Bình luận Thời sự
Năm 2014: Trung Quốc vượt Mỹ về PPP
Báo chí thế giới đưa nhiều phân tích về khả năng trong năm 2014 Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP theo sức mua PPP. Tin tức được đưa ra từ tháng 5/2014, khi tổ chức Chương trình So sánh Quốc tế - International Comparison Program (ICP) – một tổ chức được Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới WB bảo trợ – đưa ra báo cáo ngày 30/4 về GDP của các quốc gia tính theo sức mua PPP. Theo báo cáo này, GDP theo PPP của Trung Quốc năm 2011 đã đạt mức 75% của Mỹ. Dựa theo ICP, WB dự báo, có thể đâu đó trong năm 2014, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP theo cách tính này. Gần đây nhất, ngày 7/10/2014, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã công bố bản báo cáo Dự báo Kinh tế Thế giới (WEO-2014). Trong báo cáo này, IMF đã đưa ra dự báo GDP theo PPP của Trung Quốc năm 2014 sẽ đạt 17.632 nghìn tỷ USD, vượt qua GDP của Mỹ (17.416 nghìn tỷ USD). Nhiều nhà phân tích trên thế giới dẫn số liệu này và tuyên bố “Trung Quốc vượt Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
Tại cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Sunnylands, California, ngày 7-8/6/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiếc ghế băng làm từ gỗ California, đủ cho 2 người ngồi. Phải chăng ám chỉ về khuôn khổ và tính chất quan hệ Mỹ-Trung giai đoạn mới?
Thông báo của IMF là một sự kiện đáng chú ý trong tình hình kinh tế thế giới ảm đạm hiện nay, khi IMF vừa mới hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới 2014-2015 do tình hình không thuận lợi. Lại nữa, trong bối cảnh chính sách tái cân bằng sang Đông Á – Thái bình Dương mà Mỹ đang triển khai hiện nay và “Trung Quốc mộng” mà ông Tập Cận Bình mới đưa ra năm 2013, giới chiến lược gia quốc tế không khỏi đặt câu hỏi liệu sự kiện này sẽ tác động thế nào tới cuộc đọ sức tại châu Á giữa “Đại bàng” Mỹ với “Rồng” Trung Hoa trong những năm tới?
Trước mắt, giới kinh tế tranh cãi trên ba khía cạnh: (1) Liệu Trung Quốc có thực sự vượt được Mỹ về GDP theo PPP trong năm nay hay 2015 không; (2) Giá trị thực của chỉ số GDP theo PPP là gì; và (3) Bao giờ thì Trung Quốc đuổi kịp Mỹ về GDP danh nghĩa?
GDP danh nghĩa và GDP theo PPP
GDP của các quốc gia đương nhiên phải tính theo tiền tệ của quốc gia đó. Nhưng do sự giao lưu kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng gia tăng nên nhu cầu so sánh GDP của các quốc gia với nhau là thực sự cần thiết. Cách tính truyền thống là áp dụng tỷ giá hối đoái tiền tệ của các quốc gia để quy đổi ra đồng tiền phổ thông nhất là đồng đô-la Mỹ để tính GDP. Kết quả là ta được GDP danh nghĩa của một nền kinh tế theo USD.
GDP danh nghĩa có ý nghĩa thực sự khi đánh giá khả năng thương mại và đầu tư quốc tế của một quốc gia. Mặt khác, vì tính theo tỷ giá hối đoái nên GDP của một quốc gia tính theo USD trong nhiều trường hợp không phản ánh đúng thực tế của nền kinh tế quốc gia đó. Ví dụ như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, đồng baht Thái mất giá so với USD tới 40.2% từ tháng 6/1997 tới tháng 7/1998. Hậu quả là GDP danh nghĩa của Thái Lan tính theo USD cũng giảm mất 40% trong thời gian trên. Nhưng trên thực tế nền kinh tế Thái Lan không suy giảm đến mức như vậy.
Do giá cả trong từng quốc gia khác nhau nên mức sống thực của dân cư các nước không chênh lệch theo như tỷ giá hối đoái tiền tệ. Tại các nước đang phát triển, giá sinh hoạt thường thấp hơn nhiều so với tại các nước phát triển cao như Mỹ, Liên minh châu Âu. Với một đồng đô-la Mỹ họ có thể mua được nhiều sản phẩm hơn so với ở Mỹ. Vì vậy, gần đây các tổ chức kinh tế quốc tế áp dụng thêm cách tính khác để so sánh các nền kinh tế, đó là theo sức mua của nội tệ (PPP). Việc tính PPP rất phức tạp, dựa trên một gói các mặt hàng hóa. Vì vậy nó cũng không phản ánh hoàn toàn chính xác bức tranh thật của một nền kinh tế. Tuy vậy, PPP vẫn cung cấp cho ta thông tin giá trị về kinh tế của một nước. PPP cho phép sự so sánh ổn định hơn so với cách tính GDP dang nghĩa vốn bị dao động nhiều hơn bởi tỷ giá hối đoái. ICP đã hai lần công bố thống kê GDP theo PPP của các nước, lần đầu vào 2006 và lần sau vào 2011.Các thống kê và dự báo của WB và IMF đều dựa trên cách tính và dữ liệu của ICP.
Trường hợp Trung Quốc
Theo số liệu do WB công bố, nếu tính theo GDP danh nghĩa thì nền kinh tế Trung Quốc năm 2009 bằng trên 1/3 của Mỹ (4.990 tỷ USD so với 14.417 tỷ USD), nhưng đến 2013 thì bằng gần 2/3 (9.240 tỷ USD so với 16.800 tỷ USD).Theo dự báo mới nhất của IMF, GDP Trung Quốc có thể đạt 10,355 nghìn tỷ USD và của Mỹ là 17,416 nghìn tỷ. Như vậy, dù kinh tế Trung Quốc tiến khá nhanh nhưng khoảng cách với kinh tế Mỹ vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, nếu tính theo PPP thì năm 2013 Trung Quốc đã đuổi sát Mỹ về GDP (16.157 tỷ USD so với 16.800 tỷ USD của Mỹ) và sẽ vượt Mỹ trong năm 2014 theo như dự báo nêu trên của IMF. Dù nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc hiện nay đang chậm lại, nhưng dự đoán không dưới 7% trong năm 2014, trong khi đó theo dự báo lạc quan nhất thì Mỹ có thể đạt mức tăng khoảng 3% trong năm nay. Với nhịp độ như vậy, GDP theo PPP của Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt của Mỹ trong năm nay. Bảng dưới đây của WB cung cấp sự so sánh giữa GDP danh nghĩa và theo PPP của một số nền kinh tế chính: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Do đồng đô-la Mỹ được chọn làm đơn vị tham chiếu nên GDP của Mỹ dù danh nghĩa hay theo PPP cũng chỉ là một.
So sánh GDP: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản
(tính theo USD)
Quốc gia |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
---|---|---|---|---|---|
Mỹ |
14,417,900,000,000 |
14,958,300,000,000 |
15,533,800,000,000 |
16,244,600,000,000 |
16,800,000,000,000 |
Trung Quốc - PPP |
10,833,198,177,981 |
12,109,773,059,238 |
13,495,911,828,551 |
14,782,696,638,977 |
16,157,703,598,062 |
Trung Quốc - danh nghĩa |
4,990,233,518,752 |
5,930,502,270,317 |
7,321,891,954,613 |
8,229,490,030,098 |
9,240,270,452,050 |
Ấn Độ - PPP |
4,914,280,002,328 |
5,484,072,355,954 |
5,962,977,517,258 |
6,354,588,226,933 |
6,774,440,834,680 |
Ấn Độ - danh nghĩa |
1,365,372,433,342 |
1,708,458,876,830 |
1,880,100,141,185 |
1,858,744,737,180 |
1,876,797,199,133 |
Nhật Bản - PPP |
4,081,113,173,647 |
4,322,669,891,999 |
4,386,151,899,189 |
4,504,776,321,223 |
4,624,359,438,059 |
Nhật Bản - danh nghĩa |
5,035,142,154,901 |
5,495,387,182,996 |
5,905,630,870,455 |
5,937,766,585,288 |
4,901,529,519,266 |
Nguồn: http://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.PP.CD
Tuy vậy, giới kinh tế thế giới vẫn còn tranh cãi liệu Trung Quốc có thực sự sẽ vượt kinh tế Mỹ trong năm nay không. Vấn đề là cách tính PPP tùy thuộc vào một loạt chỉ số hàng hóa và các chuyên gia kinh tế không thống nhất được cách tính ấy. Trong khi WB đưa ra con số khá lạc quan cho kinh tế Trung Quốc thì IMF đưa con số 13.395 tỷ USD cho năm 2013, và CIA cho con số 13.390 tỷ. Như vậy, có sự chênh lệch về các con số. Dù vậy, có thể thấy GDP theo PPP của Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt của Mỹ, dù sớm (2014) hay muộn (2015 hoặc 2016).
Một số nhà kinh tế Mỹ còn cho rằng con số GDP chính thức do Trung Quốc đưa ra có phần bị thổi phồng, do đó không phản ánh thực sự GDP danh nghĩa hay PPP.
Vấn đề khác mà giới nghiên cứu kinh tế đặt ra là: bao giờ thì Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP danh nghĩa? Tất nhiên không thể có câu trả lời chắn chắc vì tình hình còn phụ thuộc vào sự năng động của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, mà cả hai đều gặp không ít vấn đề. Hiện nay kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng khá nhất trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) gồm hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, song cũng vướng một loạt vấn đề cơ cấu: thâm hụt triền miên về ngoại thương và ngân sách; năng suất lao động không tăng. Vì vậy không có gì chắc chắn là Mỹ sẽ có đợt tăng trưởng khá mạnh và lâu dài như trong những thập kỷ 1980 và 1990. Về phần mình, Trung Quốc cũng đang vướng vào vấn đề nợ quá lớn (251% GDP vào giữa năm nay) và nợ xấu. Trung Quốc nay chủ trương phát triển chậm lại để bảo đảm tăng trưởng bền vững và giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Vì vậy, các dự báo về thời điểm Trung Quốc vượt Mỹ về GDP danh nghĩa dao động trong khoảng các năm 2021-2027.
Việc mô tả “Trung Quốc vượt Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới” trên nhiều tờ báo và tạp chí gần đây là có phần thái quá mà mục đích là gây chú ý. PPP tuy có giá trị nhất định trong đánh giá nền kinh tế của một nước nhưng trong so sánh quốc tế vẫn phải áp dụng thêm cả cách tính GDP danh nghĩa. Thực tế là cả WB và IMF đều đưa ra cả hai cách tính trong các thống kê của mình về kinh tế của các nước. Ngoài ra khi so sánh sức mạnh thực của hai nền kinh tế, người ta còn đưa ra thêm các tiêu chí khác như tài sản quốc gia, ảnh hưởng và khả năng tác động vào nền kinh tế thế giới, trình độ khoa học kỹ thuật và khả năng sáng tạo, v.v.. Ví dụ, về tài sản quốc gia, năm 2013, Viện Nghiên cứu Credit Suisse đưa ra con số tài sản ròng của Mỹ là 81.856 nghìn tỷ USD (29,9 % tổng tài sản thế giới) và của Trung Quốc là 22.190 nghìn tỷ (9,21%) – tức là bằng ¼ của Mỹ. Cho dù có sai số thì mức chênh lệch giữa hai nước vẫn là quá lớn (gần 60 nghìn tỷ USD). Xét về nhiều mặt, nền kinh tế Trung Quốc còn phải khá lâu nữa mới có thể đuổi kịp kinh tế Mỹ. Còn nếu xét về thu nhập theo đầu người thì khoảng cách còn xa hơn nữa vì dân số Trung Quốc đông hơn Mỹ gấp nhiều lần.
Dù sao đi nữa đây vẫn là một sự kiện lớn có ý nghĩa về kinh tế, chính trị và tâm lý. Cho dù có thể Trung Quốc không hứng thú lắm với tin này vì họ có thể không còn được coi là nước đang phát triển, do đó phải gánh vác các trách nhiệm quốc tế lớn hơn, nhưng việc “vượt qua Mỹ” vẫn mang một ý nghĩa tượng trưng to lớn đối với một quốc gia đang tìm kiếm vị thế một cường quốc thế giới. Nó củng cố niềm tin của người dân Trung Hoa về “Trung Quốc mộng’, về khả năng Trung Quốc có thể khôi phục lại sự huy hoàng cách đây gần 2 thế kỷ khi nền kinh tế Trung Quốc đứng đầu thế giới, và nay có thể nhắm đến mục tiêu thành một siêu cường. Với dấu mốc mới này, Trung Quốc chắc chắn sẽ có tiếng nói lớn hơn trên diễn đàn kinh tế thế giới và trên bàn cờ chính trị - chiến lược quốc tế.
Về kinh tế, Trung Quốc đã ghi điểm trong các thời điểm kinh tế thế giới lao đao như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và cuộc Đại khủng hoảng tài chính 2008-2009 khi đã không làm cho tình hình tồi tệ thêm, trái lại đã tạo ra động lực chính để kéo nền kinh tế thế giới ra khỏi suy thoái. Nay thì Trung Quốc đang thúc đẩy một cuộc vận động quốc tế nhằm giảm bớt vai trò quốc tế của đồng đô-la Mỹ, nâng cao vị thế của Trung Quốc tại các thể chế tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB. Với sức mạnh mới của nền kinh tế Trung Quốc, lời đồn đại về một cơ chế G-2 có thể sẽ sớm trở thành hiện thực.
Tác động của PPP trong chạy đua vũ trang Trung – Mỹ
Một ý nghĩa nữa của PPP đối với Trung Quốc là về cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ. Việc GDP (PPP) của Trung Quốc vượt của Mỹ cùng với nhịp độ tăng trưởng cao của Trung Quốc sẽ tác động thế nào tới cuộc chạy đua của Trung Quốc nhằm đuổi kịp sức mạnh quân sự của Mỹ trong những năm tới?
Theo WB, chi quân sự của Trung Quốc năm 2013 chiếm 2,1% GDP và tỷ lệ này đang tăng dần lên, trong khi đó tỷ lệ của Mỹ năm là 3,8% nhưng đang có xu hướng giảm thêm nữa.
Ngân sách quân sự của Mỹ (chỉ tính ngân sách thường xuyên của Bộ quốc phòng, không kể khoản dự phòng chi cho cuộc chiến ở nước ngoài (Trung Đông) dưới hạng mục OCO (hoạt động chống khủng bố tại nước ngoài) và các khoản chi mang tính quân sự - an ninh tại các các cơ quan chính phủ khác) sau khi đạt đỉnh cao năm 2008 với 686 tỷ USD bắt đầu bị cắt giảm dần, đến năm 2014 chỉ còn 496 tỷ, và sang 2015 vong 495,6 tỷ USD. Ngân sách quân sự của Trung Quốc năm 2014 theo thông báo chính thức của phía Trung Quốc là 132 tỷ USD, tăng 12,2% so với 2013. Tuy nhiên các chuyên gia nước ngoài cho rằng con số thực có thể lên đến 40% và có thể bằng ½ ngân sách quân sự của Mỹ.
PPP có hai ý nghĩa trong vấn đề chi quân sự của Trung Quốc. Thứ nhất, ngân sách quân sự của Trung Quốc theo sức mua thực tế sẽ lớn hơn nhiều so với con số 132 tỷ USD năm 2014. Với tỷ lệ 2,1% ngân sách cho quân sự (WB), chi phí quân sự theo PPP sẽ là khoảng 350 tỷ USD. Thứ hai, tỷ lệ chi phí cho nhân sự thấp hơn (do PPP) sẽ cho phép Trung Quốc tập trung nhiều hơn ngân sách cho mua sắm vũ khí. Theo Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược London (IISS) chi phí cho nhân sự chiếm khoảng 1/3 ngân sách quân sự của Trung Quốc, trong khi các tỷ lệ tương ứng cho Mỹ ít nhất là 50%. Tất nhiên, khi mua sắm vũ khí của nước ngoài thì Trung Quốc vẫn phải trả theo tỷ giá hối đoái.
Với nhịp độ tăng chi quân sự hàng năm ở Trung Quốc luôn ở mức cao hai con số trong suốt hai thập kỷ qua, Trung Quốc sẽ sớm đuổi kịp Mỹ về chi quân sự. Song để đạt tới quy mô và trình độ hiện đại quân sự của Mỹ thì Trung Quốc còn phải mất thời gian lâu hơn nhiều, bởi vì những lợi thế về PPP, về chi phí cho nhân lực, về giá cả vũ khí sẽ giảm dần theo mức độ phát triển của kinh tế Trung Quốc./.
- SÁNG KIẾN “VÀNH ĐAI VÀ CON ĐƯỜNG”: 6 NĂM NHÌN LẠI
- Cố vấn cao cấp CSSD bình luận về Biển Đông
- Thái độ của Việt Nam với Biển Đông: Thận trọng, tính toán
- ‘Chúng ta không thể mất biển, mất đảo được’
- Trung Quốc luôn đuối lý trong vụ việc Bãi Tư Chính ở Biển Đông
- Cố vấn cao cấp CSSD tham gia chuyên mục Toàn cảnh thế giới VTV1