Bình luận Thời sự
Bán đảo Triều Tiên: Ngọn gió mới hay cuộc chơi đèn cù?
Ngày 14/8, Đức Giáo hoàng Francis bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày tại Hàn Quốc, quốc gia Đông Bắc Á có 5,5 triệu tín đồ Thiên chúa giáo, chiếm hơn 10% dân số, bên cạnh 8,6 triệu tín đồ Tin Lành, chiếm 18,3% dân số nước này.
Hơn 40 ngày trước đó, hôm 3/7/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm 2 ngày đến Hàn Quốc. Một vị là đại diện tối cao của Chúa; một vị là người đứng đầu nhà nước cộng sản khổng lồ không hẹn mà người nọ tiếp người kia thăm Hàn Quốc, điều ít thấy trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Đức Giáo hoàng Francis đã được đón tiếp hết sức trọng thị. Tổng thống Park Geun Hye ra tận sân bay đón Ngài. Đức Giáo hoàng đã có một thông điệp về hòa bình cho Triều Tiên và Đông Á nhằm thúc đẩy hòa giải và đối thoại. Ngài đã có buổi lễ cầu nguyện cho Hòa bình và Hòa giải, cử hành tại nhà thờ Myeong-dong ở Seoul.
Còn trước đó, Trung Quốc đã ký với nước chủ nhà hàng chục thỏa thuận hợp tác kinh tế; hai bên cam kết thiết lập khu vực mậu dịch tự do (FTA) Trung-Hàn vào cuối 2014 và xây dựng cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ giữa hai bên. Với tư cách là bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc, kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 229 tỉ USD, ông Tập Cận Bình không mấy khó khăn trong việc nâng cao vị thế của Trung Quốc tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Năm 1989, khi Giáo hoàng John Paul II thăm Hàn Quốc, Bắc Kinh đã từ chối cho chuyên cơ của Giáo hoàng bay qua vùng trời Trung Quốc. Lần này thì khác và Người phát ngôn của Tòa thánh Vatican đã gọi đây là một “cử chỉ hòa dịu” giữa Trung Quốc và Tòa Thánh, dù hai bên chưa thiết lập quan hệ ngoaị giao. Khi bay trên vùng trời Trung Quốc, Giáo hoàng đã gửi lời chào tới Chủ tịch Tập Cận Bình: “Tôi xin gửi tới ngài Chủ tịch và nhân dân của Ngài lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi cầu Chúa phù hộ cho hòa bình và thịnh vượng đối với đất nước Ngài”. Người ta hy vọng những cử chỉ thân thiện của các đại diện của hai giòng ý thức hệ khác nhau này có thể sẽ giúp ích cho quá trình hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên.
Nhật Bản chủ động tham gia bàn cờ chính trị Triều Tiên
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ cách 2 ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông qua quyết định tái lập quyền phòng vệ tập thể, mở đường cho việc sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản. Nhật Bản chắc không dừng lại ở việc sửa đổi Hiếp pháp mà chỉ là mở đầu cho một giai đoạn phục hưng mới, khôi phục lại vị thế của đất nước Mặt trời mọc. Chính sách “hòa bình tích cực” và đường lối kinh tế “Abenomics” của Thủ tướng Abe đang bước đầu đơm hoa kết trái mặc dù phía trước vẫn là một con đường dài đầy gian nan. Nhật Bản dường như đang dồn sức lực ứng phó với “mối uy hiếp từ Trung Quốc” và mặt trận ngoại giao chính của Tokyo là khu vực xung quanh Trung Quốc.
Bán đảo Triều Tiên chứng kiến những động thái mới của Nhật Bản, với các cuộc tiếp xúc cấp làm việc và các chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc cấp cao, mà việc giải quyết vấn đề “người Nhật bị bắt cóc” là một chất xúc tác. Tokyo dường như đã sẵn sàng tiến lên và Bình Nhưỡng xem ra cũng không dội nước lạnh vào nhiệt tình của Nhật Bản. Nhật Bản muốn trở thành một nhân tố quan trọng trong cục diện chính trị tại bán đảo Triều Tiên.
Không ít người cảm thấy nhẹ nhõm khi ngày 7/7/2014, Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẽ cử một đội cổ vũ cho đoàn vận động viên nước này sang tham dự Đại hội thể thao Châu Á tại Hàn Quốc vào tháng 9 tới. Nhà lãnh đạo 30 tuổi này có thể là một người hâm mộ thể thao. Nhưng rất có thể, sau 3 năm cầm quyền, ông ta đã đủ bản lĩnh để tiến hành những trò chơi chính trị.
Bên lề diễn đàn ARF tổ chức hai ngày 11-12/8/2014, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong cũng có một cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa ngoại trưởng hai nước trong 10 năm qua. Ngoại trưởng Triều Tiên bày tỏ, cánh cửa đàm phán đi đến chấm dứt hành động thù địch giữa Triều Tiên với Mỹ vẫn luôn mở, đồng thời cũng tái xác nhận “lập trường cơ bản của Triều Tiên cho rằng, phương án có thể chấm dứt mối đe dọa hạt nhân, đảm bảo hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh, đó chính là thực hiện thống nhất bán đảo Triều Tiên”.
Bức thông điệp “thống nhất hai miền Triều Tiên”
Một loạt các cuộc bắn tên lửa ra vùng biển lân cận và đe dọa thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian gần đây có thể đã gây nghi ngờ về sự thành tâm của Kim Jong Un. Nhưng nếu đặt vào vị trí và điều kiện của Triều Tiên hiện nay, “sự nghi ngờ” đó hầu như đã được “bình thường hóa”, vì nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên không có thứ vũ khí nào khác để thực hiện các trò chơi quyền lực chính trị với các đối thủ mạnh hơn Triều Tiên gấp nhiều lần. Triều Tiên đang tồn tại trong một môi trường “Thập diện mai phục”. Dù sao, việc Bình Nhưỡng coi thực hiện thống nhất hai miền Triều Tiên là “phương án có thể chấm dứt mối đe dọa hạt nhân và đảm bảo hòa bình lâu dài” cho bán đảo Triều Tiên cũng là một ý tưởng đáng chú ý, dù người ta vẫn bán tín bán nghi về động cơ đàng sau bức thông điệp “thống nhất” này.
Về phía Hàn Quốc, ngày 13/8, họ đưa ra đề nghị tiến hành hội đàm cấp cao với Bắc Triều Tiên, với một loạt chương trình nghị sự. Hai bên cũng có thể thảo luận vấn đề hủy bỏ cấm vận đối với Bắc Triều Tiên, “xây dựng thể chế hòa bình” và thành lập “Ủy ban trù bị thống nhất” hai miền.
Ngày 15/8, Tổng thống Park Geun Hye nhắc lại: “Tôi hy vọng Bình Nhưỡng sẽ trả lời đề nghị của chúng tôi về các cuộc thảo luận cấp cao, từ đó chúng tôi có cơ hội đối thoại mang tính xây dựng để tiến lên vì một bán đảo Triều Tiên mới”. Trong lễ đón Giáo hoàng ngày 14/8, bà Park nói rõ: “Chúng tôi muốn đi đến thống nhất đất nước nhưng Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân”. Chưa bao giờ người đứng đầu Hàn Quốc lại đưa ra một thông điệp rõ ràng đến thế.
Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng ủng hộ sáng kiến của Hàn Quốc tổ chức hội đàm cấp cao, thúc giục cả Hàn Quốc và Triều Tiên thực hiện các bước đi thiện chí nhằm giúp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nêu ủng hộ các bước đi giúp “giảm căng thẳng” và “cải thiện” quan hệ hai miền chứ không nhắc tới việc “thống nhất” hai miền Triều Tiên. Xét về lâu dài, sự không mặn mà lắm của Trung Quốc đối với sáng kiến thống nhất Triều Tiên có thể là một trở ngại cho quá trình hòa giải hai miền Triều Tiên. Điều này cho thấy mục tiêu của Hàn Quốc và Trung Quốc không hoàn toàn giống nhau và chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua của ông Tập Cận Bình cũng nhằm tới các “đích” riêng. Bắc Kinh mong muốn một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, ổn định nguyên trạng và chấp nhận vai trò chủ đạo của Trung Quốc như thời kỳ trước sự kiện “tàu Cheonan” 2010. Từ sau sự kiện “tàu Cheonan” và vụ Triều Tiên nã pháo vào đảo YonPyong, thế chủ động chiến lược tại bán đảo Triều Tiên hầu như đã tuột khỏi tay Bắc Kinh. Trung Quốc muốn xuay chuyển lại tình thế và họ chọn Hàn Quốc làm điểm đột phá. Trung Quốc cũng muốn nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện” nhằm tách Hàn Quốc ra xa hơn với Mỹ, khoét sâu thêm mâu thuẫn Hàn-Nhật, cô lập thêm Nhật Bản, và tất nhiên còn để răn đe Bắc Triều Tiên. Chắc chắn nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un và các đồng sự của ông đang đánh giá về những nguy hiểm mà quan hệ đang ngày càng khăng khít giữa Trung Quốc và Hàn Quốc có thể tạo ra cho Triều Tiên. Bà Park vốn được coi là có quan điểm gần gũi với Bắc Kinh. Tầm cỡ quan hệ Trung-Hàn mới tất nhiên sẽ giúp bà có thêm đòn bẩy trong quan hệ liên Triều, tạo ra bước phát triển cao hơn cho kinh tế Hàn Quốc và cho việc thực hiện “Sáng kiến Á-Âu” do chính bà đưa ra tháng 10/2013.
Về phía Mỹ, ngày 12/8, Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố: “Tôi muốn nói rõ rằng Mỹ rất sẵn lòng cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế. Nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị tăng thêm áp lực, kể cả thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh hơn, gây thêm cô lập nếu Bắc Triều Tiên chọn lựa con đường đối đầu”.
Chuyển động mới hay trò chơi cũ?
Trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, chưa bao giờ mối liện hệ Mỹ-Hàn-Nhật lại khăng khít đến thế. Tần suất ngoại giao con thoi giữa Mỹ và hai đồng minh Đông Bắc Á này cũng dày đặc hiếm có. Trong bối cảnh đó, đề xuất đối thoại cấp cao giữa hai miền Triều Tiên chắc chắn đã phản ánh sự “đồng bộ chiến lược” của ba bên. Cuộc gặp giữa ba Ngoại trưởng Mỹ-Nhật-Hàn ngày 11/8 bên lề ARF tại Myanmar có thể đã rà soát lần cuối cùng giữa họ trước khi Hàn Quốc đưa ra đề xuất trên. Có vẻ Mỹ đang có thay đổi. Mỹ đã không “trực tiếp” và đang giành nhiều vai trò hơn cho các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này dường như phù hợp với học thuyết đối ngoại mà Tổng thống Obama đưa ra tại Học viện quân sự West Point ngày 28/5 vừa rồi.
Xét cho cùng, Kim Jong Un rất muốn thoát ra khỏi tình cảnh bị ruồng bỏ về chính trị và điêu dứng về kinh tế hiện nay. Điều còn lại là làm thế nào thoát ra khỏi tình cảnh đó mà vẫn giữ được cơ nghiệp nhà họ Kim. Phải chăng, nếu cộng đồng quốc tế đưa ra được một cơ chế đảm bảo an ninh và lợi ích chính đáng của Triều Tiên mà Bình Nhưỡng có thể tin cậy được, họ sẽ có thay đổi? Nhưng, giới hoạch định chính sách của các nước liên quan và dư luận quốc tế hẳn không lạc quan tếu, khi nhìn lại 10 năm qua, những vấn đề cơ bản của bán đảo Triều Tiên vẫn chưa tiến lên được một xăng-ti mét nào.
Dù sao cũng phải ghi nhận những chuyển động lặng lẽ trên bán đảo Triều Tiên. Tuy chúng đang bị các điểm nóng Ucraine, Dải Gaza, tình hình Iraq, dịch Ebola... làm lu mờ. Nhưng biết đâu, những nốt nhạc dạo đầu có thể được triển khai thành một bản hòa tấu rôm rả!
- [Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020] Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh bình luận về cuộc tranh luận đầu tiên
- [Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020] Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh bình luận về cuộc tranh luận cuối cùng
- Thế giới ủng hộ ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Mỹ?
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Toàn cảnh thế giới VTV1
- Giải mã "ngoại giao chiến lang": Từ lần "buột miệng" của ông Dương Khiết Trì ở Hà Nội đến "khẩu chiến" ở Alaska
- Cố vấn cao cấp Phạm Quang Vinh tham gia chuyên mục Việt Nam và Thế giới VTV4