần. FUV sẽ đóng góp đào tạo ra một thế hệ sinh viên có chất lượng, một thế hệ lãnh đạo đầy tiềm năng cho Việt Nam và đóng góp vào sự thay đổi phát triển của Việt Nam một cách bền vững. Đây là những xung lực quan trọng đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển ngày càng hiệu quả và thực chất hơn nữa./.
Bài trên trang CSIS: http://cogitasia.com/csis-commemorates-20th-anniversary-of-u-s-vietnam-relations/