Bình luận Thời sự
Chính sách đối ngoại Obama 2 năm còn lại trước tác động của Quốc hội Cộng hòa
Các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương sẽ có dịp chiêm nghiệm sự thay đổi ấy trong chuyến đi đầu tiên của Tổng thống Mỹ sang khu vực sau cuộc tuyển cử làm xoay chuyển cán cân quyền lực ở nước Mỹ. Ông Obama dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh và gặp ông Tập Cận Bình. Sau đó ông sẽ sang Myanmar gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN và dự Thượng đỉnh Đông Á (EAS), rồi sang Australia dự hội nghị G-20.
Để dự đoán chính sách đối ngoại Mỹ, cần xem xét một số yếu tố cơ bản trong chính trị Mỹ. Thứ nhất, khi bầu cử đã xong, người ta có xu hướng bắt tay trở lại công việc, tất nhiên là theo tương quan lực lượng mới, mà không sợ ảnh hưởng tới lá phiếu cử tri như trước tuyển cử. Thứ hai, không giống như trong các vấn đề đối nội, chính sách đối ngoại vốn được vạch ra chủ yếu bởi các chuyên gia chiến lược thường có sự đồng thuận tương đối trong giới lãnh đạo Mỹ, tuy không loại trừ một số lời đấu đá nhau của các chính khách. Thứ ba, các tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ cuối, do không phải lo đến lá phiếu của cử tri, thường có xu hướng quyết đoán hơn trong chính sách để “đi vào lịch sử”. Thứ tư, đảng Cộng hòa, dù có muốn gây khó dễ cho tổng thống Obama, có thể cũng phải cân nhắc cách hành xử sao cho tạo được uy tín để còn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống trong 2 năm tới. Rất nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa đang nhắm tới cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nên có thể không muốn tạo hình ảnh là kẻ phá ngang trong chính sách đối ngoại.
Nói cho cùng thì trong 2 năm tới, chính quyền Obama và Quốc hội Cộng hòa vẫn phải cơ bản đi theo “lợi ích quốc gia” của Mỹ khi quyết sách các vấn đề đối ngoại. Mà vấn đề cơ bản đặt ra với nước Mỹ là ưu thế tuyệt đối của Mỹ đang suy giảm trong khi các trung tâm quyền lực khác, đặc biệt là Trung Quốc, đang mạnh lên, nhưng nước Mỹ đã sa lầy quá lâu và quá sâu vào khu vực Trung Đông và vấn đề chống khủng bố. Vì vậy, việc giảm bớt dính líu ở Trung Đông và chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường thực lực kinh tế và quân sự – chiến lược là xu hướng khó có thể đảo ngược được, ngay cả trong trường hợp phái Cộng hòa chiếm được Nhà Trắng năm 2017. Cho dù Barack Obama thất thế sau tuyển cử vừa qua thì các vấn đề đối ngoại của Mỹ hiện nay vẫn phải được xem xét trong khung chiến lược đó.
Vấn đề cấp bách là mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Quyết sách đối ngoại đầu tiên của ông Obama ngay sau tuyển cử là gửi thêm 1.500 binh sĩ Mỹ sang Iraq, dù không tham chiến trực tiếp, nhưng sự can dự đã đẩy Mỹ tới ngấp nghé một hình thái chiến tranh đặc biệt. Việc công bố tin tăng quân này được thực hiện sau khi Barack Obama có cuộc tham vấn với giới lãnh đạo Cộng hòa trong Quốc hội. Điều này làm dấy lên nghi vấn: phải chăng ông Obama chịu sức ép của đảng Cộng hòa? Hay là vị tổng thống Mỹ, được sự ủng hộ của cánh đối lập, quyết tâm giải quyết dứt điểm cái gai IS và Al Qaeda trước khi rời Nhà Trắng? Bất kể vì lý do gì thì IS vẫn là điều bất ngờ làm nhiễu loạn chiến lược tái cân bằng của Mỹ và có lẽ cả hai đảng lớn nhất của Mỹ đều không muốn sa lầy trở lại tại khu vực Trung Đông. Có thể dự đoán Mỹ sẽ tăng cường các nỗ lực chống IS, nhưng độ dính líu trực tiếp của Mỹ đến đâu thì khó mà nói trước được. Nhưng chắc chắn Mỹ sẽ phải tăng cường lôi kéo các tay chơi khác vào cuộc, trong đó Iran có thể là diễn viên quan trọng và xa hơn có thể phải tính đến cả nước Nga.
Chính quyền Obama dưới tác động của Quốc hội Cộng hòa sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống IS
Điều này dẫn ta đến một vấn đề đau đầu khác của Mỹ: nước Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine. Vấn đề Ukraine vốn thuộc lợi ích ngoại vi của Mỹ, nhưng lại là vấn đề sống còn của nước Nga. Trong khi Mỹ không được gì mấy mà cũng chẳng mất gì trong cuộc khủng hoảng này, đây lại là vấn đề ung nhọt của nước Nga ngay tại yếu huyệt của nước này khiến Moscow không thể không hành động mạnh mẽ và quyết đoán. Về chính trị, Mỹ khó có thể đứng ngoài cuộc làm ngơ. Nhưng hành động “trừng phạt” của Mỹ lại dẫn đến hệ lụy khác: Mỹ đang đẩy nước Nga vào tay đối thủ chiến lược đáng ngại nhất hiện nay là Trung Quốc. Các chính khách Cộng hòa sẽ đau đầu trước lựa chọn phải trừng phạt Nga mạnh hơn nữa theo khuynh hướng diều hâu của họ hay phải tìm cách tách Nga ra khỏi Trung Quốc và tranh thủ Moscow trong cuộc chiến chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Ở trung tâm của cuộc xung đột Trung Đông hiện nay, Nga vẫn còn không ít con bài tủ. Ngoại trưởng Syria mới đây đã kêu gọi Moscow “lợi dụng tình hình” khó khăn của chính quyền Obama để bán cho Syria các vũ khí hiện đại, trong đó có tổ hợp tên lửa S-300.
Những tín hiệu gần đây cho thấy có vẻ như các bên liên quan tới cuộc xung đột Ukraine đang vận động tới một giải pháp nào đó có thể gỡ thể diện cho các bên. Tuy nhiên vai trò chủ yếu lại thuộc các tay chơi bên trong Ukraine. Nếu họ không thể thỏa hiệp để đưa đất nước Ukraine khỏi thảm họa quốc gia thì các nước lớn còn có thể bị lôi kéo sâu vào cuộc khủng hoảng này.
Quay sang châu Á, ông Obama dù có thất thế sau cuộc bầu cử Quốc hội vẫn có thể mang theo những con bài quan trọng để đặt lên bàn trước các đồng nghiệp khu vực. Thứ nhất, kinh tế Mỹ vẫn là điểm sáng nhất trong nhóm OECD và cùng với kinh tế Trung Quốc là hai đầu tàu duy nhất kéo kinh tế thế giới lên trong thời buổi khó khăn chung. Thành tựu đáng nể khác của Mỹ là tăng được sản lượng dầu mỏ lên thêm 3 triệu thùng/ngày trong vòng 6 năm và giảm mức phụ thuộc vào dầu nhập từ 60% xuống còn 20% trong thời gian trên, đẩy giá dầu giảm tới 25% trong vòng 4 tháng qua. Tình hình dầu lửa khiến hầu hết các nước châu Á được lợi lớn, trừ một thành viên APEC khác là Nga.
Thứ hai, kết quả tuyển cử có thể tạo thuận lợi hơn cho ông Obama kiếm được “quyền đàm phán nhanh” trong cuộc thương lượng về khu vực mậu dịch tự do xuyên Thái Bình Dương TPP khổng lồ. Lâu nay, người đứng đầu Nhà Trắng không có được quyền này chính là do sức cản của các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ của ông ta, vốn sợ mất việc làm ở Mỹ do TPP. Ngược lại chính các nghị sỹ Cộng hòa lại là đồng minh của Tổng thống trong vấn đề thương mại quốc tế.
Thứ ba, ông Obama nay có thể mạnh miệng hơn cam kết với các đồng minh châu Á – Thái Bình Dương đẩy mạnh triển khai chiến lược xoay trục sang khu vực. Các nước này đang gây sức ép Mỹ phải tăng cường cam kết bảo vệ họ và có thái độ kiên quyết hơn trước một Trung Quốc ngày càng ngang ngược và quả quyết. Các chính khách Cộng hòa vốn luôn có xu hướng muốn tỏ thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc, ủng hộ mạnh việc tăng cường vũ trang, vì vậy họ có thể tạo thêm hy vọng cho các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực. Ông Obama khó có thể kém cứng rắn hơn các chính khách Cộng hòa.
Đối tượng khó nhằn nhất đối với Obama trong chuyến đi châu Á tuần này có lẽ chính là vị chủ nhà Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng có thể đặt lên bàn không ít con bài lớn: việc Trung Quốc ngang ngửa với Mỹ về GDP tính theo PPP vào cuối năm nay; nền kinh tế lớn duy nhất có mức tăng trưởng trên 7% và là đầu tầu quan trọng nhất của kinh tế thế giới hiện nay; lực lượng quân sự đang tăng nhanh chóng mặt; một “đồng minh” Putin đang ngồi cùng bàn, v.v.. Người ta có thể thấy cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung sẽ ngày càng gay gắt hơn trong những năm tới. Với thế lực mới, Trung Quốc sẽ là đối tác mà Mỹ không thể bỏ qua và hai bên sẽ có nhiều vấn đề để bàn với nhau, từ kinh tế – thương mại song phương, các vấn đề tài chính, tiền tệ, thương mại cho đến vấn đề môi trường của thế giới cũng như các các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Với Việt Nam, kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ chắc không tác động gì lớn tới chiều hướng chính sách của Washington vì lâu nay chính sách Việt Nam luôn có được sự nhất trí lưỡng đảng. Thượng nghị sĩ CH John McCain, người chắc sẽ là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đầy quyền lực từ đầu năm tới, vừa đi thăm Việt Nam hồi tháng 8 và là một trong những động lực thúc đẩy việc gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông McCain cùng với đương kim Ngoại trưởng J. Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng C. Hagel (Cộng hòa) đều là những nhân vật then chốt thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Trước các biến động khó lường trên bàn cờ chiến lược châu Á – Thái Bình Dương, mà Việt Nam ở vị trí địa chính trị then chốt tại khu vực có thể là điểm quan tâm chú ý hơn ở Mỹ.
Tuy vậy, vẫn có những vấn đề cần lưu ý. Đảng Cộng hòa vốn là chỗ dựa của các nhóm tôn giáo bảo thủ ở Mỹ nên sức ép về tôn giáo đối với Việt Nam có thể tăng lên, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang đàm phán TPP với Việt Nam./.
Đại sứ Phạm Văn Quế, Cố vấn Trung tâm CSSD, nguyên Vụ trưởng Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao.
- Đổi mới tạo nên sức mạnh, nền tảng mới cho hội nhập, đối ngoại
- Để bảo vệ đất nước từ xa tốt nhất
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh bình luận về xung đột Nga-Ukraine
- Các cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ lý giải lá phiếu trắng về Ukraine
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh bình luận về Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ (12-13/5/2022)
- CSSD: CỐ VẤN CAO CẤP PHẠM QUANG VINH BÌNH LUẬN VỀ HỘI NGHỊ CẤP CAO ĐẶC BIỆT ASEAN-HOA KỲ