Bình luận Thời sự
Bốn đặc điểm của thế giới 2014
Thứ nhất, những cuộc xung đột và khủng hoảng cục bộ phản ánh sự chuyển biến tương quan lực lượng giữa các trung tâm quyền lực thế giới, thể hiện những mâu thuẫn địa-chính trị gay gắt và bộc lộ một số mâu thuẫn mang tính phổ biến.
Cuộc khủng hoảng Ukraine phản ánh sự cọ xát chiến lược gay gắt giữa Nga với Mỹ-EU-NATO nổi bật nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các hệ quả không bên nào dự báo trước được. Mỹ và NATO vẫn theo đuổi chủ trương kiềm chế Nga, thu hẹp không gian hậu Xô Viết. Việc Nga thu hồi Crimea là cuộc phản kích chiến lược thứ hai của Nga, sau cuộc phản kích đầu tiên trong cuộc chiến tranh 7 ngày với Gruzia năm 2008. Nước Nga vận dụng tất cả những con bài họ có trong tay về quân sự, chính trị, ngoại giao và dầu lửa để đối phó với cuộc bao vây cấm vận nghiêm trọng của phương Tây. Một hệ quả quốc tế quan trọng là thúc đẩy tập hợp lực lượng mới giữa Nga và Trung Quốc. Đến lượt nó, liên kết chiến lược Nga-Trung ảnh hưởng tới các quan hệ địa-chính trị trên đại lục Á-Âu và Đông Á nói riêng theo những cách thức ngoài dự kiến. Bàn cờ địa chính trị/năng lượng châu Âu cũng biến hóa với việc Nga hủy dự án “Dòng chảy phương Nam” vận chuyển khí đốt vào Nam Âu, nhưng lại tặng Thổ Nhĩ Kỳ món quà lịch sử đóng vai trò trạm phân phối khí đốt tương lai cho EU, tăng cường tiếng nói của Ankara trong các cuộc đàm phán với EU và trở thành đối tác thương mại chủ yếu của Nga. Đây là là một ví dụ sinh động về việc các nước vừa và nhỏ triệt để khai thác cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và mâu thuẫn Nga-Mỹ để tối ưu hóa lợi ích quốc gia của mình. Cuộc chơi chính trị dầu lửa của Nga đã hối thúc Cộng đồng châu Âu phát triển một chiến lược năng lượng độc lập, dựa trên các nguồn dầu khí nhập khẩu đa dạng, tăng cường các nguồn năng lượng xanh, đẩy mạnh nghiên cứu phát minh công nghệ năng lượng mới.
Sự xuất hiện thế lực Hồi giáo cực đoan mới – Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – là sản phẩm của chính sách và các cuộc chiến tranh áp đặt từ bên ngoài cùng với xung đột và khủng hoảng nội tại của khu vực Trung Đông và thế giới Hồi giáo. Những cuộc cách mạng đường phố của mùa Xuân Arập là một phần của tảng băng ngầm chiến tranh loan lạc, khủng hoảng và mâu thuẫn mang tính phổ biến.
Phong trào “Chiếm trung tâm” hay còn gọi “Cuộc cách mạng ô dù” ở Hong Kong lại thể hiện một dạng mâu thuẫn khác – giữa việc bảo đảm quyền tự do dân chủ với phát triển kinh tế. Trung Quốc dù đã trải qua 30 năm cải cách, mở cửa, dù đã đạt được những thành tựu kinh tế to lớn, nhưng vẫn chưa thể giải quyết thành công mâu thuẫn ấy.
Trở lại vấn đề Trung Đông, Mỹ buộc phải tái can dự vào cuộc xung đột Iraq và tìm kiếm tập hợp lực lượng mới để tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt chống IS ở Iraq và Syria. Cuộc chiến tranh đặc biệt này mang nặng mùi dầu lửa, liên quan đến việc kiểm soát nguồn năng lượng Trung Đông và tác động vào thị trường dầu lửa thế giới. Còn có một tác động lâu dài hơn thế: nhờ đột phá công nghệ khai thác dầu khí đá phiến, Mỹ đã trở thành một trong những cường quốc dầu khí hàng đầu thế giới, và việc nhiều nước công nghiệp tiên tiến và Trung Quốc thúc đẩy phát triển những công nghệ năng lượng tái sinh có thể tạo ra một thay đổi lớn lần thứ 6 trong lịch sử phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa của nhân loại (bắt đầu bằng đầu máy hơi nước), mở ra thời kỳ công nghệ mới về năng lượng và năng lượng mới.
Thứ hai, Trung Quốc thực hiện những bước điều chỉnh nội trị và đối ngoại nổi bật trong năm cầm quyền thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình, báo hiệu những chuyển biến sâu sắc trong nền chính trị và đời sống kinh tế, xã hội của Trung Quốc, mà xung lực của những chuyển biến ấy sẽ vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, tác động đến thế giới, khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Với thế hệ lãnh đạo thứ 5, Trung Quốc đi sâu cải cách để giải quyết những hậu quả của cải cách thô, ưu tiên cho số lượng bằng mọi giá, đánh mạnh vào tham nhũng hủ bại, xây dựng “y pháp trị quốc”. Nắm được lòng dân, có trong tay các công cụ chính sách và thủ pháp tổ chức nhân sự, ông Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực một bước đáng kể, cho phép hành động quyết đoán. Vị lãnh đạo Trung Quốc này dường như đang chạy đua với thời gian để đi vào lịch sử Trung Quốc như một nhà cải cách mang dấu ấn Tập Cận Bình. Mục tiêu đề ra hoàn thành xây dựng “xã hội khá giả” vào năm 2020 chỉ còn lại 6 năm với bao điều trở ngại và thách thức đan xen giữa các giá trị truyền thống và hiện đại trong một quốc gia dân số bằng 1/5 nhân loại. Tập quyền có thể là một cuộc thử nghiệm để Trung Quốc giải quyết những vấn đề mới nảy sinh mà sự phân quyền không thể giải quyết, nhưng thành công chắc chắn thì còn phải đợi thời gian, vì 1/5 chưa phải là toàn nhân loại.
Cải cách kinh tế Trung Quốc kết thúc thời kỳ “dò đá qua sông” bước vào “vùng nước sâu” – đòi hỏi chất lượng thay vì số lượng. Ban lãnh đạo mới thể hiện quyết tâm cải cách cơ cấu kinh tế, điều chỉnh mô hình tăng trưởng, thiết lập “thường thái Tập Cận Bình” (Pinormal) – từ phát triển với tốc độ cao sang giai đoạn phát triển tốc độ thấp hơn nhưng ổn định. Ba động lực chủ yếu của tăng trưởng cao là lao động giá rẻ, đầu tư cao và xuất khẩu hàng loạt hàng hóa giá rẻ đã phát huy hết hiệu dụng, Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện hai chủ trương lớn “phát triển miền Tây” và “đô thị hóa”, bên cạnh thu hút đầu tư nội địa và FDI. Đồng thời, Trung Quốc đang thực hiện một bước tiến trong phân công lao động mới với việc chuyển dịch sang các ngành sản xuất cao cấp hơn, thân thiện môi trường hơn (ô tô, công nghệ thông tin, thiết bị năng lượng sạch, v.v…).
RồngTrung Hoa không còn ẩn mình chờ thời. Về đối ngoại, Trung Quốc đang “chủ động tích cực thể hiện”. Tuy nhiên, chính sách láng giềng chưa thu được kết quả như Bắc Kinh mong muốn, do chưa xây dựng được sự tin cậy chiến lược.
Ở Đông Á, Trung Quốc lợi dụng tình hình Mỹ bị co kéo chiến lược toàn cầu và dính líu mới ở Trung Đông và châu Âu đã đẩy mạnh tranh chấp biển đảo, chuyển dịch trọng tâm tranh chấp từ biển Hoa Đông xuống Biển Đông. Trung Quốc có một số động thái xoa dịu chiến thuật đối với một số đối thủ nhằm bảo đảm thành công cho hội nghị thượng đỉnh APEC-22 ở Bắc Kinh; và nhân cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ tại Bắc Kinh ngày 11-12/11 tìm kiếm một tạm ước với Mỹ nhằm xác lập quan hệ nước lớn kiểu mới giữa hai cường quốc. Động cơ của Bắc Kinh không ngoài việc thúc đẩy hình thành một cục diện mới ở châu Á-Thái Bình Dương, thực chất là muốn dùng cơ chế G-2 (Trung-Mỹ) để dàn xếp một trật tự khu vực trong đó Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo. Điều này thể hiện nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), ngày 21/5/2014, khi Chủ tịch Trung Quốc đề cập đến một trật tự an ninh châu Á do người châu Á và của người châu Á: “Các sự việc của châu Á suy cho cùng cần phải dựa vào nhân dân châu Á giải quyết, vấn đề của châu Á suy cho cùng cần phải dựa vào người dân châu Á xử lý, an ninh của châu Á suy cho cùng cũng cần phải dựa vào bản thân người dân châu Á bảo vệ. Nhân dân châu Á có năng lực, có trí tuệ để hiện thực hòa bình ổn định tại châu Á thông qua việc tăng cường hợp tác”[1]. Nhưng đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Bắc Kinh tiếp sau APEC-22, Chủ tịch Trung Quốc lại hoan nghênh Mỹ tích cực tham gia vào các sáng kiến của Trung Quốc tại châu Á, kể cả sáng kiến về “an ninh quan châu Á”[2]. Lời lẽ thỏa hiệp này cho thấy tính thực dụng của ngoại giao Trung Quốc: giữa lúc Mỹ tiếp tục xoay trục sang châu Á và cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc không hề thuyên giảm, thì nhiều dự án lớn của Trung Quốc liên quan tới châu Á-Thái Bình Dương không thể cất cánh được nếu không có sự hợp tác của phía Mỹ. Các quan hệ quốc tế ở Đông Á định hình xu thế hợp tác cứ hợp tác, đấu tranh cứ đấu tranh và một số nước có thể vừa đi với Mỹ về an ninh, vừa đi với Trung Quốc về kinh tế.
Với thắng lợi trong bầu cử Hạ viện trước thời hạn, ngày 14/12,Thủ tướng Abe hy vọng
có thể tìm sức bật mới đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái . (Nguồn:TAKA@P.P.R.S)
Thứ ba, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng nhẹ và không đều so với dự kiến, vẫn còn nhiều rủi ro và diễn biến bất thường.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật tháng 10 của IMF[3] nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2014, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi tháng 7/2014. Nhưng tổng nợ chính phủ toàn cầu năm 2014 tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, ước đạt 100 nghìn tỷ USD[4]. Kinh tế thế giới đang chuyển giai đoạn. Trong năm 2014, nhiều nước tiến hành điều chỉnh cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, đưa ra nhiều giải pháp cải cách toàn diện để thích ứng với giai đoạn mới. Nhưng kết quả cho thấy đây là quá trình cải cách đau đớn, nhiều khó khăn và không dễ đưa lại kết quả ngay.
Kinh tế Mỹ là điểm sáng, thâm hụt ngân sách giảm, thâm hụt thương mại và tỷ lệ thất nghiệp đều giảm, quý III/2014 tăng trưởng GDP 3,5%. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại – quý II/2014 chỉ đạt 7,3% – mức thấp nhất trong 6 năm qua. Trung Quốc đang cố gắng hạ cánh mềm về kinh tế. Lần đầu tiên, Trung Quốc vượt Mỹ về GDP theo sức mua thực tế (PPP). Kinh tế Nhật Bản rơi vào đợt suy thoái thứ tư liên tiếp trong 6 năm trở lại đây, buộc Thủ tướng Abe cho tiến hành bầu cử Hạ Nghị viện trước thời hạn nhằm tìm sức bật mới cho chính sách Abenomics thông qua cải tổ toàn bộ cơ chế kinh tế, xã hội và chính trị Nhật Bản... Khu vực Đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng chững lại, dường như vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng từ 6 năm qua, ngay cả tại những quốc gia vùng trung tâm. Nhịp độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, tiêu biểu là BRICS, đều suy giảm, kinh tế Nga rơi vào tình trạng tồi tệ nhất. Thủ tướng Anh David Cameron đã nhận xét nền kinh tế thế giới vẫn “đang ở mức báo động đỏ”[5].
Một đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới là giá dầu mỏ giảm mạnh: Từ giữa tháng 6/2014, giá dầu thô Brent biển Bắc đã giảm gần 25%, từ 115 USD xuống còn dưới 80 USD/thùng vào giữa tháng 11, và một số vấn đề cơ cấu có thể làm cho giá dầu chững lại ở mức này hoặc thậm chí xuống thấp hơn cho tới tận cuối năm 2015. Cung vượt cầu vẫn là yếu tố chính dẫn tới giá dầu hạ: theo dự tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tăng nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2014 chỉ là 700 nghìn thùng/ngày – chỉ bằng một nửa con số tăng sản lượng dầu lửa thế giới trong năm qua.
Nhiều nhà quan sát tin rằng kỷ nguyên giá dầu thấp có thể đang được mở ra và chắc chắn sẽ tạo ra một số thay đổi quan trọng về địa-chính trị thế giới. Một số nền kinh tế lớn châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ được hưởng lợi từ việc giá dầu hạ, trong khi những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí, như Nga, Venezuela, sẽ gặp khó khăn lớn trong cân bằng ngân sách quốc gia. Giá nhiên liệu giảm có lợi cho người tiêu dùng và với một số nước sẽ trở thành động lực thúc đẩy chi tiêu cá nhân.
Thứ tư, châu Á thức tỉnh về biển.
Tiếp theo Trung Quốc xác định chủ trương trở thành cường quốc biển và nỗ lực mở rộng ảnh hưởng an ninh hàng hải ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, một số nước châu Á khác đã đẩy mạnh chính sách hướng biển. Thế kỷ 21 là “kỷ nguyên đại dương”.
Ấn Độ đã tích cực tham gia vào cuộc cạnh tranh chiến lược để kiểm soát Ấn Độ Dương, liên kết với Thái Bình Dương. Trong 6 tháng đầu cầm quyền, Thủ tướng Narendra Modi đã đề ra học thuyết về biển, đem đến một luồng sinh khí mới cho cách tiếp cận an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Ấn-Thái). Điểm cốt lõi của Học thuyết Modi là tăng cường ảnh hưởng chính trị, kinh tế bằng sức mạnh trên biển, mở rộng hợp tác tương tác với các thế lực trên biển khác trong khu vực, thông qua các các quan hệ tay ba (Ấn-Nhật-Úc) và tay tư (Ấn-Nhật-Mỹ-Úc). Một tác dụng của các liên minh phòng ngừa này là tăng thêm đòn bẩy để tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc trên biển và tại vùng biên giới trên bộ chưa được xác định trên mái nhà thế giới Himalaya, qua đó cải thiện quan hệ và đặt giá với Trung Quốc về kinh tế và an ninh.
Thông điệp của Tổng thống Indonesia Jokowi trong diễn văn nhậm chức ngày 20/10/2014 là một bằng chứng mới nhất về mối quan tâm đến các lợi ích biển của quốc gia có 17.000 hòn đảo. Vị tân Tổng thống Indonesia đã đưa ra một lời cảnh báo thức tỉnh dân tộc: “Chúng ta đã quay lưng lại quá lâu với các đại dương, eo biển và vùng vịnh. Đã đến lúc chúng ta khôi phục lại quyền lực của mình để có thể trở nên thịnh vượng như tổ tiên chúng ta.” Lần đầu tiên một tổng thống Indonesia đưa ra một học thuyết về biển, mà lại nêu lên tại một diễn đàn lớn của khu vực – Thượng đỉnh Đông Á (EAS), trong đó xác định: “Là một quốc gia biển, Indonesia cần phải hành xử với tư cách một Trục hàng hải thế giới (World Maritime Axis). Vị thế này mở ra cơ hội để Indonesia phát triển hợp tác khu vực cũng như quốc tế, đem lại sự thịnh vượng cho nhân dân”[6].
Liên quan môi trường quốc tế của Việt Nam, năm 2014 nước ta đã vượt qua một thử thách đáng kể về an ninh biển, có ý nghĩa nhiều mặt : Cuộc cọ xát 2 tháng rưỡi trong vụ HD-981 cho thấy mức độ nhạy cảm và phức tạp của cuộc xung đột Biển Đông, cũng như nhu cầu cần kết hợp các giải pháp song phương và đa phương cho cuộc xung đột này. Nó còn cho thế giới thấy bản lĩnh Việt Nam. Đó là, Việt Nam biết cách bảo vệ chủ quyền của mình trước các hành vi bạo lực từ bên ngoài. Trong cuộc đấu tranh này, Việt Nam không đơn độc và một nước lớn dù có số lượng tàu thuyển áp đảo, cũng không thể muốn làm gì thì làm. Nó đồng thời chuyển quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sang một trang mới ít mơ hồ ngộ nhận, tạo ra cục diện hợp tác cứ hợp tác, đàm phán cứ đàm phán, đấu tranh cứ đấu tranh. Nó cũng làm chuyển biến cách tiếp cận của Việt Nam về đối tượng - đối tác, nhận thức rõ hơn sự cần thiết tăng nội hàm thực chất của đối tác chiến lược, trong đó cần thiết phải tạo ra lợi ích chiến lược cho các quan hệ đối tác chiến lược.
Trên mặt trận kinh tế đối ngoại, nước ta phát huy được các mặt hàng nhu yếu phẩm đối với người tiêu dùng trong mọi hoàn cảnh của đời sống kinh tế thế giới. Đồng thời ta cũng đã có những mặt hàng mới như điện thoại di động và các mặt hàng điện tử khác. Từ đó đã duy trì xuất nhập khẩu tăng trưởng ổn định (9 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 14,4%, xuất siêu 2,27 tỷ USD).
Bước vào năm 2015, môi trường an ninh và kinh tế đối ngoại của nước ta có nhiều khả năng sẽ không có thay đổi cơ bản so với năm 2014. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam đứng trước một quá trình hội nhập ở cấp độ cao khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào vận hành trong sự liên kết kinh tế sâu rộng. Cùng với châu Á, biển cả vẫy gọi Việt Nam phát triển thành một quốc gia biển mạnh trong “Kỷ nguyên đại dương” thế kỷ 21./.
[1] Xinhuanet.com, ngày 21/5/2014.
[2] Chinanews.com, 12/11/2014: Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, những chủ trương và sáng kiến về “an ninh quan của châu Á” mà Trung Quốc đưa ra, cũng như việc xây dựng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB)… đều tuân thủ theo nguyên tắc mở cửa, bao dung, có nghĩa là Trung Quốc hoan nghênh tất cả những quốc gia liên quan, bao gồm Mỹ tích cực tham gia.
[3] Theo World Economic Outlook của IMF, tháng 10/2014, www.imf.org.
- Không mời thống tướng Myanmar họp: quyết định khó khăn và phi tiền lệ của ASEAN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Người quan sát QPVN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Toàn cảnh thế giới VTV1
- Cố vấn cao cấp Nguyễn Vinh Quang tham gia chuyên mục Người quan sát QPVN
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Câu chuyện thời sự VOV1
- Chiến lược Ngoại giao vaccine: Những yếu tố quan trọng góp nên thành công